Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (5:33-39)
33 Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!”34 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?35 Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay”.36 Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.37 “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư.38 Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.39 Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: “Rượu cũ ngon hơn”.
Suy niệm 1
Trình thuật Tin mừng hôm nay cho thấy hai hình ảnh cụ thể là sự hiện diện của Tân lang và rượu mới trong bầu da mới nhằm giải thích cho các biệt phái và luật sĩ hiểu rõ việc làm của các môn đệ và những đòi hỏi của Tin mừng.
Là môn đệ Chúa Kitô, mỗi người chúng ta được mời gọi không ngừng theo chân Đức Giêsu bằng việc sống theo giáo huấn và lời dạy dỗ của Ngài. Việc từ bỏ lối sống cũ là việc làm mà một người môn đệ chân chính luôn được mời gọi phải thực hiện, bên cạnh đó là lời mời gọi chúng ta biết mở lòng đón nhận những cái mới của thời đại và thích nghi chúng vào hoàn cảnh sống hiện tại của mình.
Đang khi các môn đệ của ông Gioan và người Pharisêu năng ăn chay và cầu nguyện thì môn đệ của Chúa Giêsu lại có một lối sống ngược lại. Điều này đã làm cho những người biệt phái và luật sĩ thắc mắc và khó chịu. Thật vậy, khi Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài cũng đã mở ra cho con người thời kỳ mới, thời kỳ của việc sống nhiệm nhặt, chay tịnh, từ bỏ mọi thú vui hưởng thụ. Thế nhưng, lối sống của các môn đệ Ngài lại đi ngược lại với lời Ngài giảng dạy. Chúa Giêsu đã dùng hai hình ảnh để giải thích cho chọn lựa của mình và các môn đệ.
Hình ảnh đầu tiên mà Chúa Giêsu nói đến là sự hiện diện của Tân Lang: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?”. Khi con người sống trong niềm vui vì có Tân Lang hiện diện thì mọi người có thể sống niềm vui đó một cách trọn vẹn khi chia sẻ với nhau những bữa tiệc mà không phải sống nhiệm nhặt, chay tịnh và người ta có thể vui mừng hoan hỷ cách trọn vẹn.
Cũng vậy, các môn đệ của Ngài lúc này không phải ăn chay, cầu nguyện vì họ đang có Thiên Chúa hiện diện cùng họ, chia sẻ cuộc sống với họ. Kế đến, Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh thứ hai là áo mới và rượu mới: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai”.
Hình ảnh này giải thích cho các biệt phái và luật sĩ thấy việc các môn đệ của Chúa Giêsu không phải giữ chay. Như vậy Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải lựa chọn giữa cái cũ là lối sống đạo, những lề thói xưa cũ của người Do thái và những cái mới là những đòi hỏi của Tin Mừng. Khi chúng ta mang đầy những ích kỷ, gian tham vào trong cuộc sống hiện tại của mình thì như chúng ta xé miếng vải mới vá vào áo cũ.
Sự không tương thích đó làm cho cuộc sống của ta thêm khập khiễng. Trái lại, chúng ta được mời gọi từ bỏ lối sống cũ đó là những gian tham, ích kỷ để đi trên một con đường mới là canh tân theo các giá trị của Tin Mừng, sống theo Lời Chúa dạy và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Cố chấp trong cái cũ, bảo thủ trong cái tôi, coi mình là nhất, là hoàn hảo, người ta dừng lại và không khám phá được những cái mới, những điều hay, điều mới mẻ, điều tuyệt diệu của vũ trụ, vạn vật, của tâm hồn, của con người luôn biến thiên chuyển động và phát sinh phong phú nhờ tình yêu của Lời tác động. Phép lạ nơi tiệc cưới Canaan của Chúa Giêsu như một minh họa cho dụ ngôn hôm nay: Chúa Giêsu là “rượu mới” đã phá tan quan điểm bảo thủ của người Do Thái: “rượu cũ ngon hơn”, bởi ai cũng ngạc nhiên vì những chum rượu ngon tràn trề mà Chúa Giêsu ban tặng.
Đức Giêsu là Lời, là “rượu mới” của Thiên Chúa, mà muốn đón nhận, tâm hồn con người phải hoàn toàn là mới, là rỗng; hay nói khác đi, con người cũ với đầy những thành kiến, quan điểm, tri thức, sự khôn ngoan thế tục – con người với cái tôi bành trướng thì không thể thu nạp, tiếp nhận được Lời – sự khôn ngoan của Thiên Chúa được, và Lời Chúa sẽ ra vô ích, như chiếc bầu da cũ kia bị vỡ làm rượu chảy mất và bầu cũng hư.
Sự so sánh đó có thể rút ra bài học rất tế nhị. Đức Kitô không muốn xúc phạm đến họ, nhưng Người không ưa những thứ quá khích. Đối với kẻ thù khích bác và cố chấp, họ không thể hiểu được sự khẩn thiết về những đổi mới. Người thử giải thích bằng hình ảnh hôn nhân để thấy sự không thể thích nghi của con người cựu ước với thời tân ước của Ngài. Ngài không chối bỏ họ, nhưng họ có thời của họ. Ngài thiết lập thời tân ước như Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc xưa và nay cho mọi người.
Không phải chỉ có luật sĩ và biệt phái xưa, cả những Kitô hữu ngày nay cũng không biết nhận ra sự cần thiết phải tái sinh lòng mộ đạo theo Thánh Thần Thiên Chúa và công đồng Vaticano II hướng dẫn. Không phải tái sinh là chấp vá, nhưng là công việc lâu dài, kiên nhẫn đôi khi phải chịu đau khổ để thêu dệt nên một tấm áo mới không có đường may. Một hy vọng sống lại chan hòa vui mừng.
Để tránh việc phải đổ rượu mới vào bầu da cũ cũng như việc lấy vải mới mà vá vào áo cũ, mỗi người Kitô hữu chúng ta cần từ bỏ lối sống cũ, vụ hình thức bên ngoài để có thể đón nhận những mạc khải của Tin Mừng và lời mời gọi sống theo gương của Đức Giêsu, luôn sống cho và sống vì người khác. Chúng ta cũng cần thay đổi cách sống đạo và giữ đạo của chính mình hôm nay.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Giữ đạo không chỉ là việc chăm chỉ đến nhà thờ mỗi ngày mà còn phải là việc không ngừng học hỏi và trau dồi giáo lý, tránh các lạc thuyết sai lạc đức tin làm lung lay đời sống đức tin của mình; đồng thời giúp cho người khác hiểu rõ hơn về giáo lý, giáo dục đức tin cho những người chúng ta có trách nhiệm và loan báo Tin mừng của Chúa cho tha nhân. Chúng ta cũng được mời gọi sống đạo qua việc làm bằng cách sống ngay thẳng, chân chính trong mọi hoàn cảnh, biết mở lòng đón nhận anh chị em mình, chia sẻ giúp đỡ những người đang gặp khó khăn về tinh thần hay vật chất.