Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (5:12-16)
12 Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.13 Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.14 Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”.15 Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh.16 Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.
Suy niệm: Tin Mừng Lc 5: 12-16
Bối cảnh và luật pháp đối với người bệnh phong cùi vào thời Chúa Giêsu thật nặng nề. Những người mắc chứng bệnh phong lúc bấy giờ phải sống tách ly và biệt lập khỏi gia đình và xã hội. Họ phải để tóc và râu rối bời, áo quần rách rưới hôi hám để người sạch trông thấy mà xa tránh họ ra. Nặng nề hơn, quan niệm Do thái lúc bấy giờ, bệnh phong cùi là hình phạt rõ ràng của Thiên Chúa, nên họ không được phép đến thờ phượng Thiên Chúa trong đền thờ. Khi đi bất cứ nơi nào xin ăn, người phong cùi phải lắc chuông và hô to “Tame” nghĩa là dơ bẩn và cùi đây….Nếu họ vi phạm những luật pháp trên, họ có thể bị ném đá cho chết.
Và câu chuyện Tin Mừng cho ta thấy Chúa Giêsu đang ở trong một thành kia, có một người toàn thân mắc bệnh phong đến, sấp mặt xuống đất, xin Người chữa anh ta lành. Sự lạ ở đây là người phong ở trong thành, một điều dường như không thể chấp nhận đối với trường hợp người mắc chứng bệnh được coi là nan y vào thời Đức Giêsu, nhất là với Luật của Do Thái Giáo; lẽ ra anh phải tránh xa thành phố, và đồng nghĩa là tránh xa những người khác, vừa đi vừa la lớn để mọi người tránh xa anh ta.
Đó là một căn bệnh hiểm nghèo khiến bệnh nhân phải tách ly khỏi cộng đoàn, nếu không muốn nói là “bị khai trừ và kể như đã chết”. Dưới ngòi bút của thánh sử Luca, đối với người mắc bệnh phong, quyền năng của Đức Giêsu vượt trên cả luật lệ và sự chết kia. Anh sấp mặt xuống xin Chúa chữa lành; anh đã kêu xin đúng lòng thương xót của Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”
Lời cầu xin của người cùi nghe qua thật đơn giản, nhưng chất chứa một lòng tin vững vàng. Anh không xin được chữa lành bệnh mà xin được sạch, sạch về thể xác lẫn tâm hồn. Cái “không sạch” đã loại anh ra khỏi cộng đoàn nên điều anh thưa với Chúa cũng hàm ý xin ơn tha thứ tội lỗi đã phạm. Anh chủ động đến gặp và mở lời xin Chúa Giêsu chữa lành. Thái độ chủ động này nói lên lòng khao khát được sạch. Nhưng điều đáng nói ở đây là việc anh chuyển từ thế chủ động sang thế bị động khi đặt mình trước lòng thương xót của Chúa : “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn”.
Khi đặt mình ở thế bị động anh đã tôn vinh quyền năng và lòng xót của Chúa vì “Ngài có thể”. Chính thái độ đặt để ý Chúa chi phối đời anh làm trái tim Chúa Giêsu rung lên, “Người chạnh lòng thương”. Đáp lại một niềm tin vững vàng và lòng phó thác tuyệt vời như thế, Chúa Giêsu đã “phá rào” khi “giơ tay đụng vào anh”. Cái đụng chạm thể xác chữa lành bệnh cùi bên ngoài, đồng thời cũng diễn đạt sự đụng chạm bên trong tâm hồn khiến tội của anh được tha thứ: “Tôi muốn, anh sạch đi”.
Và rồi ta thấy Tin Mừng kể lại chuyện người phong cùi dám liều lĩnh chạy theo nài xin Chúa Giêsu chữa cho mình được lành bệnh. Theo một nhà khảo cổ học Schurer, thì có một số hội đường chấp nhận cho những người bệnh phòng cùi có thể vào đó với một số điều kiện như đến lúc ban ngày trời nắng… hay qua khử trùng. Và như thế, người bệnh phong này sau khi đã cải trang, anh đã trà trộn, len lỏi vào giữa đám đông và đến quỳ sụp dưới chân Chúa để xin Chúa chữa cho mình. Hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu thương quan tâm của Chúa Giê-su, vì thế anh ta không ép buộc nhưng hoàn toàn khiêm tốn để tùy thuộc vào quyết định của Chúa “nếu Ngài muốn xin cho con được lành sạch”.
Với tấm lòng xót thương, nhậy cảm và đầy quyền năng của Chúa Giêsu trước tâm tình khiêm hạ và đức tin mãnh liệt tin tưởng của người bệnh phong…Và tất nhiên, Chúa Giêsu nói với anh cho anh: “Ta muốn, anh sạch đi!”…
Đức Giêsu đã thể hiện lòng thương xót của Người, thể hiện quyền năng của Thiên Chúa yêu thương qua hành động chữa lành. Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Đức Giêsus đã thể hiện lòng thương xót vốn là đỉnh cao của tình thương, Người vượt qua tất cả mọi rào cản của những luật lệ, nguyên tắc, bởi lòng thương xót của Người cao hơn tất cả. Và chính việc chữa lành này, không những không làm cho Người nhiễm ô uế như luật lệ nói đến, nhưng lại chữa lành và làm cho người bệnh được trở lại với cộng đoàn của mình: Anh đã đi trình diện với tư tế, và dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết (Lv 14,1-32).
Lời cầu xin của người cùi và phép lạ Chúa chữa lành bệnh cho anh mời gọi chúng ta hồi tâm suy nghĩ. Trước hết là suy nghĩ về lòng tin, sự phó thác của mỗi người chúng ta nơi Chúa. Tiếp đến là xét xem mình có đối xử với Chúa như một vị “thần đèn” chỉ để thoả mãn những lợi ích và nhu cầu của chúng ta không? Và cuối cùng, hồi tâm suy gẫm về cách thức chúng ta cầu xin như lời thánh Giacôbê nhắc nhở: “anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý” (Gc 4, 3). Chúa là Cha nhân lành tuôn đổ hồng ân xuống trên người lành lẫn kẻ dữ. Thế nhưng, cơn mưa ân sủng chỉ đọng lại nơi mảnh đất tâm hồn nào biết trũng xuống vì khiêm tốn và phó thác trước mặt Chúa.
Từ mẫu gương tuyệt vời về lòng thương xót của Chúa, người Ki-tô hữu chúng ta, nhất là với một tinh thần loan báo Tin Mừng giữa trần gian này, luôn được mời gọi để sống chứng tá Tin Mừng bằng một cách thức sống động và luôn được đổi mới. Loan báo Tin Mừng cách sống động vì hoạt động của chúng ta luôn được thôi thúc bởi nhu cầu và thao thức của con người; luôn mới, vì chúng ta được mời gọi có cái nhìn của lòng thương xót. Nếu như lề luật được đưa ra để giữ vững kỷ cương, nề nếp, đời sống Kitô hữu còn nhấn mạnh đến chiều kích thâm sâu hơn nữa của luật lệ, đó là lòng thương xót, một tấm lòng đầy trắc ẩn phát xuất từ cảm nghiệm Tin Mừng về Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta hơn cả chúng ta biết tha thứ và yêu thương nhau.
Huệ Minh