Từ ngàn đời Thiên Chúa đã yêu thương con người, dẫu con người có tội lỗi, phản bội và bất trung, nhưng họ biết ăn năn sám hối thì Thiên Chúa vẫn “yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), vì Thiên Chúa đến không phải để kêu gọi người công chính nhưng là để kêu gọi người tội lỗi biết sám hối ăn năn.
Chương 15 Tin mừng theo thánh Luca ghi lại 3 dụ ngôn nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa: con chiên lạc, đồng bạc mất và người con bỏ nhà đi hoang. Con chiên và đồng bạc thì vô tình bị lạc mất, còn người con thì tự đánh mất chính mình. Tuy nhiên, cuối cùng thì cả ba đều được tìm thấy.
Đoạn tin mừng chúng ta nghe hôm nay kể lại hai dụ ngôn đầu. Dụ ngôn tuy ngắn nhưng giàu hình ảnh và diễn tả nhiều sắc thái tình cảm khác nhau: lo lắng, so bì, ganh tỵ, bao dung, tha thứ, phấn khởi, hân hoan… Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa. Vai chính là người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi ngờ gian lận, và vì phải luôn sống với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ luật ngày Hưu lễ cũng như không thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn các phụ nữ là những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa.
Qua hai dụ ngôn: Con chiên lạc và người đàn bà có đồng xu bị mất trong Tin mừng Luca, Thiên Chúa đã tỏ lộ lòng thương xót vô biên của Ngài cho con người, dẫu con người có lạc xa đàn, hư mất trong tội lỗi, hay đi hoang. Lòng thương xót của Thiên Chúa được cụ thể hóa bằng việc yêu thương kẻ có tội, Ngài cứu sống họ bằng mọi giá. Nếu trong đời sống thường ngày, người chăn chiên không thể ngồi yên khi thấy mất một con chiên bị lạc và người đàn bà không thể dửng dưng khi thấy thiếu một đồng bạc, thì Thiên Chúa lại càng không thể ở yên khi có một người con sa vào tội lỗi và có nguy cơ hư mất đời đời. Như vậy Con người trở thành đối tượng thương xót vô cùng của Thiên Chúa. Dù tội lỗi của con người có “đỏ như son, Thiên Chúa cũng sẽ giặt trắng như tuyết, có thấm tựa vải điều cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Tin tưởng vào lòng thường xót của Thiên Chúa, chúng ta hãy nép mình trong trái tim đầy yêu thương tha thứ của Chúa và quyết tâm trở về với Ngài để “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. (Lc 15,10)
Hai dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa quý con người.Mà con người ở đây lại không phải là những người thánh thiện.Có những động từ được nhắc đến trong cả hai dụ ngôn:có, mất, tìm, tìm được, chung vui, vui mừng.Những động từ này nói lên tất cả tình cảm của Thiên Chúa.Dụ ngôn về người đàn ông hay người phụ nữcó một trăm con chiên hay mười đồng quan.
Vì lý do nào đó, một con chiên hay một đồng quan bị mất.Sự mất mát này lớn lao đến nỗi người ta muốn tìm cho kỳ được.Tìm cho kỳ được là tìm đến khi thấy mới thôi (cc. 4. 8).Việc tìm kiếm này đòi phải hành động quyết liệt.Người chăn chiên để chín mươi chín con ngoài đồng hoang,người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc mọi ngõ ngách.Trong lo âu, người tìm kiếm chỉ nghĩ đến chuyện làm sao tìm lại được.Chính vì thế niềm vui bùng lên khi tìm thấy điều đã mất.Niềm vui không giữ lại cho riêng mình trong lòng.Niềm vui đòi chia sẻ với bạn bè, với bà con lối xóm.“Xin ông bà anh chị chung vui với tôi, vì tôi tìm thấy rồi” (cc. 5. 9).
Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Bị mất và đi tìm là điều thường xảy ra trong cuộc sống của con người. Đọc báo hay xem tivi, chúng ta thấy người ta không chỉ đăng tin: tìm trâu bò, giấy tờ, xe máy bị mất mà đặc biệt là còn tìm người thân bị lạc mất.
Sự đánh rơi tài sản quý giá hay lạc mất người thân làm cho chủ nhân hay gia đình lo âu, đau khổ; phải vất vả bôn ba kiếm tìm.
Qua hai dụ ngôn, chúng ta nhận thấy: một con chiên dù không có giá trị là bao so với cả đàn chiên, nhưng người chăn chiên cũng cất công tìm kiếm; cũng thế, một đồng bạc chẳng đáng là gì nhưng người phụ nữ đã vất vả kiếm tìm. Cho nên, khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu không có ý nói về tải sản vật chất nhưng nói về các tội nhân được Ngài tìm kiếm và đưa về. Đối với Chúa, mỗi một con người -dù tội lỗi – đều có giá trị.
Sứ mệnh của Chúa Giêsu đến trần gian là để tìm kiếm những tâm hồn đã hư mất vì tội lỗi. Ngài không quản ngại đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và mời gọi người ta sám hối. Ngài len lỏi vào mọi ngóc nghách của cuộc sống, giao du tiếp đón mọi hạng người.
Thật vậy, Chúa Giêsu kể những dụ ngôn này trong một hoàn cảnh đặc biệt. Các luật sĩ và biệt phái lấy làm vấp phạm khi thấy Ngài giao du với những kẻ mà họ gọi là tội nhân.
Trong xã hội Do Thái, có một hàng rào ngăn cách giữa những người được xem là đạo đức và những người bị coi là tội lỗi. Các luật sĩ và biệt phái – những người tự nhận mình là đạo đức – hết sức khó chịu khi thấy Đức Giêsu làm bạn với những người tội lỗi.
Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu, hạng người tội lỗi mới là đối tượng khiến Chúa phải cất công kiếm tìm: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất”.
Con chiên lạc, đồng bạc mất là hình ảnh của mỗi người chúng ta, vì mỗi người chúng ta trước mặt Chúa đều là tội nhân. Chỉ những ai – như biệt phái và luật sĩ kiêu ngạo – tự nhận mình là công chính mới tự loại mình ra khỏi tình thương và ơn cứu độ của Chúa.
Huệ Minh