Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 21: 1-14)
SUY NIỆM 1
Hai người bạn chơi thân với nhau, thì cho dù cách xa lâu năm, họ vẫn dễ dàng nhận ra nhau. Đối với hai người đang yêu, thì điều đó càng rõ ràng hơn, họ dễ nhận ra nhau ngay cả khi người kia ở phía bên kia bức màn, hay dễ nhận ra nhau khi nghe được tiếng nói của người yêu vọng lại từ xa.
Khi yêu thương ai thật lòng, chúng ta thường ghi nhớ thật sâu đậm hình dáng thân thương của người đó, chúng ta dễ dàng khám phá ra những điều bí ẩn về người đó, để rồi luôn tin tưởng vào người mình yêu. Điều đó cho thấy rằng, “tình yêu có thể giúp khám phá ra những gì mà bình thường, người không yêu không thể nào khám phá ra được”.
Đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ của Người, sau một đêm các ông vất vả thả lưới mà không được gì.
Điều thứ nhất đáng để cho chúng ta chú ý là các Tông đồ không nhận ra Thầy của mình: “Các ông không biết là Chúa Giêsu”. Không phải là tất cả các môn đệ, vẫn còn đó một người như là kiểu mẫu cho những người biết mến yêu, đó chính là Gioan: “Người môn đệ Chúa yêu liền nói với Phêrô: ‘Chính Thầy đó’”.
Chúa Giêsu đã phục sinh. Đó là một sự thật. Sự thật đó đang ở trước mặt các Tông đồ của Chúa Giêsu, nhưng chỉ có một mình Gioan là nhìn ra sự thật đó. Tình yêu và chỉ có tình yêu mới làm cho Gioan nhận ra Chúa Giêsu phục sinh. Tình yêu đó đạt đến sự hoàn hảo của nó khi biết sẻ chia. Thật vậy, sau khi Gioan nhận ra Chúa Kitô phục sinh, Gioan đã nhanh chóng giới thiệu cho Phêrô như chia sẻ niềm vui mà Gioan đang được diễm phúc vui hưởng.
Lạy Chúa, xin ban thêm cho chúng con lòng tin yêu, để dù trong đau thương hay thất bại, chúng con vẫn có thể nhìn ra Chúa Kitô phục sinh đang hiện diện ở cạnh bên, để rồi, chúng con mau mắn giới thiệu Người cho người khác với tất cả niềm xác tín và yêu mến. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu không từ bỏ các môn đệ mà Ngài vẫn tiếp tục luôn hiện diện với họ. Thế nhưng họ vẫn không thể thấy và cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Chỉ đến khi ông Gioan, người được Chúa yêu mới cất tiếng: “Chúa đó” thì khi đó các tông đồ mới thực sự thức tỉnh để nhận ra Người đang hiện diện, đồng hành với họ: làm việc, ăn uống,…
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê su Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ ở biển hồ Ti bê ri a. Ngài đã cho các ông kéo được mẻ lưới đầy cá sau một đêm vất vả mà chẳng được gì. Chính nhờ mẻ cá lạ ấy mà Gioan đã nhận ra ngay sự hiện diện của Chúa Giê su Phục Sinh và ông nói với Phê rô“Chúa đó!”. “Chúa đó!” đã làm cho các môn đệ quên đi bao vất vả mệt nhọc “vội vàng” chèo thuyền vào bờ đến với Chúa.
Chúa phục sinh hiện đến với các môn đệ đang khi các ông chưa xác tín lắm. Các ông quay trở lại với nghề chài lưới của mình, các ông cũng không xôn xao và hứng thú lắm về việc Thầy mình đã sống lại, và đã hiện ra mấy lần rồi… Giữa lúc ấy Chúa phục sinh đến, Ngài ban cho các ông một mẻ cá lạ lùng ngoài tài năng và sức tưởng tượng của các ông. Cách thế mới Chúa minh chứng với các môn đệ đó là Ngài dùng phép lạ để nhắc cho các môn đệ, về hành trình dài các ông cùng đi với Ngài, các ông đã chứng kiến các phép lạ Ngài làm. Rồi Ngài cùng ăn với họ, cùng hiện diện khi các ông làm việc. Bằng cách này mọi người đã biết là Chúa…(c13).
Thật vậy, đêm hôm ấy, Phê rô dẫn đầu đoàn môn đệ, “xuất quân ra khơi” đánh cá. Nhưng đêm ấy, họ không bắt được con cá nào (x Ga 21,3).
Có lẽ lúc ấy, các ông rất mệt mỏi, thất vọng vì thức suốt đêm, vất vả mà chẳng được gì đành chuẩn bị cho thuyền vào bờ để nghỉ ngơi. Nên khi Chúa Giêsu hiện ra, đi lại trên bãi biển, Ngài hỏi họ “Này các chú, không có gì ăn ư?”(Ga21,5) Các ông chỉ trả lời qua loa “thưa không”. Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông đã không phân bua, không trình bày lại, để cho thấy sự thất bại trong nỗ lực tìm bắt suốt đêm của mình mà vâng lời ngay, “thả lưới xuống”. Chính vì sự tin tưởng, phó thác ấy mà Chúa đã cho các ông mẻ lưới đầy cá, không sao kéo lên nổi (Ga 21,6).
Thấy thế, Gioan, người môn đệ Chúa Giê su yêu mến (x Ga 13,23),và cũng chính lòng mến ấy giúp ông nhận ra ngay “Chúa đó’ (x Ga 21,7). Vừa nghe nói “Chúa đó”,Phê rô vội khoác áo vào vì đang ở trần và nhảy xuống biển. “điều khiển quân binh” vào bờ kéo theo lưới đầy cá. Khi ấy thuyền các ông chỉ cách bờ khoảng gần một trăm thước (x Ga 21, 8)
Khi bước lên bờ, các ông đã thấy Chúa dọn sẵn cho mình bữa ăn sáng và “không ai trong các môn đệ dám hỏi: “ông là ai?”.Vì các ông biết rằng “đó là Chúa”(Ga 21,12).
Ngài đến giữa các tông đồ đang khi các ông đánh bắt cá. Ngài hiện diện với các ông trong một khung cảnh của cuộc sống thường ngày. Chúa Giêsu phục sinh đang có mặt trong từng phút, từng giây của cuộc sống của các tông đồ. Và chính nhờ sự hiện diện của Chúa đem lại cho các ông nhiều điều thú vị, bất ngờ, cụ thể qua mẻ lưới đầy cá. Qủa thật, được gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh, các tông đồ có niềm vui trọn vẹn trong cuộc sống làm tông đồ cho Chúa.
Phép lạ lần trước để các ông tin vào tư cách Mê-si-a của Ngài; phép lạ hôm nay cho thấy Đấng phục sinh vẫn chính là vị Thầy của các ông trước đây. Mẻ cá lạ thường ấy cho thấy Ngài vẫn hiện diện với các môn đệ, vẫn luôn hỗ trợ các ông, muốn các ông tin vào Ngài như một Đấng quyền năng, có quyền trên cả sự chết. Với các môn đệ, những người đã gặp được Đấng Phục Sinh, thì mẻ cá này càng củng cố niềm tin các ông vào Thầy mình hơn, để rồi sau bốn mươi ngày sum họp ấy, trước khi về trời, Ngài sai các ông đi khắp tứ phương thiên hạ để làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời.
Để có mẻ cá đầy ắp thuyền năm xưa, liên tiếp những hành động đã phải xảy ra trước đó. Trước tiên, các môn đệ Chúa đã phải nỗ lực nơi chính bản thân, phải dùng đến khả năng và kinh nghiệm để tự tìm kiếm lương thực cho chính mình. Kế đến, sự xuất hiện của Chúa trên thuyền như một giải pháp hữu hiệu cho các ông cậy dựa trước những cố gắng bất lực của mình. Và sau cùng, việc các ông nghe theo tiếng Chúa để rồi hành động cũng là lúc các ông gạt bỏ nơi bản thân những kinh nghiệm, cái tôi kiêu hãnh, và can đảm liều lĩnh hành động.
Phép lạ mẻ cá lạ thường hôm nay gợi nhớ lại cũng phép lạ tương tự Đức Giê-su thực hiện vào giai đoạn đầu của sứ vụ công khai.
Trong đời sống của chúng ta, phép lạ nhiều lần đã không xảy ra. Những ươn lười, biếng nhác, nuông chiều thân xác đã ngăn cản bước tiến hành động. Những lơ đễnh, thờ ơ làm ta không nhận ra sự hiện diện của Chúa. Và lắm lúc, ta nhắm mắt bịt tai trước những chỉ dẫn của Ngài. Những điều đó cản đường ta bước tới, đồng thời ngăn cản ân sủng Thiên Chúa xuống trên chúng ta.
Trong cuộc sống thường ngày, nhiều lúc chúng ta cũng mệt mỏi,chán nản, thất vọng bởi mình đã dồn hết thời giờ, trí khôn, sức lực và tiền của vào những công việc, những dự phóng, kế hoạch nhưng rồi chẳng thu được kết quả gì. Hãy bắt chước các tông đồ luôn hành động theo ý Chúa. Vì “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” và không có Chúa thì chúng ta chẳng làm được gì. Hơn nữa, Chúa Giê su Phục sinh, vẫn mãi mãi hiện diện, đồng hành và hằng can thiệp vào cuôc sống chúng ta. Vấn đề là chúng ta có dám từ bỏ cái tôi của riêng mình để lắng nghe tiếng Chúa qua Giáo Hội, giáo xứ, gia đình và những người ta gặp gỡ, tiêp xúc không?
Mùa phục sinh cũng là mùa mời gọi chúng ta là những người Kitô hữu thoát khỏi con người cũ, con người u mê, tội lỗi để mặc lấy con người mới, con người của niềm vui trong Chúa Kitô phục sinh và nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời của mình. Đồng thời cũng biết bắt chước ông Gioan nói về sự phục sinh của Ngài cho những người chưa tin: “Chúa đó”.
Huệ Minh