Suy Niệm Thứ Sáu Tuần Thánh C

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gio-an (Ga 18: 1-19)
 

1 Sau khi nói những lời đó, Đức Giê-su đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với các môn đệ đi vào.2 Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ.3 Vậy, Giu-đa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu; họ mang theo đèn đuốc và khí giới.4 Đức Giê-su biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: “Các anh tìm ai? “5 Họ đáp: “Tìm Giê-su Na-da-rét.” Người nói: “Chính tôi đây.” Giu-đa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ.6 Khi Người vừa nói: “Chính tôi đây”, thì họ lùi lại và ngã xuống đất.7 Người lại hỏi một lần nữa: “Các anh tìm ai? ” Họ đáp: “Tìm Giê-su Na-da-rét.”8 Đức Giê-su nói: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi.”9 Thế là ứng nghiệm lời Đức Giê-su đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.”10 Ông Si-môn Phê-rô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Man-khô.11 Đức Giê-su nói với ông Phê-rô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?  12 Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do-thái bắt Đức Giê-su và trói Người lại.13 Trước tiên, họ điệu Đức Giê-su đến ông Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha. Ông Cai-pha làm thượng tế năm đó.14 Chính ông này đã đề nghị với người Do-thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.15 Ông Si-môn Phê-rô và một môn đệ khác đi theo Đức Giê-su. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giê-su vào sân trong của tư dinh vị thượng tế.16 Còn ông Phê-rô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phê-rô vào.17 Người tớ gái giữ cổng nói với ông Phê-rô: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao? ” Ông liền đáp: “Đâu phải.”18 Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phê-rô cũng đứng sưởi với họ.19 Vị thượng tế tra hỏi Đức Giê-su về các môn đệ và giáo huấn của Người.
Suy Niệm1: Tin Mừng Ga 18: l-19.42
 
Buổi chiều hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm Đức Giêsu chịu chết để chuộc tội thiên hạ. Buổi chiều hôm nay là “giờ” của Thiên Chúa Cha đã định, và cũng là “giờ” của Đức Giêsu hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại; “giờ” của người Tôi Trung mà tiên tri Isaia đã loan báo. “Giờ” đó được hoàn tất trên Thánh Giá. Vì thế, phụng vụ chiều hôm nay đều quy chiếu về Thánh Giá Đức Kitô như một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối.
 
1. Nghịch lý của Thánh Giá
 
Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã nói: Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8); và Ngài đã chết theo như lời Thánh Kinh (x. 1Cr 15,3).
 
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã là nguyên nhân để nhiều người được cứu độ, nhưng cũng không thiếu những kẻ cứng lòng, cố chấp và trai lỳ trong ích kỷ, kiêu ngạo. Những người như thế, họ coi đó như là hình phạt mà Đức Giêsu là người đáng phải chịu do tội mình gây nên.
 
Thật vậy, khi thập giá được dựng lên, và khi Đức Giêsu chịu treo trên đó, đã không biết bao người tin theo và suy tôn. Tuy nhiên, cũng không thiếu những lời chê bai dè bửu và khinh thường. Họ coi thập giá như là thứ đồ tể đáng sợ để trừng phạt những tử tội oái oăm, khét tiếng và nguy hiểm… Suy nghĩ như thế, thì cái chết của Đức Giêsu không có công trạng gì, mà chỉ như là một hình phạt đích đáng được dành cho một kẻ đã từng bị kết án vì tội “sách động dân chúng; tìm cách lật đổ Đế quốc và nói lời phạm thượng”. Và, những người theo Đức Giêsu phải chăng họ là bọn người cuồng tín khi tuyên xưng niềm tin của mình vào một kẻ bị treo trên cây gỗ như một tử tội? 
 
Thật vậy, thập giá của Đức Giêsu hôm nay được tôn vinh, đã làm không ít người cảm thấy ngỡ ngàng, bởi vì xét theo người đời, thì đây chính là sự ô nhục, hận thù, đáng ghét… là biểu tượng của sự chết tróc và thập giá vẫn chỉ là dụng cụ ghê rợn được dùng để sử tử tội nhân mà thôi. 
 
Nhưng đối với Thiên Chúa, thì đây chính là sự khôn ngoan khôn dò thấu của Người. Con Thiên Chúa chết trên thập giá là một trong những đường lối khôn ngoan sâu thẳm mà không một ai dò thấu (x. Rm 11,33). Bởi vì Thiên Chúa đã dùng thập giá như một sự nghịch lý để cứu độ con người.
 
Thực ra thập giá luôn mang tính nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ.
 
Nhưng với những người tin, hẳn sự cảm nghiệm, suy nghĩ và thái độ hoàn toàn ngược lại. Những người đó sẽ coi thập giá trở thành Thánh Giá và Thánh Giá lúc này trở thành phương dược, để qua đó Đức Giêsu chuộc tội thay con người và cứu độ nhân loại. 
 
Nếu xưa kia trong vườn Địa Đàng, Ađam đã ngã gục trước Cây Trái Cấm, và gieo rắc tội lỗi cho nhân loại, thì giờ đây, trên cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì mà Ađam đã đánh mất và để lại hậu quả cho nhân loại. 
 
Như vậy, từ Cây Trái Cấm, sự chết đã tiêu diệt thế gian, và Trái Cấm là rào cản lớn đến độ con người không thể vượt qua, thì giờ đây, từ cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì đã mất do Nguyên Tổ gây nên và mặc cho nó thành cây Sự Sống, quả Phúc Trường Sinh. 
 
Chính Đức Giêsu đã khẳng định rõ điều này khi nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).  Vì thế, không lạ gì khi thánh Phaolô đã khẳng khái tuyên xưng niềm tin và ơn cứu chuộc của mình nơi Thánh Giá, ngài nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa […] Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan,  thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (nhưng) cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (x. 1Cr 1,18-25). 
 
Vì thế, “Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). 
 
2. Đón nhận Thánh Giá như nguồn ơn cứu rỗi
 
Cuộc đời của người kitô hữu, tức là cuộc đời của những người tin và theo Đức Giêsu, hẳn mỗi người luôn nghe thấy lời mời gọi của Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? ” (Mc 8,34-36); và: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).
 
Lời mời gọi đó đã được gióng lên ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội cũng như suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Như vậy, Thánh Giá trở nên cứu cánh và việc vác Thánh Giá trở thành điều kiện cần của chúng ta trên hành trình dõi bước theo Đức Giêsu. 
 
Thánh Giá mà mỗi chúng ta phải vác ở đây chính là bổn phận phải chu toàn; là từ bỏ những thứ không cần thiết trên hành trình tin Chúa; là từ bỏ ý riêng… và phục vụ trong yêu thương. 
 
Làm được như thế, ấy là chúng ta sáp nhập cuộc đời của mình vào cuộc đời của Đức Giêsu. Đặt bước chân của ta vào dấu chân của Chúa, để sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng. 
 
Như vậy, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy khi tuyên xưng: “ Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá […] (Và) tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi “ (Gl 2,19-20). 
 
Mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, người kitô hữu chúng ta sẽ từ bỏ con đường tội lỗi, để được hiệp thông cách trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, và như một định luật đối với những người tin và theo Đức Giêsu là: qua đau khổ thì mới được vào vinh quang.
 
Lạy Chúa Giêsu, Đấng chịu treo trên Thánh Giá, xin thương xót và cứu chuộc chúng con. Amen.

Huệ Minh

Suy niệm 2:   Chấp Nhận Hy Sinh Chịu Chết Trên Thập Giá Vì Yêu Thương
1. CHÚA GIÊ-SU – ĐẤNG GIÀU LÒNG TỪ BI THƯƠNG XÓT:

Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế như đang ban phép lành. Chuyện kể rằng, một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân phạm quá nhiều tội như anh ta, vị linh mục tỏ thái độ nghiêm khắc với anh. Nhưng chứng nào vẫn tật đó. Ra khỏi tòa giải tội được ít ngày, anh ta lại sa ngã tái phạm. Sau nhiều lần như thế, cuối cùng, vị linh mục đành nói với anh: “Tôi không muốn anh tiếp tục sa đi ngã lại như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”.

Hối nhân ra khỏi tòa giải tội mà lòng trĩu nặng u buồn đau khổ. Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và lần này cũng lại xưng những tội y như những lần trước. Vị linh mục dứt khóat nói: “Anh đừng có đùa với Chúa, lần này tôi không tha nữa!” Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía trên đầu mình. Từ cây thánh giá, bàn tay phải của Chúa Giêsu như được rời ra khỏi lỗ đinh như đang ban phép lành cho hối nhân. Vị linh mục nghe được tiếng Chúa nói với mình rằng: “Ta chứ không phải con đã đổ máu ra đền tội thay cho người này”.
Kể từ đó, bàn tay phải của bức tượng Chúa Giêsu chịu nạn không còn gắn vào cây thánh giá nữa, nhưng luôn trong tư thế đang ban phép lành, như đang mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ nhận được ơn tha thứ tội lỗi”.

Hôm nay, Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Ki-tô đã chịu hiến tế, Hội Thánh nhìn ngắm và kính thờ Thánh Giá của Chúa Giê-su. Hội Thánh tưởng niệm mình đã được sinh ra từ cạnh sườn của Chúa Kitô Đấng đã bị lưỡi đòng đâm thâu trên cây thập giá, và dâng lời cầu xin cho mọi người được hưởng ơn cứu độ của Chúa.

2. NOI GƯƠNG CHÚA THỂ HIỆN TÌNH THƯƠNG CỤ THỂ ĐỐI VỚI THA NHÂN:

– Một em bé gái 5 tuổi mồ côi cha mẹ sống chung với bà ngoại. Hai bà cháu sống trên một căn gác xép tồi tàn nóng bức. Bà hằng ngày phải đi bán vé số và thu lượm ve chai bán lấy tiền thuê phòng trọ và nuôi hai bà cháu. Rồi vào một đêm nọ, căn gác của hai bà cháu tự nhiên bị hỏa hoạn do bất cẩn, bà ngoại bị té ngã xuống cầu thang gác và bị bất tỉnh khi ngọn lửa cháy lan ra cả nhà. Láng giềng có người đã vội gọi điện tới sở cứu hỏa gần đó, còn nói chung mọi người chỉ biết đứng nhìn ngọn lửa cháy bao trùm toàn bộ ngôi nhà. Bỗng một bé gái xuất hiện bên trong cửa sổ của căn gác và đang la khóc kêu cứu. Nhưng đội cứu hỏa lại chưa tới và không ai trong đám đông dám liều vào trong căn nhà đang cháy leo lên gác cứu đứa bé. Thình lình, một người đàn ông xuất hiện vác theo một chiếc thang trên vai. Ông vội leo lên ban công và đạp cửa vào trong nhà và sau đó ông trở ra tay ôm theo cô bé rồi leo xuống cầu thang. Ông trao bé gái lại cho một bà trong đám đông rồi biến mất. Mấy ngày sau, ông trưởng khu phố đã mở một cuộc họp để tìm cha mẹ nuôi cho bé gái mồ côi. Một cô giáo giơ tay xung phong nhận nuôi em bé và hứa sẽ dạy dỗ em nên người tốt. Nhiều người khác cũng giơ tay với cùng ý muốn nhận để nuôi em. Cuối cùng một đại gia tay đeo nhẫn vàng lớn đã đứng lên phát biểu: “Tôi xin nhận làm cha mẹ nuôi của em bé này và hứa sẽ cho em mọi thứ tốt đẹp và sự giàu có mà tôi đang có”. Còn em bé gái chỉ biết im lặng và dáo dác nhìn quanh như đang chờ đợi một ai đó lên tiếng. Cuối cùng, khi sắp hết giờ, ông trưởng khu phố chủ trì buổi họp hỏi: “Còn ai muốn nói điều gì nữa không ?” Bấy giờ, từ cuối hội trường, một người đàn ông từ từ tiến lên. Ông đến gần đứa bé và dang hai tay ra trước bé. Mọi người đều thấy rõ các vết cháy nám trên hai cánh tay của ông. Còn bé gái vừa nhìn thấy ông đã vội kêu lên: “Đây chính là người đã cứu con khỏi đám cháy đêm trước”. Rồi em chạy tới bá lấy cổ ông, áp mặt vào vai ông và thổn thức khóc và ngước mắt nhìn ông mỉm cười sung sướng với hai giọt lệ lăn trên đôi má của em.

– Câu chuyện trên cho chúng ta thấy: Tình yêu không chỉ bằng lời nói suông, mà phải bằng việc làm. Thật vậy, một diễn giả dù có nói thao thao bất tuyệt về tình yêu thương cũng không thuyết phục được người nghe bằng một cử chỉ thân thương của một bà mẹ đang nâng niu đứa con yêu trong vòng tay của mình, hoặc bằng một cử chỉ thân thương giữa đôi vợ chồng trẻ dành cho nhau… Đây cũng chính là cách diễn tả tình thương của Chúa Giê-su đối với chúng ta. Người đã hy sinh chịu chết đau thương trên cây thập giá để chứng tỏ tình yêu tột đỉnh dành cho chúng ta như Người đã phán: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

3. LỜI CẦU QUYẾT TÂM:

Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã yêu thương chúng con vô cùng, nên đã hy sinh chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho chúng con. Chúa cũng mời gọi chúng con: “Ai muốn theo tôi hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi” (Mc 8,34). Xin gia tăng lòng tin yêu trong chúng con, để chúng con cũng biết xả thân yêu thương mọi người, nhất là yêu thương phục vụ những người nghèo đói bệnh tật và đau khổ, hầu người đời nhìn thấy các việc lành chúng con làm, mà ngợi khen Chúa Cha trên trời và quyết tâm đi theo Chúa để sau này cũng được tham phần vào hạnh phúc muôn đời với chúng con.- Amen.

Lm. Đan Vinh

Suy Niệm 3:  Tình Trời Thập Tự

Is 52, 13 – 53, 12;  Dt 4, 14-16; 5, 7-9;  Ga 18: 1 – 19, 42
          Thiên Chúa là Tình Yêu ! Qủa thế, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27), tiến trình tạo dựng đang đi tới kết thúc trong sự thông hiệp với Chúa Giêsu, Đấng dám tuyên bố: “Mọi sự đã hoàn tất.”(Ga 19, 30) Việc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa “thí mạng mình” đã thể hiện tính cao độ nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.

          Ta đọc ra rằng Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người, chỉ có con người thường dửng dưng, vô cảm với nhau và dửng dưng, vô cảm với Thiên Chúa. Sự dửng dưng, vô cảm ấy bắt đầu từ lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, đến lợi ích cá nhân mà bỏ quên người bên cạnh. Lối sống này cũng đang diễn ra ngay trong các gia đình, khi các thành viên chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến những người khác.

          Có nhiều người cha, người mẹ hoặc con cái bị bỏ quên trong gia đình, bị gạt ra khỏi sự quan tâm, chăm sóc, có khi còn lạnh lùng gây đau khổ cho nhau. Trong xã hội, nhiều người đã cố tình làm ngơ trước sự dữ, sự ác ; nhiều người đã cộng tác với những bất công mà loại trừ những anh chị em đau khổ.

 Thiên Chúa yêu ta không vì ta tốt lành, đạo đức hay hữu ích cho Người. Người yêu ta cả khi ta trong dáng dấp rách nát của đứa con hoang đàng không một chút đáng yêu. Vì thế, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, bằng cách bước ra khỏi quỹ đạo khép kín của mình để đi vào quỹ đạo tình yêu của Chúa, Đấng là trung tâm và động lực của tất cả hoạt động chúng ta.

          Chính vì Đức Kitô đã chết bằng cái chết hướng về Chúa Cha cho tất cả mọi người, nên mọi người tín hữu cũng được mời gọi bước vào cái chết của Chúa, đó là một cái chết vì yêu, bởi duy tình yêu mới làm cho con người vượt qua thời gian đi lên Chúa Cha, để bước vào mối tình vĩnh cửu bằng lòng yêu mến, nhờ bởi quyền năng tình yêu là Thần Khí.

          Thật không thể hiểu nổi Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến, tình yêu thương xót và thứ tha, khi phải mang trên mình những đau khổ vì tội lỗi chúng ta. Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa được Isaia mô tả : “Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.

          Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta” (Is 53, 2-6).

          Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình qua cái chết, hơn nữa, vì yêu thương nhân loại, nên Ngài đã bị liệt vào hàng tội lỗi và sẵn sàng mang lấy tội lỗi của nhân loại trên thân mình Ngài để cầu nguyện và đền tội thay cho mọi người (Is 53,4-11). Vì thế, Ngài đã trở thành Chiên vượt qua (1Cr 5, 7),  đến gánh tội trần gian (Ga 1, 29), thành vật hiến tế (1Ga 4, 10), để làm của lễ “chuộc tội đời đời” (Dt 9, 12.10,10).

          Chúa Giêsu đã tự vác thập giá, từ dinh quan Philatô đến núi Canvê. Theo những khám phá từ tấm khăn liệm thành Turinô và những nghiên cứu sử học, thì người bị kết án tử hình phải vác cây gỗ ngang, còn cây gỗ dọc thì đóng sẵn trên đồi. Việc vác cây gỗ ngang nhằm tránh tử tội trốn thoát, đồng thời cũng là một nhục hình để trừng phạt.

          Bài Thương khó hôm nay cho thấy tình yêu hy sinh đến cùng của Thiên Chúa. Vì yêu con người, muốn cho con người hạnh phúc, Chúa Giêsu đã chấp nhận một cuộc hành hình đau đớn và cuối cùng là cái chết nhục nhã trên thánh giá. Cũng qua bài thương khó này, tác giả còn cho thấy sự dửng dưng, vô cảm của con người, của xã hội trước bản án bất công mà giới lãnh đạo đã cố tình áp đặt trên một người công chính.

          Truyền thống Giáo Hội diễn tả con đường thập giá của Chúa Giêsu qua 14 hình ảnh được gọi là “Mười bốn chặng đàng Thánh Giá”. Trên con đường này, nhiều biến cố đã xảy đến với Chúa Giêsu. Từ cuộc gặp gỡ với Đức Mẹ đến cuộc gặp gỡ với những người dân thành Giêrusalem. Từ  những người ghen ghét chê bai nhạo cười đến những người cảm thương và giúp đỡ. Ông Simon và bà Vêrônica là hai người  xa lạ và có địa vị thấp kém trong xã hội, lại là những người giúp Chúa, một người vác đỡ thập giá, một người lau mặt Chúa đang đầm đìa mồ hôi và máu.

          Khi chấp nhận mang lấy những khổ đau và nhục nhã của cái chết nơi thập giá, Đức Giêsu đã trở nên như hạt lúa phải mục nát đi để, từ đó, sự sống mới phát sinh, như Thánh Phaolô nói : “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Điều này có nghĩa là : Đức Giêsu Kitô, khi tự hạ làm nô lệ, khi tự để mình bị trói buộc trong cuộc khổ nạn và từ bỏ chính mạng sống của mình, chính lúc ấy, Ngài đã thể hiện một tình yêu vẹn toàn, một tình yêu đi đến tận cùng của tình yêu, là cái chết. Nhờ đó, sự sống đời đời xuất hiện cho chúng ta. Đó chính là con đường nối kết giữa sự chết và sự sống : chấp nhận khổ đau và chết vì yêu thương sẽ mở ra con đường dẫn đến sự sống muôn đời.

          Khi thập giá được dựng lên, và khi Chúa Giêsu chịu treo trên đó, đã không biết bao người tin theo và suy tôn. Tuy nhiên, cũng không thiếu những lời chê bai dè bửu và khinh thường. Họ coi thập giá như là thứ đồ tể đáng sợ để trừng phạt những tử tội oái oăm, khét tiếng và nguy hiểm… Suy nghĩ như thế, thì cái chết của Chúa Giêsu không có công trạng gì, mà chỉ như là một hình phạt đích đáng được dành cho một kẻ đã từng bị kết án vì tội “sách động dân chúng; tìm cách lật đổ chế độ và nói lời phạm thượng”. Và, những người theo Chúa Giêsu phải chăng họ là bọn người cuồng tín khi tuyên xưng niềm tin của mình vào một kẻ bị treo trên cây gỗ như một tử tội!

          Trong hành trình thập giá, Chúa ngã ba lần, nhưng Người lại gượng dạy bước đi. Có lẽ, lời nguyện cùng Chúa Cha trong vườn Cây Dầu luôn vang lên trong tâm trí Chúa: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Đó là một cuộc giằng co khốc liệt giữa sự yếu đuối của con người và sự mạnh mẽ của Ngôi Hai nhập thể. Chúa Giêsu đã dứt khoát thi hành ý Chúa Cha, chấp nhận mọi nhục hình và gian nan khốn khó. Thập giá chính là bằng chứng của sự tuân phục và hy sinh của Người.

Huệ Minh