Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (3:7-12)
7 Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê,8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!”12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
Suy niệm: Tin mừng Mc 3:7-12
Điều Chúa muốn dân Do Thái thời xưa, Ngài cũng muốn nơi mỗi người chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy mạnh dạn đến bên Chúa với tấm lòng đơn sơ chân thật. Đến với Chúa, chúng ta không chỉ xin Ngài ban cho ta những nhu cầu vật chất, mà quan trọng hơn là xin Ngài nâng đỡ đức tin yếu đuối của ta. Điều hạnh phúc của người Kitô hữu là nhận ra có Chúa luôn quan tâm, săn sóc, yêu thương. Chỉ có Chúa mới mang lại cho ta hạnh phúc đích thật. Đừng sợ đến với Chúa!
Chúa chữa lành bệnh tật và khử trừ ma quỷ, và tiếp tục sứ mạng rao giảng khắp nơi, không để cho sự nồng nhiệt của dân chúng ảnh hưởng. Và giữa những hoạt dộng như vậy, Chúa Giêsu còn có dành thời giờ riêng biệt để cầu nguyện, tiếp xúc với Cha, Ðấng đã sai ngài xuống trần gian. Ðể trung thành với sự dấn thân ban đầu, rao giảng Tin Mừng khắp nơi cho mọi người, Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta, và chỉ cho chúng ta một bí quyết: đó là giữ liên lạc với Cha, Ðấng đã sai ngài, qua việc cầu nguyện. Người đồ đệ của Chúa Giêsu không không thể nào sống cách khác, không thể nào bỏ qua những giây phút dành riêng cho việc cầu nguyện, cho việc tiếp xúc với Thiên Chúa, để lắêng nghe Lời Chúa dạy, và sống thực hành trọn vẹn Lời dạy đó. Không có những giây phút cầu nguyện như Chúa nêu gương, người đồ đệ khó mà trung thành cho đến cùng trong sự dấn thân của mình.
Thần Ô uế không nhằm nói đến sự ô uế thể lý, hay sự thiếu vệ sinh. Cũng không phải là sự ô uế theo nghĩa là nghịch lại luật Môi sen. Nhưng đây là chính sự ô uế nội tâm, làm hư hại con người; đó là sự xấu, sự tội. Thần Ô Uế đây chính là Satan, kiềm hãm con người trong vòng nô lệ cho tội lỗi. Nó chiếm đoạt con người, bắt con người vâng theo mệnh lệnh của nó. Chúa Giêsu đến với quyền năng thần linh, rao giảng đạo lý của Thiên Chúa, rao giảng Nước Trời, giải thoát con người khỏi vòng nô lệ cho tội lỗi. Trước khi ra khỏi con người, thần ô uế “dằn dật” con người; nó trả thù, hành hạ con người. Giữa Chúa Giêsu và Thần Dữ Satan, không thể nào có sự “hợp tác” chung với nhau được. Con người bị thần dữ chiếm đoạt là con người đáng thương. Con người được Chúa Giêsu giải thoát, hay nói cách khác, người nào sẵn sàng cộng tác với ơn Chúa, là con người có phúc.
Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7, 15), Để ý một chút sẽ thấy Đức Ki-tô dùng tiếng ô uế là có ý nói đến cả cuộc sống của con người chớ không chỉ là việc ăn uống. Người còn giải thích rõ hơn: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7, 20-23). Rõ ràng Đức Kitô đã cho họ thấy rằng động lực thúc đẩy con người trở thành ô uế là từ nội tâm tư tưởng.
Ngay từ lúc khởi đầu sứ mạng cứu rỗi, Chúa Giêsu cho thấy có sự căng thẳng, chiến đấu, giữa Chúa và Thần Dữ. Và chiến thắng cuối cùng thuộc về Chúa. Người Kitô sống theo Chúa, từ bỏ những việc làm của Ma quỷ, cũng bị hành hạ, dằn dật, như người bị quỷ ám, được kể lại trong đoạn tin mừng ở đầu bài nầy. Nhưng chúng ta đừng sợ. Hãy mạnh mẽ đứng về phe của Chúa, nhất quyết làm môn đệ Chúa cho đến cùng.
Những người chứng kiến Chúa chữa lành ngày hôm ấy cảm nghiệm được quyền năng của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng giảng dạy với một uy quyền đặc biệt; và qua phép lạ chửa người bị quỷ ám, Chúa đã chứng tỏ quyền năng thần thiêng của Ngài. Mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô được từ từ mạc khải cho con người, bằng Lời Chúa giảng dạy và bằng những việc lạ Chúa thực hiện. Dân chúng cảm nghiệm được sự mới mẽ và kinh ngạc trước dấu lạ. Ðây mới là khởi đầu. Tác giả phúc âm Marcô sẽ còn ghi lại những Lời giảng dạy và những dấu lạ khác nữa của Chúa Giêsu, và chuẩn bị từ từ cho lời tuyên xưng Ðức Tin vào Chúa Giêsu Ðấng Thiên Sai. Con đường Ðức Tin đi qua nhiều giai đoạn. Chúng ta đã lưu ý đến giai đoạn căn bản đầu tiên là: sám hối, trở về với Thiên Chúa.
Dân chúng ngày xưa đã kinh ngạc về giáo lý của Chúa Giêsu. Con người ngày nay thì có vẻ ngược lại, chúng ta cảm thấy chán ngán Lời Chúa và dửng dưng với giáo lý của Người, bởi chúng ta nghe Lời Chúa cách vô ý thức. Hơn nữa, thay vì suy phục trước uy quyền của Chúa, thì chúng ta lại chạy theo biết bao nhiêu thứ ngẫu tượng như tiền bạc, dục vọng, tiền tài, chức tước,…
Chính khi chúng ta nô lệ cho những thứ ấy là chúng ta đang nô lệ cho ma quỷ đang ẩn núp phía sau. Biết được thân phận yếu đuối, bất toàn và hay sa ngã, chúng ta hãy luôn tỉnh thức và xem xét lại lối sống đạo của mình, để gạt bỏ đi những chướng ngại; đồng thời cậy dựa vào uy quyền của Thiên Chúa, để nhờ ơn Chúa soi sáng, chúng ta không bị sa ngã trước những âm mưu của ma quỷ. Nếu chúng ta có sa ngã trước những cám dỗ, thì chúng ta càng phải cậy dựa vào Chúa hơn, vì Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót sẽ tha thứ và chữa lành chúng ta, miễn là chúng ta có lòng sám hối, muốn được tha thứ và muốn được yêu thương.
Ngày nay, lối sống của loài người chúng ta đang cung cấp cho ma quỉ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp và mặt nạ hóa thân: tự do cá nhân, toàn cầu hóa, trò chơi, thú vui đủ loại, phương tiện truyền thông, phim ảnh, khoái lạc, bạo lực, gian dối, tiền bạc, danh vọng, hưởng thụ… Vì thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, con người, nhất là người trẻ, dù không bị ma quỉ ám trong thân xác, nhưng còn nghiêm trọng hơn, bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, vô ơn, đam mê phương tiện và thú vui, hưởng thụ, bạo lực, tự do luyến ái, không có khả năng sống giao ước, chiều theo lòng ham muốn, cảm xúc thấp hèn, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống… Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn cả khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, nghĩa là bị quỉ ám trực tiếp như một số trường hợp mà các Tin Mừng kể lại hay như chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nghe nói ngày nay.
Ngang qua hình ảnh “người bị thần ô uế ám” được kể lại trong bản văn Tin Mừng, Chúa muốn soi sáng tình cảnh của chúng ta như thế nào, mặc khải sự thật nào về con người chúng ta, chữa lành và mở ra cho chúng ta hướng đi nào, con đường nào? Bởi vì, Lời Chúa thuộc bình diện ý nghĩa, liên quan đến những vấn đề nền tảng và sâu sa của con người, chứ không phải sự vật hay sự kiện trần trụi.
Huệ Minh