Suy Niệm Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 18: 35-43)

Khi Đức Giêsu đến gần thành Giêrikhô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường, khi nghe tiếng đám đông đi qua anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Đức Giêsu Nagiarét đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu con vua Đavid, xin thương xót tôi”. Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Đavid, xin thương xót tôi”. Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?”. Anh thưa: “Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”. Chúa Giêsu bảo anh: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.

Suy niệm:   Xin Chúa Chữa Mù Lòa Thiêng Liêng.   Tin mừng Lc 18: 35-43

       Một người ăn xin bị mù ở Giê-ri-khô đã hô vang khi nghe người dân nói Đức Giê-su đi ngang qua: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” (Lc 18,38).  Dù bị người dân la mắng nhưng ông ta vẫn hô vang thêm một lần nữa. Qua đây, chúng ta thấy được sự khao khát được đón nhận tình thương của Chúa mạnh mẽ như thế nào nơi người đàn ông này. Ông ta đã tin tưởng hoàn toàn vào quyền năng của Chúa Giê-su. Vì ông tin rằng chỉ có tình thương của Chúa mới đem lại cho ông cuộc sống mới là không còn sống trong bóng tôi nữa. Chính sự can đảm bày tỏ lòng tin của mình, ông đã được Chúa cứu: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!” (Lc 18,42).

     Trang Tin Mừng mà ta nghe kể hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người mù thành Giêricô. Ðây không phải là dụ ngôn, mà là biến cố có thật. Chúng ta có thể quan sát hai thái độ thực hành.

      Ta có thể quan sát hai thái độ thực hành. Trước hết là thái độ của những người cản trở không cho anh mù gặp gỡ Chúa, những người này cho rằng chỉ có họ mới được quyền đi bên cạnh Chúa. Thật ra, trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, trên bình diện thông ban ân sủng, cứu rỗi, con người không thể cậy dựa vào quyền lợi của mình mà đòi hỏi Thiên Chúa. Tất cả đều là ân sủng nhưng không của Thiên Chúa, không ai có quyền dành lại ân sủng đó cho riêng mình.

       Thái độ thứ hai chúng ta có thể nhận thấy nơi anh mù. Ý thức thân phận của mình, anh không có gì để khoe khoang hay đòi hỏi, nhất là đòi hỏi Thiên Chúa, mà anh chỉ khiêm tốn cầu xin: “Lạy ông Giêsu, con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi”. Sự mù lòa thể xác và nghèo nàn vật chất không phải là một ngăn trở con người gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận ơn lành của Ngài. Từ ơn lành cho thể xác mù lòa: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được”, anh mù đã tiến thêm một bước quan trọng, như tác giả Luca ghi lại: “Tức khắc anh thấy được và theo Chúa, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa”. Anh mù đã sống trọn ơn gọi Kitô của mình; anh đã thực hiện lời Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ Ngài: “Ánh sáng của các con phải chiếu soi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc lành các con làm, mà tôn vinh Cha các con Ðấng ngự trên trời”.

      Thái độ thương cảm của Chúa đối với anh mù thật trái ngược với sự xa lánh của đám đông. Khi nghe tiếng anh kêu van, Chúa đã dừng lại để nhìn đến anh. Là Đấng thấu suốt mọi điều bí ẩn, Chúa nhìn thấy cảnh đời đen tối bất hạnh của anh; Chúa nhìn thấu tâm hồn gần như tuyệt vọng trong sự mù mờ, thiếu vắng chân lý của anh; Chúa nhìn thấy đức tin của anh ngày càng trở nên vững mạnh bất chấp nghịch cảnh. Bao nỗi khổ đau thể xác cũng như tinh thần của anh mù hiện lên rõ ràng trong tâm trí Chúa, làm rung động tấm lòng chạnh thương của Chúa. Chúa truyền dẫn anh đến và chữa lành cho anh.

       Anh mù thành Giê-ri-cô anh đã dùng lợi thế mạnh nhất và gần như duy nhất là tiếng kêu để làm cho Chúa Giê-su chú ý đến mình. Tiếng kêu của anh là lòng khao khát của anh. Anh kêu to mặc cho đám đông ồn ào. Anh kêu hết sức dù không ít người quát nạt bảo im. Và anh đã được toại nguyện. Anh được Chúa chữa cho sáng mắt và anh nhận biết Ngài. Cuộc đời anh giờ đây đã đổi thay, anh không còn ngồi ở vệ đường nữa, mà nhập vào đoàn người tôn vinh ngợi khen Thiên Chúa. Nhưng để lời kêu gào của anh mở ra đoạn kết có hậu như thế lại cần có một tiếng nói khác, đó là lời Chúa Giê-su gọi anh đến và khẳng định như đinh đóng cột: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” 

    Hơn thế, Ngài đã thấy anh từ trước, từ đời đời, như Ngài đã thấy Na-tha-na-en dưới gốc cây vả trước khi ông tới gặp Ngài. Ngài đã chạnh lòng thương ban cho anh một cơ hội được chữa lành không chỉ căn bệnh mù thể lý để anh được sáng mắt, mà còn cho anh được sáng cặp mắt đức tin để anh thấy Chúa và ca tụng Ngài.

     Trong lời kêu xin của anh mù, ta thấy anh ta hết lòng tin vào Chúa và tha thiết cầu xin dù bị ngăn cản bởi đám đông. Đây là điều nhắc nhở chúng ta: Thiên Chúa sẽ giải quyết mọi vấn đề của chúng ta tùy theo cấp độ đức tin của mỗi người. Chúa đòi hỏi chúng ta phải có lòng tin mạnh mẽ, vững chắc vào quyền năng và tình thương của Ngài.

      Là người Kitô hữu, có thể đã có những lúc chúng ta không dám dừng lại hoặc không muốn dừng lại để thương cảm cho sự bất hạnh của mình cũng như của người khác. Bước chân của Chúa đã “dừng lại”. Chúa mời gọi ta dừng lại và đứng trước mặt Chúa để nhận ra tình thương Chúa dành cho ta và để Chúa chữa lành ta như Chúa đã làm cho anh mù. Dấu chân thương xót của Chúa hiện rõ trước mặt ta. Như Chúa đã phán: “Thầy là đường” (Ga 14, 6), Chúa muốn ta theo bước Chúa mà biết cảm thương với những mảnh đời bất hạnh.

      Ta hãy năng chạy đến với Thánh lễ để lãnh nhận chính mình máu Chúa Giê-su để Ngài luôn đồng hành cùng với ta trong cuộc sống đầy cạm bẫy tội lỗi của thế gian và cũng để lắng nghe lời Chúa dạy mà sống mổi ngày một tốt, một vui và hạnh phúc hơn. Chúng ta hãy đặt trọn lòng tin của mình vào Chúa hơn là của cải của thế gian để từ đây ta được Ngài chữa lành và tăng sức mạnh cho ta trong cuộc sống này. Vì Chúa Giê-su đã từng nói, chỉ cần anh em có lòng tin bằng hạt cải thôi, anh em bảo cây cải này xuống biển mà mọc thì nó cũng sẽ làm.

      Trong việc Chúa chữa người mù hôm nay, có một thông điệp cần được lưu tâm và đào sâu thích đáng. Chúa Giêsu không nói: “Ta cứu chữa anh”, nhưng Người nói: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh!” Người cho thấy tác nhân của sự cứu chữa là chính lòng tin của đương sự. Và đây không phải là lần duy nhất Chúa Giê-su tuyên bố điều này. Chúa cũng đã nói như thế: với người đàn bà bị băng huyết (Lc 8,48), với ông đại đội trưởng Rô-ma (Mt 8,13), với hai anh mù (Mt 9,29), với người phụ nữ Ca-na-an có đứa con gái bị quỉ ám (Mt 15,28), v.v… Sau này, thánh Phao-lô sẽ xác nhận mạnh mẽ rằng vai trò chữa lành và cứu độ thuộc về đức tin chứ không thuộc về Lề Luật (Rm 1,16-11.36; Gl 3,15-29).

      Anh mù đáng làm gương cho chúng ta : anh ý thức mình cần Chúa, anh cố gắng hết sức để được đến gần Chúa, bất chấp mọi ngăn cản. Kết quả là anh đã được Chúa đổi mới hoàn toàn ; anh còn thay đổi được những tấm lòng hẹp hòi của những người chung quanh. Nếu chúng ta làm như anh mù này thì mặc dù mọi người ngăn cản chúng ta và mặc dù ban đầu xem ra Chúa không nghe tiếng chúng ta, nhưng cuối cùng Ngài sẽ dừng lại, ưu ái gọi chúng ta đến và biến đổi đời sống chúng ta.

      Hành trình đức tin của anh thanh niên mù chính là khuôn mẫu cho hành trình đức tin của mỗi người chúng ta. Anh thanh niên mù đã chiến đấu với những bóng tối vây phủ đức tin của anh. Anh đã kiên trì và đã chiến thắng. Anh đã ra khỏi tối tăm, gặp được Chúa Kitô nguồn ánh sáng. Đời anh từ nay tràn ngập ánh sáng niềm tin. Còn tôi, tôi đã chiến đấu thế nào với những thế lực bóng tối đe doạ đức tin của tôi? Những bóng tối nghi kỵ, những bóng tối thù hận, những bóng tối độc ác, những bóng tối tự mãn kiêu căng, những bóng tối dục vọng tội lỗi. Tôi có can đảm chiến đấu để phá tan những bóng tối đó không?

     Hành trình đức tin của anh mù không phải là một con đường dễ dàng, anh phải đi từ những nghịch cảnh đơn giản đến những tình huống phức tạp. Chính thái độ chấp nhận và hành trình dấn thân theo lời Chúa dạy mà mắt anh lập tức đã được mở ra, anh đã “Thấy” Chúa Giêsu không phải bằng cặp mắt xác thịt, mà còn cảm nhận thấy Ngài bằng cặp mắt đức tin. Người hành khất mù loà bẩm sinh, kẻ bị coi là tội lỗi bị xã hội từ chối, một hình phạt mà người Do Thái cho là nặng nề, nhục nhã nhất đã trở nên “dấu chỉ” sống động của những người được Đức Giêsu soi sáng và tái sinh.

     Ước gì Lời Chúa hôm nay thức tỉnh và giải thoát chúng ta khỏi sự mù lòa thiêng liêng, giúp chúng ta luôn tin tưởng để cho Chúa thực hiện điều Ngài muốn, để chúng ta thể hiện trọn vẹn đức tin của mình trước ân sủng Chúa, để chúng ta luôn bước đi trong ánh sáng của Chúa và chiếu tỏa ánh sáng ấy trước mặt mọi người.
 

Huệ Minh