Tin Mừng Chúa Giê-su Ki tô theo Thánh Gio-an (Ga 1:29-34)
29 Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.30 Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.31 Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.”32 Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người.33 Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.”34 Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
SUY NIỆM
Gioan chưa một lần nhìn thấy Chúa, nhưng ông đã giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người khi vừa mới nhìn thấy Người: “Này là Chiên của Thiên Chúa, Ðấng khử trừ tội của thế gian”; và mạnh mẽ xác quyết: “Chính Ngài là Ðấng Thiên Chúa chọn”. Gioan có hồ đồ không? Chắc chắn không, vì ông làm chứng không phải bởi cảm tính, cũng không bởi những tư duy từ những lý chứng suy đoán mang nặng tính khoa học trần thế, nhưng bởi sự mặc khải của Thiên Chúa: “Ngươi thấy Thần khí đáp xuống và lưu lại trên ai, thì chính Ngài là Ðấng thanh tẩy trong Thánh thần”.
Vâng, khi loan báo về Tin Mừng, chúng ta đừng nại vào những lý chứng khoa học, hoặc là những cuộc tranh luận mang đặc tính bác học, nhưng tiên vàn chúng ta phải nại đến ơn Chúa. Đức Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng đã nói: “Trong tất cả mọi hình thức Phúc Âm hóa, quyền tối thượng luôn luôn thuộc về Thiên Chúa, là Ðấng đã mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài và tác động chúng ta bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần… Ðời sống của Hội Thánh, phải luôn luôn chứng tỏ rõ ràng rằng sáng kiến đến từ Thiên Chúa, rằng ‘Ngài yêu chúng ta trước’ (1Gl 4,19) và rằng chỉ một mình Ngài ‘ban sự phát triển’ (1Cr 3,7)” (EG số 12).
Quả thật, lời chứng về Tin Mừng nếu chỉ cậy dựa vào lý lẽ khôn ngoan của con người thì chỉ là những lời chứng trống rỗng, không có sức hoán cải lòng người để có thể gặp được Đức Kitô. Chúng ta chỉ có thể nói về Chúa Kitô bằng năng lực của Thiên Chúa, điều đó có nghĩa là chúng ta phải để cho lời chứng của chúng ta được thấm đẫm Lời Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Bởi nói như Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI: “Rao giảng Tin Mừng, trước hết là làm chứng, một cách giản dị và trực tiếp về Thiên Chúa đã được Đức Giêsu Kitô mặc khải, trong Thánh Thần” (Tông huấn Evangelii nuntiandi, số 26). Điều đó chỉ có thể có được qua một đời sống gắn chặt vói Thiên Chúa trong kinh nguyện.
Lạy Chúa, “xin dạy con tìm Chúa, và xin Chúa tỏ mình ra cho kẻ đang kiếm tìm” (thánh Anselmô, sách Minh giải), để con có thể gặp được Chúa, và qua cuộc gặp gỡ này, con sẽ nói cho người ta về Chúa bằng chính cảm nghiệm của mình. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường