Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 16: 15-18)
15 Đức Kitô nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ”.
Suy niệm: Tin Mừng Mc 16: 15-18
Trong lịch phụng vụ chỉ có Thánh Phaolô được mừng với danh hiệu “Trở lại”, lễ kính Thánh Phaolô “Trở Lại.” Sỡ dĩ Ngài được mang tước hiệu này vì có nhiều lý do. Bài đọc 1, trích sách Công vụ Tông đồ tường thuận lại biến cố Ngài được ơn trở lại đạo Công giáo phần nào cho chúng ta thấy được điều đó. Thật vậy, biến cố trở lại của Thánh Phaolô làm thay đổi cả cuộc đời của Ngài và làm thay đổi cả sinh hoạt của cả cộng đoàn kitô hữu đầu tiên.
Thánh Phaolô có tên là Saolô, sinh vào thập niên đầu của công nguyên, tức là cùng thời với Chúa Giêsu. Tuy là người Do thái, thuộc chi họ Benjamin, nhưng Saolô sinh ra và lớn lên ở Tarsus, thủ phủ của tỉnh Cicilia, nay là miền nam Thổ nhĩ kỳ. Ngài vóc dáng thấp bé, nhưng thông minh vượt xa những người cùng lứa tuổi. Lúc nhỏ được giáo dục ở Tarsus là một trung tâm nổi tiếng về văn hoá và triết học. Lớn lên, Saolô được gởi lên Giêrusalem, học với Thầy Gamaliel Cả, theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhóm Biệt phái. Saolô là một người lỗi lạc trong lãnh vực văn chương và triết học của cả ba nền văn hóa chính thời đó là Hy lạp, La tinh và Do thái. Ngài thuộc lòng Kinh Thánh của người Do thái, tức là bộ Cựu Ước. Saolô hết sức nhiệt thành đối với truyền thống của cha ông (Gl 1, 14; Phil 3, 5-6; Cv 22, 3; 23, 6; 26, 5).
Trang Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu sai các môn đệ rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Lệnh truyền này thoáng nghe thấy vui vẻ, dễ dàng như đi làm hướng dẫn viên du lịch ngày nay. Nhưng làm sao để có được Tin Mừng mà đi loan báo đây? Vì không ai có thể cho đi cái mà mình không có. Còn người nhận thì “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ” (Mc 16, 16a). Ai tin thì được cứu độ, nhưng “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17), nên cũng chẳng dễ dàng.
Lệnh truyền của Đức Giêsu còn kèm theo lời hứa: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.” (Mc 16, 17-18). Việc loan Tin Mừng sẽ có sức thuyết phục hơn nếu có những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ này không hẳn là các phép lạ lớn lao, mà còn là cách sống có sức thu hút của mỗi người. Nhưng để thi hành mệnh lệnh của Ngài, không thể dùng sức riêng của con người mà phải “có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.”
Phải dấn thân loan báo theo tinh thần của thánh Phaolô: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. Vậy đâu là phần thưởng của tôi ? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi (1Cr 9, 16-18).
Thật thế, để việc rao giảng mang lại hiệu quả, thì không phải chỉ trong ý thức, bằng lời mà còn bằng cả đời sống xả thân cho anh chị em. “Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng (1Cr 9, 19-23). Ngài cố gắng thi hành hết sức mình để loan báo Tin Mừng. Theo gương ngài, mỗi người chúng ta phải “Tin Mừng hóa” bản thân, Tin Mừng hóa cộng đoàn, rồi sau đó mới đem Tin Mừng cho những người chung quanh. Chúng ta được mời gọi loan báo Tin Mừng trong ý nghĩa sâu xa đó, được mời gọi hội nhập văn hóa thời đại, để trở nên con người của Tin Mừng, con người của khiêm nhu, bác ái, hiền hòa vì Tin Mừng của Chúa”.
Chúa Giêsu đã sai các Tông đồ ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Loan báo Tin Mừng chính là loan báo tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tình yêu đó được thể hiện qua hành động: Thiên Chúa Cha sai chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến trần gian làm người để chịu khổ nan, chịu chết và Phục sinh nhằm giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Vâng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, các Tông đồ sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần đã ra đi đem Tin Mừng cứu độ đến cho muôn người, thậm chí đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh.
Lệnh truyền hãy loan báo Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã long trọng trao cho các Tông Đồ cũng là cho toàn thể Giáo hội. Như vậy, mọi Kitô hữu đều có sứ mệnh truyền giáo. Về phần mình, chúng ta phải sống và thực thi lệnh truyền này, vì chúng ta đã được liên kết với Đức Kitô và sứ mạng của Người qua Bí tích Rửa Tội. Lệnh truyền này đưa chúng ta đứng trước một trách nhiệm phải chu toàn, đó là làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ. Nhìn vào hiện trạng của thế giới hôm nay, nhiều người còn xa lạ với sứ điệp Tin Mừng. Điều này cho thấy một viễn tượng: sứ mạng truyền giáo của chúng ta thật bao la và rất rộng lớn ở phía trước.
Có nhiều hình thức, nhiều phương pháp truyền giáo. Một trong những hình thức rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh hiện nay là sống giá trị Tin Mừng bằng chính cuộc sống đời thường của mình. Trong chính cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy làm cho hình ảnh Chúa Giêsu được lớn lên trong gia đình, trong cách ăn nết ở và lối cư xử của ta, để mọi người nhận ra ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Vì “ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 16).
Mỗi người Kitô hữu khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, được Chúa trao cho sứ vụ cao cả là đem Tin Mừng yêu thương của Chúa đến cho mọi người. Chúng ta chỉ có thể giới thiệu một Thiên Chúa là tình yêu cho người khác khi chính chúng ta biết sống yêu thương nhau, vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Phaolô là người hùng của Luca trong sách Công vụ Tông đồ, một người hùng không phải vì những chiến công đánh đông dẹp bắc, nhưng là người hùng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Khởi điểm của người hùng ấy lại là sự kiện ngã ngựa đau đớn và rồi chịu khuất phục hoàn toàn trước vị vua vũ trụ Giêsu. Từ khi tỉnh ngộ, nhận biết Đức Giêsu, cuộc đời Phaolô chuyển sang một hướng mới: nghĩ mọi cách, làm mọi sự, đi mọi nơi, gặp mọi người, miễn là Tin Mừng của Đức Giêsu được loan báo, để mọi người cũng được nghe, biết và rồi đón nhận Tin Mừng ấy như mình. Vì yêu mến Đức Giêsu, người hùng Phaolô luôn lao mình về phía trước, bất kể thử thách, chống đối và thậm chí bách hại.
Huệ Minh