Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 12: 38-42)
Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng tôi muốn Thầy làm một dấu lạ”. Người trả lời: “Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ; nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Giona. Đến ngày phán xét, Nữ Hoàng Phương Nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này, và lên án nó: vì bà từ biên thùy trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Salomon”.
SUY NIỆM 1
Tin Mừng Thánh Mátthêu (Mt 12: 38-42)
Trang Tin Mừng hôm nay theo Thánh sử Matthêu nói về chủ đề Mầu nhiệm Nước Trời.
Chúa Giêsu đã rao giảng Mầu Nhiệm ấy bằng chính lời nói và hành động của Ngài. Với các phép lạ xua trừ ma quỉ, chữa lành bệnh tật…, Ngài minh chứng Nước Trời đã hiện diện, nhưng người Do Thái một mực cứng lòng. Họ phủ nhận quyền lực Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa, cho đó là do tướng quỉ giúp sức. Cứ sau một phép lạ chữa lành là người Do Thái đều bàn kế lập mưu giết Chúa Giêsu.
Hôm nay, sự ghen tức và độc ác đã lên đến cao điểm, đến độ họ đòi Chúa Giêsu “trình diễn” một dấu lạ để minh chứng : Ngài đến từ Thiên Chúa. Chúng ta sẽ thấy phản ứng của Chúa Giêsu ra sao trước đòi hỏi quái ác này.
Các kinh sư và người pharisiêu yêu cầu Chúa Giêsu “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ” (c. 38). Khi họ thốt lên những lời này, không phải để củng có niềm tin yếu kém của họ nhưng chỉ là một sự thách thức. Vô Tình, họ đã giẫm phải bước của cha ông họ xưa kia, khi thách thức Thiên Chúa trong sa mạc, trên đường về Đất hứa.
Đó cũng là âm mưu của ma quỉ đã thách thức Chúa Giêsu trong sa mạc trước khi Ngài ra đi loan báo Tin Mừng. Và Chúa Giêsu đáp : “Thế hệ gian ác và ngoại tình này”. Ngài đã nhìn rõ chân tướng của họ đầy gian ác khi lập mưu tính kế hại người anh em đồng loại chỉ vì ghen tỵ. Họ đầy sự “ngoại tình” vì không tin tưởng vào quyền năng và ơn cứu độ của Thiên Chúa đã đến trần gian qua Con Người Giêsu. Đối lại thái độ đòi hỏi dấu lạ nhãn tiền của họ, Chúa Giêsu buộc họ phải có lòng tin. Nhưng họ vẫn cứng lòng.
Vì thế, Chúa Giêsu nói : họ chỉ có thể thấy “dấu lạ Giôna” mà thôi. Và Ngài tiên báo : như Giôna trong bụng cá ba ngày, Con Người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy (c. 40).
Ở đây, Ngài so sánh mình với ngôn sứ Giôna. Một ngôn sứ chỉ rao giảng Lời Chúa mà dân thành Ninivê hối cải, không cần phép lạ hay dấu chỉ nào, vì họ tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.
Thật vậy, Chúa Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại mà Thiên Chúa đã sai đến cho dân Người, dân Israel. Ninivê ăn năn trở lại vì họ nhận ra Giôna là ngôn sứ của Chúa Giêsu. Còn người Do Thái vì không muốn ăn năn hối cải nên họ phủ nhận vai trò ngôn sứ của Chúa Giêsu. Họ giả điếc làm ngơ để không phải thống hối ăn năn, vì Dân chúng còn nhận ra nơi Chúa Giêsu “không có ai ăn nói khôn ngoan như ông này” và “Người giảng dạy như Đấng có Thẩm quyền” (Mt 7,29), thì có gì mà các kinh sư và người Pharisiêu là những kẻ thông luật, lại không biết có một vị ngôn sứ cao cả ở giữa họ. thậm chí Người Pharisiêu là những kẻ thông luật, lại không biết có một vị ngôn sứ cao cả ở giữa họ, thậm chí Ngài đã tỏ ra mình là Đấng Mêsia đến từ Thiên Chúa qua đời sống của Ngài hay sao?
Con Người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm, ý Chúa Giêsu tiên báo về sự Phục Sinh của Ngài sau cái chết trên Thập giá. Phục Sinh là cao đỉnh và là dấu lạ vĩ đại nhất khẳng định thiên tính của Chúa Giêsu: Người chính là Thiên Chúa và đến từ Thiên Chúa. Ngài là Chúa của kẻ sống và kẻ chết. Ngài chiến thắng và thống trị tội lỗi, ma quỉ và sự chết. Dấu lạ về sự Phục Sinh của Ngài do chính Ngài tiên báo và hành động. Ngài vừa là người rao giảng và cũng là người làm chứng về sự kiện này. Vậy mà người Do Thái vẫn cứng lòng.
Trong câu 41. Chúa Giêsu cảnh thức họ về hậu quả của sự cứng lòng : Dân thành Ninivê sẽ kết án người Do thái đã không tin vào vị ngôn sứ cao cả hơn Giôna nhiều. Họ kết án người Do Thái vì xưa kia chỉ cần một lời giảng của Giôna mà họ đã thay đổi toàn bộ đời sống, bỏ đường tội lỗi mà quay về nẻo chính đường ngay. Còn ngày nay, người Do Thái chứng kiến biết bao dấu lạ Chúa Giêsu làm, cùng ăn cùng sống với Chúa Giêsu nghe những lời giảng dạy đầy tình thương và uy quyền của Ngài mà vẫn lòng chai dạ đá, thì không bị kết án sao được?
Chúa Giêsu còn so sánh mình với một nhân vật nổi tiếng khôn ngoan trong dòng lịch sử cứu độ. Vua Salômôn. Sự khôn ngoan này được Thiên Chúa ban cho, nhưng ông chỉ là một con người, thế mà Nữ Hoàng Phương Nam đã cất công đến tận nơi học hỏi sự khôn ngoan từ một con người ấy, mặc dù bà ở rất xa…và Chúa Giêsu khẳng định : Ngài còn hơn cả Salômôn nữa (c.42).
Qua 2 câu cuối, chúng ta thấy Chúa Giêsu không úp mở hay che giấu danh tánh của Ngài. Ngài xác định : Ngài là vị ngôn sứ, là Đấng Mêsia đến từ Thiên Chúa và hơn thế nữa Ngài là Thiên Chúa có quyền trên sự chết. Thật ra, khi đọc xong bài Tin Mừng này, chúng ta mới thấm thía câu nói của Thánh Sử Gioan “ Ngài đến nhà mình mà người nhà không tiếp rước” (Ga, 1,11). Thiên Chúa yếu đuối là thế đấy. Ngài đón nhận và chờ đợi sự tự do đáp trả của con người, mặc dù Ngài có quyên để làm mọi sự.
Và rồi ta thấy Chúa đã hạ mình làm một người phàm như chúng ta. Một sự hạ mình quá đỗi. Hơn nữa, ngày nay vì yêu chúng ta, Ngài đã trở nên của ăn nuôi dưỡng chúng ta trong Bi Tích Thánh Thể. Ngài không còn là một con người bằng xương bằng thịt nữa, nhưng trở nên tấm bánh nhỏ bé, tầm thường, mỏng manh…. Xin cho chúng ta biết nhận ra Tình Yêu vĩ đại của Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể, một Tình Yêu chờ đợi sự đáp trả.
Huệ Minh
SUY NIỆM 2
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những người kinh sư cũng như những người Pharisêu đều cứng lòng tin, họ đòi hỏi Chúa Giêsu làm dấu lạ trên trời với giọng thách thức, vì họ không tin. Chúa Giêsu đã trả lời: “Không có phép lạ nào cả, ngoài phép lạ nơi tiên tri Giona”. Giona đã nằm trong bụng kình ngư ba ngày; rồi sau đó rao giảng sự ăn năn thống hối cho dân thành Ninivê sám hối; trong khi đó, dấu lạ của Chúa Giêsu còn hơn Giona, nhưng người Do Thái vẫn không tin những lời Người rao giảng sau khi đã chứng kiến bao nhiêu phép lạ.
Sự cứng lòng tin của Do Thái đã bị phán xét 40 năm sau đó: Tướng Titus đã dẫn quân đến phá hủy đền thờ không hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Thế gian cũng đã bị phán xét khi Chúa đã sống lại. Chúng ta thấy điều làm Chúa đau khổ nhất đó chính là sự cứng lòng tin.
Niềm tin của chúng ta ngày hôm nay nhiều lúc cũng như thế, nhiều lần chúng ta cũng đã đòi Chúa ban cho ta phép lạ nào đó, nhiều lúc chúng ta đã mặc cả với Chúa trong lúc cầu nguyện. Chúng ta muốn tin vào Chúa và theo Chúa, nhưng lại với điều kiện Chúa ban ơn cho ta trước, mà những ơn đó nhiều lúc lại chẳng cần thiết cho sự sống linh hồn chúng ta. Chúng ta muốn Chúa thực hiện theo ý chúng ta trước khi chúng ta vâng theo ý Chúa.
Ngay cả thời đại ngày hôm nay, Chúa vẫn đang âm thầm hoạt động. Xin Chúa mở con mắt đức tin của chúng ta, để chúng ta thấy được nhiều dấu lạ trong thế giới hôm nay: một Giáo Hội mỗi ngày một tăng trưởng, một tình thương ngày càng lan rộng và chung quanh chúng ta, biết bao người đang sống gắng bó mật thiết với niềm tin vào Chúa là Đấng tử nạn và phục sinh.
Lạy Chúa, trước những dấu lạ đó, xin cho chúng con được noi gương dân thành Ninivê, biết thống hối ăn năn. Xin Chúa cũng cho chúng con biết đón nhận lời khôn ngoan của Chúa và hết lòng tín nhiệm nơi Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường