Suy Niệm Thứ Năm Tuần X Thường Niên B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 5: 20-26)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi tòa án. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị tòa án luật phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan tòa, quan tòa trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát ra khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng !”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mátthêu (Mt 5: 20-26)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi tòa án. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị tòa án luật phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hòa với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan tòa, quan tòa trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát ra khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng !”.

SUY NIỆM

Công chính là đức tính rất cần thiết của con người nói chung. Nhưng đối với người tín hữu thì sự công chính này còn cần hơn gấp bội, và đức công chính phải trọn hảo hơn nữa, vì nó được xây trên nần tảng tình yêu và phát xuất từ chính tình yêu. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ một lý tưởng sống mới, đó là phải công chính hơn những người biệt phái: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không ăn ở  công chính hơn các Kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5, 20).

Sự công chính mà Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ của Người, đó là sự công chính phát xuất từ chính tình yêu chân thật không pha vụ lợi, qua đó Người kiện toàn lại lề luật và đề ra một lý tưởng sống mới cho người môn đệ đó là Luật yêu Thương. Vì quả thực, Người  đến trần gian là để kiện toàn lề luật:”Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17).

Ai khao khát sự công chính, thì người đó luôn khao khát thánh ý của Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa và thánh ý của Chúa mới đưa lại sự công chính thật sự. Ở đây, chúng ta đọc lại vài hàng suy niệm của Luigi Serenthà về Mối Phúc này, mà Martini đã trích dẫn lại: “Phúc cho những ai đói khát việc thực thi thánh ý Chúa. Những người có phúc này nói rằng: Thực phẩm nuôi sống cuộc đời tôi, như thực phẩm làm cho thân xác tôi phát triển, không phải ý riêng của tôi, mà là thánh ý của Thiên Chúa. Tôi đói Thiên Chúa và tôi khát Ngài. Thánh ý của Ngài là điểm quan trọng cho sự tồn tại của tôi. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào Chúa. Ngài là niềm vui của tôi. Khi Ngài mặc khải và ban cho tôi điều gì, thì tôi sẽ ăn ngấu nghiến và uống thỏa thuê điều đó, như là một kẻ đói ăn ngấu nghiến chén cơm, và kẻ khát uống thỏa thuê ly nước”.

Thật vậy, ai khát khao và yêu mến điều công chính, người đó tìm thấy Thiên Chúa, tìm thấy thánh ý Ngài và tìm thấy hạnh phúc. Sự công chính luôn mang ý nghĩa kết hợp ý muốn con người với ý muốn Thiên Chúa. Sự công chính không thể tách lìa với lòng can đảm và dấn thân, để thực thi thánh ý Chúa trong cuộc sống, như chính Chúa Giê-su đã sống.

Người môn đệ được Chúa mời gọi phải sống công chính hơn những người biệt phái. Người biệt phái giữ luật rất chu đáo và tỉ mỉ và không bỏ sót một điều luật nào trong các khoản luật đã được đề ra, nhưng đáng tiếc là họ giữ luật một cách máy móc và hình thức, giữ luật chỉ vì luật mà không đi vào chiều kích nội tâm. Chúa Giêsu biết rõ cách sống và giữ luật của họ.

Chính vì thế, Ngài căn dặn các môn đệ của Ngài giữ các lề luật với tâm tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người khác như chính mình. Luật yêu thương mà Chúa Giêsu truyền dạy cần thực hiện cách cụ thể là sống hòa thuận và biết tha thứ: “Vậy, nếu khi anh em sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh em, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23 – 24). Lễ vật cao quý và đẹp lòng Thiên Chúa nhất, đó là cuộc sống đong đầy tình yêu, vì thế để có của lễ đẹp lòng Thiên Chúa thì chúng ta phải sống chan hòa tình yêu thương với anh em mình, yêu thương phải phát xuất từ chính trong tâm của mình, không hời hợt bên ngoài, hay ở đầu môi chót lưỡi.

Trong cuộc sống của mỗi người, không thiếu những lúc người khác làm cho chúng ta khó chịu, bực mình, không thiếu những lúc chúng ta sống khó hòa hợp với người khác, nhưng Chúa dạy chúng ta phải đi bước trước đến với tha nhân, đi bước trước đến với người nói hành nói xấu ta, đi bước trước đến với người làm ta đau khổ, với tính xác thịt con người thật là một điều quá khó, nhưng với tình yêu mến Chúa và trong tình mến, người môn đệ sống đức công chính Chúa dạy chúng ta hãy noi gương Chúa, khi ta chiêm ngưỡng hy lễ tuyệt hảo của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, khi chung quanh Thánh Giá đông vô kể những người bất bình, những người sỉ nhục Chúa, cả những người đóng đinh và coi thường Chúa : “Ông có phải là Thiên Chúa thì hãy tự xuống khỏi thập giá đi”, họ đang vui vẻ và hả hê cười nói, vì đã giết được Chúa, thì chính lúc đó Chúa dạy một bài học yêu thương và tha thứ cao tột đỉnh, Chúa ngước mắt lên trời và thưa cùng Chúa Cha: “Lạy Cha xin tha cho họ”. Chính bài học này đã dạy chúng ta tha thứ không phải là nhát đảm mà là anh hùng, tha thứ không phải là thua thiệt mà được gấp ngàn lần.

“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người, ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5, 21). “Chớ giết người” đó là một điều luật đã có từ thời Cựu ước và đến thời Tân ước Chúa Giêsu đã kiện toàn luật này một cách trọn hảo hơn, không phải chúng ta chỉ lo tránh giết người, mà còn phải sống với mọi người trong bầu khí chan hòa tình yêu thương, và phải tránh không phẫn nộ, không chửi mắng người anh em, và trong tư tưởng không có ác ý hại người, không có ý dèm pha chỉ trích, không loại trừ người anh em khi người anh em có tội. Chúa Giêsu cấm ngay từ trong trứng nước, ngay từ trong tư tưởng của người môn đệ Chúa, phải giữ trọn lề luật với tâm tình yêu thương, thương người như chính bản thân mình.

Xã hội muốn trật tự tốt đẹp, cần có những luật lệ. Con người sống trong xã hội cần tuân giữ những luật lệ ấy. Người tử tế là người biết giữ luật cho mình và cho người khác. Luật lệ giúp con người lớn lên và trưởng thành hơn. Thông thường, khi chu toàn những luật lệ, con người hay có thái độ tự mãn. Đây cũng là thái độ của những Kinh sư và Pharisiêu mà Chúa Giêsu nhắc đến trong Tin mừng hôm nay. Họ tuân giữ luật cách chặt chẽ và tỉ mỉ, xem mình công chính hơn những người khác. Giữ luật như thế chưa phải là phong cách của công dân nước Trời. Chúa Giêsu dạy lề luật quan trọng nhất mà con người cần phải tuân giữ đó là luật tình yêu.

Trong đời sống tâm linh, người ta phải tu dưỡng cái «tâm» ở bên trong trước: phải có tâm ngay thẳng, thành thật, luôn tôn trọng sự công bằng, biết yêu thương mọi người không phân biệt sang hèn tốt xấu. Khi đã có tâm tốt thật sự, những việc làm của người ấy sẽ tự nhiên đẹp lòng Chúa. Thánh Âu Tinh nói: «Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm!» (Ama et fac quod vis). Khi tâm đã quanh quéo, ích kỷ, sẵn sàng hại người, thì bất kỳ việc làm do tâm ấy thúc đẩy – dù bên ngoài có tốt lành đến đâu – cũng đều mang dấu ấn của tâm ấy, nên không mấy giá trị trước Thiên Chúa.

Người môn đệ của Chúa không giữ luật vụ hình thức, nhưng trong tình yêu, quảng đại và hiến thân. Chúa đã đưa lề luật trở về với đúng chức năng của nó và mời gọi ta hãy sống một đời sống mới trong tình yêu.

Sống đạo là sống trong tình yêu. Chính tình yêu sẽ giúp ta chu toàn lề luật cách trọn hảo. Ước chi hằng ngày, hàng tuần ta đến nhà thờ tham dự thánh lễ với tất cả tình yêu và ý thức, nhờ đó, ta mang tình yêu Thiên Chúa vào cuộc sống hằng ngày qua từng ánh mắt, nụ cười và cách đối xử với người khác.

Huệ Minh