Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Gioan (Ga 10: 31-42)
Khi ấy, người Do Thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta!”. Người Do Thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn; bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đáp lại: Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu nầy: “Ta đã nói: các ngươi là thần”. Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể hủy diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trong trần gian rằng: “Ông nói lộng ngôn”. vì Ta đã nói: “Ta là Con Thiên Chúa. Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, thì hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng : Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Gio-đan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.
Tin Vào Đấng Cứu Độ Trần Gian – Suy Niệm: Tin Mừng Ga 10: 31-42
Tin mừng hôm nay, một lần nữa chúng ta thấy Chúa Giêsu xác định nguồn gốc của Ngài là con Thiên Chúa. Chẳng phải con người thời xưa không muốn chấp nhận Chúa Giêsu mà con người thời nay cũng không muốn chấp Người. Vì sao thế? Người thời xưa cho rằng họ biết rõ Chúa Giêsu; Người là ai? Chỉ là một Giêsu quê ở Nazaret miền Galilê (mà có gì hay ho ở đó đâu). Họ tự hào mình là những người có phẩm chất tốt về nguồn gốc lẫn tư cách, đặc biệt trong việc giữ luật.
Ta thấy Chúa Giêsu này đối với người thời xưa cũng như thời nay đều không giống “những người bình thường” (trong những suy nghĩ phàm tục đầy những vị kỷ và tính toán của họ), Nếu chấp nhận ông ta, thì cuộc sống của họ với những bậc thang giá trị họ đặt ra có thể bị xáo trộn. Cuộc sống của họ bị đảo lộn; họ phải lột xác, phải sống mầu nhiệm tình yêu và tha thứ như Thiên Chúa là Đấng hằng yêu thương và tha thứ.
Và rồi người Do Thái khăng khăng buộc tội Chúa Giêsu, họ cho rằng Người đã nói phạm thượng khi xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ không thèm đếm xỉa đến những việc tốt lành Chúa Giêsu đã thực hiện, cũng không thèm nghe những lời người khác làm chứng về Chúa Giêsu để xét xem Người có phải là Ðấng Mêsia hay không? Càng đối chất với Chúa Giêsu, họ càng trở nên ương ngạnh, ngoan cố. Vì tự ái và để bảo vệ tư lợi, họ không còn quan tâm đến tính cách khách quan của sự kiện, đầu óc họ bây giờ chỉ còn một ý nghĩ duy nhất chiếm ngự đó là phải khử trừ Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào. Sự giận dữ nung đốt lòng họ, biến họ thành những kẻ gian ác, như hình ảnh những tá điền hung dữ mà Chúa Giêsu đã mô tả trong các dụ ngôn Người giảng dạy trước đây.
Không phải tự nhiên người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu, vì họ cho rằng Người phạm thượng khi dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Trước sự giận dữ của người Do Thái, Đức Giêsu vẫn bình tĩnh đối thoại với họ. Người muốn họ hiểu ra rằng, Đấng Messia mà họ mong đợi, nay đang hiện diện ở giữa họ. Để minh chứng điều đó, Chúa Giêsu không chỉ dùng lời nói, mà còn biểu lộ qua các hành động cụ thể. Các phép lạ Người thực hiện là bằng chứng xác thực vị thế Messia của Người. Bởi lẽ, tất cả những việc đó chỉ có thể phát xuất từ quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Dẫu vậy, giới lãnh đạo Do Thái vẫn cố chấp, cứng lòng.
Ta nghe Chúa Giêsu đã nói : “Cha Ta hằng luôn làm việc và Ta cũng luôn làm việc” (Ga 5,18). Thiên Chúa hằng luôn làm việc, Ngài làm việc gì? Ngài không ngừng trao ban tình thương và sự sống cho mọi loài Ngài đã tạo dựng nên. Vì Ngài chỉ cần rút hơi thở là tất cả trở về cát bụi hư vô (Giob 34,14). Ngài chăm sóc muôn loài, muôn vật: chim trời, cá biển, hoa cỏ đồng nội… (Mt 6, 26 – 30) bằng một tình yêu muôn thuở.
Như Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng hằng luôn làm việc : Người không ngừng loan báo cho con người rằng họ được Thiên Chúa yêu thương, Người chạnh lòng xót thương những kẻ bé nhỏ nghèo hèn, khổ đau vì bệnh tật, tội lỗi… Người làm việc không mệt mỏi vì chạnh thương con người “như đàn chiên không người chăm sóc” (Mt 9, 39). Người chia sẻ và cảm thông với mọi nỗi vui buồn sướng khổ của con người.
Đức Giêsu cho thấy mầu nhiệm về Chúa Cha hoàn toàn phủ đầy trong Chúa Giêsu, và ở phía kia, việc đóng cửa lòng tăng dần lên của người Do Thái là những kẻ càng trở nên cứng lòng hơn với sứ điệp của Chúa Giêsu. Khía cạnh bi thương của việc khép kín này là vì họ cho rằng đó là lòng trung thành với Thiên Chúa. Họ nhân danh Thiên Chúa mà chối từ Chúa Giêsu.
Nhân danh Thiên Chúa, một số người tự biến mình thành những trái bom và giết người khác. Nhân danh Thiên Chúa, chúng ta, các thành viên thuộc ba tôn giáo của Thiên Chúa của Abraham, người Do Thái giáo, Kitô hữu và người Hồi giáo, cùng lên án lẫn nhau, tranh chấp lẫn nhau, trong suốt dòng lịch sử. Chương trình đại kết thì thật là khó khăn giữa chúng ta, và đồng thời nó thật là cần thiết. Nhân danh Thiên Chúa, nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra và chúng ta lại tiếp tục tái phạm mỗi ngày.
Ta nhìn thấy sứ mạng Chúa Cha đã trao phó cho Người, Người phải thi hành đến cùng. Chúa Giêsu càng thiết tha giảng dạy cho họ, họ càng tức điên lên, Đức Giêsu càng nói họ càng tức giận và cuối cùng, không dằn được cơn giận họ đành tóm lấy Chúa Giêsu để trừng trị cho hả dạ. May thay, Chúa Giêsu đã lánh ra khỏi chỗ họ mà đi sang bên kia sông Giordan.
Chúa Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32). Các việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37). Suốt đời Chúa Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha. Trên thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Ngài đã vuông tròn mọi việc Cha giao. Những việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài: “Nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38). Tin vào việc làm dẫn đến tin vào con người.
Để biết Người, ta phải nghe và đọc Kinh Thánh vì Người là trung tâm của mạc khải Kinh Thánh. Đặc biệt trong Tin Mừng, tôi sẽ được chiêm ngắm con người của Đức Giêsu Kittô: Ta sẽ được nghe Người nói, nhìn những việc Người làm… Và điều quan trọng nhất là tôi phải đặt niềm tin nơi Người, ta sẽ thấy Người vẫn tiếp tục hành động trong cuộc sống của ta như xưa kia Người đã hành động. Đó là những hành động đầy chăm sóc và thương yêu. Hãy để cho giáo huấn của Người và tình yêu của Người biến đổi trái tim ta, để đi đến xác quyết ta sẽ là môn đệ của Người, để tiếp tục gieo rắc tình yêu của Người cho cuộc đời thêm tươi đẹp.
Và ta sẽ nhận ra rằng Chúa Giêsu là cứu cánh duy nhất của cuộc đời và chúng ta cần Người để được cứu độ. Từ nhận thức đó tôi khao khát được biết Người, mà muốn biết Người ta phải tìm hiểu, tiếp xúc với Người, cùng sống với Người trong cuộc sống, lắng nghe Người nói gì với ta, làm gì cho ta. Ta phải dành thời gian để đối thoại với Người, cùng Người bàn bạc, nhận định và xin ý kiến của Người để Người ở trong ta và ta ở trong Người và Người mãi mãi là Đấng cứu độ đời ta.
Huệ Minh