Suy Niệm Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh B – Bình an cho anh em

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Lu-ca (Lc 24: 35-48)

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại những việc đã xảy ra dọc  đường, và hai ông đã nhận ra Chúa lúc Người bẻ bánh như thế nào. Các ông còn đang nói, thì chính Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa các ông và phán: “Bình an cho các con. Này Thầy đây đừng sợ!” Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa Giêsu lại nói: “Tại sao các con lại bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy nhìn xem chân tay Thầy, chính Thầy đây mà! Cứ chạm đến xem, ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Thấy họ còn chưa tin và vì vui mừng mà bỡ ngỡ Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Các ông dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong, Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Rồi Người nói: “Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy với các con là: cần phải ứng nghiệm tất cả mọi lời đã ghi chép về Thầy trong sách Luật Môsê, trong các Sách Tiên tri và các Thánh Vịnh. Rồi Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Người lại nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, và ngày thứ ba, người sẽ từ cõi chết sống lại, Rồi phải nhân danh Người mà rao giảng sự thống hối và ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, Còn các con, các con sẽ làm chứng về những điều ấy.

SUY NIỆM

Chúa Giêsu Kitô đã sống lại, Ngài đã đánh bại thần chết, giải thoát con người khỏi ách thống trị tội lỗi và cái chết. Qua sự Phục Sinh của Chúa, kinh hoàng sợ hãi và sự chết từ nay đã bị khử trừ, bình an và sự sống mới được trao ban lại cho con người.

Ta thấy với trang Tin mừng hôm nay, Thứ Năm trong tuần Bát Nhật Phục Sinh (Lc 24,35-48), thánh Luca thuật lại rất rõ ràng, Chúa Giêsu Phục Sinh khi hiện ra với các tông đồ, Ngài đã trao ban bình an cho các ông. Chúa Giêsu nói: “Bình an cho anh em”(Lc 24, 36). Và để trấn an Chúa Giêsu nói tiếp: “Chính thầy đây mà, hãy sờ xem” (Lc 24, 39). Rồi để chứng minh Chúa Giêsu cho các ông xem tay chân Người.

Đức Kitô chết trên thập giá đã thật sự sống lại, bằng xương bằng thịt. Sự kinh hồn bạt vía và ngờ vực của các tông đồ lại hữu ích cho chúng ta: chính thái độ khó tin đó của các ông lại là một đảm bảo cho tính vững chắc của đức tin chúng ta. Đức tin của chúng ta không dựa trên chứng tá của những con người dễ tin, dễ bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Đức tin của chúng ta dựa trên những con người thực tế, đòi hỏi những dấu chỉ và bằng chứng. Chứng tá của các ông càng mạnh mẽ do chỗ là chứng tá không phải của một thái độ dễ tin theo chuyện mê tín nhưng là một sự cứng tin đã thắng vượt nhờ óc phê bình.

Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra giữa các ông và chào chúc: “Bình an cho anh em!”. Sự bình an của Người là ân huệ phục sinh của Người. Người không ban cho các môn đệ bất cứ đảm bảo nào là các ông sẽ sống yên ổn suốt đời, các ông sẽ có một cuộc sống luôn luôn huy hoàng, không phải thiếu thốn, đau khổ hay lo lắng gì. Chính Người là Đấng Kitô chịu đóng đinh, đã không được gìn giữ khỏi đau khổ và thiếu thốn, khỏi bị từ khước và thù nghịch, khỏi những đau đớn và cái chết. Nhưng Đấng Chịu đóng đinh đây cũng chính là Đấng Phục Sinh. Đã có lúc Người bị điệu đi đến cái chết, run rẩy khiếp sợ, nay Người đang đứng trước mặt các ông như là Đấng Vẫn Sống, Đấng đã vượt thắng cái chết và nay không thể chết nữa.

Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh gửi tới các môn đệ là lời : “Bình an cho anh em!” Các môn đệ đang trải qua cơn khủng hoảng. Vì thế, lúc này là lúc các ông rất cần có bình an. Bình an là khát vọng thâm sâu của mọi người, mọi nơi mọi lúc. Không có bình an, không có hạnh phúc! Trong Thánh Lễ, lúc sắp rước Thánh Thể, chủ tế cầu xin cho cộng đoàn được bình an của Chúa và mọi người chúc bình an cho nhau. Có điều, bình an của Chúa không giống với bình an của thế gian. Đó là chính sự hiện diện của Chúa trong thâm sâu tâm hồn người môn đệ, sự bình an luôn kèm theo sứ mạng rao giảng cho muôn dân sám hối, làm chứng cho họ về Đức Ki-tô Phục Sinh. Sự bình an của Chúa kèm theo sứ mạng này không chước miễn, mà gắn liền với những gian khổ, thử thách, ngục tù, chết chóc…

“Bình an cho các con”. Khi tâm hồn của các Tông Đồ đang hoang mang lo lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc lành của Chúa Giêsu rất đúng lúc để củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của các ông.

“Bình an cho các con”.  Sự bình an này không giống bình an của người đời ban tặng. Sự bình an của người đời là tạm bợ và sẽ không tồn tại, bởi vì người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy bất an. Người ta chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống. Người giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm. Người có địa vị thì sợ kẻ khác chiếm đoạt, lật đổ. Người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm… tất cả đều ở trong trạng thái mất bình an.

Bình an là kết quả của lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được. Chỉ có Bình An của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài.

Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma. Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng. Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt. Ngài còn ăn một miếng cá nướng để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.

Khi các môn đệ yếu đức tin, họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma. Nhưng khi đức tin của họ được củng cố, họ mới thấy Ngài có thực. Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa, vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ, giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược, hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau. Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến. Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.

Như thế, Đức Giêsu cho các môn đệ thấy rằng họ không sợ rơi vào nguy cơ là bị hủy diệt hoàn toàn. Ngay cái chết cũng không thể làm hại chúng ta vĩnh viễn, phương chi các thiếu thốn khác làm gì có thể gây hại bao nhiêu cho đời sống chúng ta!

Nhiều người đương thời chúng ta vẫn coi Đức Giêsu Phục Sinh chỉ là một bóng ma, một thứ gì đó thay vì là một Đấng, là một huyền thoại thay vì là một Con Người đang sống. Theo họ, Đức Kitô cùng lắm chỉ là một điển hình cho nhân loại, cống hiến cho mọi người một giáo lý và những gương sống đáng phục…, nhưng bây giờ Người không còn sống nữa, Người chẳng “ngự bên hữu Chúa Cha” trên trời, cũng chẳng hiện diện trong hình bánh hình rượu đã truyền phép… Trách nhiệm của các Kitô hữu là làm chứng bằng đời sống và lời nói rằng Người thật sự vẫn là Người Sống.

Hôm nay mỗi người chúng ta hãy vui mừng hân hoan! Vui mừng vì Chúa đã sống lại. Vui mừng vì Chúa Phục Sinh đang đến với ta. Ngài đến đem lại bình an và sự sống mới cho ta. Dường như nhiều người trong chúng ta chưa nhận thấy vì còn chậm tin. Khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ các ông sợ hãi vì tưởng thấy ma! Chúa nói: “Sao anh em lại hoảng hốt?” (Lc 24, 38). Cũng như các tông đồ, chúng ta còn sợ hãi là tại vì chúng ta còn ngờ vực, tối dạ, chưa tin Chúa. Chúng ta còn bất an là vì cuộc đời chúng ta thiếu vắng Chúa.

Ân huệ phục sinh của Đức Giêsu không phải là sự bình an của một cuọc sống không bị xáo trộn, nhưng là sự bình an được sống trong tình trạng yên hàn, bảo đảm và che chở phát xuất từ quyền lực và tình yêu của Thiên Chúa. Nền tảng và bảo đảm cho lời chào và ân huệ ấy là chính Đấng Phục Sinh trong sự sống mới của Người, một sự sống đã thắng được cái chết

Huệ Minh