Suy Niệm Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 6: 52-59)

Khi ấy, những người Dothái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa giêsu nói với họ: “Ta bảo thật các ngươi: nếu các ngươi không ăn thit Con Người và uống Máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong  các ngươi. ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời. Và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn Manna và đã chết. ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”. Người giảng dạy những điều này tại hội đường Capharnaum.

Suy Niệm:    Tin Mừng Ga 6: 52-59

Thiên Chúa dựng nên con người có hồn và xác. Phần xác muốn sống phải ăn cơm bánh hằng ngày, phần hồn muốn sống còn phải rước Mình Máu Thánh Chúa.

Mình Máu Thánh Chúa chính là của ăn nuôi sống linh hồn ta. Xin cho chúng ta biết yêu mến và quý trọng của ăn thiêng liêng mà Chúa Giêsu tặng bằng cách dọn mình xứng đáng và siêng năng đến rước Chúa nơi bàn tiệc Thánh.

Trong một thành ngữ rất quen thuộc của tiếng Anh: “Ăn gì thì trở thành cái đó”, là một thực tế của sự sống luân chuyển trong thân xác con người và các tạo vật.

Và ta thấy sau khi nghe Đức Giêsu khẳng định một điều lạ lùng: “Ta là bánh… là thịt Ta để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51) thì đám đông Do Thái lập tức phản kháng: “làm sao ông này có thể…” (Ga 6, 52). Bởi lẽ đối với quan niệm người Do Thái, máu chính là sự sống. Lấy thịt mình cho người ta ăn, lấy máu mình cho người ta uống là chuyện không tưởng, chuyện điên dại!

Quả thật, trước mắt con người, Đức Giêsu đã trở nên “điên dại”; Ngài điên dại vì yêu con người. Vì yêu, Ngài đã bằng lòng chịu chết để con người được sống và sống dồi dào. Với quyền năng Thiên Chúa, trước khi chịu chết, Đức Giêsu đã thực hiện phép lạ cả thể là biến thể bánh rượu thành Thịt và Máu của Ngài như lời Ngài đã tiên báo để trở nên lương thực thần thiêng cho những ai tin vào Ngài.

Những gì ăn vào thì ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình sự sống không chỉ trong thân xác mà còn thay đổi cả sự trưởng thành đời sống tinh thần. Chẳng hạn khi ăn thịt nhiều thì áp xuất máu sẽ bị thay đổi tăng lên, đồng thời cũng làm tính nóng trong tinh thần tăng lên theo. Ngược lại ăn rau và hoa trái nhiều, thì cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng dễ tiêu hóa, đồng thời tính tình cũng điềm đạm hơn. Đó là kinh nghiệm bình thường ở những cơ thể cũng bình thường, ngoại trừ những cơ thể bất thường thì có thể khác.

Căn cứ vào kinh nghiệm dinh dưỡng nhân loại ấy, chúng ta có thể hiểu được lời Chúa Giêsu khi Ngài phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống… Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy”.

Thánh Gioan không viết về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể, nhưng lại giải thích cách sâu xa cho chúng ta về ý nghĩa của bí tích ấy đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay. Câu 51 là một bước chuyển quan trọng trong bài giảng của Đức Giêsu về Bánh hằng sống ở chương 6:

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.

Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.

Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Lần đầu tiên thịt được nhắc đến trong bài giảng này. Thịt của Đức Giêsu chính là bánh từ trời được ban cho thế gian. Ngôi Lời đã vào đời làm người, đã thành thịt (Ga 1, 14). Bây giờ chính thịt ấy lại được trao ban cho con người như bánh hằng sống. Đức Giêsu không bằng lòng với chuyện nuôi một số người bằng bánh và cá. Điều đó chỉ làm giảm cơn đói thân xác trong một thời gian. Ngài muốn nuôi cả thế giới bằng chính sự sống thần linh ở nơi Ngài,nuôi bằng trọn cả con người Ngài, nuôi bằng chính thịt và máu Ngài.

“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì có sự sống vĩnh cửu.

Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ có bản tính nhân loại, mà còn mang bản tính Thiên Chúa trong Ngài, nên Thịt và Máu Ngài ở trong trạng thái của sự sống đời đời.

Ta không phủ nhận ý nghĩa về Thánh Lễ trên Thập Giá của đoạn Tin Mừng hôm nay, vì Thánh Lễ cũng là một hy tế tái diễn hy tế Thập Giá. Trong lễ hy tế, vật hy tế chính Thịt và Máu Chúa. Trong Thánh Lễ, bánh và rượu – hay nói cách khác – Thịt và Máu Chúa Giêsu được dùng của lễ.

Tuy nhiên, nếu hy tế Thập Giá có giá trị cứu rỗi đặc biệt thì đòi hỏi người tham dự có một thái độ đặc biệt: “Ai không ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sẽ không có sự sống”. Lệnh truyền này còn được nhắc lại rất trang trọng trong nghi thức thiết lập phép Thánh Thể ở Nhà Tiệc Ly: “Hãy cầm lấy mà ăn… Hãy cầm lấy mà uống”. Ăn uống bây giờ không còn là ăn bánh uống rượu để kỷ niệm mà là đón nhận chính Mình Máu Chúa Giêsu.

Ăn thịt và uống máu một người là điều làm người Do thái ghê sợ. Chúng ta chỉ hiểu được những lời trên đây trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly, khi Đức Giêsu mời các môn đệ ăn bánh và uống rượu Ngài trao mà Ngài lại nói: Đây là mình Thầy, đây là máu Thầy. Đức Giêsu muốn trao cho nhân loại sự sống của Ngài qua thức ăn, thức uống bình thường của con người là bánh và rượu.Sự sống vĩnh cửu đã hé nở ngay từ đời này và sẽ viên mãn ở đời sau. Hãy đến ăn và uống lương thực thần linh Ngài dọn cho ta. Hãy đến với lòng tin và sự trân trọng trước món quà quý giá. Nhưng dự tiệc Thánh Thể không phải chỉ là đến với thịt và máu Chúa, mà còn là gặp gỡ tiếp xúc với một ngôi vị là chính Đức Giêsu.

Khi ăn thịt và uống máu Ngài, một kiểu nói khiến những người Do Thái đương thời với Chúa Giêsu phải rùng mình sợ hãi và bỏ Ngài, và những người thời nay không tin Chúa Giêsu thì cho đầu óc những người Công Giáo là điên rồ, nhưng ngược lại, lại rất quen thuộc thường tình và trở nên vô cùng quan trọng đối với sự sống tinh thần và thiêng liêng của mọi Kitô hữu, nhất là những người Công Giáo. Họ chẳng những tin vào Lời Chúa Giêsu phán về việc ăn thịt và uống máu Ngài, nhưng còn có kinh nghiệm ăn thịt và uống máu ấy hằng ngày, để cảm nghiệm sự trưởng thành trong đời sống tinh thần của mình ở mức độ đời đời thế nào.

Nếu phải chia sẻ kinh nghiệm ấy, thì tất cả các tín hữu Công Giáo đều sẽ đồng loạt tuyên bố: “Thịt và Máu Chúa Giêsu dưới hình bánh và hình rượu sau lời truyền phép, chính là nguồn sự sống và hạnh phúc cho họ chẳng những ở trần gian, mà nhất là trở nên bảo đảm quí giá cho sự sống bất diệt trên trời”.

Vì thế trên cả thế giới, cứ vài giây đồng hồ lại có một Thánh Lễ để cung cấp cho trên tỷ người Công giáo sự sống trường sinh là thịt và máu Chúa Giêsu.

Để đón nhận Thánh Thể, mỗi người phải học mẫu gương từ bỏ mình nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, biết hy sinh cho nhau, biết hy sinh cái tôi, dám chấp nhận từ bỏ những sở thích của mình đang gây phiền hà cho than nhân… để đem đến niềm vui, bình an cho mọi người trong gia đình. Tình yêu sẽ sống lại nơi gia đình khi mọi người biết vì thương nhau mà hy sinh chính mình.

Và rồi mỗi gia đình hãy tin và đến với Chúa Thánh Thể để đón nhận Thánh Thể Chúa. Thánh Thể Chúa là sức sống cho giáo hội hơn 2000 năm nay và sẽ còn là sức sống cho Giáo Hội tới tận thế. Trong đức tin, gia đình nào biết độn nhận Thánh Thể Chúa, gia đình đó chắc chắn có sức sống của Chúa nuôi dưỡng và sẽ được bảo đảm sự sống đời đời như lời Chúa đã hứa:“Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6, 54).

Bất cứ ai đến ăn thịt và uống máu Ngài, đều cảm nhận sự bình an khôn tả, nhiều khi nhận được cả sự chữa lành thể xác nữa. Họ chính là đoàn người đông đảo ca tụng hạnh phúc bất diệt trong món quà Thịt và Máu Chúa Giêsu trối lại trên Bàn Thờ hằng ngày, vì biết rằng khi ăn uống món quà vô giá ấy, họ cũng trở nên những Kitô khác mang trong mình sự sống trường sinh như chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa.

Huệ Minh