Suy Niệm Thứ Sáu Tuần XVIII Thường Niên B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 12: 24-26)
 
4 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”
SUY NIỆM

Người ta thường nói: Có sinh thì có tử. Đó xem ra là một chân lý bất di bất dịch. Sinh ra và sống là hướng đến cái chết. 

Thế nhưng, trong bài Tin Mừng hôm nay, một sự thật rất lạ thường về vấn đề sống chết đã được Chúa Giêsu nêu ra: Có tử thì mới có sinh. Vấn đề là phải chết như thế nào để được sống?

Có những người sống, nhưng để đi vào cái chết đời đời. Đó là những người không dám “chết” vì người khác. Họ sống ích kỷ, khép kín, ngại hy sinh, ngại đau khổ, sống không biết đến người khác, sống như không có sự hiện diện của Thiên Chúa. 

Ngược lại, có những người sống, họ cũng đi vào cái chết, nhưng không phải là cái chết đời đời, mà là chết đi để được sinh ra hưởng sự sống đời đời, chết để sinh nhiều bông hạt. Đó những người dám “chết” vì người khác, “chết” đi trong những hy sinh âm thầm, lặng lẽ, “chết“ đi qua những lần đón nhận đau khổ, sỉ nhục, thiệt thòi do người khác đem đến, bằng tình yêu tha thứ. Họ sống mà không nghĩ đến mình hơn là nghĩ đến cuộc sống, sự sống của tha nhân. Những người như thế là những người sống và thực hiện theo lời của Chúa Giêsu: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi thì nó mới sinh nhiều bông hạt”; “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

Thánh Lôrenxô mà chúng ta mừng kính hôm nay đã chết đi để được sống. Ngài được sinh ra và sống không phải cho chính mình, nhưng sống làm chứng cho Đức Kitô và chết cho Đức Kitô. Thánh Augustinô đã nói về thánh Lôrenxô rằng: “Anh em biết đấy, trong Giáo Hội Rôma, ngài thi hành chức năng phó tế. Chính tại đây, ngài trình bày về Máu Thánh Đức Kitô; và chính tại đây, ngài đổ máu mình vì thánh danh Đức Kitô”.

Truyền thuyết về cái chết can đảm của thánh Lôrenxô đã trở nên bất tử, đã trở nên bài học cho mọi thế hệ Kitô hữu qua mọi thời đại. Thánh nhân đã chết để đi vào sự sống bất diệt, thánh nhân đã chết để sinh ra đức tin mạnh mẽ vào Đức Kitô nơi các Kitô hữu qua mọi thời đại.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải dám hy sinh mạng sống ở đời này để làm chứng cho Chúa, thì sẽ được sự sống bất diệt như Chúa, vậy mà chúng con vẫn chưa thực hiện được. Chúng con vẫn còn ham mê sự sống, của cải trần gian. Chính vì thế, chúng con còn ngại làm chứng cho Chúa. Xin Chúa thứ tha. Xin giúp chúng con biết chết đi mỗi ngày cho tha nhân trong từng hy sinh cụ thể, để làm chứng cho Chúa. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Ngày hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô. Thật ra, người ta biết rất ít về vị thánh này… Theo tương truyền, thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của Hoàng đế Velerianô vào thế kỷ thứ 3.

Thánh Laurensô sinh ra trong một gia đình đạo đức: cha mẹ của Ngài là những người rất mực đạo hạnh. Ngài được cha mẹ hạ sinh tại miền Huescô, nước Tây Ban Nha. Vì cha mẹ Ngài rất sùng đạo, luôn ở trung tín với Thiên Chúa, với Hội Thánh và yêu thương mọi người, thánh nhân đã sớm được cha mẹ cho đi du học bên Roma và Ngài sống suốt cuộc đời tại đây. Thánh nhân học giỏi, chuyên cần và siêng năng đạo đức, trau dồi kiến thức, nên chẳng bao lâu tiếng tăm của Ngài đã vang dội khắp nơi. Đức Giáo Hoàng Sixtô liền triệu vời Ngài và đặt Ngài làm phó tế giúp việc cho tòa thánh.

Thời Giáo Hội sơ khai, chức phó tế không quá 7 người và chỉ có chức đó mới được chọn làm Giáo Hoàng. Cuộc bách đạo lúc đó nổi lên, Giáo Hội gặp sóng gió lớn, các kẻ thù tìm cách bắt vị thủ lãnh Giáo Hội để làm cho đàn chiên tan tác. Thánh Laurensô luôn kiên cường đi thăm viếng các tín hữu nơi các hang toại đạo, giảng dậy và ban các bí tích. Thánh nhân có tấm lòng yêu thương các người nghèo nàn, nhất là những người ốm đau, bệnh tật. Thánh nhân bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng Ngài vẫn một mực trung thành với Thiên Chúa, với Giáo Hội, 

Có một chuyện kể lại rằng, cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Lôrenxô được giao phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người nghèo. Ngày nay chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.

Sau khi Ðức Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi mình mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo, các bà góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân phát cho họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả các chén thánh dùng trong phụng tự…

Hoạt động bác ái quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho rằng, Giáo Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để cung khai về tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn lại một thời gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội. Trong suốt ba ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô nhi… và cho họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc tuyên bố: “Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội”.

Viên thị trưởng đã cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh cho thiêu sống Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú…

Câu chuyện trên đây có thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín hữu thời sơ khai dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh này, chúng ta vẫn có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh thiện ở thời đại nào cũng được định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với lời mời gọi bước theo Ðức Kitô.

Sống và chết cho Ðức Kitô: đó là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức bắt đạo khác nhau: từ những sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự do tín ngưỡng một cách tinh vi.

Chuyện về các hành vi trong cuộc khổ nạn của thánh Lôrenxô kể rằng thánh nhân bị bắt vì không tuân luật thuế quan buộc nộp các tài sản Giáo hội cho chính quyền hoàng đế.

Sau khi xin khất lại, Ngài tập hợp những người nghèo khó, ốm đau lại và hai ngày sau, Ngài đưa họ đến trước mặt quan quyền và thưa : “Đây là tài sản của Giáo hội !”. Thánh nhân liền bị bắt và tra khảo nhiều lần. Ngài đã trả lời các lý hình : “Tôi tôn thờ Thiên Chúa của tôi, tôi chỉ phụng sự một mình Chúa, nên tôi đâu sợ cái tra khảo của các ông”. Bị đặt trên một vỉ sắt dưới để than cháy, Ngài còn quay lại phía lý hình, đùa : “Anh trở tôi được rồi đấy, bên này chín rồi”. Đức giáo hoàng Damase cho khắc trên mộ ngài : “đòn roi, lý hình, lửa thiêu, hình khổ, xích xiềng, tất cả điều thua đức tin của Lôrenxô “.

Niềm tin và lòng bác ái của thánh Laurent cũng như đức can đảm anh hùng của Ngài qua nhiều thế kỷ là nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của Giáo hội, lòng đạo đức của giáo dân, rất nhiều tranh ảnh, thậm chí cả kiến trúc … quả thế, Philippe II, để thực hiện lời hứa với thánh Lôrenxô, đã xây Escorial trong tỉnh Madrid, theo dạng thiết kế một giàn sắt nhắc nhớ dụng cụ tra tấn thánh phó tế Lôrenxô xưa. Còn thánh Bênado thế kỷ XII thì dâng tu viện Thoronet vùng Var để kính thánh nhân. Thánh Lôrenxô được nhắc tới trong lời nguyện Thánh Thể và có tên trong kinh cầu các thánh.

Dường như lời mời gọi “hãy theo Thầy” của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ hôm xưa còn đang vang vọng mãi đến hôm nay. Thế nhưng, lời mời gọi lần này trở nên quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và dứt khoát hơn, nếu không nói đây là điều kiện để theo Chúa: Ai chấp nhận theo Thầy thì hãy phục vụ Thầy. Việc phục vụ Thầy không khác gì hơn là đi theo con đường duy nhất mà Người đã đi và đến nơi Người đã đến. Đương nhiên, con đường này sẽ dẫn người môn đệ đến đỉnh đồi Gôlgôtha để cùng chịu đóng đinh đời mình vào thập giá của Chúa Kitô. Chính cái chết này mới làm người môn đệ trở nên một với Đấng mình hằng mến yêu và tôn thờ. Do đó, “theo Chúa” là chấp nhận đau khổ, chấp nhận thập giá và chấp nhận cả cái chết để được ở cùng Người như lời Người nói: “Thầy ở đâu thì kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” (Ga 12, 26).

Người tín hữu sống giữa lòng thế giới hôm nay đang chịu sự giằng co giữa lời mời gọi của Chúa với muôn ngàn lời mời đầy quyến rũ của tiền tài, danh vọng, quyền lực. Đây là một thách đố cam go trong một thời đại không chấp nhận thiệt thòi. Thế nên, hình ảnh vị thánh tử đạo Laurenxô mà Giáo Hội mừng kính hôm nay hiện lên con người hiên ngang lội ngược dòng đời như một lời khích lệ cho mỗi người chúng ta. Thánh nhân như hạt lúa gieo vào mảnh ruộng thế gian để làm trổ sinh hoa trái người Kitô hữu. Máu của thánh nhân viết nên lời chứng tình yêu sắt son dành cho Đức Kitô. 

Có nhiều hình thức tử đạo khác nhau: từ cảnh đầu rơi, máu đổ cho đến những cái chết dần mòn trong nơi lao tù, cũng như những khước từ hy sinh từng ngày mà mỗi người Kitô đang phải trải qua.

Sống trọn vẹn ơn gọi của người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Thật vậy, khi ta quyết chí trung thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám dỗ của quyền lực, của tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.

 
Huệ Minh