Suy Niệm Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 8: 18-22)

18 Thấy xung quanh có đám đông, Đức Giê-su ra lệnh sang bờ bên kia.19 Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.”20 Đức Giê-su trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”21 Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.”22 Đức Giê-su bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.”

Suy Niệm 1:

Tin Mừng Mt 8: 18-22

Trang Tin Mừng hôm nay nằm trong phần III của Tin Mừng Matthêu với chủ đề ; Rao giảng Nước Trời. Phần này gồm những lời trình thuật về các hoạt động của Chúa Giêsu khi Ngài loan báo Tin Mừng. Ngài đã dùng chính quyền năng và tình thương của Ngài mà làm chứng rằng: Nước Trời đã đến và đang hiện diện giữa trần thế này.Trình thuật Tin Mừng ngắn ngủi nhưng chứa đựng sứ điệp quan trọng và phác họa hướng sống nền tảng cho những ai muốn đi theo Chúa Giêsu, muốn làm môn đệ Ngài. Sứ điệp và hướng sống ấy biểu hiện khá rõ nơi bản văn:

Trước hết, với khẳng định con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu, Chúa Giêsu mở ra viễn ảnh cuộc sống người môn đệ: không vinh vang hoặc dư tràn lợi lộc, nhưng là sự nghèo khó, khiêm hạ, phục vụ và thiệt thòi.

Với một loạt hành vi chữa lành bệnh tật, Mt 8. 18-22 nẵm giữa chương như một  lời nhắc nhở các môn đệ trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng là : Người môn đệ phải bỏ mọi sự.

Chàng thanh niên trong trang Tin Mừng nhanh chóng đáp lại lời mời gọi của Chúa, không như những người khác khi nghe Chúa gọi vẫn còn lừng khừng, băn khoăn. Thái độ nhiệt thành và sức trẻ đã thôi thúc anh bước theo Chúa Giêsu.

Ta thấy khi sự quyết tâm theo Chúa đang cao trào, thì anh bị níu lại bởi cái chết của cha. Anh xin về để chôn xác cha. Anh thấu hiểu đạo nghĩa làm con, anh cố gắng chu toàn bổn phận của một người con, nhưng cũng chính điều này làm cho anh lưỡng lự phải lựa chọn khi được Chúa gọi. Chúa không bác bỏ hành động của anh, nhưng Chúa muốn dạy rằng giữa hai điều lựa chọn anh phải ưu tiên chọn Chúa.

Người được mời gọi đi  theo Chúa chắc chắn là người sẽ bước theo con đường Ngài đã đi : “Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. Chúa không hứa ban cho người muốn bước theo Ngài một sự bảo đảm, an toàn ở cuộc sống trần gian này. Nghĩa là sẽ không có được sự ổn định về nơi chốn, sự an nhàn dễ dãi, nhưng luôn trong tư thế đón nhận những khó khăn thử thách. Người theo Chúa tình nguyện sống từ bỏ, sống vô vị lợi, không bám víu vật chất thế trần.

Người theo Chúa sống giữa thế gian nhưng không theo thế gian ; sống cuộc sống thực tại hữu hình nhưng tâm hồn lại hướng về những giá trị vĩnh cửu trời cao. Người theo Chúa được mời gọi hoàn toàn trao phó đời mình vào bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa.

Câu 19-20 vẽ ra một ơn gọi, nói đúng hơn một việc tự nguyện làm tông đồ, sứ giả cho Tin Mừng không biết được lý do nào thúc đẩy mà ông kinh sư này lại tuyên bố một câu “chắc nịch” ; “Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Lần này, chúng ta thấy Chúa Giêsu không trả lời theo kiểu Ngài đã trả lời cho anh em nhà Giêbêđê khi các ông đòi quyền lợi “ngồi bên hữu, bên tả” trong vinh quang “ Các ngươi có uống nổi chén Ta sắp uống…” (Mt 20,22). Nhưng Ngài trả lời rằng loài vật còn có một nơi nương náu, một cõi đi về như : hang, tổ…còn Con Người không có chỗ tựa đầu. Thật thế, Ngài đã xuống trần sinh trong chuồng bò Belem nghèo hèn :

Khi Mẹ đặt nằm xuống nắm rơm

Máng cỏ làm nôi cũng chẳng buồn….  (Thánh thi Mùa Giáng Sinh)

Ngài chấp nhận thân phận của một người nghèo nhất trong thế giới này.

Trong câu 20, Chúa Giêsu muốn nói: người môn đệ cần thoát ly mọi vấn vương của thế tục : vinh quang, danh dự, thành công… Ngay cả nơi chốn để cư ngụ cũng không đòi hỏi, không màng tới.

Kế đến, qua mệnh lệnh dứt khoát hãy theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết, Chúa Giêsu muốn người môn đệ phải chọn làm điều tốt Chúa muốn anh làm, chọn việc của Chúa ; không làm điều anh muốn (cho dù đó là việc rất tốt), không chọn việc cho Chúa.

Từ câu 21-22, Chúa Giêsu lại vạch ra một cách từ bỏ cao hơn, có lẽ theo quan niệm Đông phương, chúng ta thường chú trọng và đề cao sự thiêng liêng cao quý của gia đình, đề cao tính hiếu thảo của người con đối với cha mẹ. Người ta thường nói: Nghĩa tử là nghĩa tận. Chôn cất cha mẹ khi các Ngài qua đời là báo hiếu. Nhưng Chúa Giêsu lại bảo : “Hãy theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết”.

Lời dạy của Chúa Giêsu như “tiếng xét đánh ngang tai” đối với những ai có lòng hiếu thảo. Xem như Ngài đang đi ngược lại truyền thống cha ông, làm đảo lộn luân lý xã hội. Nhưng thực ra, Ngài muốn đặt lại bậc thang giá trị: Thiên Chúa trên hết và nhấn mạnh tính khẩn cấp của việc loan báo Tin Mừng: không thể chậm trễ, không thể trì  hoãn kéo dài.

Và nếu như đọc thoáng qua trang Tin Mừng này, nhiều người trong chúng ta cho rằng: đó là lời Chúa Giêsu răn dạy các Đức Giám Mục, linh mục hay ít ra là dành cho những người tu trì, bậc sống thánh hiến, vì họ là những người đi rao giảng Tin Mừng.

hật ra, trang Tin Mừng này dành cho mỗi người chúng ta, những người Kitô hữu, những người thuộc về Đức Kitô và trở thành môn đệ của Ngài qua việc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội.

Là những môn đệ của Chúa chúng ta cần siêu thoát với của cải chóng qua này. Dám nói “ không” với những lợi lộc trần gian, trước mãnh lực của đồng tiền cám dỗ mà lỗi đức bác ái. Dám nói “không” khi sống theo lương tâm nơi công sở, trường học, chợ búa. Dám chọn Chúa trên hết nếu có bị áp lực của gia đình mà làm những việc trái với lương tâm người công giáo.

Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Lựa chọn giữa điều xấu với điều tốt, việc lành hay việc dữ, hoặc chọn lựa giữa hai điều tốt… Chọn theo ý mình hay chọn theo thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta luôn phải lựa chọn ngay từ những giây phút đầu của ngày sống. Thế nhưng, đôi khi chúng ta không dám chọn lựa điều tốt, việc lành vì sợ bị thiệt thòi, vì luyến tiếc lợi lộc, của cải; chúng ta chưa dám dứt khoát chọn Chúa vì phải chấp nhận hy sinh, phải nỗ lực cố gắng,…

Lựa chọn đúng giúp ta hành động đúng và tìm thấy hạnh phúc. Có những hạnh phúc chóng qua đạt được bằng những phương thế dễ dãi, gian dối, bất chính và có nhiều người đã chọn. Có những hạnh phúc bền vững, đích thực dành cho những người dám bước qua “cửa hẹp”, sống chân thật, công bằng, hy sinh. Là con cái của Chúa và môn đệ Đức Kitô, đâu là chọn lựa của mỗi người chúng ta ?

Huệ Minh
Noel Quession – Chú Giải
Bài đọc I : St 18,16-33

Chúa phán bảo Abraham : tội lỗi chúng quá nặng nề.

Lạy Chúa, Chúa thật sự coi Abraham như “bạn Chúa”. Chúa thổ lộ cho ông điều chất chứa trong lòng Chúa. Chúa là Thiên Chúa thánh thiện và Chúa không thể thỏa hiệp với sự dữ. Chúa không thể chấp nhận sự ác, bất công, đồi bại. Con người đồi bại, tìm làm điều dữ. Điều đó Chúa chê ghét. Lạy Chúa, Chúa quyết định tiêu diệt sự dữ đang bày ra tại thành Sôđôma đồi bại, và Chúa tiết lộ điều đó cho Abraham.

Lạy Chúa, con có đủ thân tình để Chúa chia sẻ cho cả con nữa, ưu tư thần linh của Chúa nhằm “chống lại sự dữ”, “phát triển sự lành”, trong thế giới, trong thành phố con sống, trong nghề nghiệp con làm. “Tội lỗi chúng quá nặng nề!”.

Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao ?

Abraham cầu bàu cho cả thành ! ông cầu Chúa cho thành, “đầỳ sự dữ” ,”quá ít sự lành”. Hàng ngàn người xấu… và có lẽ được năm chục người lành ?

Đức tin đặt con “vào cuộc đàm thoại với Chúa “, đưa con vào mầu nhiệm “cứu rỗi” nhân loại. Đức tin cho con nhìn thế giới dưới một góc cạnh nào đó : cho con nhìn nó như một thế giới cần được cứu vớt . Một nhân loại phải được giúp đỡ để thoát khỏi sự dữ. Lạy Chúa, Đức tin làm cho con chia sẻ cách nhìn của Chúa. Con khám phá các nẻo đường Chúa. Lạy Chúa, tin Chúa, con chấp nhận quan điểm của Chúa : dầu cho bề ngoài thế nào thì từ thâm sâu Chúa vẫn muốn cứu vớt mọi người ! Và những ai là bạn hữu của Chúa, như Abraham chia sẻ nỗi ưu tư của Chúa.

Hôm Nay, con sẽ làm gì để thành cứu tinh ? Con có thể giúp đỡ ai ?

Dù tội chỉ là tro bụi, tôi đã bắt đầu nói nên tôi xin thưa cùng Chúa tôi.

Abraham cũng thấy mình tội lỗi. Trước mặt Thiên Chúa rất thánh, ông đứng về phía nhân loại tội lỗi khốn cùng, được nắn từ bụi tro. Có lẽ vì đó mà ông bênh vực cho anh em mình ông thấy mình liên đới, có sự dữ nơi mình nữa..

Lạy Chúa, xin giúp con đừng xét đoán, cả khi con “chiến đấu với sự dữ”… khi nghĩ rằng chính con cũng dự phần với tội lỗi này ước muốn cứu vớt người khác của con không hề là một sự trội vượt kiêu ngạo : Bởi vì chính con cũng được hưởng nhờ, mà con muốn chia sẻ với người khác ơn thứ tha của Chúa.

Lạy Chúa, chớ gì đức tin của con giúp con đào sâu tình liên đới với thế giới tội nhân chớ gì con thành thật nói “xin tha nợ chúng con” , cho tất cả chúng con (nhấn mạnh chữ “chúng con”… mà kể con vào số các tội nhân).

Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao ? Vì mười người đó, Ta không tàn phá. 

Trọn tường thuật vươn tới đó. Chính ở đó tỏ lộ ý định sâu xa của Chúa : cuối cùng Chúakhông_ muốn phạt, Chúa muốn cứu vớt và đó đã là Tin Mừng : nhờ “chỉ một người công chính “, Chúa Giêsu mà mọi tội nhân được cứu vớt. Lạy Chúa, mầu nhiệm biết bao lòng nhân hậu Chúa. Vài người công chính cũng đủ để cứu cả cộng đoàn.

Lạy Chúa, xin ban cho con thuộc vào số, “những người biết góp phần cứu độ”… chớ không vào số những người tạo nên cớ để phải chịu nỗi bất hạnh .

Lạy Chúa Giêsu Kitô, con cảm tạ Chúa, Đấng đã hiến mạng vì chúng con.

Xin cho con đừng khi nào kết án, nhưng luôn biết khẩn cầu cho thế giới, như Abraham bạn Chúa !

Hôm Nay, trong gia đình con, trong nhóm con sống, con muốn “lôi kéo ơn tha thứ” cho mọi người.

Bài đọc II : Am 2,6-10.13-16.

Ba tuần lễ cuối đã gợi lại cho chúng ta một bối cảnh lịch sử, ba thế kỷ của triều vua tại It-ra-en thế kỷ IX (trước GS. đến thế kỷ VI trước G.S.). Đó là những thời kỳ rối loạn như thời chúng ta : Chiến tranh thế giới, đấu tranh xã hội, xung đột chính trị, rối loạn tôn giáo.

Trong bối cảnh này các người của Thiên Chúa, các vị ngôn sứ can thiệp vào. Chúng ta sẽ nghe tiếng họ kêu lớn, trong tám tuần lễ sắp tới : Amos, Osée, Isaia, Michée, Jérémia, Nahum, Habaène, Ezékiel. . . .

Tất cả đều chiến đấu bằng tay không “không có vũ khí họ chỉ chiến đấu bằng lời cầu nguyện và ngôn- từ. Họ là những chứng nhân vĩ đại của Thiên Chúa trong suốt lịch sử : Họ bênh vực đường lối Thiên Chúa (là Giao ước như lời họ nói) bằng cách bênh vực kẻ nghèo hèn và những người bị áp bức bênh uực công lý như người thời nay thường nói).

Tuần này chúng ta nghe ngôn sứ Amos, con người khắt khe và can đảm tuyên sấm trong vương quốc Samari dưới thời Jénéboam II (từ năm 784 đến năm 744).

Lời của Giavê.

Đó là điệp khúc đóng lên như tiếng kèn đồng, để thức tỉnh các lương tâm. Các ngôn sứ can đảm không những nói về Thiên Chúa mà còn nghĩ rằng mình : nói nhân danh Người: Thiên Chúa nói qua họ. Thánh Gioan Tẩy Giả đã nói : “Tôi là tiếng kêu…”

Tuy nhiên Amos chỉ là một chàng mục tử ở Tekoa, một làng nhỏ về phía đông nam cách Bêlem 9 cây số (Am 1,1).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con nghe tiếng Người qua tiếng nói của anh em chúng con. Xin cho chúng con biết trân trọng lời nói của kẻ khác, vì có thể đó là tiếng vang của lời Người.

Vì ba tội ác của Israel, và vì bốn tội. Ta sẽ không hối lại.. Ta sẽ đè bẹp các ngươi tại chỗ như chiếc xe chở đẩy lúa đè bẹp.., kẻ lanh chân cũng không thể chạy trốn, người kỵ mã cũng vô phương thoát mạng, và người anh hùng gan dạ nhất cũng chạy trốn mình trần… trong ngày ấy.

Amos là một hoạ sĩ hiện thực của nền văn hóa. Với những hình ảnh sống động, ông mô tả cái thảm họa lịch sử sắp xảy đến, nếu người ta không biết hoán cải. Ngày Nay, chúng ta đừng dễ tưởng rằng các “ngôn sứ ưa gieo họa”, đã sống trong một thế hệ khác với chúng ta và lời lẽ của họ là quá đáng. Đức Giêsu đã không nói khác chính, người cũng đã nói : “Nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ chết y như vậy” (Lc 13,5).
Ngày của Chúa sẽ là một ngày mà người ta không còn coi thường Người được nữa. Ngày ấy không ai sẽ thoát khỏi thần công lý. Nhưng bốn thứ tội ác nào đã làm ông Amos nổi giận ? Và theo ông các tội ấy cũng làm Thiên Chúa nổi giận?

1. Vì chúng bán người công chính bằng giá tiền, và bán người nghèo đễ đổi lấy một đôi giày.

2. Vì chúng nghiền nát đầu kẻ nghèo hèn và làm cho kẻ khiêm hạ đi lạc đường.

3. Vì cả con lẫn cha đều đi đến một cô gái để xúc phạm đến thánh danh Ta

4. Vì chúng nằm kề bàn thờ trên những chiếc áo cầm nợ, và uống rượu của những kẻ chúng bắt phạt vạ…

Bất công xã hội. Các thẩm phán thối nát. Tính dục hố băng. Ham mê khoái lạc, xã hội chỉ lo hưởng thụ. Không, người ta không đùa dai với Thiên Chúa được đâu. Thiên Chúa ủng hộ cho nền luân lý tự nhiên nhất : Ta sẽ bị phạt, nếu ta coi thường tiếng lương tâm.

BÀI TIN MỪNG : Mt 8,18-22

Thấy xung quanh có đông dân chúng Đức Giêsu ra lệnh sang bờ bên kia.

Có phải Chúa Giêsu và các môn đệ muốn rời bỏ khung cảnh quen thuộc, cần tìm sự thinh lặng và bầu khí cô tịch không ?

Tôi thử tìm hiểu tâm tình thâm sâu của Đức Giêsu, Người đưa ra quyết định đó . Qua những lời trên , Thần khí Đức Giêsu gợi lên trong đầu óc tôi ý nghĩ gì . . . Để có sự quân bình nhân bản, thể xác cũng như tinh thần, đôi khi tôi cần phải có quyết định. Tôi đã sử dụng thời gian nghỉ ngơi, giải trí, hè trại ra sao ?

Có một kinh sư tiến đến thưa Người rằng : Thưa Thầy. Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.

Thật là tuyệt : Một người muốn theo ” Đức Giêsu. Đời sống Kitô hữu cũng như thế theo một ai đó. Chứ không hẳn là nắm vững.

Những nguyên tắc : có thể giản lược đời sống Kitô hữu vào một thứ “luân lý”.

– Một số tín điều : có thể giản lược đời sống Kitô hữu vào những lược đồ tư tưởng…

Kitô hữu là người theo Đức Giêsu . . chia sẻ cuộc sống của Người …bắt chước Người. Khoa giáo lý ngày nay thường nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh này : Đức tin không chỉ là một “hiểu biết”, giáo lý không hẳn là một trường lớp dạy trẻ em các chân lý, nhưng đúng ra đó là một cuộc thực tập “sống với” Đức Giêsu.

Đức Giêsu Kitô chiếm chỗ nào trong đời sống của tôi ?

Người có thực sự là bạn đời của tôi không ?

Tôi đã dành thời gian để ‘”sống với ” Người như thế nào ?

Đức Giêsu trả lời :Con chồn có hang, con chim có tổ nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.

Bản năng hướng tới an toàn, nhu cầu muốn được ổn định , đã được in sâu trong bản tính con người. Con người luôn kiếm tìm một nơi ẩn náu, nhà ở, chỗ cư trú thuộc riêng mình, muốn được quyền sở hữu các đồ vật. Chính con vật cũng có bản năng chiếm hữu và thích an toàn như thế : Chúng bảo vệ sự sống cho con cái bằng cách giành chiếm những vùng đất ở, những tổ mương đậu cách ổn định, êm ấm.

Còn Đức Giêsu, từ khi rời bỏ mái ấm gia đình Nadarét để lại nhà người mẹ cô độc. . . Người không biết tới nhà ở, sống đời du mục, lang thang nay đây mai đó : “Tôi đây không có chỗ tựa đầu”. Người khước từ tổ ấm, mọi quyền sở hữu. Tôi muốn chiêm ngắm Đức Giêsu đang sống như thế đó. Nếp sống của Người có mời gọi tôi thực hiện điều gì không ?

Lạy Chúa hầu như con chỉ trích sống tiện nghi.

Chắc chắn ông Kinh sư đã đơn sơ tưởng rằng, theo Đức Giêsu thì cũng dễ thôi. Nhưng Người không sơn son thếp vàng địa vị để thu hút ông ta, như kỹ thuật quảng cáo ngày nay thường làm, Người chỉ đưa ra cho ông ta những yêu sách.

Lạy Đức Giêsu, theo Chúa, bó buộc phải chọn lựa, nhất định phải khước từ mọi sự vật, phải dứt bỏ nếp sống quá thoải mái sung túc ở đời. Thánh giá hiện hình trên mọi ơn gọi. Theo Đức Giêsu , nghĩa là khởi sự cùng sống với Người một tương lai bị kết án tử, chấp nhận sự thiếu an toàn. ..không bảo đảm một chỗ tựa đầu.

Nhưng, lạy Chúa. Chúa là người đầu tiên đã bước đi trên con đường đó. Chúa chỉ yêu cầu điều mà chính Chúa đã sống. Trong suốt dòng lịch sử thời nào cũng có những tâm hồn nhiệt tình đáp lại lời mời gọi trên, khấn sống khó nghèo. Những lời mời gọi đó cũng được trao gửi cho mọi người, cụ thể là những người đang mang trách nhiệm gia đình .

Một môn đệ khác thưa với Người : ‘Thưa Thầy xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã Đức Giêsu bảo : “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết”. 

Sau khi mời gọi dứt bỏ “tài sản”, giờ đây Đức Giêsu lại kêu mời từ bỏ “gia đình”. Và đây không phải là đoạn Tin Mừng duy nhất bàn về vấn đề này.

Giáo phận Nha Trang – Chú Giải

Mt 8,18-22

Người môn đệ phải bỏ mọi sự …

HOÀN CẢNH:

Trong đám đông dân chúng đông đải đi theo Chúa, các môn đệ và dân chúng chưa được phân cách khỏi nhau. Giờ đây, sau khi giảng dậy và làm nhiều phép lạ để củng cố niềm tin cho dân chúng, Đức Giê Su tách biệt các môn đệ ra một nơi thuận tiện để khơi dậy ơn gọi theo Chúa.

Ý CHÍNH :

Bài Tin-Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giê Su đòi hỏi các môn đệ theo người phải có tinh thần từ bỏ.

TÌM HIỂU :

18 “Thấy xung quanh có đám đông…”:

Thấy dân chúng đi theo người rấy đông, Đức Giê Su liền tách các môn đệ ra, tới vùng dân ngoại gọi là miền Thập Tỉnh để có cơ hội và bầu khí thuận tiện để giáo dục các môn đệ và những điều kiện phải có để đi theo làm môn đệ của Người.

19 “Một kinh sư tiến đến….”:

sau bài giảng trên núi và nhất là sau những phép lạ Chúa chữa lành nhiều bệnh nhân, danh tiếng Đức Giê Su đã lừng lẫy khắp nơi. Có nhiều người theo làm môn đệ Chúa. thậm chí ở đây, cũng có cả luật sĩ đến đi theo làm môn đệ Chúa.

20 “Con chồn có hang, chim trời có tổ…”:

Chúa đòi hỏi người muốn theo làm môn đệ Chúa phải quyết liệt từ bỏ mọi tiện nghi đời sống, nghĩa là phải hoàn toàn thanh thoát với trần thế để thong dong theo Chúa.

21 “Một môn đệ khác, thưa với người …”:

người thứ hai muốn đi theo Chúa nhưng chưa chuẩn bị để theo Chúa ngay được vì còn phải chu toàn bổn phận đối với cha mẹ song đã. Người thứ hai này còn bị cản trở do tình cảm đối với gia đình.

22 “Anh hãy đi theo tôi….”:

Ơ đây Chúa đòi hỏi phải từ bỏ mọi tình cảm làm phân tâm, kể cả tình cảm đối với gia đình khi tình cảm này làm ngăn trở theo Chúa. đòi hỏi của Chúa ở đây có nghĩa là : khó nghèo về vật chất và từ bỏ tình cảm đối với gia đình, không hẳn vì khổ chế cá nhân, nhưng vì sự tự do tâm linh để người môn đệ sống và hành động hoàn toàn cho Nước-Trời.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :

Câu chuyện về hai người đến xin theo Chúa Giê-su là cơ hội để ta suy nghĩ về ơn gọi, về việc đi theo Chúa.

1. Sau khi nghe Chúa gọi, hoặc sau khi ước muốn đi theo Chúa, người được gọi cũng cảm thấy phải đứng trước nhiều đòi hỏi. Đối với hai người xin đi theo Chúa Giê-su cũng đòi hỏi từ bỏ của cải, sự an toàn, sự cố địng và từ bỏ cả gia đình nữa. Chúa đòi họ sống thanh thoát tuyệt đối, không còn bám víu vào của cải, không còn lo toan việc đời để được hoàn toàn tự do và thanh thoát theo Chúa và làm việc cho Chúa.

2. Chúa Giê-su đòi hỏi các môn đệ như vậy vì Người muốn thẳng thắn nêu sự thật vừa để thử thách ý chí và quyết tâm của người môn đệ, vừa để người môn đệ tự nguyện chọn lựa trong sự nhận biết rõ ràng.

Lý do thứ hai : vì đây là vấn đề tình yêu, mà tình yêu đương nhiên đi kèm với từ bỏ hy sinh để có Chúa là hạnh phúc lớn hơn.

Lý do thứ ba : vì Chúa và đời sống bên Chúa là giá trị cao quý, là kho tàng vô giá, người ta có thể mất mọi sự để mua lấy, vẫn không bị thua lỗ.

Cuối cùng vì chính Chúa Giê-su đang từ bỏ mọi việc để lo chuyện Nước-Trời và lo cho phần rỗi mọi người. Những đòi hỏi của Chúa Giê-su không có tính cách khắc khe, nặng nề, nhưng là điều kiện để người môn đệ nên giống Chúa hơn và trung thành thi hành sứ mạng Chúa muốn trao phó.

1 . Dĩ nhiên, đứng trước ơn gọi và những đòi hỏi của nó, có người đã chấp nhận và có kẻ khước từ. Hai người trong đoạn Tin-Mừng hôm nay thuộc hạng chỉ nổi hứng chóng qua, ban đầu hí hửng muốn theo Chúa, nhưng về sau không trở thành môn đệ được vì không đủ sự thực lòng và quyết chí, thiếu sẵn sàng và thiếu dấn thân.

2. Qua bài Tin-Mừng mừng hôm nay, mỗi người nhìn lại ơn gọi của mình :

– Ơn gọi làm Ki-tô hữu : Chúng ta có thực sự trung thành với phẩm chất của người Ki-tô hữu là ánh sáng thế gian, là men trong bột và là muối ướp thế gian hay đã bị mờ tối, bị hư thối và bị biến chất vì ham mê thế gian, xác thịt và nô-lệ cho ma quỷ?

– Ơn gọi tu sĩ : nghiệm xem vật chất, thú vui da thịt hay ý riêng đã làm biến chất căn tính của người tu sĩ của mình không ?

– Ơn gọi theo nghề nghiệp : nghiệm xem chúng ta có giữ được đúng lương tâm nghề nghiệp hay đã bị lợi nhuận của vật chất, hay địa vị và danh vọng làm mất ý nghĩa và phẩm giá của mình ?

HTMV Khóa 10 – ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn