Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 7: 31 – 37)
31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra!35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.36 Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.37Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”.
Suy niệm:
Tin Mừng Mc 7: 31 – 37
Thực tế cuộc sống, ta thấy lời nói là một trong những biểu lộ sống động nhất của sự sống. Khi chúng ta mở miệng thốt ra lời, là lúc chúng ta muốn biểu lộ sự sống, đồng thời nói lên rằng chúng ta đang sống cùng và sống với người khác. Sự hiện diện của chúng ta trong thế giới này cần phải được xác nhận bằng tiếng nói của chúng ta. Những người câm điếc một phần nào bị hạn chế trong sự liên lạc với thế giới xung quanh, sự hiện diện của họ dễ bị người khác quên lãng. Nhưng đáng thương hơn, có lẽ là những người thấp cổ bé miệng, những người mà tiếng nói không được nhìn nhận, những người bị tước đoạt quyền được lên tiếng, quyền sống của họ gần như bị khước từ.
Người câm điếc này cũng là hình ảnh của thế giới chúng ta đang sống, một thế giới đang bị chi phối bởi cá nhân chủ nghĩa. Chỉ bo bo giữ chặt lấy những lợi lộc riêng tư, hay những đặc quyền, đặc lợi của riêng mình, trở thành câm điếc với tất cả những gì không phải là của mình, không thuộc về mình.
Người điếc hoặc bị lãng tai do không nghe được những lời kẻ khác. Lắng nghe là điều tối quan trọng trong giao tiếp hằng ngày. Chúng ta thường chỉ lắng nghe điều mình muốn nghe, hoặc dù có nghe người khác nói nhưng lại chỉ hiểu theo ý rịêng chủ quan của mình. Vì thế gây ra hiểu lầm tranh cãi mất tình đoàn kết nội bộ. Nghe bằng tai chưa đủ, chúng ta còn cần nghe bằng trái tim. Chỉ khi biết nghe bằng trái tim yêu thương, chúng ta mới hiểu đúng và hiểu đủ ý nghĩa chứa đựng trong lớp vỏ ngôn từ bên ngoài.
Duy chỉ có Tin Mừng Máccô thuật lại việc Đức Giêsu chữa lành một người bị câm điếc. Người thực hiện phép lạ này tại miền Thập Tỉnh, nơi cư dân hầu hết là dân ngoại. Người đã chữa bệnh câm điếc như sau: đặt ngón tay vào tai anh ta, bôi nước miếng vào lưỡi anh ta, ngước mắt lên trời cầu nguyện, rên lên một tiếng và nói “Épphatha!”-“Hãy mở ra!” Lập tức bệnh nhân được chữa lành: tai anh ta đã mở ra để nghe được và lưỡi anh ta đã được tháo cởi sợi dây ràng buộc để nói được rõ ràng.
Chúa Giêsu đã tháo cởi tai và miệng của anh chàng bị điếc, khiến chúng ta có thể nói: “Ngài làm điều gì cũng tốt cả”, với sự kinh ngạc thấm đẫm tâm tình biết ơn. Khi Chúa Giêsu nói “hãy mở ra”, tai anh ta mở ra lập tức và “anh ta nói được rõ ràng”. Vì vậy, trong cuộc sống khi chúng ta nghe Lời Chúa giúp chúng ta biến đổi, không những thế nhờ chính sự biến đổi ấy tôi và bạn bắt chước Chúa Giêsu mở lòng mình ra mà đón nhận những tiếng than van cầu cứu của bao người đang sống nơi xung quanh chúng ta còn gặp khó khăn, nếu tôi không muốn nói đến việc phải giúp đỡ vật chất, nhưng có biết bao người giàu về vật chất đấy nhưng thiếu tình thương, thiếu sự nâng đỡ, thay vào đó là những lời hắt hủi, chê bai hay thậm chí là khinh miệt, rẻ rúng.
Người câm điếc này là hình ảnh của một số đông người cam chịu cô đơn với tất cả mọi lý do tâm lý, gia đình hay xã hội. Đó là những người bị loại trừ, những người không nhất thiết trong cảnh cùng khổ, nhưng lại cuốn mình trong vỏ ốc của mình, không liên lạc với ai, không bạn bè, không gia đình, không công ăn việc làm.
Sống xứng với phẩm giá con người, đó là phải được có tiếng nói. Có lẽ đó cũng là điều mà Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể cũng muốn khẳng định với chúng ta qua cuộc sống và cái chết của Ngài. Phép lạ chữa người câm điếc như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không chỉ là một chữa lành bệnh tật thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại cao siêu hơn, đó là sự sống đích thực mà Chúa Giêsu muốn mang lại cho con người. Khi phục hồi người câm điếc trong khả năng nghe và nói, có lẽ Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa; con người chỉ có thể sống thực, sống trọn phẩm giá con người, khi nó biết mở rộng tâm hồn đón nhận và sống Lời Hằng Sống của Chúa.
Lắng nghe là điều quan trọng trong giao tiếp. Tại sao tôi không chỉ nghe và nói với người khác bằng tai bằng miệng mà còn cần phải bằng cả trái tim nữa. Có như thế tôi mới biết cảm thông để chia sẻ những nỗi đau của tha nhân và đáp ứng những nhu cầu của anh em với những khả năng Chúa ban cho tôi.
“Épphatha”: Xin Chúa hãy mở đôi tai chúng con để lắng nghe, hiểu biết và cảm thông với những nỗi đau của tha nhân và mau mắn đáp ứng nhu cầu của họ với hết khả năng cùa mình.
Ta đừng tự giam mình trong những lo lắng riêng tư, trong những quan hệ quen thuộc, trong những môi trường xã hội của riêng mình mà thôi.
Hãy mở ra ! Hãy cởi mở tấm lòng của mình ra đối với những người trong gia đình, với người bạn đời, với con cái, cháu chắt. Đừng ích kỷ, keo kiệt. Hãy làm cho mỗi thành viên trong nhà thực sự hạnh phúc như trong gia đình thánh ngày xưa ở Nagiaret, bằng cách biết lắng nghe nhau, và trao cho nhau những lời tốt đẹp, êm dịu, chân tình.
Hãy mở ra ! Hãy quan tâm tới những vấn đề thời sự, tại địa phương, với những công trình xã hội, xây dựng cầu cống, đường xá, trường học… Góp phần làm cho cuộc sống thoải mái hơn, an ninh hơn, trật tự hơn và yên vui hơn, bằng công sức, thời giờ và tiền của.
Hãy mở ra ! Hãy chia sẻ những gánh nặng của họ đạo. Góp phần thăng tiến cộng đoàn. Cộng tác với khu xóm, làm cho đời sống đạo luôn được khởi sắc, cho những anh em chung quanh có thể nhận ra hình ảnh thân thương, dịu hiền của Chúa bằng một đời sống bác ái, yêu thương cụ thể và có hiệu quả.
Hãy mở tâm hồn chúng ta ra, để có thể đón nhận ơn phúc cứu độ của Chúa. Đừng bỏ lỡ cơ hội quý báu mà Chúa trao ban.
Huệ Minh