Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 10: 1-12)
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con đi như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: “Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”. Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: “Cả đến bụi đất các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần”. Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này”.
Suy niệm: Tin Mừng Lc 10: 1-12
Nhưng người môn đệ lại không được trang bị nhiều: không túi tiền, không bao bị, không giầy dép, dù đó là những điều bình thường thiết yếu cho một cuộc hành trình. Chính vì thế họ buộc lòng phải cậy dựa vào người khác. Mà không phải ai cũng có lòng, ai cũng vui vẻ đón nhận. Như thế là chấp nhận liên tục bấp bênh, liên tục cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Nhà của các tín hữu là nơi hoạt động của người môn đệ. Căn nhà là nơi các môn đệ được trú ngụ, được chia sẻ bữa ăn. Họ sống gần gũi như người trong nhà, như người thợ làm việc. Nếp sống giản dị và siêu thoát của họ phải được bày tỏ qua việc chấp nhận mọi đồ ăn thức uống người ta dọn cho (cc. 7-8), cũng như việc không đi tìm một căn nhà khác tiện nghi hơn (c. 7). Ngoài ra các thành phố cũng là điểm đến của họ (cc. 8-12).
Nhưng dù là vào một căn nhà hay vào một thành phố (cc. 5. 8), thái độ của người môn đệ đều rất tích cực và thân thiện. Họ chúc bình an, chữa bệnh, loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần. Họ cũng khiêm tốn chấp nhận bị từ chối, khi ơn bình an không được đón nhận, lời loan báo không được lắng nghe.
Những lời dặn dò của Đức Giêsu ngày xưa, bây giờ vẫn còn giá trị. Chúng ta vẫn tiếp tục được sai vào các thành phố hôm nay. Có biết bao người cần được chữa lành về thân xác, tinh thần, với những thứ bệnh mới của thời đại được coi là văn minh. Có bao người cần được nghe một lời đem lại cho đời họ chút hy vọng.
Được sai vào thành phố thế kỷ 21 để rao giảng, thật là một thách đố. Làm sao ta có can đảm nói về Nước Trời cho những người vô tín, và những người bị cuốn vào cơn lốc của vật chất và khoái lạc ? Làm sao nói về Đấng Vô Hình khi nhiều người chỉ tin vào cái hữu hình ? Người môn đệ hôm nay vẫn phải lại gần con người để chia sẻ cuộc sống, như xưa các môn đệ xưa đã sống chung, ăn chung, và làm việc như một người thợ để phục vụ. Giáo Hội vẫn cần xin nhiều thợ hiền lành và can đảm để đến với thế giới.
Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong lịch sử nhân loại đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người. Hơn nữa, chúng ta thấy tác giả Phúc Âm thánh Luca mô tả sứ mệnh của các tông đồ được Chúa sai đi bằng hai cụm từ rao giảng và chữa lành bệnh tật.
Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Người đồ đệ của Chúa khi làm công việc của Chúa là công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện.
Khi làm công việc này không thể nào lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em chung quanh. Nhà thờ để thờ Thiên Chúa, nhà thương chăm sóc bệnh nhân, nhà săn sóc người cao niên, nhà học tập cho người trẻ, nhà ở cho người nghèo, nhà cứu trợ cho anh chị em gặp nạn, đó là những nhà, những loại công tác nằm trong sứ mệnh của người đồ đệ của Chúa.
Nước Thiên Chúa chính là điểm cốt lõi trong sứ mạng truyền giáo của Chúa Giêsu. Nay, khi sai các môn đệ đi truyền giáo, các ông cũng phải rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa sắp đến.
Như thế việc truyền giáo là công việc Chúa trao phó và ủy thác cho các môn đệ, và chính các môn đệ của Chúa cần phải ý thức việc truyền giáo là bổn phận của mọi người tín hữu. Bất cứ người Kitô hữu đều có thể làm việc truyền giáo theo ý Chúa muốn.
Một trong những phương thế để làm việc truyền giáo có hiệu quả là cầu nguyện. Cầu nguyện là nền tảng của việc truyền giáo. Như Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu dùng lời cầu nguyện mà cứu được nhiều linh hồn về với Chúa không kém thánh Phanxicô Xaviê, người suốt đời bôn ba khắp nơi để rao giảng Lời Chúa.
“Lúa chín đầy đồng, thợ gặt quá ít”. Một nhận định vừa hân hoan vừa báo động. Đối với chúng ta hôm nay là một lời báo động, vì nếu lúc chín vàng đồng mà gặt không kịp, lúa sẽ rụng hết. Một thực tế bi đát vì tình trạng thiếu thợ gặt so với cánh đồng lúa chín vàng bát ngát. Mười hai Tông đồ được sai đi, rồi lại thêm 72 môn đệ nữa, cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Các Giám mục, các linh mục, rồi các tu sĩ nam nữ cũng còn quá ít, cần phải có sự tiếp tay của các giáo dân nữa.
Mệnh lệnh của Chúa Giêsu ‘Hãy đi loan báo Tin Mừng’ vẫn mang giá trị trường tồn và đặt ra một cách cấp bách. Tình trạng hiện nay trong thế giới, đang đòi hỏi tuyệt đối phải thực thi mệnh lệnh của Chúa một cách khẩn trương và quảng đại hơn. Một người môn đệ đích thực của Chúa Kitô không có quyền từ chối lời đáp trả của riêng mình: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Cho hay, cái mới mẻ trong việc thực thi cuộc loan báo Tin Mừng là tất cả toàn dân Chúa, không phân biệt nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, mạnh yếu. Tất cả đều được sung vào việc tông đồ truyền giáo.