Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 16:13-23)
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? “14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô. 21 Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! “23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
SUY NIỆM 1
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đây là lời tuyên xưng đức tin, qua đó thánh Phêrô đại diện cho tất cả những người tin thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta, nhìn nhận căn tính thần linh của con người Chúa Giêsu Nazareth.
Lời tuyên xưng đức tin ấy đưa đến một mối phúc: “Này anh Simon, con ông Giôna, anh thật là người có phúc”. Và sau đó, Chúa lại trao quyền cho thánh Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
Tuy nhiên, được Chúa trao quyền, thánh Phêrô không nghiễm nhiên thành kẻ ăn trên ngồi trốc thiên hạ. Thánh nhân sẽ phải miệt mài theo Chúa, dẫu trên đường rao giảng, hay thập giá, hay phục sinh, hay khi lãnh đạo Hội Thánh của Chúa trên cương vị giáo hoàng. Thánh nhân phải chọn một cuộc đời không dễ dãi nhưng chấp nhận vào sinh ra tử. Cuối cùng thánh Phêrô cũng như nhiều tông đồ khác, đã đổ máu đào minh chứng cho đức tin của mình.
Thánh nhân phải sống triệt để lời Chúa dạy: “Ai muốn cứu sự sống của mình thì sẽ mất; nhưng ai chịu mất sự sống của mình vì tôi và vì Tin Mừng, sẽ cứu được”. Vì thế, dù trở thành người có quyền “cầm buộc” và “tháo cởi“, thánh Phêrô luôn là người tiên phong sống chết cho Tin Mừng của Chúa. Thánh nhân phải chấp nhận để thánh giá của Chúa, thánh danh của Chúa nêu cao trong suốt cuộc đời truyền giáo của mình.
Ngày nay, chúng ta vẫn được Chúa mời gọi: “Hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình hằng ngày mà theo Ta“. Mỗi người chỉ có một cuộc đời mà thôi. Ta có cố níu kéo sự sống ở đời này, thì đến một ngày nó vẫn rời xa ta.
Vậy, để noi gương thánh Phêrô nói riêng và noi gương các thánh tông đồ của Chúa nói chung, chúng ta hãy sống cho có ích; hãy băng mình vào mọi nơi, mọi hoàn cảnh để rao truyền danh Chúa, để làm cho Tin Mừng của Chúa bùng phát từng ngày; hãy luôn ý thức: bản thân tôi thuộc về Chúa, tôi cần để cho Chúa tự do sử dụng tôi cho danh cao cả của Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mạnh mẽ sống đức tin của mình; và nếu cần, xin cho chúng con sẵn sàng chết cho đức tin ấy. Xin cho chúng con luôn mạnh mẽ xác tín và đề cao chân lý: Chỉ có một mình Chúa mới là gia nghiệp đích thực, để chúng con phải luôn tìm cách ở gần Chúa, ở trong Chúa, chiếm hữu tình yêu và ơn cứu độ của Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Trang Tin Mừng hôm nay, chương 16 câu 13-23, chúng ta cùng chú ý về 2 nhân vật chính trong cuộc đối thoại khá lý thú này. Đó là Chúa Giêsu và Tông đố Phêrô.
Khi đến miền Xêdarê Philípphê, Chúa Giêsu không xin các môn đệ cho ý kiến về Bài Giảng trên núi hoặc về phần nào đó của công trình Người; Người hỏi họ là họ nghĩ gì về bản thân Người. Câu hỏi đã cho thấy rằng đối với Đức Giêsu, điểm này có tầm quan trọng quyết liệt. Người muốn đưa các ông đến chỗ hiểu biết rõ ràng về Người và mộtlời tuyên xưng đức tin không mập mờ vào Người. Tất cả ý nghĩa của sự hiểu biết này tuỳ thuộc Người là ai.
Khi Thầy trò đến thành Xêdarê Philipphê, thì Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của mình một vấn nạn mà dân chúng đang xôn xao về danh tánh của Ngài. Người ta thắc mắc và bàn luận với nhau, có kẻ cho rằng Ngài là một vị ngôn sứ thời xưa, thậm chí là Gioan Tẩy Giả mới bị trảm quyết. Điều Chúa Giêsu quan tâm không phải là danh tánh của Ngài đã được dân chúng thừa nhận hoặc suy tôn, nhưng là “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c.15).
Chúa Giêsu muốn các môn đệ không nghe dân chúng xôn xao bàn luận mà ngả theo, nhưng là lập trường của chính các ông: Thầy là ai, đối với anh? Thầy ở đâu? Chiếm vị trí nào trong tâm trí, trong suy nghĩ của các anh? Các anh là những người theo Thầy bấy lâu, vậy các anh nghĩ gì về Thầy? Câu hỏi này có lẽ khiến các môn đệ dừng lại suy nghĩ không ít. Và thánh sử viết tiếp: “Simon, Phêrô lên tiếng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c.16).
Chắc có lẽ bấy giờ Phêrô trả lời, nhưng chẳng hiểu mình đang nói gì hoặc ông đã trích dẫn lời Kinh Thánh của ngôn sứ Nathan trong 2 Sm7,14; bởi vì sau đó ông đã ngăn cản con đường Thập Giá của Chúa Giêsu. Và chính Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng, lời Phêrô vừa nói ra do chính Chúa Cha mặc khải.
Chúa Giêsu rất thương mến và tin tưởng thánh Phêrô, và ngay sau khi Thánh nhân tuyên xưng đức tin, Đức Kitô đã đặt lại tên là Phêrô (nghĩa là “Tảng Đá”) thay cho tên gọi trước của ngài là Simôn. Chẳng những thế, khi thấy đức tin của Phêrô (và nói chung là các môn đệ) vẫn chưa được kiên định, Chúa Giêsu còn âu yếm phán dạy: “Simôn, Simôn ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.” (Lc 22, 31-32).
Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh trên nền đá Phêrô. Phêrô vốn là một người yếu đuối. Đời ông nhiều thất bại hơn thành công, nhiều yếu đuối hơn mạnh mẽ. Đã từng ra khơi suốt đêm để sáng sớm trở về tay trắng. Đã từng chìm xuống khi muốn đi trên mặt nước. Đã từng ngủ mê khi phải canh thức với Thầy trước giờ tử nạn.
Và tệ hại nhất là đã từng chối Thầy ba lần khi Thầy chịu khổ nạn. Nền tảng tượng trưng cho cả toà nhà. Nền tảng Phêrô là một con người yếu đuối cũng như cả Hội Thánh gồm những con người mỏng giòn. Những thất bại của Phêrô thường diễn ra trong bóng đêm. Đánh cả suốt đêm không được gì. Chìm xuống mặt nước lúc ban đêm. Ngủ gật trong vườn Cây Dầu khi trời tối. Chối Thầy trong bóng đêm. Đó là hình ảnh Hội Thánh còn phải lần mò đi trong đêm tối thử thách của thế giới với những yếu đuối của con người. Chúa dùng người yếu đuối để qui tụ những con người yếu đuối. Chúa sử dụng những phương tiện của con người để nâng đỡ con người.
Chính sự kiện này, một lần nữa lại minh họa cho vấn đề tuyên xưng đức tin không những phải được tuyên bố bằng lời nói xuất phát tự tâm can, mà còn phải được thể hiện bằng hành động, bằng cả cuộc sống, bởi “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17).
Ngay sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Chúa Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời” (Mt 16, 17). Qua câu nói đó của Chúa Giêsu, và lúc khác kết hợp với lời tạ ơn của chính Ngài: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25), cho chúng ta thấy rất rõ rằng: sứ vụ mà Phêrô sắp được lãnh nhận ở đây không phải là của người khôn ngoan, trí thức, quyền quý, theo kiểu người đời vẫn hiểu, mà là dành cho những người bé mọn theo ý Chúa.
Lời tuyên tín của Thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” không thuộc phạm trù “sự hiểu biết thuộc về con người”, nhưng thuộc về “thế giới siêu nghiệm”,và vì thế, để hiểu được tất cả ý nhĩa của lời tuyên tín trên thì cần phải được mặc khải từ Thiên Chúa, và người đón nhận phải đơn sơ, chân thành.
Ngày nay, Chúa Giêsu cũng đang tra vấn mỗi người chúng ta: “Phần con, con nói Ta là ai?”, nhất là đối với những người đang làm công tác rao giảng Tin Mừng. Vì khi chúng ta xác định: Đức Kitô là ai, chúng ta là ai, thì lời rao giảng mới có thần lực, mới không bị lệch lạc. Nhiều khi mang danh là dẫn người khác đến với Chúa, chúng ta lại đưa họ đến với cá nhân chúng ta qua việc khẳng định cái tôi trong lời giảng dạy hoặc trong tổ chức lúc đó. Đức Kitô bị lu mờ trong lối sống “cha chú”, ăn trên ngồi trước hoặc tư tưởng sai khiến” của chúng ta, chứ không còn là lòng yêu thương, tinh thần phục vụ và dấn thân cho người nghèo khổ.
Con đường Đức Ki tô đi là con đường Thập Giá mà người tông đồ xưa đã cản và chính chúng ta ngày nay cũng cố tình “phớt lờ” hoặc né tránh. Đức Giêsu nói với Phêrô cũng là nói với chúng ta “lui lại đàng sau Thầy…” (c.23) vì đó không phải là đường lối của Thiên Chúa, không là cách thức riêng của Thầy.
Ngày nay, trên bước đường truyền giáo, người tông đồ có ngồi bên chân Chúa để kiểm duyệt lại xem đây có phải là tư tưởng của Chúa hay của cá nhân tôi? Công việc tôi đang làm có tôn vinh Chúa hay mưu cầu lợi ích cá nhân tôi? Tôi đang làm cho danh Chúa cả sáng hay làm rạng rỡ tên tuổi của tôi? “Lui lại đàng sau Thầy” là hãy bước vào con đường của Thầy giẫm lên dấu chân của Thầy. Đường của Thầy là con đường Thập Giá, là hi sinh tính mạng vì bạn hữu, là yêu đến cùng, không tính toán, vô vị lợi.
Ta đang sống trên trần thế, nên việc cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta một cách riêng tư, sẽ có giá trị hơn tất cả những gì chúng ta nghe hoặc những gì chúng ta biết được qua người khác. Điều này sẽ quyết định số phận của chúng ta. Chúng ta có được diện kiến và nhìn thấy Chúa cách viên mãn đời đời hay không, là do tương quan của chúng ta với Chúa.
Huệ Minh