Suy Niệm Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 16: 16-20)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi một ít nữa các con lại thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”. Bấy giờ các môn đệ hỏi nha: “Điều Người nói với chúng ta: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi một ít nữa các con lại thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha như thế có ý nghĩa gì? Chúng tôi không biết Người muốn nói gì?”

Chúa Giêsu nhận thầy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi một ít nữa các con lại thấy Thầy, Thầy bảo thật với các con “các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

SUY NIỆM

“Ta đi về cùng Cha Ta”, quả thật, các môn đệ ngẩn ngơ vì lời nói này của Chúa Giêsu, các ông chẳng hiểu gì. Mặc dầu các môn đệ nhận được nhiều lời an ủi trong “diễn từ biệt ly”, việc Chúa Giêsu ra đi về cùng Cha vẫn là một gì bí ẩn đối với các ông. Mặc dầu các ông nhận được sự khích lệ về việc Chúa Thánh Thần sẽ đến đồng hành với các ông trên mọi nẻo đường, các ông vẫn không thể hiểu việc lại đến của Chúa là gì.

Sự bối rối đó cũng được biểu lộ nơi chúng ta, mặc dầu chúng ta vẫn xác tín vào việc Chúa gần đến. Thật vậy, có những lúc trong cuộc đời, niềm tin vào việc Chúa đến như biến mất, khi chúng ta đối diện với những thất bại ê chề, những đau khổ, những tiến bộ của thế giới với những tiện nghi, những khám phá mới mẻ của khoa học, những lời châm chọc của một số người: “Kitô giáo mang lại gì cho anh?” đã để lại trong chúng ta vấn nạn: tại sao Chúa Kitô phải bước vào con đường thập giá? Tại sao Thiên Chúa đã không có thể trình bày tất cả cách sáng sủa hơn? Tại sao con đường sau Chúa Kitô  luôn chất chứa khổ đau và tủi nhục?

Chúa Giêsu nhận biết nỗi âu lo sợ hãi của chúng ta. Người đã không trách mắng các môn đệ, Người cũng không lo lắng về đức tin của các môn đệ. Người tỏ bày cách rõ ràng, con đường Người đi chính là con đường thập giá. Người phải chết, để nhờ đó thế giới này không bị mất đi. Người mang trên vai mình chính những âu lo, những nghi hoặc và cả tội lỗi của chúng ta. Ai tin vào Người sẽ không bao giờ bị hư mất.

Đức Kitô đã không dừng lại ở thập giá, Người hướng nhìn xa hơn. Người thấy nơi thập giá xuất hiện sự sống lại. Người biết, cuối cùng không phải là sự chết, nhưng chính là sự sống, một sự sống không bị hư hoại. Người nhìn thấy sự phục sinh. Đó chính là nguyên nhân của sự vui mừng nơi các tâm hồn.

Chúng ta cũng được mời gọi hướng ánh mắt nhìn vượt qua những nghi hoặc để tìm thấy niềm vui phục sinh. Ngày Chúa Nhật được gọi là ngày của Chúa, ngày nhắc nhớ chúng ta đến sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô – niềm vui đích thật của chúng ta, niềm vui không thể bị hủy hoại được.

Lạy Chúa Giêsu tình yêu, chúng con cám ơn Chúa vì Chúa đã hướng mắt nhìn của chúng con đến sự phục sinh. Chúng con cám ơn Chúa, vì qua cái chết trên thập giá Chúa đã ban cho chúng con sự sống vĩnh hằng. Xin giúp chúng con vững tin vào Chúa, để nhờ đó chúng con luôn tràn đầy niềm vui. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường