Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 18: 1-19)
SUY NIỆM 1
Hôm nay, cùng với toàn thể Hội Thánh chúng ta tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Tại sao người Công giáo lại cử hành trọng thể sự kiện Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết như thế này? Tại sao chúng ta lại suy tôn cây thập giá là hình phạt mà người Do Thái coi là ô nhục, còn người Hy Lạp gọi là điên rồ?
Quả thật, cùng sống lại những giờ phút sau cùng của Chúa Giêsu chúng ta mới cảm nhận được phần nào sự đau khổ tột cùng mà Người phải chịu. Sự đau khổ đó không chỉ là những đau đớn về thể xác khi bị đánh đập, bị sỉ nhục, bị đóng đinh vào thập giá, v.v. Nỗi thống khổ của Chúa Giêsu còn là sự cô đơn khi bị các môn đệ phản bội, bỏ mặc, là cảm giác bị Chúa Cha bỏ rơi đến nỗi Người phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46)
Thế nhưng, cũng nơi cuộc Thương khó này, với cái nhìn đức tin chúng ta nhận ra rõ hơn tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người qua hy tế thập giá của người Con duy nhất của Ngài. “Mọi sự đã hoàn tất” – đây là lời của Chúa Giêsu minh chứng rằng Người đã hoàn thành sứ vụ mà Chúa Cha giao phó. Nơi thập giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng kẻ thù là satan, tội lỗi và sự chết, những thế lực giam hãm nhân loại. Nói cách khác, con đường dẫn chúng ta đến tự do, đến bình an và hạnh phúc đích thực chính là con đường thập giá của Đức Giêsu Kitô.
Tưởng niệm cuộc Thương khó hay suy tôn thập giá của Chúa Giêsu là cơ hội nhắc chúng ta quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi; đồng thời kiên trung bước đi trên con đường khổ giá – là những khó khăn, thử thách trong đời sống xã hội và gia đình – hầu được chia sẻ vinh quang phục sinh và thông phần sự sống vĩnh cửu với Người.
Lạy Chúa Giêsu, nhờ cuộc Thương khó và cái chết trên thập giá, Chúa đã cứu chuộc chúng con và giải thoát chúng con khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết. Xin cho tất cả chúng con luôn được sống trong bình an và tự do đích thực mà Chúa mang lại. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Hôm nay toàn thể Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu chết. Việc tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu không phải là ôn lại một kỷ niệm trong quá khứ, nhưng để chiêm ngắm việc Người chịu chết, không phải như cái chết của một ông vua, một nhà lãnh tụ của quốc gia, của một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử của loài người. Cái chết Chúa Giêsu là cái chết của Người Con Một, Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa.
Thánh Gioan trình bày cho chúng ta một Chúa Giêsu uy nghiêm, là Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngay trong những lúc xem ra bi đát nhất, Chúa Giêsu vẫn như một người vượt lên trên mọi diễn biến: Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền ban mạng sống và có quyền lấy lại.
Nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Giêsu mà chúng ta đang cử hành, đạt tới đỉnh cao, hay nói theo nghi thức phụng vụ, phần long trọng nhất, khi chúng ta thực hiện cử chỉ kính thờ Thánh Giá: cụ thể là chúng ta sẽ quì hoặc cúi mình hôn hình tượng “Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh”. Nhưng cử chỉ tôn kính này chỉ tròn đầy khi chúng ta hiểu được trong nội tâm điều gì đã dẫn Đức Giêsu đến cái chết thảm thương trên Thập Giá, và Đức Giêsu để mình bị dẫn đến nơi hành hình với ý hướng nào. Các trình thuật Thương Khó, trong đó có trình thuật theo Tin Mừng theo thánh Gioan vừa được công bố cho chúng ta cách long trọng, được viết ra chính là để giúp chúng ta hiểu Thập Giá Đức Giêsu được dương cao vì những lí do gì và nhằm mục đích gì.
Thánh Gioan trình bày hình ảnh của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn theo viễn ảnh của Ngài. Ngài nhìn Chúa Giêsu không phải như một con người bị cuốn trôi theo định mệnh mà là Thiên Chúa chủ tể mọi loài và điều khiển mọi diễn biến theo ý Ngài. Ngài không lệ thuộc vào hoàn cảnh mà ngược lại, Ngài điều khiển mọi sự theo chương trình của Chúa Cha mà Ngài gọi là giờ của Ngài.
Thập Giá Đức Kitô được dựng trên đồi cao, và ngày nay Thập Giá cũng được treo hoặc dựng trên cao ở khắp nơi, chính là để mọi người nhìn thấy. Nhưng mọi người có nhìn thấy không? Và nếu có nhìn thấy, thì nhìn thấy những gì? Chúng ta thường vội nhìn ra những điều vô hình (thiên đàng, luyện tội, hỏa ngục…), hay nghĩ đến những tư tưởng cao siêu (bản tính, nhân tính, thiên tính, ngôi hiệp…); hoặc lòng đầy mặc cảm, khi vội nghĩ đến tội của mình, hay mặt đầy nước mắt, vì thương cảm với những đau khổ tinh thần về thể xác Chúa phải chịu.
Ta thấy Thánh Gioan không kể lại những cảnh nhục hình của Chúa Giêsu. Các sách Tin Mừng khác đã nói đủ rồi, Gioan chỉ nhìn ngắm Chúa Giêsu với cái nhìn của một tín hữu nghĩa là với niềm tin, tin rằng Ngài là Tình Yêu đến để mang tình yêu cho con người. Gioan cho thấy giữa mọi nhục nhã, Chúa Giêsu vẫn là con người duy nhất vẫn giữ nét oai nghiêm, vững chắc có thể nói là linh thiêng.
Con người, do hệ quả của tội lỗi, thường ảo tưởng tự cho mình là trung tâm của thế giới. Vì thế, chúng ta thường có khuynh hướng quy về mình, muốn người khác tôn trọng và phục vụ mình. Trong khi đó, Thiên Chúa yêu ta không vì ta tốt lành, đạo đức hay hữu ích cho Người. Người yêu ta cả khi ta trong dáng dấp rách nát của đứa con hoang đàng không một chút đáng yêu. Vì thế, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, bằng cách bước ra khỏi quỹ đạo khép kín của mình để đi vào quỹ đạo tình yêu của Chúa, Đấng là trung tâm và động lực của tất cả hoạt động chúng ta
Chỉ có tình yêu mới cảm thông được tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có thể nên một với người yêu. Ngài là Tình Yêu nguyên vẹn giúp chúng ta biết yêu thương. Ngài chỉ nói bằng ngôn ngữ của tình yêu. Chúng ta chỉ nghe được tiếng nói của tình yêu khi chúng ta dám yêu như Ngài, “dám chết dần mòn cho người mình yêu” như Ngài. Lúc đó chúng ta mới hiểu được tình yêu trong chiều sâu rộng của nó. Chúng ta thường đứng nhìn, không dám yêu… Chúng ta quá hèn nhát. Nhìn Ngài đau thương, chúng ta mới thấy rằng chúng ta quá hèn nhát. Chúng ta che đậy sự hèn nhát của chúng ta bằng nhiều hình thức đạo đức. Có thể nói, chúng ta chạy trốn tình yêu. Chúng ta sợ mất mát, sợ cho đi.
Hết sức đặc biệt, ngày hôm nay là ngày duy nhất trong Năm Phụng Vụ không có thánh lễ, nhưng Giáo hội vẫn muốn chúng ta ăn lấy Thịt Máu Chúa để biết yêu nhiều hơn. Ăn lấy Ngài đi. Đưa Ngài vào xương thịt chúng ta để Ngài lay động con tim chai đá của chúng ta. Bao lâu chúng ta chưa biết yêu thương thực sự, chúng ta chưa xứng đáng với tình yêu của Ngài.
Và rồi hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng Đức Kitô trên thập giá. Chúng ta hãy cầu xin ơn để thực hiện đâu là chiều sâu của tình yêu đối với chúng ta. Và chúng ta hãy tạ ơn vì được yêu mến bằng một tình yêu cao vời mà chúng ta đã không bao giờ xứng đáng.. mà chúng sẽ không bao giờ xứng đáng.
Huệ Minh