Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 17: 22-27)
22Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, 23họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy”. Các môn đệ buồn phiền lắm. 24Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?”. 25Ông đáp: “Có chứ!”. Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?”. 26Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài”. Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. 27Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”.
Lời Chúa hôm nay gợi lên hai điều để chúng ta suy nghĩ. Trước tiên, việc Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ về cái chết và phục sinh của mình. Điều này được các tác giả Tin Mừng nhắc đến qua các trang cuối trình thuật Tin Mừng của mình, cho thấy Ngài thật là Con Thiên Chúa làm người, được sai xuống thế để hoàn tất kế hoạch cứu chuộc loài người. Phép lạ Ngài sẽ làm khi bảo Phêrô ra biển thả câu để lấy đồng tiền bốn quan trong miệng con cá lần nữa xác nhận nguồn gốc và căn tính của Ngài (Mt 17, 27).
Các điều này cho thấy Chúa Giêsu, vốn là Con Thiên Chúa, nhưng khi đã nhập thể làm người, thì Ngài chấp nhận chịu cùng một số phận với con người, đó là cái chết. Tuy vậy, đó là cái chết cứu độ nhân loại. Kế đến, việc Chúa Giêsu nộp thuế phần của mình và phần của Phêrô cho thế quyền Rôma, cho thấy Ngài tôn trọng quyền bính nhân loại, chu toàn nghĩa vụ của một công dân trong một quốc gia, cũng như chu toàn bổn phận trần thế của mình (Mt 17, 27c). Hơn nữa, điều đó còn cho thấy Chúa Giêsu đã thực sự trở nên như mọi người, sống gần gũi với con người chứ không xa cách họ.
Chúa Giêsu loan báo sự đau khổ và sự chết của Người sắp chịu. Ngài tâm sự nỗi đau khổ thầm kín của Người cho các môn đệ, một đàng có tính cách loan báo và một đàng để chia sẻ với người thân. Tuy nhiên các môn đệ không hiểu nỗi khổ của Người nên Người phải kiên nhẫn chịu đựng thêm. Cũng vậy chúng ta phải can đảm chịu đựng những thái độ dửng dưng hoặc hiểu lầm của những người thân về những đau khổ kín đáo của mình. Xin cho chúng ta luôn nhớ rằng Thập gía là con đường dẫn tới vinh quang, vì có nhớ như thế con người mới có thể lạc quan vác Thập giá theo Chúa.
Chúa Giêsu nói : “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Một “Thiên Chúa” bị nộp vào tay “con người”, chuyện ngược đời ! Trong bữa tiệc ly Ngài nói “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp…” Ngài cứ lặng thinh cho tới lúc bị nộp vào tay đám “quân dữ” theo sau Giu-đa, đảo lộn hết cả, uy quyền của Thiên Chúa đâu rồi ?
Một sự trùng lập giữa chuyện “nộp mình” và “nộp thuế” của Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay. Các nhân viên thu thuế đền thờ có vẻ ì xèo đánh tiếng hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Chẳng biết vì nể hay sợ “tai tiếng” ông đáp: “Có chứ !” Ông về đến nhà Đức Giê-su liền hỏi đón mà chất vấn luôn: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao ? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế ? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn”. Ông hiểu vậy là không phải nộp, nhưng “để khỏi làm gai mắt họ”, Ngài chỉ cho ông tìm cách xoay sở để nộp thuế đền thờ đầy đủ cho cả Thầy và trò. Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa, là chủ đền thờ, không cần phải nộp thuế, người nhà mà lị ! Nhưng Ngài đã vượt lên trên bổn phận, không nại vào luật lệ để tránh né, nhưng trong khiêm hạ và tuân thủ như một người Do-thái bình thường. Ngài xuống thế nhập thể để sống trọn kiếp người trong trần gian với tất cả hệ lụy của nó.“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế (Pl 2, 6-7).
Là Kitô hữu, hằng ngày cầu nguyện với Lời Chúa, giúp ta biết suy nghĩ sâu xa về sự sống, sự chết theo lời dạy của Chúa và Giáo Hội. Hãy phó thác và tin tưởng trong tay Ngài. Tất cả đều là hồng ân Ngài ban. Hãy thinh lặng lắng nghe tiếng nội tâm, để Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta ý thức và tự kiểm soát lấy mình, không để những suy nghĩ lệch lạc lôi cuốn, ta sẽ cư xử với mọi người hòa ái hơn.
Niềm tin Kitô giáo giúp chúng ta tránh đam mê những hạnh phúc giả tạo ở đời này và thúc đẩy chúng ta hãy can đảm chịu đựng những đau khổ để kết hợp đau khổ với Đấng Kitô, và biết đến ích lợi của cuộc đời, phải đi qua đau khổ để vào vinh quang với Ngài. „Nếu có lúc con đau khổ xao xuyến, xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu, Chúa đã buồn muốn chết được. Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây con, xin nhắc con nhớ rằng: Trên Thập Giá, Chúa đã thốt lên: „sao Cha bỏ con.
Điều này luôn luôn không phải dễ làm, nhưng khi ta cầu nguyện, suy niệm về cái chết, Chúa sẽ nhắc nhở mình về sự mong manh và ngắn ngủi của cuộc đời, ta sẽ tự chế và ăn nói với sự dịu dàng hơn, sẽ biết sống đẹp lòng Chúa hơn. Chúng ta biết khi chết là lúc chúng ta về với Chúa và sẽ được sống lại với Ngài trong vinh quang thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhân cái chết hơn.
Cái chết luôn bình đẳng cho tất cả mọi người, cho nên ta hãy chọn cách tốt nhất là sống theo Lời Chúa dạy, sống tỉnh thức, sống ý thức, sống yêu thương từng giây phút với hết sức lực, hết trí khôn của mình. Hơn nữa, dù có lo hay không lo, tất cả chúng ta đều sẽ già và chết. Ta sẽ nhẫn nại hơn, sẽ bao dung hơn , tử tế hơn , dịu dàng hơn, dẽ dàng tha thứ hơn đối với bản thân ta và đối với người khác. Cuộc đời thật sự hạnh phúc và có ý nghĩa hơn. Lòng thương yêu từ con tim nhân ái sẽ đâm chồi nở hoa, và khi cái chết đến chúng ta sẽ không có gì ân hận.
Và rồi Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, trước là hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu, sau là hãy sống theo như đời sống và lời dạy của Ngài. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một lối sống để đạt được hạnh phúc đời này lẫn đời sau, đó là chu toàn bổn phận trần thế của mình theo tinh thần Phúc Âm. Đó là không sống theo kiểu mơ tưởng bỏ bê công việc thuộc trách nhiệm của mình, nhưng chú tâm hoàn thành nó một cách đầy ý thức và trách nhiệm. Đó là không sống khước từ hay loại trừ người khác, nhưng yêu thương và ân cần nâng đỡ, chia sẻ với họ, nhất là những người khổ đau, nghèo đói. Đó là thái độ tôn trọng quyền bính và luật lệ hợp pháp chính đáng của quốc gia mình cư ngụ. Và, nếu Chúa Giêsu đã chịu hạ mình xuống để tuân giữ lề luật nhân loại, thì chúng ta cũng vậy, để trở thành công dân Nước Trời, ta hãy tỏ lòng thần phục Thiên Chúa và tôn trọng Lề Luật của Người.
Huệ Minh