Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 13: 10-17)
Khi ấy, nhân ngày Sabbat, Chúa Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Và đây có một người đàn bà bị quỷ ám làm cho bà đau yếu đã mười tám năm. Bà bị khòm lưng, hoàn toàn không thể trông lên được. Khi Chúa Giêsu xem thấy bà, Người liền gọi bà đến mà bảo rằng: “Hỡi bà kia, bà được khỏi tật của bà”. Rồi Người đặt tay trên bà ấy, tức thì bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng viên trưởng hội đường tức giận, vì Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbat, nên ông cất tiếng bảo dân chúng rằng: “Có sáu ngày người ta phải làm việc: vậy thì các người hãy đến xin chữa bệnh trong những ngày đó, chớ đừng đến trong ngày Sabbat”. Chúa trả lời và bảo ông rằng: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabbat, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan đã cột trói nó đã mười tám năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabbat sao? Khi Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người đều hổ thẹn, và toàn dân vui mừng vì những việc lạ lùng Người đã thực hiện.
Suy niệm: Tin Mừng Lc 13: 10-17
Hẳn ta còn nhớ với truyền thống của người Do Thái, Sabát là một ngày có ý nghĩa rất lớn ghi nhớ ngày thứ bảy trong cuộc sáng tạo của Thiên Chúa (Xh 31, 17).
Ngày Sabát còn nhắc nhớ biến cố dân Israen được giải thoát khỏi kiếp nô lệ Ai Cập (Đnl 5, 15) và hướng tới sự thành toàn viên mãn trong Trời Mới Đất Mới (Is 65, 17). Người Do Thái giữ luật ngày Sabat rất chặt chẽ và tỉ mỉ.Trong ngày đó mọi người kể cả nô lệ đều được nghỉ ngơi, gác hết mọi việc đồng áng và chăm sóc gia súc, họ tới hội đường để cầu nguyện và nghe đọc Sách Thánh.
Vào một ngày sabát nọ, Chúa Giêsu tới hội đường giảng dạy. Trông thấy một người phụ nữ bị tàn tật mười tám năm, Người chạnh lòng thương gọi bà lại và chữa cho bà khỏi bệnh. Người đàn bà hết sức vui mừng và đám người chứng kiến phép lạ thì tỏ vẻ ngạc nhiên.
Thế nhưng việc làm của Chúa Giêsu lại gây sốc và dấy lên nỗi tức giận cho giới lãnh đạo Do Thái, họ lên án trách móc dân chúng gay gắt: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!”
Nghe vậy Chúa Giêsu liền giải thích cho họ biết đừng vì luật lệ mà không thi hành đức yêu thương bác ái đối với người khác. Chúa Giêsu cũng tuân giữ ngày sabát và công nhận đó là ngày thánh, đồng thời Người hướng chúng ta đến giá trị thiêng liêng cao đẹp hơn, đó là ngày dành để thờ kính Thiên Chúa, Người nói: “Ngày sabát có vì người ta chứ không phải người ta có vì ngày Sabát” (Mc 2, 27).
Khi khẳng định điều đó, Chúa Giêsu muốn mọi người phải nhìn nhận quyền năng của Thiên Chúa vượt lên trên mọi luật lệ, lên mọi định kiến và sự hẹp hòi ích kỷ của loài người. Qua đó Chúa Giêsu cũng cho biết sứ mệnh của Người là đến thế gian để cứu vớt những ai đang lầm than vất vả, đang mang gánh nặng nề của đau khổ và tội lỗi.
Ông trưởng hội đường tức tối vì Chúa Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sabát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng : “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabát !” Chúa đáp : “Những kẻ đạo đức giả kia ! Thế ngày Sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước ? Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabát sao ?” (Lc 13, 14-16)
Ông trưởng hội đường tức tối vì Chúa Giêsu đã vi phạm luật Môsê: chữa bệnh trong ngày Sabát. Chúa Giêsu không vi phạm luật Môsê. Chính Chúa đã khẳng định: Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn lề luật (x. Mt 5,17). Chúa kiện toàn bằng cách thổi vào lề luật một tinh thần yêu thương. Thánh Phaolô khẳng định: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Nói cách khác: cùng đích của lề luật là phải giúp người ta sống trọn tình yêu. Lề luật ra đời vì lợi ích của cộng đồng và để thăng tiến cá nhân. Cộng đồng và cá nhân thăng tiến đúng đắn khi hướng đến cuộc sống đầy yêu thương. Như vậy, bản chất và cùng đích của luật là tình yêu. Luật tồn tại vì tình yêu. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu không ngần ngại chữa bệnh trong ngày Sabát. Giữ luật kiêng việc ngày sa-bát còn ý nghĩa gì, khi nó cản trở ta làm một việc yêu thương? Tình yêu phải vượt trên lề luật.
Hai thái độ phát xuất từ hai tâm tình trái ngược nhau giữa Chúa Giêsu và ông trưởng hội đường để lại cho chúng ta những bài học đáng suy nghĩ. Thật vậy, trông thấy người đàn bà bị còng lưng, Chúa Giêsu đã chủ động gọi lại rồi chữa cho lành, dù là ngày Sabat. Thế nhưng, hành động đó lại là nguyên nhân khiến ông trưởng hội đường phẫn nộ mà nói: “đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabát!”. Ông tức giận vì Chúa Giêsu đã cứu người và vì ơn lành bệnh người đàn bà nhận được cách vô điều kiện trong “ngày của Chúa”. Ông vịn cớ bảo vệ luật ngày Sabat nhưng không dám trực tiếp chỉ trích hành động của Chúa Giêsu mà quay sang đổ lỗi cho người đến “xin chữa bệnh”.
Ta nhận thấy có một nỗi sợ vô hình nào đó nơi ông trưởng hội đường: sợ Chúa Giêsu có ảnh hưởng lớn trên dân chúng, sợ đám đông, sợ định chế tôn giáo bị lung lay lẫn quyền lợi và địa vị của ông bị giảm thiểu… Phần Chúa Giêsu, Người làm mọi việc vì muốn mang lại hạnh phúc cho cuộc sống con người. Việc Chúa Giêsu biết rất rõ về tình trạng của người đàn bà bị còng lưng cho thấy Chúa Giêsu quan tâm, yêu thương và săn sóc từng con người cụ thể. Và tình thương ấy vạch trần tính ích kỷ hẹp hòi của tất cả những kẻ chống đối Người, khiến họ phải “lấy làm xấu hổ”.
Con người chúng ta bao gồm cả tính thiện và ác. Một mặt chúng ta ước ao làm những điều tốt, mặt khác thói ích kỷ vẫn kéo ghì xuống khiến chúng ta cũng luôn hướng chiều theo những đam mê xấu. Vì thế mỗi ngày chúng ta cần thanh luyện tâm hồn để hướng đến những điều thiện, cần mở rộng con tim để lắng nghe những gợi hứng của Chúa Thánh Thần, để chúng ta đi vào tương quan thân mật với Chúa.
Và rồi chúng ta không phải là thiên thần nên bước chân ta còn nặng nề dễ dàng bị ngoại cảnh tác động và chi phối để rồi tìm cho mình lối đi riêng mà không phải con đường của Thiên Chúa. Hãy bước ra khỏi lối mòn quen thuộc của ù lì lười biếng mà can đảm tiến bước trên con đường Tin Mừng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu, chính là cuộc xung đột giữa Ngài và những người Biệt phái. Những người Biệt phái bám vào việc tuân giữ nghi thức và luật lệ đến độ dẫm lên trên cả mạng sống con người.
Trong khi đó, đối với Chúa Giêsu, cốt lõi của đạo chính là tình yêu. Phân định về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu tuyên bố dứt khoát: “Ngày Hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Hưu lễ”. Ngài đã giải thoát một người đàn bà khỏi bị còng lưng trong ngày Hưu lễ, để chứng tỏ sự sống của con người, giá trị của con người, hay đúng hơn, tình yêu thương cao cả hơn tất cả những nghi thức và việc tuân giữ bên ngoài.
Trong cuộc sống thường ngày, lắm khi chúng ta cũng như ông trưởng hội đường: giữ luật một cách máy móc. Vì chưa hiểu tinh thần của luật, nên ta dễ dàng vi phạm, hoặc không tùng phục triệt để những quy định chung. Chúa mời gọi ta hãy nhìn lại giá trị đáng quý và đầy yêu thương của lề luật. Hãy xem việc giữ những quy định chung là cơ hội cho ta sống vì tha nhân. Việc uốn mình trong một khuôn phép kỷ luật cũng thể hiện một nhân cách vững vàng, một tâm hồn khiêm hạ, và một nội tâm đầy tự do với điều thiện. Vì “tự do là khả năng làm điều thiện”, mà ta chỉ thực sự tự do khi ta biết “tự trói mình”.
Hơn ai hết, Thiên Chúa biết rõ những yếu đuối của chúng ta. Người thấu hiểu từng ước muốn, từng nỗi lo âu trăn trở đang giằng xé trong con tim chúng ta. Hãy dâng trao cho Chúa bước đường tương lai và vận mệnh của đời ta để Chúa nâng đỡ. Như tác giả thánh vịnh 37 đã tin tưởng khẩn cầu “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ”. Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc từng người chúng ta, Người luôn hiện diện một cách tròn đầy mới mẻ trong mọi biến cố vui buồn của chúng ta. Vì thế trong mỗi ngày sống, chúng ta đều được mời gọi khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa chan chứa tình yêu thương.
Huệ Minh