Ngay từ thuở tạo thành, Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng và chính Ngài là ánh sáng. Và ta thấy chính Chúa Giêsu còn khẳng định: “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 9, 5) và Ngài yêu cầu người tín hữu hãy trở thánh ánh sáng cho trần gian (Mt 5,14). Ngài muốn ánh sáng nơi chúng ta hãy chiếu tỏ ra, xoá tan mọi bóng đêm của trần gian này.
Ánh sáng không thể thiếu trong đời sống thể lý, ban ngày ta cần ánh sáng mặt trời, khi trời gần tối cần ánh sáng đèn điện. Nếu không có ánh sáng của đèn trong khi trời tối thì mọi công việc, hoạt động trong cuộc sống phải ngừng trệ. Chúa Giêsu nói :”Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.”
Chiếc đèn được đốt lên phải đặt trên cao để soi cho mọi người trong nhà. Ðây là hình ảnh cuộc sống đức tin của người Kitô hữu: cũng như chiếc đèn, đức tin cần phải được thắp lên và chiếu sáng; nó phải được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Thiên Chúa là Ðấng chân thật, bởi vì sự chân thật ấy được thể hiện bằng một chuỗi những yêu thương đối với con người. Người Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi cuộc sống của họ thể hiện chính cuộc sống của Chúa, là yêu thương và phục vụ.
Trang Tin Mừng hôm nay, khi đưa ra hình ảnh chiếc đèn, Chúa Giêsu muốn nối lại truyền thống thực tiễn của Cựu Ước. Cựu Ước không thích những lý luận trừu tượng, uyên bác của Hy Lạp. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước không lý giải về những phẩm tính trừu tượng của Ngài, nhưng tìm cách đo lường sự trung thành của Ngài trong lịch sử nhân loại. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước luôn nói đến những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Khi Thiên Chúa phán một lời, lời đó không phải là một lời nói suông, mà trở thành thực tế; Thiên Chúa không chỉ nói qua các tiên tri, nhưng cuối cùng Lời của Ngài đã thành xác phàm.
Tin Mừng của Thánh sử Luca hôm nay vỏn vẹn chỉ gồm 3 câu trong chương 8, nhưng đã nói lên ý nghĩa của cách thức lãnh nhận và truyền giảng Lời Chúa Giêsu. Đó là nhiệm vụ của người môn đệ theo Chúa Kitô và thực hành bằng việc sống lời Thầy của mình trong cuộc sống hàng ngày.
“Chẳng ai đốt đèn rồi lấy hũ che đi hoặc đăt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (c.16).
Và khi đọc câu này, hẳn chúng ta đều biết đây là điều không thể xảy ra. Chúng ta thường thấp đèn vì muốn thấy sự vật chung quanh, vì quanh chúng ta toàn là một màu đen, một bóng tối. Chúng ta thích ánh sáng vì ánh sáng giúp ta nhìn thấy những vật khác rõ hơn, chính xác hơn.
Thế nhưng ở đây ta thấy Chúa Giêsu lại nói : thấp đèn rồi lấy hũ che đi hay đặt dưới gầm giường, ý nói: khi chúng ta được Lời Chúa soi dẫn (x. Tv 118). Chúng ta đã lấy hũ che đậy bằng cách không sống thể hiện Lời Chúa. Một người khôn ngoan là người biết đặt đèn trên đế, để những ai vào được nhìn thấy ánh sáng lúc này đời sống của họ để Lời Chúa hướng dẫn và họ trở thành ánh sáng cho người khác, cho những ai muốn đi tìm ánh sáng. Họ trở thành chứng nhân cho nguồn sáng vĩnh cửu.
“Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” (c.17). Chúa Giêsu khẳng định về những hành vi được thực hiện trong bóng tối sẽ bị ánh sáng phơi bày. Khi ánh sáng đến, bóng tối sẽ lùi xa. Đây cũng được kể như việc Chúa Giêsu đến trần gian. Ngài đến xoá tan mọi ngõ ngách của bóng tối thanh tẩy trần gian bằng ánh sáng. Bóng tối đó là tội lỗi, là ma quỉ, là bệnh tật… đang đè nặng trên đời sống con người.
Đức Kitô đến giải thoát họ như lời Ngài đã đọc trong hội đường Nagiarét khởi đầu cho sứ vụ rao giảng để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho ngưòi mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức”(Mt 4,18). Ngài đến rao giảng Lời Cha, và làm cho lời Cha được sống động cụ thể trong hành vi của Ngài, và cái chết là lời chứng hùng hồn nhất cho bài giảng của Ngài về Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người.
Khi Chúa Giêsu rao giảng và làm chứng cho Lời Cha, Ngài muốn chúng ta cũng trở thành những người môn đệ của Ngài. Ngài cảnh báo về cách nghe và đón nhận Lời “ hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (c.18a). Chúng ta có thể là những mảnh đất sỏi đá, hay vệ đường, hay là một bụi gai um tùm…. mà Lời Chúa không thể nào đâm chồi nẩy mầm được ( x .8, 4-15).
Lời Chúa như sương sa, như mưa rơi…nhưng lòng chúng ta lại đóng kín, khô cằn nên Lời Chúa vẫn chỉ ở bên ngoài, không thấm nhập vào tâm hồn chúng ta được. Ấy là cách chúng ta nghe mà không được biến đổi. Chúng ta không muốn Lời Chúa biến đổi tâm hồn mình. Kết quả của việc sinh hoa kết quả là do Lời Chúa được mỗi người đón nhận như thế nào. Cùng một loại hạt giống Lời Chúa nhưng mảnh đất tâm hồn của chúng ta được vun xới, cày bừa khác nhau, nên hiệu quả cũng rất khác nhau. “Ai đã có thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng bị lấy mất” (18b).
Chúa Cha là nguồn phát sinh ánh sáng này. “Thiên Chúa là Sự sáng. Nơi Người không hề có tối tăm (1Ga 1, 5). Chúa Giêsu là Mặt Trời Công Chính, Ngài cũng đã nói:“Tôi là Sự sáng đến thế gian, để ai tin thì không ở trong bóng tối” (Ga 12, 46). Ngài chính là Ngọn Đèn lớn chiếu tỏa ánh sáng trong những cây đèn nhỏ là mỗi con người có Chúa ở cùng. Mỗi khi ta gắn kết với Ngài, ta được tiếp nhận ánh sáng từ Cha, ánh sáng này đẩy lui xua tan bóng tối trong con người mờ tối nhá nhem của ta, để tâm hồn ta được sáng lên vì có sự hiện diện của Ngài, Ngài thực hiện trong con người hèn mọn của ta những điều kỳ diệu, làm trổ sinh hoa trái tốt đẹp trong đời sống chứng nhân. Ánh sáng từ cây đèn được gắn kết với nguồn, tự nhiên có sức chiếu tỏa rộng lan sang người khác, làm sáng lên cả một vùng trời. “ Anh em là ánh sáng cho trần gian… Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 13.14.16). “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện.”
Ở đây, ta có thể hiểu về đức tin truyền thống đã có nơi người Israel, đức tin này hướng về Đấng Mêsia – Chúa Giêsu, nhưng có người nghe theo Chúa Giêsu thì được cho thêm là sự hiểu biết về Nước Trời, còn những người khác không nghe, không hiểu … thì đức tin truyền thống của họ sẽ bị mai một dần và ngày càng yếu đi. Đây là lời thức tỉnh mạnh mẽ của Chúa Giêsu đối với những người cứng lòng tin. Đó cũng là hậu quả mà họ sẽ đón nhận, cân xứng với hành vi của họ.
Như vậy, mỗi chúng ta phải là những chứng nhân sống động của Chúa ngay trong một xã hội đang tìm mọi cách để chối bỏ đức tin hay loại bỏ chứng từ đức tin. Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta, để chúng ta sống nhân chứng đức tin của Chúa ở đời này.
Huệ Minh