Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 6: 1-15)
SUY NIỆM 1
Trong mùa Phục sinh, Tin Mừng Gioan được ưu tiên để chọn đọc, nhằm trình bày rõ nét khuôn mặt của Chúa Giêsu Phục Sinh. Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay được Đức Giêsu mặc cho một văn phông khá thực tế của đời sống nhân sinh. Dân chúng theo Người suốt hai ngày qua, để lắng nghe Người giảng dạy, nên họ vừa mệt, lại vừa đói. Chúa Giêsu thấy họ cần nhu cầu được nghỉ ngơi và bồi dưỡng thể xác sau thời gian dài chịu vất vả. Chúa Giêsu gợi ý cho Philipphê về việc Người sắp thực hiện. Philipphê tuy chưa nhạy bén nhận ra ý Chúa muốn nhưng cũng gián tiếp dẫn câu truyện đến tinh thần hiệp thông trong Tông đồ đoàn. Tiếp đó, Tông đồ Anrê thấy có một em bé có 5 chiếc bánh và hai con cá, nên đã giới thiệu cho Chúa Giêsu. Đây là điều Chúa muốn. Điều kế tiếp, các môn đệ cần giúp Chúa Giêsu chính là ổn định dân chúng, sắp xếp cho họ có được nơi chỗ thoải mái để tham dự món quà sắp được lãnh nhận. Sau sự chuẩn bị cần thiết, phép lạ đã diễn ra dưới sự chứng kiến của nhiều người. Bữa ăn đơn sơ mà nhiều ý nghĩa là món quà mà Chúa Cứu Thế dọn cho dân của Người. Họ được ăn chính thân thể mầu nhiệm của Người, để tinh thần được no đủ, phần xác được dư đầy. Đây còn là ý nghĩa sự dung hoà cuộc sống của con người nơi trần gian. Vì tất cả thuộc về Chúa và là điều Thiên Chúa quan phòng.
Mùa Phục sinh có giúp chúng ta nhận ra món quà quý giá Chúa đã ban cho chúng ta không? Đời sống của mỗi Kitô hữu đã được cứu chuộc có gì khác với anh chị em ngoài Kitô hữu? Chúa dọn tiệc: tiệc thì béo, rượu thì ngon, được trao ban theo tinh thần sự thật, theo bản tính Chúa Con, trong sự hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Hãy đi và làm như vậy với anh chị em chúng ta trong Mùa Phục sinh này, để ai nấy biết tôn trọng sự tự do đích thực của mầu nhiệm Phục sinh trong Chúa Giêsu Kitô.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6:1-15)
Khi nhìn thấy đoàn người đông đảo, Chúa Giêsu lại chạnh lòng thương, vì họ đang mệt và đói. Ngài quay sang bàn với Phi-líp-phê xem có cách nào để cho họ ăn, vì quê của ông ở Bét-sai-đa, gần nơi đó. Với số người quá đông như thế, Phi-líp-phê ước tính rằng phải cần đến hai trăm đồng thì mới mua đủ bánh cho họ ăn. Một ngày công nhật lúc đó chỉ có một đồng, hai trăm đồng tương đương với hơn sáu tháng lương. Làm sao kiếm ra số tiền lớn như thế để mua bánh?
Các môn đệ hết sức lúng túng khi Chúa bảo họ phải lo ăn cho đám đông người đang đói. Thực phẩm họ có trong tay có thấm vào đâu với số người này! Đối với các môn đệ, ‘không thấm vào đâu’ cũng có nghĩa không có gì hết để lo cho đám đông. Nhưng, ý nghĩ của họ khác nhiều với ý muốn của Chúa.
Tình cảnh dường như đang bế tắt. May mắn thay, ngay lúc đó, Anrê phát hiện ra một cậu bé có mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ. Bánh lúa mạch là loại bánh rẻ tiền, được làm từ bột lúa mạch. Hai con cá cũng không lớn lắm, chỉ to bằng con cá nục, đây là loài cá sinh sôi rất nhiều trong biển hồ Ga-li-lê. Dù vậy, từ năm chiếc bánh và hai con cá này, Chúa Giêsu đã hóa nên nhiều, cho dân chúng ăn đến no nê.
Chúa Giêsu cho năm ngàn người đàn ông ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá, không kể những người khác. Tất cả đã được ăn no nê và còn dư mười hai thúng. Chúa Giêsu nuôi dưỡng dân chúng nhờ quyền năng của Cha Người và quyền năng Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu muốn cho dân chúng nhận biết quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng sẽ làm cho chính thân mình Người trở thành của ăn nuôi dưỡng toàn thể nhân loại. Một khi nhận biết quyền năng Thiên Chúa, dân chúng sẽ tin tưởng vào Chúa Giêsu, tin vào lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chính Ngài sẽ nuôi dưỡng họ bằng Lời dạy, bằng chính Thân Mình của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu cũng hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn. Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều vì Ngài thương cảm dân chúng đói khát. Khi dân chúng nhận ra Ngài là một tiên tri và muốn tôn Ngài làm vua, Ngài đã trốn lên núi một mình cầu nguyện. Chính vì thương dân chúng, nên Ngài đã cho dân ăn. Chúa Giêsu chỉ hóa bánh ra nhiều cho một số rất ít người ăn; và đây là dấu chỉ cho điều gì tuyệt vời hơn Ngài sẽ làm sau này.
Chúa Giêsu không chỉ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng, nhưng Ngài đã ban chính thân mình Ngài làm của ăn của uống nuôi sống con người. Chúa Giêsu đã là tấm bánh bẻ ra cho con người, để con người được sống. Bàn tiệc Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô quy tụ Kitô hữu, nuôi sống đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu, và cùng trong bàn tiệc Thánh Thể dân Chúa được Lời Chúa dạy dỗ mỗi ngày.
Đức Bênêđitô đã nói: phép lạ này không được làm từ không có gì, nhưng từ những gì bạn có, dù nhỏ bé, mang đặt trong bàn tay của Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta những gì chúng ta không có. Chúa cho chúng ta hiểu rằng, nếu mỗi người đặt vào tay Ngài những tấm bánh, những con cá bé nhỏ, Chúa sẽ làm cho phép lạ được tiếp diễn hôm nay, bởi Ngài có quyền năng làm cho những cử chỉ yêu thương khiêm tốn của chúng ta trở thành quà tặng lớn lao cho anh chị em chúng ta.
Từ niềm tin đó, dân chúng sẽ được hưởng điều quý giá hơn mà Thiên Chúa đã hứa ban. Đó là họ sẽ được hưởng sự sống đời đời cùng với Ngài trên Nước Trời. Thiên Chúa cũng muốn họ phải thực hành niềm tin: họ cũng phải biết chia sẻ cho nhau; chính họ cũng phải trở thành “tấm bánh” bẻ ra cho người khác. Điều đó có nghĩa: họ phải biết củng cố niềm tin, phải biết quan tâm, chăm lo cho người khác. Đó cũng chính là điều mà Chúa Giêsu muốn mỗi tín hữu ngày nay thực hành trong cuộc sống của mình.
Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng ta không chỉ bằng Mình Người mà con bằng Lời Người, mỗi khi chúng ta tham dự Thánh Lễ. Đức Tin của chúng ta được củng cố nhờ của ăn mà Thiên Chúa ban cho là chính Con Một Ngài, để chúng ta sống xứng đáng là Con Thiên Chúa hơn. Điều này có nghĩa, chúng ta phải thể hiện Niềm Tin của mình bằng chính đời sống luôn hết sức làm theo Lời Chúa dạy, cố gắng chia sẻ, chăm lo cho những người khác. Nếu chúng ta làm như vậy, chúng ta cũng đang trở nên tấm bánh cho người khác. Vì chúng ta đã được chia sẻ từ một tấm bánh; vì chúng ta đã được chia sẻ từ một Đức Tin. Chính khi chúng ta biết chia sẻ cho nhau niềm Tin, chính khi chúng ta đến đón nhận sự chia sẻ từ một Tấm Bánh, Đức Tin của chúng ta lại càng vững mạnh, lòng yêu mến của chúng ta lại càng được mạnh mẽ hơn và chúng ta cũng được trở nên một với nhau.
Từ sự đóng góp ‘năm chiếc bánh và hai con cá’ của cậu bé, “Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích”. Vậy là trong phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng của Chúa Giêsu, có sự cộng tác của con người, mà người dâng cúng lại là một cậu bé, thật đáng cho mỗi người chúng ta suy ngẫm.
Em bé đã quảng đại hy sinh phần ăn trong ngày của mình để dâng cho Chúa. Đây là lễ vật tuy đơn sơ nhưng gói trọn tấm lòng thành. Từ lễ vật này, Chúa Giêsu đã có chất liệu để thực hiện phép lạ. Như thế, Chúa Giêsu vẫn thích đón nhận sự đóng góp của con người. Nếu chúng ta vui lòng dâng lên Chúa một chút hy sinh với ý hướng chân thành, chắc chắn lễ vật của chúng ta sẽ trở nên hữu ích. Vì trong bàn tay Chúa, dù ít ỏi cũng trở nên nhiều, dù đơn sơ cũng trở nên ý nghĩa, dù nhỏ nhoi cũng trở nên vĩ đại.
Phép lạ vẫn đang diễn ra hằng ngày, nhưng để phép lạ có thể xảy ra, Chúa cần chúng ta đóng góp vào đó tấm lòng quảng đại, sẵn sàng sẻ chia một miếng bánh nhỏ dù mình đang túng đói, hay một lời nói thứ tha dù cơn giận đang bùng lên. Bạn hãy sẻ chia một chút vật chất cho một người nghèo túng hơn bạn, vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Hãy chia sẻ một chút tha thứ, thì gia đình, cộng đoàn sẽ được hiệp nhất yêu thương bền lâu. Hãy sẻ chia tấm bánh cuộc đời bạn để muôn người được ấm no và đầy tình người.
Huệ Minh