Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 7: 1-10)
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ, một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do Thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, tôi có những người lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi, bảo người khác lại, thì nó lại, và bảo đầy tớ tôi làm cái này thì nó làm”. Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.
Suy niệm
Qua trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta chứng kiến một lòng tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng ngoại giáo.
“Xin Ngài chỉ nói một lời”. Lời thỉnh cầu của viên bách quản gợi lại câu Thánh vịnh 106: “Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị”. Qua lời thỉnh cầu này, viên bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời Chúa trong cuộc sống chúng ta.
Với lời thỉnh cầu này, viên bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời Chúa trong cuộc sống chúng ta.
Biết Chúa Giêsu là người đầy quyền năng, ông đại đội trưởng đã đến xin Người chữa cho người đầy tớ của ông bị chứng tê bại nặng. Trước thái độ tin tưởng của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu hết sức thán phục và khẳng định với đám đông dân chúng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. Theo nguyên tắc của Do Thái giáo, đại đội trưởng là một người ngoại đạo sẽ bị loại ra khỏi Vương quốc; và nếu một người Do Thái vào nhà một kẻ ngoại đạo sẽ bị coi là kẻ ô uế.
Nơi viên đại đội trưởng này, ngoài đức tính can đảm, khôn ngoan của các đại đội trưởng Roma, ông còn là người yêu thương đầy tớ, đang khi thời ấy đầy tớ bị coi như một đồ vật! Với Chúa Giêsu, ông tỏ ra rất khiêm tốn: xin Ngài đừng đến nhà mình vì biết người Do Thái không được phép đến nhà người ngoại giáo. Ông còn chứng tỏ một niềm tin mạnh mẽ: là sĩ quan, ông hiểu rằng mệnh lệnh của ông phải được thi hành ngay tức khắc, huống chi lệnh truyền của Chúa Giêsu! Rốt cuộc, ông đã nhìn thấy kết quả điều mình tin: người đầy tớ được chữa lành.
“Đức tin làm cho mọi sự có thể, còn tình yêu làm mọi sự trở nên dễ dàng.” Sở dĩ viên đại đội trưởng Roma ấy hạ mình đến với một thầy rápbi Do Thái vì ông thương mến người đầy tớ. Sở dĩ người đầy tớ được lành bệnh vì chủ của anh có một niềm tin mãnh liệt. Với lòng tin và lòng mến Chúa, mọi sự sẽ trở nên có thể và dễ dàng với mỗi người chúng ta.
Khi chữa lành cho người bệnh, cả Chúa Giêsu và viên đại đội trưởng đều vượt qua những ranh giới của luật Do Thái. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu đã làm tất cả vì lòng thương xót, còn viên đại đội trưởng thể hiện niềm tin mãnh liệt vào quyền năng và tình thương Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chữa bệnh từ xa, Ngài biểu hiện tình thương có khả vượt qua khoảng cách của địa lý, của không gian và thời gian. Vì thế ông đại đội trưởng chưa về đến nhà thì nghe tin báo người đầy tớ đã khỏi hẳn bệnh.
Thái độ tin tưởng của ông đại đội trưởng khác hẳn với thái độ cứng tin của những người Do Thái. Phép lạ này là lời hứa cho tất cả chúng ta, những ai có lòng tin đều được Chúa chữa lành. Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc hết mọi người không phân biệt dân tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Điều quan trọng là chúng ta phải thực sự khát khao được Chúa chữa lành.
Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, ta thấy niềm tin được xây dựng trên lời quyền năng của Thiên Chúa, hẳn phải nói lên lời của Ngài hơn bao giờ hết. Ngày nay, có biết bao viên bách quản đang chờ đợi một lời nói can đảm, chân thật và hữu hiệu từ các Kitô hữu. Trong một xã hội chỉ có những lời của hận thù, đố kỵ, thì lời của các Kitô hữu phải là lời của yêu thương, hòa giải và tha thứ. Lời của Chúa là lời chân thật và hữu hiệu, lời ấy không chỉ được các Kitô hữu nói bằng môi miệng, mà còn phải được nhập thể vào cuộc sống của họ.
Trên hành trình thiêng liêng chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc bị thử thách, không thể trốn chạy những đau đớn bệnh tật. Như Chúa Giêsu luôn tỏ lòng thương cảm với những yếu đuối của con người, chúng ta cũng hãy mở lòng ra đón nhận tất cả trong sự tin tưởng phó thác. Chúa Giêsu ôm lấy cuộc đời, mang vác lấy gánh nặng của con người mà giương cao lên thập giá. Tình yêu thương con người dạy chúng ta chấp nhận những phiền hà rắc rối của người bên cạnh, dám chịu thương tích vì người khác, dám chấp nhận thất bại để tôi luyện và trưởng thành trong đức tin.
Tin Mừng Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có lòng thương xót như Đức Giêsu. Sẵn sàng giúp đỡ những người đang cần đến chúng ta, mặc cho họ là ai, cùng niềm tin với chúng ta hay không…! Mặt khác, sự xuất hiện và hành động của viên sĩ quan trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nhắc ta bài học về tình yêu không biên giới, đã thương xót thì không phân biệt chủ – tôi, giai cấp… Đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa trong sự khiêm nhường, tín thác.
Sự khiêm nhường, tin tưởng tuyệt đối của viên sĩ quan khi xưa, nay đã trở thành mẫu mực cho mọi người chúng ta, đến nỗi trong phụng vụ thánh lễ đã lấy lại lời này như một tâm tình của con cái Giáo Hội khi chuẩn bị đón nhận Mình Thánh Chúa vào trong tâm hồn của mình: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Huệ Minh