Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 10: 1-12)
1 Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ.2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? ” Họ hỏi thế là để thử Người.3 Người đáp: ” Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? “4 Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.”5 Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông.6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy.11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình;12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
SUY NIỆM 1
Đời sống gia đình trong xã hội ngày nay đang bị khủng hoảng rất nhiều. Tình trạng giới trẻ Công giáo sống thử và làm đám cưới không cử hành bí tích Hôn Phối diễn ra ngày càng nhiều. Hỏi ra nguyên nhân thì thật giản đơn: “Để có gì dễ dàng rút lui”. Thái độ yêu vội, sống cuồng và suy nghĩ tiêu cực như thế thật không nên có chút nào. Kết quả cho thấy lỷ lệ người trẻ phá thai ngày càng cao và hậu quả để lại cho người trẻ không lường trước được.
Không chỉ có thế, ngay trong gia đình ông bà, cha mẹ, con cháu, anh chị em… đã không cho nhau tình yêu; không cho nhau đời sống thánh thiện; không cho nhau sự cầu nguyện; không cho nhau những tấm gương của hy sinh, của hiền từ, của sự khiêm nhường, của lòng độ lượng khoan dung… Họ đã không cho nhau sự đỡ nâng, chia sớt, và gánh vác… Ngược lại, Họ chỉ cho nhau trái đắng của sự ích kỷ, của những tính toán nhằm vụ lợi cho bản thân. Họ chỉ cho nhau sự đố kỵ, ghen tương… Bởi không biết cho nhau trái ngọt, chỉ cho nhau trái đắng, vì thế, tổ ấm của họ trở thành tổ lo. Gia đình trở thành nấm mồ chôn nhau. Hạnh phúc trở nên một gói chứa đầy bi thương. Tiếng cười trở thành nước mắt. Sự trẻ trung biến mất, chỉ để lại những vết hằn chân chim và những đường thẳng trải dài trên khuôn mặt. Cho nhau trái đắng, ngay lập tức, họ trở thành những bạo chúa đày đọa nhau, có khi giúp nhau chết sớm trước tuổi phải chết.
Lời Chúa hôm nay đã cho chúng ta thấy rõ câu trả lời của Đức Giêsu về vấn đề hạnh phúc gia đình. Phải ý thức rằng đời sống hôn nhân thật là món quà quý báu mà Thiên Chúa ban tặng và con cái là chính hoa quả mà Thiên Chúa trao ban cho tình yêu đẹp đẽ ấy. Vì thế, dưới mọi hình thức, không ai có quyền phá hủy tình yêu mà Chúa đã liên kết.
Trong năm 2018, Giáo Hội hướng đến mục vụ cho các gia đình trẻ. Vì thế, bậc làm ông bà, cha mẹ trong gia đình hãy luôn là gương sáng về đời sống gia đình cho con cháu trong gia đình. Dạy cho con trẻ hiểu rằng một gia đình hạnh phúc thật sự là gia đình biết cùng nhau san sẻ những niềm vui, nỗi buồn và cả những thách thức trong cuộc sống. Đó thật là điều mà Thiên Chúa mong mỏi nơi từng người chúng ta.
Lạy Chúa, xin ban cho tâm hồn chúng con có trái tim của Chúa, để chúng con yêu thương gia đình, quý trọng và quan tâm đến những người thân của mình. Nhờ đó gia đình chúng con sẽ tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và tình yêu.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
Hôn nhân còn là một cộng đồng kết hợp hai tâm hồn và được xây dựng trên nền tảng tình yêu. Hôn nhân là giây tình yêu liên kết hai người phối ngẫu, và tình yêu này phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở: “Chồng hãy yêu thương vợ như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình đi”.
Trong đời sống hôn nhân, hai người nương tựa vào nhau, bổ túc và tài bồi lẫn nhau. Thiên Chúa thấy người nam ở một mình không tốt, Ngài đã dựng nên cho nó một người nữ, rút từ cạnh sườn người nam, và người nam sẽ bỏ cha mẹ để nên một với vợ mình, đó là hình ảnh của một tình yêu kết hợp. Nhờ tình yêu kết hợp trong hôn nhân, người nam và người nữ sẵn sàng chấp nhận việc sinh dưỡng và giáo dục con cái thành những đứa con ngoan của Thiên Chúa, của Giáo Hội, của gia đình và xã hội.
Khi nhìn các đôi bạn trẻ tất bật lo chuẩn bị cho ngày kết hôn, có người thầm nghĩ: “Liệu hai, ba, năm bảy năm sau, cặp nào trong số các cặp vợ chồng này sẽ ra tòa xin ly hôn đây?”. Thực tế là ở Việt Nam hiện nay cứ ba cặp kết hôn, lại có một cặp xin ly hôn chỉ sau một thời gian ngắn chung sống với nhau. Điều đáng buồn là 60% số vụ ly hôn này rơi vào số các gia đình trẻ, mà tuổi vợ chồng chỉ từ 23-30. Trong đó 70% vụ ly hôn khi họ mới kết hôn được từ 1 tới 7 năm và hầu hết gia đình họ đều đã có con.
Con trẻ là những người gánh chịu hậu quả rõ nhất sau khi cha mẹ ly hôn. Mỗi năm, riêng tại Tp.HCM có tới 50.000 trẻ em thiếu cha hoặc mẹ do gia đình tan vỡ. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Tư vấn Trẻ em và Ủy ban Dân số Gia đình: hơn 30% trẻ em lang thang đường phố Sài Gòn đều có cha mẹ bỏ nhau. Còn theo số liệu của Bệnh viện Nhi Đồng 2: trong năm 2004, có 16/20 ca trẻ em từ 14-17 tuổi tự tử. Nguyên nhân là do cha mẹ luôn xung đột, cãi vã hoặc ly hôn…
Trang Tin Mừng thuật lại: có mấy người Pharisiêu đến hỏi Chúa Giêsu điều luật liên quan đến bậc sống hôn nhân, có ý để thử Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cho họ thấy có nhiều bậc sống, và có những chọn lựa bậc sống khác nhau. Rồi Ngài trả lời cho những người Pharisiêu câu trả lời kiên quyết rõ ràng cho bậc sống hôn nhân mà họ đã thắc mắc.
Chúng ta có cảm tưởng những người Biệt Phái, Pharisiêu và Luật Sĩ giống như vị bác sĩ điếc trong câu chuyện vui trên đây. Họ là những người lẽ ra phải hiểu đúng luật để hướng dẫn người khác. Nhưng dường như họ luôn luôn giữ luật lệch với chuẩn mực của Chúa. Đang khi Chúa nhắc đến nội tâm, thì họ lại giữ luật hình thức bên ngoài “như những mồ mả tô vôi”. Đang khi Chúa nhấn mạnh đến luật bác ái là giềng mối cho mọi lề luật, thì họ lại sử dụng luật để bắt bẻ và xét nét làm chết nghẹt yêu thương – bác ái.
Do yêu vội vàng, cưới hấp tấp, nên nhiều đôi bạn trẻ không trang bị kỹ năng sống chung. Cần học tập làm vợ chồng, làm cha mẹ qua việc tập thành các thói quen tốt như: Tập quan tâm và chia sẻ vui buồn với nhau. Khi mới yêu nhau người ta thường “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”.
Chính khi đã thành vợ chồng sống chung với nhau, hai người sẽ “hiện nguyên hình” với đầy đủ ưu khuyết điềm, tốt xấu. Nếu không biết chấp nhận giới hạn của nhau, thì ly hôn là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, bí quyết sống chung của nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc là nghệ thuật “nhắm một mắt” để dễ chấp nhận nhau, dễ thích nghi, bỏ qua những thiếu sótcho nhau…
Do đó, các khóa dạy kỹ năng sống chung vợ chồng hoặc các lớp giáo lý hôn nhân rất cần cho các đôi chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân. Thực tế đã chứng minh: nếu đời sống hôn nhân vượt qua được khoảng thời gian thử thách khoảng từ ba đến năm năm đầu chung sống thì tỷ lệ hôn nhân bền vững sẽ cao hơn nhiều.
Vì ý thức được sự quan trọng của việc tìm hiểu nhau trước hôn nhân, cha ông chúng ta từ ngàn xưa đã tạo ra nhiều tục lệ xem ra rườm rà, nhưng lại thật sự cần thiết để giúp đôi bạn trẻ chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sống lứa đôi sau này như: lễ xem mắt, lễ cơi trầu dạm ngõ, lễ hỏi rồi sau cùng mới lễ cưới. Trong đạo công giáo, các thủ tục chuẩn bị kết hôn cũng nhằm kéo dài thời gian đính hôn giúp đôi bạn trẻ tìm hiểu nhau kỹ lưỡng hơn như: học giáo lý hôn nhân, giấy giới thiệu kèm chứng thư rửa tội thêm sức và độc thân, giấy xin rao, tập lễ nghi, xưng tội trước lễ cưới tại nhà thờ…
Những nhà tu đức đưa ra ba mức độ mà người ta thường mắc phải trong việc giữ luật :
– thứ nhất, nhắc đến luật với thái độ “nói mà không làm”,
– thứ hai, nhắc đến luật với thái độ “nói nhiều làm ít”,
– thứ ba, nhắc đến luật với thái độ “nói một đàng làm một ngả”.
Đây là những thái độ mà những người Pharisiêu thường mắc phải. Họ không những giữ luật kiểu vụ luật, mà tệ hơn họ dùng luật để bắt bẻ người khác.
Chúa Giêsu trả lời cho Pharisiêu một thái độ tiên quyết trong bậc sống hôn nhân. Đối với Chúa không được phép sống và giữ luật của Chúa cách nửa vời. Chúa nói: “Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt… Vì, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Chúa còn nói thêm : “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”. Hôn nhân công giáo đã được Chúa liên kết và chúc phúc. Chúa cũng đòi hỏi người sống bậc hôn nhân sự trung thành với nhau. Vì hình ảnh tinh tuyền trong hôn nhân cũng chính là hình ảnh về Chúa Giêsu và Hội Thánh của Người.
Ước gì mọi thành phần trong Hội Thánh đều ý thức và sống đúng bậc sống của mình. Ước gì những ai sống trong bậc hôn nhân gia đình, luôn sống trung thành như Chúa đòi hỏi, xứng đáng làm men, muối và ánh sáng cho nhân loại hôm nay.
Huệ Minh