Suy Niệm Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên B

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan (Ga 3: 13-17)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.

Suy niệm:

Nhìn lên Thánh Giá, các Kitô hữu không chỉ ôn lại một kỷ niệm, nhưng còn thấm thía nỗi đau trong tâm hồn, vì họ nhận ra dấu vết khủng khiếp do tội lỗi chính mình gây ra. Từ giữa bóng đêm tội lỗi ấy, lại tuôn trào sức sống Phục Sinh khơi nguồn từ Thánh Giá Chúa Kitô.

Hôm nay cùng với Giáo Hội, ta mừng lễ Suy tôn Thánh giá. Thánh giá là một nghịch lý trong đạo Thiên Chúa giáo nói chung và đạo Công giáo nói riêng. Một đàng thánh giá là nguyên nhân thất vọng, tai họa và sự chết. Đàng khác Thánh giá mang lại nguồn hy vọng, toàn thắng và sự sống. Trước khi Đấng Cứu thế đến, thánh giá là hình phạt khiếp sợ cho tội nhân. Bị coi là một tội nhân nên Đức Giêsu phải chịu đóng đinh trên thánh giá với hai người trộm cướp. Ngày nay Thánh giá đã trở nên dấu hy vọng và toàn thắng cho người Kitô giáo.

Thánh Gioan đã ghi nhận lời của Chúa Giêsu, cũng chính là ghi nhận lời của Tình Yêu không cùng ấy: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin ở Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).

 “Yêu… đến nỗi đã ban”, cụm từ tuy đơn giản nhưng khắc họa sự lớn lao hết sức của tình yêu, đủ nói lên tất cả sức mạnh, tất cả sự tha thiết, tất cả sự mãnh liệt của một tấm lòng yêu thương. Còn hơn cả một lòng yêu thương mà chúng ta vẫn bắt gặp nơi nhiều anh chị em, bởi Đấng đã “Yêu… đến nỗi đã ban” ấy không phải là tình yêu con người dành cho nhau, nhưng là tình yêu của Đấng Tạo Thành dành cho thụ tạo của mình. Đó là Tình Yêu của Thiên Chúa hiến dâng cho loài người.

Và tình yêu mà Thiên Chúa đã trao hiến ấy, không phải là cái gì bên ngoài Thiên Chúa, nhưng là chính bản thân Thiên Chúa, là chính Đấng phát xuất từ giữa cung lòng Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, là hiện thân khôn tả của tình yêu vô cùng mà Thiên Chúa dành cho loài người.

Câu chuyện con rắn đồng trong bài đọc I trích sách Dân số ngày xưa, hôm nay được Đức Giêsu khẳng định với ông Nicôđêmô: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 13, 14-15). Con người không thể hiểu nổi tại sao một Thiên Chúa uy quyền lại muốn con mình đi qua con đường Thập Giá để cứu chuộc con người. Đức Giêsu đã chết, là giá cao nhất vì yêu con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm cho con người hiểu mầu nhiệm này.

Vâng, chỉ có niềm tin nơi Chúa Thánh Thần mới ban cho con sự hiểu biết ý nghĩa trọn vẹn, một cuộc sống không hạn hẹp trong cõi đất, nhưng được bắt nguồn từ cõi trời cao.

Quả vậy, Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi ban Con Một mình, để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời. Người tin thì sẽ sống với, sống cùng và sống trong Người. Được sống muôn đời không có nghĩa là sau khi chết đi mới được sống, mà là có “sự sống” mới ngay hôm nay lúc ta đang sống. Thật đáng sợ khi tôi đang sống mà như đã “chết”. Từ “đến nỗi” cho thấy: Thiên Chúa đã yêu quá nhiều, yêu vô bờ và bao la, nhưng chưa thỏa lòng, nên còn một món quà duy nhất, cao quý, là tất cả của Thiên Chúa, nhưng Người sẵn lòng trao tặng cho nhân loại, đó chính là Chúa Giêsu.

Vì yêu thế gian, Thiên Chúa sẵn sàng ban tặng Người Con duy nhất để cho thế gian được sống muôn đời. Người Con đã hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên thập giá là bằng chứng tận cùng của tình yêu đó. Nhưng buồn thay thế gian lại không cảm nhận và thấy hạnh phúc vì được ban cho Người Con duy nhất, nên khi thì nhạt nhẽo, có khi không cần chi đến Người. Chuyện cơm, áo, gạo, tiền lấp đầy cõi lòng tâm trí rồi thì đâu còn chỗ để liên đới mật thiết với Người Con được ban tặng. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).

Khi Chúa Giêsu xuất hiện, Ngài đã làm toát lên sự khiêm nhường tột cùng khi vâng lời Thiên Chúa Cha và yêu nhân loại tha thiết, nên Ngài: “…vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).

 Vì là hiện thân của Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, nên cả cuộc đời và lời rao giảng của Ngài đều nhằm diễn tả bản chất tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Đỉnh cao của mặc khải này chính là cuộc hiến tế trên Thánh Giá. Thật vậy: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13); “Họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,7-8).

Khi suy tôn Thánh Giá, chúng ta được mời gọi hãy: “yêu thương như Thầy đã yêu thương” (x. Ga 13, 3-35). Yêu như thầy là phục vụ vô vị lợi. Yêu như Thầy là hiến thân cho người mình yêu, không phân biệt bạn hay thù (Lc 6, 27-35). Yêu như Thầy cũng là tập sống bao dung, tha thứ, không xét đoán, giận hờn và luôn hướng tới sự thiện trọn hảo: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”, bởi vì: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương.

Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3, 12-13).

Lời mời gọi bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá mãi mãi vẫn là lời mời gọi luôn luôn mới và giá trị trên cuộc đời của ta. Lời mời gọi đó quả là khó chứ không phải dễ dàng bước theo. Khi và chỉ khi ta nhìn nhận thân phận tôi đòi của chúng ta, thân phận thụ tạo của chúng ta thì khi ấy chúng ta lại nhẹ nhàng và thanh thản để đi theo con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Và, khi vâng phục đến tột đỉnh vác thập giá đời mình thì dĩ nhiên ta cũng sẽ được hưởng phần phúc cứu độ mà Đấng Cứu Độ trần gian bị treo trên thập giá đã hứa ban cho những ai ngày mỗi ngày bước đi theo Ngài.

Huệ Minh

Noel Quession – Chú Giải

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

Trong trí óc của chúng ta, Thánh Giá liên kết với ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vẫn còn là dịp để suy niệm về sự “đau khổ” là cuộc khổ nạn, cho dù Tin Mừng của Thánh Gioan với bài tường thuật ngày hôm đó thật ra đã nhấn mạnh đến “cường quyền ” của Đức Giêsu. Một truyền thống Phụng vụ lâu đời đã muốn cử hành lễ Suy tôn Thành Giá, cây Thập Giá Vinh quang, từ ngày 14 tháng chín năm 335 lúc hoàng đế Constantin vùa mới trở lại đạo. Và vợ vua, thánh nữ Hélène, cho xây dựng Vương cung Thánh đường Anastasis (tiếng Hy-lạp nghĩa là Phục sinh) tại Giêrusalem, trên địa điểm đồi Gôn-gô-tha và Mộ thánh. Lúc đó ngày lễ Suy tôn Thánh Giá mau chóng trở thành lòng sùng kính của đại chúng ở Phương Đông và từ thế kỷ thứ V chuyển sang Phương Tây.

Lời cầu nguyện trong ngày lễ này, không quên những khổ đau của thập giá, nhưng làm nổi lên giá trị của vinh quang thập giá “cây cao quý hơn mọi cây, là biểu hiệu vinh dự được chọn để mang Đấng Cứu Thế”.

Oi Thánh giá cao quý hơn cây bá hương, nơi sự sống của thế gian bị đóng đinh.

Trên ngươi, Đức Kitô đã chiến thắng, sự chết của Người tiêu diệt sự chết.

Lạy Cứu Chúa Giêsu, vinh quang thuộc về Chúa, thánh giá của Chúa- đem lại cho chúng con sự sống”.

Thánh ca ngày hôm đó, do Vềnance Fortunat, vị Giám mục tương lai của thành Tours soạn năm 568, lần đầu tiên được hát ngày 19 tháng mười một năm đó trong một đám rước do Thánh Grêgôri thành Tours dẫn đầu cũng tán dương khía cạnh vinh quang của thánh giá “Vềxilla regis prodeunt, fulget crucis mysterium… Những lá cờ của Đức vua tiến lên, mầu của thánh giá chói sáng… Arbor decora ét fulgida ornata regis purpura, electa dignus stipite tam sancta membra tangere… ôi cây đẹp huy hoàng, trang điểm màu đỏ đế vương, cây duy nhất được xét là xứng đáng mang tứ chi Cực thánh… “

“Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống…”

Đoạn văn này rút ra từ diễn từ dài nói với ông Ni-cô-đê-mô. Người ta nhớ rằng Ni-cô-đê-mô một thân hào Pharisêu, thầy dạy Luật đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm khung cảnh ban đêm này thấm đẫm một bầu khí mầu nhiệm. Thật vậy tất cả chúng ta đều ở trong đêm tối trước mặt Thiên Chúa. Như Ni-cô-đê-mô, tất cả chúng ta đều là những người “mò mẫm đi tìm trong đêm tối”. Ở đây, Đức Giêsu mạc khải rằng những chuyện trên trời chỉ người nào từ trời xuống mới biết được Thập giá là một phần của các thực tại thánh thiêng và chỉ có thể hiểu được trọn vẹn bởi “Đấng từ trời xuống”.

Chúng ta hãy ở trong tình trạng sẵn sàng để lắng nghe sự mạc khải sẽ được bày tỏ cho chúng ta trong đêm tối.

Như ông Mô sê đã giương cao con rắn đồng trong sa mạc…”

Tin Mừng thường dùng những kỷ niệm của Kinh Thánh. Giai thoại “con rắn bằng đồng” rất nổi tiếng. Trong cuộc xuất hành trong sa mạc Xi-nai, những người Do Thái đã bị những con rắn có vết cắn cháy bỏng tấn công (Dân số 21, 6-9). Nọc độc của chúng làm chết người. Môsê đã cho treo một con rắn bằng đồng trên một cây gậy cắm ở giữa trại. Cây gậy rắn thần ấy là hình ảnh thần thoại mà các thầy thuốc tiếp tục dùng làm huy hiệu, và họ thường gắn vào xe họ. Con rắn bằng đồng này là “Rắn chữa lành”: “Vì bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn dân hết thay” (khôn Ngoan 16,7). Chúng ta thấy rằng theo cách giải thích này của sách Khôn Ngoan, thì điều chính yếu không phải là một cử chỉ ma thuật, và như thể tự động, mặc dù bề ngoài là thế. Cái nhìn ngước lên con rắn bằng đồng không tự nó cứu sống, như thể đó là một cử chỉ phù thủy hướng về một thứ bùa ngải. Quả thực, cách giải thích của các giáo trưởng cho rằng cách cụ thể ấy là dấu chỉ của đức tin, đó là hành động quay về với Thiên Chúa Đấng cứu chữa!

“Con người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”

Như thể đến lượt mình, chúng ta được mời gọi người trông lên thánh giá, để được chữa lành. Chúng ta phải dám nhìn vào Đấng chịu đóng đinh, Đấng được giương cao trên đời và trên thập giá.

Có khi nào tôi nhìn thẳng vào ảnh chuộc tội để cầu nguyện không?

Và như thế, hôm nay chúng ta được đưa vào mầu nhiệm đặc biệt của vinh quang thập giá. Gioan thanh sử đã chọn từ “giương lên” (uspathènai trong tiếng Hy Lạp) một cách có chủ ý, để đồng thời nói rằng Đức Giêsu được thập giá đưa lên khỏi mặt đất về mặt thể chất nhưng còn được đưa lên một cách mầu nhiệm trong vinh quang của thánh giá. Tin Mừng của Gioan sẽ dùng cách chính xác cùng một từ để nói với chúng ta rằng Đức Giêsu được đưa lên bên hình của Chúa Cha, bởi sự sống lại và lên trời (Ga 3, 16-8, 28-12, 32-34). Buổi chiều thứ sáu ấy, Thánh Gioan là người duy nhất trong các tông đồ còn dám đứng lại dưới chân thánh giá. Ngài đã không.bao giờ quên được hình ảnh đó từ lúc được ánh sáng Phục sinh chiếu rọi. Từ đó? Trong suốt 70 năm, người đã suy niệm về thánh giá và Ngài đã mang lại cho chúng ta kết quả suy niệm ấy bằng cách đặt nó vào chính miệng của Đức Giêsu, bởi một phương thức cổ điển trong thời cổ đại.

Đối với Gioan, Thánh Giá và Phục sinh là cùng một mầu nhiệm được diễn tả bằng một từ duy nhất này: Đức Giêsu đã được nâng lên khỏi mặt đất! Đối với Ngài “chịu đóng đinh” tương đương với “được suy tôn”. Đối với Gioan, sự thăng thiên được cất lên bắt đầu từ ngày thứ Sáu tuần Thánh. Thật vậy nếu sự sống lại của Đức Giêsu như một chữ ký của Thiên Chúa trên mọi công việc của Đức Giêsu, thì sự sống lại không phải là một sự biện minh “sau đó”. Lễ Phục sinh không đến để xóa bỏ Thánh giá, như thể Thánh giá đã là Vinh quang của Thiên Chúa. “Giờ đây Con Người được tôn vinh” (Gioan 13,31), Đức Giêsu đã nói ngay khi tiến trình Cứu nạn mới bắt đầu bởi sự phản bội của Giuđa. “Phần tôi một khi giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.

Vậy NGÀY HÔM NAY, chúng tôi được mời gọi ngước mắt nhìn lên Đấng đã được “giương cao”. Một người HyLạp có văn hóa chỉ có thể nhìn trong thập giá của Đức Giêsu một sự điên rồ dã man, một công dân La Mã chỉ nhìn thấy ở đó hình phạt cho dân nô lệ, một người Do Thái chỉ nhìn thấy ở đó một nguyền rủa của Chúa. Nhưng đối với Thánh Phaolô, đó chính là sự “khôn ngoan của Thiên Chúa” (Cô-rin-tô 1,23). Cái chết tự nguyện của Đức Giêsu rõ ràng là một cái chết vì yêu chứ không phải là do phạm tội sát nhân. Thánh giá của Đức Giêsu là đỉnh cao của đời sống yêu thương. Tình yêu mến của Chúa Con đối với Cha Người. Tình yêu thương huynh đệ phổ quát với các anh em tội lỗi…

Là đỉnh cao của sự đau đớn nơi con người, Thánh giá cũng là đỉnh cao của sự Mạc khải của Thiên Chúa. Thánh giá là lễ hiển linh của Ba ngôi! Ý nghĩa sâu nhất của Thánh giá là phải tìm hiểu trong chính hữu thể của Thiên Chúa: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy. Thánh giá mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là ai: hành động thuần túy của tình yêu, sự hiến thân thuần túy. Hành động tình yêu tối cao này mà chúng ta gọi là một tình yêu điên rồ thì hoàn toàn và mãi mãi “tự nhiên” đối với Con của Chúa Cha. Thật ra Thánh giá chỉ là sự diễn tả cụ thể điều mà Ngôi Lời không ngừng thực hiện từ muôn thuở: Hiến dâng mình cho Đấng Khác (tha thứ tuyệt đối) không giữ lại điều gì lại cho chính mình.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…”

Vâng, tình yêu tột cùng ấy đã đốt cháy trái tim của con người ấy, Đức Giêsu, và làm cho Người chết vì tình yêu tình yêu này chính là dấu chỉ của một tình yêu tột cùng khác, tình yêu của Chúa Cha, Đấng cũng yêu thương bằng một tình yêu điên rồ đến nỗi đã ban Con Một của Người. Như thế, nghịch lý của Thánh giá đã được khám phá: Vốn là dấu chỉ của ô nhục, Thánh giá trở thành dấu chỉ của vinh quang. Trong đức tin, thế giới này mà sự ác, sự chết, sự phi lý thống trị trở thành một thế giới “được Thiên Chúa yêu thương”. Thánh giá dựng lên ở Giê-ru-sa-lem. Và ở trung tâm của mọi đời sống Kitô hữu không ngừng cao rao rằng cả điều phi lý không còn là phi lý nữa… trong ánh sáng tăm tối của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chấp nhận cách nhìn của Thiên Chúa, những đau khổ của chúng ta có thể thay đổi dấu chỉ”: Từ tiêu cực chúng có thể trở thành tích cực trong Đức Giêsu.

“Để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời…”

Chấp nhận cái nhìn của Thiên Chúa chính là “tin” Đức tin cho chúng ta là một cái nhìn mới về mọi sự, đặc biệt về tội lỗi, sự chết và sự ác. Thế giới này đối với chúng ta đôi khi có vẻ quá xấu xa với nhtlng thù hận, áp bức, những thói ích kỷ của nó, thế mà Thiên Chúa yêu thương nó! Không, Người không yêu sự ác này, nhưng bởi vì Người biết nó chưa hoàn tất. Người đã tạo dựng thế giới này để “dẫn đưa nó về sự hoàn thiện”. Một ngày kia, sẽ không còn nước mắt, khóc than, tang tóc” (Khải Huyền 21,4). Nhưng không có một sự suy luận thuần túy nào dẫn chúng ta đến kết luận đó. Duy chỉ đức tin cho chúng ta đi trước thời gian và nhìn thấy điều không thể thấy (Do Thái 11 , 1) khi “chiếm hữu được điều mà chúng ta hy vọng”.

Phải, đời sống vĩnh cửu đã bắt đầu đối với những ai tin. Nhớ đến điều đó há chẳng quan trọng sao, khi người ta đương đầu với những đau khổ triền miên và không thể chữa lành được.

“Quả vậy, Đức Giêsu sai Con Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

Thiên Chúa là Đấng Hằng sống đích thực. Bên trên sự phi lý của sự chết. Người ban cho chúng ta sự sống của chính Người. Đó là sứ điệp chính yếu của toàn bộ Tin Mừng. Thiên Chúa muốn cứu tất cả mọi người. Thiên Chúa muốn cứu toàn thể thế gian. Người đã làm tất cả vì điều đó. Sứ mạng của Đức Giêsu là của Thánh Giá của Người, là dấu chỉ chiến thắng, vinh quang. Lạy Cứu Chúa Giêsu, vinh quang thuộc về Chúa, Thánh giá. Chúa ban cho chúng con sự sống.

Đây là cây sự sống, nơi Ađam mới hiến dâng máu Người để quy tụ mọi người trong một Nhiệm Thể duy nhất. Đây là cây sự sống nơi Đấng Chí ái của Chúa Cha mở những cánh cửa của Nước Thiên Chúa cho nhân loại. Đây là cây sự sống nơi Đấng vô tội bị nhục mạ gánh hết tội lỗi của chúng ta, để giao hòa đất với trời.

 

Giáo phận Nha Trang – Chú Giải

LỊCH SỬ NGÀY LỄ:

Ngày 13 tháng 9 năm 335 người ta long trọng cung hiến đại thánh đường Anastasis do hoàng đế Constantin ra lệnh cho xây trên mộ của Đức Giêsu. Ngày 13-9 cũng là ngày lễ kỉ niệm việc tìm được thánh giá thật. Ngày 14 -9, một ngày sau cuộc thánh hiến thánh đường, người ta đã trưng bày thánh giá thật trong thánh đường mới để cho dân chúng lần đầu tiên đến tôn thờ, kính viếng. Sau này người ta liên kết thánh lễ này với việc hoàng đế Heraclius chiếm lại được thánh giá thật vào năm 628 (x. Phụng vụ chư thánh của linh mục Aug Nguyễn Văn Trinh , tập 2 trang 203).

Ý NGHĨA CỦA NGÀY LỄ:

” việc suy tôn thánh giá Chúa vào ngày 14-9 có liện hệ đến việc cung hiến trọng thể đến thờ Phục Sinh tại Giêrusalem, được xậy cất trên mộ Chúa Kitô (năm 335). Xong cũng có liên hệ đến lời Kinh Thánh dạy nữa. Sách Lêvi ( 23,27) chép:Chúa phán” ngày thứ mười tháng bảy là ngày xá tội, các ngươi sẽ dâng cho Chúa một của lễ hỏa tế”. ” ngày mười lăm của tháng bảy là lễ Lều mừng trong bảy ngày kính Giavê. Bảy ngày đó các ngươi sẽ ở dưới túp lều” (Lv 23,34.32).

“ai cũng biết rằng thư gửi giáo đoàn Do Thái giải thích lễ hy sinh của Chúa Kitô chiếu theo lễ nghi tế tự của ngày xá tôị (Dt 9,6-12). Và chính trong ngày lễ Lều mà Chúa Giêsu tuyên bố” Ai khát hãy đến cùng tôi” (Ga 7,37).

” Chuá Kitô đã dâng mình làm hiến lễ trên thánh giá để xóa tội cho muôn người. Thánh giá đối với dân Kitô giáo là dấu chỉ hy vọng được vào Nước Trời, mà dân Do Thái lại mừng hy vọng đó vào ngày lễ Lều. Điều đó có ngụ ý rằng: Thánh Giá Chúa thật vinh quang. Bị miệt thị, Thánh Giá lại trở nên niềm tự hào của chúng ta”( Gl 6,14). Nếu cây biết làng biết dữ ở địa đàng xưa đã sinh trái gây chết cho Ađam, thì cây Thánh Giá lại đem đến cho chúng ta hoa quả ban sự sống là Chúa Kitô. ” Nơi Người ta đươc cứu rỗi và được Phục sinh”( xem hạnh thánh mỗi ngày của Linh Mục Phaolô Nguyễn bình Tĩnh, trang 131-132)