Suy Niệm Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 13: 16-20)

Sau khi đã rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông rằng: “Thầy bào thật cho các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ; kẻ được sai đi không trọng hơn Đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó và thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ thầy đã chọn. Nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến. Để một khi sự việc xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai đến là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy”.

SUY NIỆM 1

“Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”. Trong niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta đã khao khát mãnh liệt muốn được kết hiệp cùng Đức Giêsu, muốn Người ở lại trong tâm hồn mình và qua đó Người trao ban sự bình an, niềm hạnh phúc cho chúng ta. Tuy vậy, chúng ta đã thực sự đón tiếp Đức Giêsu vào tâm hồn mình hay chưa? Đó mới là vấn đề thật sự cần xem lại.

Người Kitô hữu rất dễ dàng rơi vào tình thế giữ đạo trên môi miệng hơn là yêu mến thực sự trong tâm hồn mình. Trong cuộc sống hàng ngày, thật còn có biết bao nhiêu những con người mà Chúa sai đến với chúng ta. Họ là ai? Họ là những cụ già neo đơn, không người chăm sóc, không còn sức lao động, phải đi ăn xin từng đồng tiền lẻ của người khác; họ là những em bé mồ côi lang thang trên vỉa hè với xấp vé số trên tay, ngủ ở những gầm cầu, ống cống; họ là những anh chị em đang mang lấy những căn bệnh quái ác, phải chiến đấu từng phút giây để tranh giành mạng sống, v.v.

Nhiều lần những con người như thế đã đến gõ cửa nhà chúng ta, đã chìa tay để van xin sự giúp đỡ, đã khóc mòn đôi mắt để van xin lòng thương xót, nhưng họ chỉ nhận lại sự hắt hủi, ghẻ lạnh, chê bai và xa lánh của chúng ta mà thôi. Nếu như thế, chúng ta đã thực sự đón tiếp một Giêsu bằng da, bằng thịt thật sự trong đời sống của mình hay chưa? Hay chỉ mới đón tiếp một Giêsu như một bức chân dung với những đường nét thật đẹp.

Ước gì lời Chúa hôm nay thấm vào tâm hồn của chúng ta, để từ đó chúng ta biết sống đạo cách thực tiễn qua hành động cụ thể, chứ không trên lý thuyết nữa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2

Tin Mừng Ga 13: 16-20

Đọc thoáng qua trang Tin Mừng hôm nay ta thấy có gì đó trầm buồn. Đơn giản là khi xét bên ngoài ta thấy đó là một câu chuyện mang buồn vì Chúa nói những điều không mấy ai thích : Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con….  Thế nhưng, ẩn trong câu chuyện đó lại là bài học sâu sắc mà Chúa dạy cho mỗi người chúng ta.

Và rồi ta thấy Chúa dạy : “tôi tớ không lớn hơn chủ”: Thầy bị bạc đãi thì môn đệ cũng bị bạc đãi, Thầy phải chịu khổ nạn thì môn đệ cũng phải “vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy” (Lc 9,23).

Chính nhờ việc chung chia thân phận với Đức Kitô mà người môn đệ cũng sẽ được chung phần vinh quang với Ngài nơi Chúa Cha vì: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,20). Đón nhận Đức Kitô, “Dung Mạo của Lòng Thương Xót” chính là đón nhận Chúa Cha, Đấng Thương Xót”.

Có lẽ phút giây thân tình nhất trong những ngày đoàn viên để Thầy – trò ngồi bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau về những tháng ngày sắp tới là giây phút sau khi Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ. Bên các môn đệ thân tín, Chúa Giê-su đã trải lòng với các ông về những tâm tư của mình ; về những điều mà chính Ngài và các ông sẽ phải đối diện: Chúa Giêsu loan báo về sự phản bội của một môn đệ dù người này đã được tuyển chọn vào hàng những người thân tín.

Thế nhưng chính ông lại phản bội Thầy mình: “Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con”. Trong khung cảnh của một giờ cùng chia sẻ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, Người đã nhắn nhủ các ông những lời lẽ chan chứa yêu thương. Các môn đệ cũng lắng nghe Chúa với cả con tim của mình. Hình ảnh này nhắc nhớ mỗi người chúng ta khi đến với Chúa Giêsu qua Thánh lễ, qua các giờ kinh hàng ngày, hàng tuần hay những phút giây ngắn ngủi bên Chúa Giê-su Thánh Thể, đó là những giây phút thân tình bên Chúa. Cuộc gặp gỡ đó nhiều lúc chỉ hời hợt, thờ ơ trước Chúa.

Chúng ta “giơ gót đạp Thầy”, khi chúng ta cư xử tệ bạc với anh em. Không tiếp nhận anh em như người được Chúa sai đến. Nếu nhìn bằng ánh mắt đức tin, mọi người chung quanh chúng ta, đều là ân huệ Chúa ban cho ta, để ta được nâng đỡ, được lớn lên trong đời sống thánh thiện. Dù người bên cạnh có nhiều tật xấu, có lắm lầm lỗi, vẫn có thể là cơ hội Chúa dùng để tập luyện nhân đức cho ta. Nhưng chúng ta thường khinh dể, thường tìm cách xúc phạm. Những việc làm như thế, có khác gì chúng ta giơ gót đạp Thầy như Giuđa? Chúa ở trong anh em, nên ta làm cho anh em là làm cho Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta thấy Chúa nơi tha nhân, để đừng xúc phạm nhau.

Có những lúc, ta chỉ mong sao Thánh Lễ cho nhanh, đọc kinh cho lẹ. Giây phút đó thoảng qua, không để lại một chút suy tư lắng đọng trong tâm hồn, nó phản ánh cái trống rỗng trong tâm hồn, một tâm hồn thiếu vắng Giêsu. Nhưng cũng nhiều lúc ta cảm thấy ấm áp, thân tình với Chúa, lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo. Cuộc gặp gỡ này mang lại cho ta sự bình an trong tâm hồn, giúp ta nếm cảm được tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa. Những trải nghiệm của những phút giây gần gũi bên Chúa giúp ta biến đổi con người của mình nên con người mới. Cuộc gặp gỡ đó giúp ta sống thân tình hơn với tha nhân, nhìn tha nhân bằng cái nhìn cảm thông, yêu thương và dễ tha thứ.

Cũng trong giây phút này, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ đón tiếp những người được Chúa sai đến: “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”. Chúa Giêsu dạy các môn đệ hành động thật rõ ràng; để đón tiếp Chúa Cha, Đấng đã sai Chúa Giêsu đến với nhân loại, ta phải đón tiếp những người được Chúa Giêsu sai đến. Trong cuộc sống hàng ngày, đã nhiều lần ta gặp gỡ những người được Chúa sai đến. Đó là những người ẩn trong hình dáng của tha nhân chung quanh ta: một người hành khất, một người hàng xóm nghèo khổ đang sống cạnh ta; một người vô gia cư, một người đang phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo…

Chúa Giêsu dạy các ông về bài học phục vụ. Phục vụ không đơn thuần là làm việc này việc kia, nhưng trên hết là để nên giống Chúa Giêsu. Sự phục vụ không chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng là cả cuộc đời. Để sống theo gương phục vụ của Chúa Giêsu, các môn đệ đã trải qua nhiều gian nan vất vả, nhiều hy sinh, thậm chí đến mức hiến dâng mạng sống của mình. Các ngài đã được hưởng hạnh phúc Nước Trời mà Chúa hứa ban. Hạnh phúc đích thực đã đến với các môn đệ khi họ tiếp nối sứ mạng phục vụ của Chúa Giêsu, hạnh phúc đó cũng sẽ đến với những Kitô hữu biết đáp lại lời mời gọi của Ngài: “Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc” (Ga 13,17).

Ngày nay, hai chữ “phục vụ” không có gì xa lạ với mọi người. Trên các bảng hiệu, các trang web, chúng ta nhìn thấy rất nhiều lần chữ “phục vụ”. Đi kèm với những mức độ phục vụ sang trọng là chi phí càng cao. Trong khi đó, Chúa Giêsu muốn mỗi người Kitô hữu có tinh thần phục vụ vô vị lợi, phục vụ vì danh Chúa. Giữa những bận rộn của bổn phận và công việc, làm sao có cơ hội phục vụ mọi người như Chúa mời gọi? Chúng ta biết rằng Thiên Chúa không đòi hỏi điều gì quá khả năng của chúng ta. Với tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu, chúng ta vẫn có thể chu toàn việc bổn phận với một thái độ mới mẻ: làm mọi việc cách chu đáo, hết mình không chỉ vì tiền lương nhưng để người khác được sử dụng những thành quả tốt nhất từ công việc của chúng ta. Chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc với người khác không chỉ vì công việc mà còn vì biết rằng họ là hình ảnh của Chúa. Qua những cử chỉ yêu thương, thái độ thân thiện, cách làm việc tận tụy, chăm chỉ, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô.

Ta có vui vẻ, trân trọng đón nhận tất cả những người Chúa gửi đến cho ta, cho ta được tiếp xúc, gặp gỡ hàng ngày. Ta cũng thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với những người ta không thích, những người luôn gây cho ta những phiền toái, những người ta luôn đố kỵ, ghen ghét, những người ta luôn muốn tránh mặt. Trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, Ngài đã không loại trừ ai ra khỏi quỹ đạo yêu thương của Ngài. Chúa luôn mời gọi ta mở lòng đón tiếp mọi người, những người được Chúa sai đến, để nên giống Chúa trong mọi sự.

Trong hoàn cảnh nào Chúa cũng luôn mời gọi ta nên giống Chúa, nên giống Chúa qua việc yêu thương tha nhân, nhất là những người Chúa gửi đến cho ta. Chúa muốn ta đón tiếp Chúa qua họ. Để có thể đọc được thông điệp đó của Chúa, có thể nhận ra Chúa nơi tha nhân, chúng ta hãyở lại bên Chúa trong thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe những Lời Chúa dạy bảo, lắng nghe những chỉ dẫn của Chúa qua từng biến cố xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của ta.

Huệ Minh