Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu ( Mt 11: 28-30)
28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.
SUY NIỆM 1
Và như vậy, học với Chúa Giêsu là học có lòng hiền hậu và khiêm nhường như Ngài; và mang gánh của Ngài chính là sống theo luật yêu thương mà Ngài đã gọi là Luật Mới. Thật vậy, so với cộng đoàn của Mattheu, gánh và ách của Chúa Giêsu là điều hoàn toàn mới mẻ so với hằng hà sa số những luật lệ mà các kinh sư Do thái bày ra cho dân vác.
Ta thấy gánh nặng của luật cũ làm oằn vai dân ; làm lụi tàn cuộc sống của họ vì luật không dựa trên tình yêu. Thời nào cũng thế, nếu người ta cai trị dân bằng thứ luật của lợi nhuận và thu tích quyền lợi, dân sẽ khổ; nếu người ta truyền dạy những bài học không đặt nền trên tình yêu và sự khiêm tốn, dân sẽ chết.
Những kẻ vất vả mang gánh nặng mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến được các nhà chú giải hiểu là những con người đơn sơ khiêm tốn, sẵn sàng để Thiên Chúa dạy dỗ hướng dẫn, như được nói đến trong đoạn Tin Mừng trước đó. Tâm hồn họ đã sẵn sàng, giờ đây, Chúa Giêsu mời gọi họ đến với Ngài để được Ngài nâng đỡ bổ sức cho; hay nói theo một bản dịch Kinh Thánh khác: để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng. Gánh nặng nào? Ðó là gánh nặng của lề luật mà các nhà thông thái chất trên vai những con người đơn sơ, hèn mọn. Họ bó gánh nặng đặt lên vai người khác, còn chính họ thì không muốn động ngón tay vào, như lời Chúa trách cứ thái độ giả hình của những người Biệt Phái. Tinh thần vụ luật, vụ hình thức đã làm cho những vị lãnh đạo Do Thái giáo không còn quả tim để thông cảm nữa.
Trong thời Cựu Ước, dân Do thái luôn trông chờ Đấng Messia đầy uy quyền sẽ đến cứu dân Người khỏi ách nô lệ và tái lập hòa bình dân tộc. Nhưng tiên tri Giacaria lại loan báo cho dân thành Giêrusalem biết: Đấng Messia không đến trong quyền uy với võ khí và đội quân hùng mạnh nhưng đến với một thứ võ khí đặc biệt đó là “hiền lành và khiêm nhường”.Hiền lành và khiêm nhường nơi Chúa Giêsu không phải là sự nhu nhược nhưng là vẻ uy quyền của vị vua hòa bình. Người không lấy roi sắt mà thống trị nhưng dùng tình thương để hoán cải người tội lỗi.
Thời bấy giờ, dân Do thái đang phải mang ách nặng nề của kiếp nô lệ đế quốc. Họ phải tuân thủ những khoản luật khắt khe do giới lãnh đạo Dothái đề ra. Họ phải đóng thuế cho đền thờ, thuế thập phân và phải giữ nhiều điều luật tỉ mỉ khác. Vì mất nước và phải lưu đày trong sa mạc, dân Dothái càng thấm thía thân phận nô lệ. Mất đền thờ, mất hết những truyền thống tốt đẹp của tôn giáo, từng ngày, họ ngồi bên bờ sông Babylon tưởng nhớ Sion và khóc nức nở, khát khao sớm được giải thoát. Hiểu được nỗi buồn đang trĩu nặng trong lòng, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Lời mời gọi của Đức Giêsu như một phương cách kỳ diệu giúp mọi người trút được mọi gánh nặng của cuộc đời.
Và để vượt qua những gánh nặng của cuộc sống, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta “Các con hãy học với Ta vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng”. Đây là một lời nhắn nhủ thiết tha của Đức Giêsu đối với các môn đệ. Sau khi loan báo về mầu nhiệm Nước Trời, Chúa Giêsu cho các ông biết mầu nhiệm quan trọng này đã được giữ kín đối với những người khôn ngoan thông thái mà chỉ được mặc khải cho những kẻ bé mọn.
Thiên Chúa đặc biệt yêu thích người bé mọn, không phải bé mọn về thể chất nhưng là sự bé mọn trong tâm hồn, một tâm hồn đơn sơ trong trắng nhưng giàu lòng tin tưởng dám trao phó cuộc đời cho sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Đó là những người không cậy dựa vào tài năng, quyền lực và sức mạnh của đồng tiền mà luôn tín thác vào tình thương Thiên Chúa. Đó là những người dám cho đi cả mạng sống mình vì hạnh phúc của tha nhân.
Noi gương Chúa Giêsu chúng ta cũng được mời gọi thực hành đức tính “hiền lành và khiêm nhường”. Hiền lành để đón nhận được tình thương của Chúa, khiêm nhường để can đảm nhìn nhận những yếu đuối của mình mà ăn năn sám hối và sửa đổi vì Thiên Chúa không chấp nhận kẻ kiêu căng tự mãn nhưng luôn ban ơn cho người khiêm nhường. Thánh Anphongsô cảm nhận được sự cao quý của đức khiêm nhường, người nói: “Người yêu mến Thiên Chúa thì luôn khiêm nhường thật sự. Họ luôn ý thức mình là hư không tội lỗi mà không bao giờ tự mãn tự kiêu, tất cả mọi điều tốt lành đều đến từ Thiên Chúa”.
Ngày hôm nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta trao vào tay Chúa gánh nặng của công việc làm ăn, của bản thân gia đình con cái, của ưu phiền lo toan và của mọi đam mê tội lỗi. Con tim ta mong manh nhỏ bé dễ dàng tan vỡ trước những đau khổ đang đè nặng, đôi chân ta yếu ớt dễ dàng gục ngã trên đường đời nhiều gian nan thử thách. Tự sức mình chúng ta không thể vượt qua được những hệ lụy của thân phận con người nếu không có ơn Chúa trợ giúp.
Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên loài người giống hình ảnh Chúa và mang bản tính thiện toàn tốt đẹp, nhưng vì tội lỗi chúng con đã làm cho hình ảnh ấy hoen mờ và méo mó, xin cho chúng con biết sám hối ăn năn, sống hiền lành và khiêm nhường để đón nhận được lòng thương xót của Chúa.
Lời Chúa hôm nay giúp ta một lần nữa, cảm nhận tự đáy lòng mình tình yêu thương vô bờ và sâu nặng của Thiên Chúa, qua Con Một Người. Chúa Giêsu đến trần gian không phải để phô phang, cũng không ăn thua đủ với những kinh sư biệt phái thời Ngài. Ngài đến bằng tình yêu và đi trên con đường khiêm hạ. Tình yêu giúp Ngài luôn hướng trọn trái tim cho người nghèo, cho những người phận nhỏ. Sự khiêm hạ cho Ngài sức mạnh giúp những mảnh đời khốn khổ vươn cao, vươn xa trong Sự Khôn Ngoan đích thực, để đạt đến Hạnh Phúc Vĩnh Cửu.
Chúa Giêsu mời gọi dân chúng đến với Ngài để được Ngài giải thoát khỏi gánh nặng và được nâng đỡ bổ sức. Chống lại những người Biệt Phái, Chúa Giêsu đề ra một cái ách mới cho những ai chấp nhận Ngài. Ðây chẳng phải là không còn lề luật, bởi vì giáo huấn của Chúa Giêsu đòi hỏi không thua gì lề luật của Môsê. Nhưng đối với Chúa Giêsu, những kẻ tuân giữ luật Chúa được sức mạnh tinh thần nâng đỡ ủi an, đó là sức mạnh của Thánh Thần mà Ngài đã ban cho các môn đệ để họ tuân giữ luật Chúa, và như vậy luật Chúa trở nên nhẹ nhàng, dễ chu toàn.
Người Kitô hữu không lẻ loi một mình, không tự sức mình tuân giữ luật Chúa. Hằng ngày họ được Chúa nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Thánh Ngài và được ban cho tràn đầy Thánh Thần. Sống theo ơn soi sáng của Thánh Thần, họ sẽ cảm nghiệm được rằng đời sống đức tin với tất cả những hệ lụy, những đòi buộc của nó, sẽ không còn là gánh nặng, mà là niềm vui và sức mạnh trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh cuộc đời.
Đứng trước Thiên Chúa là Đấng quyền năng tuyệt đối, loài người chúng ta thật sự chỉ là thụ tạo thấp hèn, xin cho chúng ta đừng bao giờ tỏ thái độ kiêu căng ngạo mạn nhưng biết nương tựa vào sức mạnh của Chúa để được lớn lên trong ân sủng và sống viên mãn trong tình yêu. Chúa là vẻ đẹp vĩnh cửu, còn con là thụ tạo hư vô huyễn hoặc, xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết tháp nhập vào Chúa để thừa hưởng nguồn sống tinh tuyền. Chúng ta xin mượn tâm tình của thánh Augustinô thưa với Chúa rằng: “Chúa là vẻ đẹp con hằng tìm kiếm. Vì thế tâm hồn con sẽ mãi khắc khoải mãi cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”.
Huệ Minh
Khi tìm hiểu nguyên nhân, người ta nhận thấy nhiều bạn trẻ bế tắc trong công việc, thất bại trong tình yêu, không tìm ra ý nghĩa, giá trị của cuộc sống, nên đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Nói chung, họ thấy gánh nặng cuộc đời quá lớn, khiến không thể mang vác nổi, vì thế đành “hạ gánh buông trôi” chấm dứt cuộc đời.
Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Ngài để được bình an và hạnh phúc, vì “ách” của Ngài thì êm ái và “gánh” của Ngài thì nhẹ nhàng. Đồng thời Đức Giêsu cũng mời gọi mỗi chúng ta hãy học với Ngài vì Ngài hiền hậu và khiêm nhường trong lòng.
“Ách” của Đức Giêsu chính là sự “hiền hậu”, “khiêm nhường”. Khi mang lấy trong mình sự “hiền hậu”, “khiêm nhường”, chúng ta sẽ thấy mọi chuyện chở nên êm ái và nhẹ nhàng. Còn “gánh” của Đức Giêsu chính là “luật yêu thương”.
Trong đời sống của người tín hữu, chúng ta sẽ gặp không ít những khó khăn bên trong và bên ngoài. Khó khăn về thể lý lẫn tinh thần. Khó khăn về những hiểu lầm, cố chấp, bất công. Khó khăn về sự chung thủy… Những cái đó chính là những “ách” và “gánh” của cuộc đời.
Khi mang “ách” và “gánh” cuộc đời như vậy, chúng ta cảm thấy nặng nề và muốn buông xuôi, bỏ cuộc, bởi vì chúng ta đối diện và phải mang cái “ách” đó bằng sự kiêu ngạo, tự phụ, ích kỷ chứ không phải là hiền hậu và khiêm nhường theo tinh thần của Chúa. Hơn nữa,“gánh” của cuộc đời mà chúng ta vẫn mang theo chính là sự bảo thủ, ghen ghét, không thông cảm và cố chấp chứ không phải là “luật yêu thương”!
Mong sao mỗi chúng ta hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu và hãy học cùng Ngài để được bình an.
Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống, chúng con luôn phải đối diện với những lo toan như cơm, áo, gạo, tiền, khiến đôi khi chúng con cảm thấy nặng nề và thất vọng. Xin Chúa ban cho chúng con biết đến với Chúa để được Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển