Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 7: 36-50)
36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn.37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm.38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!”40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”.41 Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục.42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?”43 Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”. Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm”.44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau.45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi.46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”.48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”.49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?”50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”.
Suy Niệm: Tin Mừng Lc 7: 36-50
Có được bình an trong tâm hồn là điều quí giá nhất Chúa Giêsu mang lại cho con người. Nhưng để có được bình an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối.
Sám hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên của Ngài khi bắt đầu sứ vụ công khai là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Ngài đến là để khơi dậy lòng sám hối của con người; Ngài đến là để hòa giải tội nhân với Thiên Chúa. Cái chết của Ngài trên Thập giá không phải là cái chết của nhà cách mạng hay chính trị gia, mà thiết yếu là để đền bù tội lỗi con người.
Trang Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca ghi lại một sự kiện được diễn tả tỉ mỉ về người phụ nữ tội lỗi tìm gặp Chúa Giêsu. Khởi đầu là hoàn cảnh của người phụ nữ trong tâm trạng ảo não tuyệt vọng của kẻ sống trong tội, nhưng kết thúc là ra về trong tâm trạng an bình, hân hoan.
Chúa Giêsu đến nhà một người Biệt Phái dùng bữa, cho chúng ta bài học về lòng bao dung của Chúa, để mời gọi chúng ta cũng phải sẵn lòng mở rộng vòng tay thân ái, cư xử thân thiện với hết mọi người, bất kể họ là ai, đang ở trong địa vị nào dù thấp kém, dẫu dị biệt về văn hóa, tín ngưỡng, hay khác biệt về màu da… để từ đó chúng ta sẽ nhận ra mọi người đều là anh em, con cùng một Cha trên trời, và mọi người có bổn phận phải cư xử với nhau trong tình bác ái anh em.
Trang Tin Mừng hôm nay kể rõ người phụ nữ đã biết mình là kẻ tội lỗi, nhận ra sự cần thiết của sự trở về và đã tìm gặp Chúa Giêsu. Bà đã chuẩn bị chu đáo cho việc quan trọng này, từ tâm hồn cho đến vật chất để thể hiện lòng mình, bất chấp những con mắt định kiến ích kỷ, những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của những người đang hiện diện xung quanh. Bà đã thể hiện trọn vẹn lòng sám hối ăn năn. “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Chúa Giêsu đã công khai bênh vực hành động của người phụ nữ này. Với câu chuyện hai con nợ kể cho Simon nghe, Ngài nhấn mạnh : càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn.
Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của sám hối. Bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bà đã thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình. Chúa Giêsu đã nói lên ý nghĩa hành động của người phụ nữ này như sau: “Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều”. Càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn.
Quan sát người phụ nữ tội lỗi gần bên Chúa Giêsu, chị lặng thinh không thốt một lời, mọi ngôn từ giờ biến thành hành động: “Đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm” (Lc 7, 38). Chị gạt bỏ mọi rào cản để đến gần Chúa Giêsu và ở lại bên Ngài. Đức tin sống động nơi chị khởi đi từ lòng mến thiết tha. Chị đặt trọn niềm cậy trông vào Chúa Giêsu là nguồn cội của tình yêu thương tha thứ.
Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về lòng sám hối ăn năn vì những tội lỗi, thiếu xót đã xúc phạm đến Chúa, đến tha nhân và nơi chính bản thân. Thiết nghĩ, chỉ khi chúng ta thật lòng trở về bên Chúa Giêsu, chúng ta mới khám phá được tình yêu thương và sự thứ tha của Thiên Chúa. Hơn ai hết, Thánh Phêrô đã có kinh nghiệm này để rồi ngài quả quyết: “Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4, 8).
Thật vậy, người phụ nữ tội lỗi được Chúa Giêsu tha thứ để lại cho ta một bài học quý giá về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa để chúng ta luôn biết quay trở về mỗi khi lầm lỗi và biết sống tha thứ, cảm thông với tha nhân.
Lịch sử Giáo Hội được tô điểm bằng lòng sám hối thể hiện qua tình mến. Cuộc đời của bất cứ vị thánh nào cũng đều bắt đầu bằng lòng sám hối, nghĩa là ý thức sâu xa về tội lỗi của mình. Nhưng sám hối không chỉ là ý thức về tội lỗi của mình. Có lẽ không ai ý thức được hành động phản bội của mình cho bằng Yuđa, nhưng ý thức ấy chưa hẳn là sám hối. Phêrô cũng đã chối Thầy, nhưng nơi ngài lòng sám hối không chỉ dừng lại ở ý thức tội lỗi, nhưng đã biến thành tình yêu thương; Phêrô đã nói lên lòng sám hối bằng ba lần thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa”.
Trong suốt dòng lịch sử, Giáo Hội đã được tô điểm bằng lòng sám hối thể hiện qua tình mến của các thánh. Trong bài đọc thứ nhất, Thánh Phaolô tông đồ đã nhấn mạnh : “Tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.” Từ một sự trở lại với Chúa tưởng như khó có thể xảy ra, Thánh Phaolô đã ngày một yêu mến nhiều hơn,để rồi Ngài thực hiện biết bao kỳ tích trong việc truyền giáo. Cuộc đời của bất cứ vị thánh nào cũng đều bắt đầu bằng lòng sám hối.
Với lòng ý thức sâu xa về tội lỗi của mình, chúng ta tìm về với Chúa, thể hiện lòng ăn năn và hoán cải, trong lòng không còn tiếc nuối những gì trong quá khứ, những gì đã có. Dẫu là bình bạch ngọc, dầu thơm quý giá. Hành động thể hiện lòng yêu mến cách tích cực với Chúa.
Cũng sám hối, nhưng thể hiện như cách của Giu-đa thì không thể hiện được lòng sám hối đích thực. Nó triệt tiêu đi sự trở về và lòng yêu mến cần có với Chúa. Và cũng với lòng sám hối, Phêrô đã không dừng lại ở thâm tâm ghét tội lỗi của mình vì đã chối thầy, mà đã xoay biến thành lòng yêu mến nhiệt thành với Chúa đúng như những lần thưa lên với Chúa Giêsu : “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa”. Hành động của Phêrô sau đó đã mạnh mẽ đáp báo với lòng tin yêu của Thầy Chí Thánh, và có sự tương tác, lòng mến của Phêrô ngày một mãnh liệt hơn, sự thể hiện ra hành động đến tột bậc là chết vì lòng tin, cậy, mến Chúa.
Thật đáng để mọi người suy gẫm và lo lắng, nếu loài người dần đánh mất đi nhận thức về tội lỗi, về lòng sám hối. Nói những lời nói, làm những hành động gớm ghê mà dửng dưng, xem như không mảy may suy nghĩ lại. Con người ngày một hời hợt với ý thức tội lỗi, thì đương nhiên con người không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, và thế là cũng đánh mất sự cảm thông với người khác. Lúc ấy sự khoan dung tha thứ cho tha nhân là điều xa vời khó tránh khỏi.
Chúa luôn mời gọi chúng ta trở về và sám hối. Ngài sẵn lòng ban cho chúng ta sự bình an tâm hồn như lời Ngài phán hứa : “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an của thầy cho các con…”. Xin Chúa cho chúng ta luôn được bình an trong tâm hồn.
Huệ Minh