Suy Niệm Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay B

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 7: 1-2.10.25-30)

1 Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.2 Lễ Lều của người Do-thái gần tới,10 Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật25 Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao?26 Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô?27 Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.”28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người.29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

Suy Niệm Tin mừng Ga 7: 1-2.10.25-30
Phụng vụ tuần thứ 4 đang dẫn chúng ta từng bước đến đỉnh cao của mầu nhiệm thập giá.
Cuộc đời Chúa Giêsu trong sách Tin Mừng Gioan thì khác với địa lý trong ba sách Tin Mừng kia. Với Tin Mừng Gioan thì hoàn chỉnh hơn.

Theo các sách Tin Mừng kia, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem chỉ có một lần, lần mà Chúa bị bắt và bị kết án tử hình.  Theo sách Tin Mừng Gioan, Chúa đi lên Gierusalem ít nhất là hai hay ba lần để dự lễ Vượt Qua.  Đây là lý do tại sao chúng ta biết rằng cuộc đời công khai của Chúa Giêsu dài khoảng độ ba năm.  Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rằng chính Chúa Giêsu đã hơn một lần đi về Giêrusalem, nhưng không đi cách công khai; Chúa đi cách kín đáo vì tại xứ Giuđêa, dân Do Thái đang muốn giết Chúa.

Người Do Thái chỉ biết Chúa Giêsu xuất thân từ Nazarét và là con của bà Maria và ông Giuse. Nên họ không tin nhận Ngài là Đấng Kitô, con Thiên Chúa. Để mở mắt cho họ và để cho họ nhận biết Ngài là Đấng Kitô, con Thiên Chúa thì chính Ngài đã phải tự mặc khải chính mình: “Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng Chân Thật” và “phần Tôi, Tôi biết Người, bởi vì tôi từ Người mà đến và chính Người đã sai Tôi”.

Để diễn tả mầu nhiệm tình yêu, Chúa Giêsu đã trải qua nhiều khổ đau cho đến chết. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy người Do Thái đang lăm le tìm bắt Chúa Giêsu để tố cáo Người. Nhưng tác giả Tin Mừng thứ tư trình bày một Chúa Giêsu uy quyền, Người không để cho người Do Thái tìm bắt Người một cách dễ dàng, bao lâu Người chưa mạc khải về nguồn gốc thần linh của Người cho họ.

Trong câu tường thuật đầu tiên, thánh Gioan nói Chúa Giêsu thường đi lại trong miền Galilê, chứ không muốn đi lại trong miền Giuđê vì người Do Thái đang tìm giết Người.

Người Do Thái nghĩ rằng họ đã biết tỏ tường về Chúa Giêsu khi nắm bắt được cội nguồn của Ngài: Chúng tôi biết ông ấy xuất phát từ đâu rồi. Do đó, ông ấy cũng chẳng có điều gì ngoại thường và chắc chắn không phải là Đức Kitô! Thật ra, không phải tương quan sinh học hay địa lý đã làm nên Đấng Kitô, mà chính là mối tương quan thâm sâu mầu nhiệm với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Chúa Giêsu khẳng định: để biết Ngài, người ta phải biết tương quan căn bản nhất làm nên con người Ngài là tương quan Con Một với Cha trên trời.

Câu hỏi của Chúa Giêsu hẳn là một lời quở trách thái độ cứng lòng tin của giới lãnh đạo Do Thái bấy giờ. Họ không muốn tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô, vì theo họ “chẳng ai biết Đấng Kitô xuất thân từ đâu” (c.27). Trong khi đó, họ lại biết rõ gốc gác và thân phận nhân loại của Chúa Giêsu. Và theo họ: “không có ngôn sứ nào xuất thân từ Galile cả” (c.52). Chúa Giêsu đến trần gian để làm chứng cho sự thật “Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật”. Khi đối diện với sự thật thì con người mới biết mình là ai. Do đó, khi đối diện với Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do thái biết họ là ai. Họ biết họ xấu xa. Và những kẻ xấu xa thì chẳng bao giờ muốn thấy sự xấu xa của mình cả. Những người đó sẽ tìm mọi cách để loại trừ những ai nói lên, hoặc làm sáng tỏ cái bóng tối vốn đang che dấu họ.

Thực ra, đâu phải chỉ có người Do Thái đang tìm giết Người, nên Người không qua lại trong miền Giuđê, mà cả những người thân trong gia đình của Người cũng không tin Người (c.5). Họ muốn Người không chỉ qua lại miền Giuđê mà còn muốn Người lưu lại ở đó, vì họ cho rằng Giuđê là nơi Thiên Chúa mạc khải, còn Galilê là miền tối tăm u ám (c.27), nhưng Chúa Giêsu từ chối “đóng đô” ở Giuđê.

Hôm đó cũng là ngày Lễ Lều. Lễ này muốn nhắc cho người Do Thái nhớ thời họ còn lưu lạc ở trong Sa mạc. Lễ này được cử hành vào mùa thu cũng là mùa hái nho. Trong dịp lễ này, người Do Thái thường cầu mưa cho mùa màng sắp tới, nên trong 7 ngày họ rước nước từ hồ Siloê về tới Đền thờ, rồi tưới lên bàn thờ; còn dân chúng tay cầm nhành lá và rước theo sau. Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng lên Giêrusalem để dự lễ này, Chúa Giêsu cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật (c.10). Nhưng Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gio-an muốn cho thấy quyền uy ở trong Người. Người quyết định một cách tự do trong việc đi lại chứ không vì sợ người Do Thái, bằng chứng là Người vẫn tiếp tục giảng dạy và trả lời một cách rõ ràng cho những kẻ chỉ tin bằng mắt thấy tai nghe.

Họ suy nghĩ theo “tính xác thịt”, nên không nhận ra Chúa Giêsu chính là Messia mà họ mong đợi. Họ cho rằng gốc gác của Người quá rõ ràng và còn quả quyết là mình biết Người : “chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi” (c.27b), bởi thế Người không thể là Đấng Messia được. Đối với họ, Đấng Messia phải là người có nguồn gốc từ trời cao, là đấng quyền năng, bí ẩn… Thừa cơ hội này, Chúa Giêsu đã cho họ thấy, Ngài chính là Đấng Messia có nguồn gốc từ thần linh ấy, và Đấng quyền năng bí ẩn đó cũng chính là Người, vì họ không biết Người “từ Chúa Cha mà đến” (c. 29) và Người “đi đến cùng Đấng đã sai Người” (c. 33).

Do đó, Người tỏ uy quyền bằng cách không để cho họ bắt Người, vì “giờ của Người chưa đến”.  “Giờ” đó còn có nghĩa là chưa tới lúc thuận tiện để mạc khải mầu nhiệm cao cả của Người cho con người. Vì thế, Người hoàn toàn tự do trong việc mạc khải, chứ không do can thiệp của loài người.

Từ ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu hơn về cái chết của Người : Người chủ động lên Giê-ru-sa-lem để chịu nộp mình và chịu chết, chứ không để người ta lùng bắt và giết chết Người. Hành động của con Người đó chính là con người thật mà thánh sử Gioan muốn diễn tả trong bài Tin Mừng của Ngài.

Là Kitô hữu, mỗi chúng ta được mời gọi làm chứng về Đức Giêsu Kitô. Người là đường, là sự thật, và là sự sống (Ga 14,6). Ta làm chứng về Người cũng có nghĩa là làm chứng cho sự thật. Ta hãy can đảm đối diện với mình trong tư cách là con Thiên Chúa, can đảm cự tuyệt với những thứ không phải sự thật. Hãy để ánh sáng của Lời Chúa chiếu rọi vào nơi tối tăm, cho dù điều đó có thể sẽ gây cho ta nhiều đau khổ, bắt bớ, hiểu lầm, hay thậm chí ngược đãi.

Chúng ta cũng chỉ nhìn và đánh giá những hành động bên ngoài của những anh chị em mà Chúa gửi đến cho chúng ta hay chúng ta nhìn hành động của họ theo cái nhìn của chính Đức Giêsu.

Mùa chay, mùa hoán cải mời gọi cái nhìn của chúng ta. Trước tiên, tin nhận chính Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nghĩa là đón nhận Ngài, đi vào cái nhìn của Ngài, là đánh giá mọi sự bằng chính cái nhìn của Ngài. Rồi sau đó là quay trở lại với anh chị em để cái nhìn của chúng ta không chỉ theo tiêu chuẩn thông thường của người đời, nhưng mặc lấy ánh mắt tôn trọng, cảm thông, bao dung và tha thứ của Chúa.

Mỗi người chính là hình ảnh của Đức Kitô. Vì thế, chúng ta hãy tận dụng khoảng thời gian còn lại của mùa Chay này; để quay trở về, để thay đổi tâm hồn, và chết đi cái Tôi của mình hòa vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, để ta được cùng sống lại vinh quang với con người mới trong Đức Kitô. Chúng ta đừng để mỗi mùa Chay đi qua, mà ta không thay đổi được gì những tính hư tật xấu của mình. Hãy xé tâm hồn đừng xé áo, hãy biết thay đổi tận trong tâm hồn, chứ đừng chỉ làm với những hình thức bên ngoài mà chẳng đem lại lợi ích thiêng liêng nào cho chúng ta.

Huệ Minh