LỄ THÁNH MÁTTHÊU TÔNG ĐỒ – LỄ KÍNH
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 9: 9-13)
9 Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy? “12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”.
Suy niệm 1
Tin Mừng Mt 9: 9-13
Trải dài lịch sử cứu độ, ta thấy lòng cảm thông và tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ của Ngài với các tội nhân cũng như những bài dụ ngôn của Ngài. Tha thứ thiết yếu có nghĩa là tạo ra một cơ may cho người khác. Với người thu thuế tên là Lêvi, Chúa Giêsu đã kết nạp ông vào hàng ngũ các môn đệ của Ngài. Với Gia kêu, thủ lãnh của những người thu thuế, Ngài đã đến tận nhà viếng thăm. Với người đàn bà phạm tội ngoại tình, Ngài đã nói với tất cả tâm tình trìu mến: Chị hãy về, và đừng phạm tội nữa. Với Phêrô, người môn đệ thân tín phản bội, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn với tất cả cảm thông và thương mến.
Lời mời gọi của Chúa vẫn luôn vang vọng và tha thiết: “Hãy theo Ta”. Tâm tình đáp trả còn tùy thuộc ở thái độ của mỗi người chúng ta.
Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu rao giảng rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 4,17). Chúa không thụ động chờ đợi con người ăn năn sám hối, nhưng luôn tìm kiếm những người tội lỗi để mời gọi họ đổi mới đời sống của mình. Chúa gọi Matthêu, một người thu thuế, trở nên tông đồ của Chúa. Chúa đồng bàn với những người tội lỗi để thánh hóa cuộc đời của họ.
Matthêu là một trong nhóm 12 tông đồ. Ngài là nhân viên thu thuế, được Chúa Giêsu gọi lúc ngồi ở bàn thu thuế. Theo Pa-pi-as (Giám Mục thành Hieropôlis khoảng năm 138) thì Matthêu cũng được gọi là Lêvi, đã soạn Phúc Âm bằng tiếng Aram, nhưng bản đó đã bị thất lạc. Hiện người ta chỉ tìm được những bản bằng tiếng Hy Lạp.
Nhờ tiếp xúc với Chúa Giêsu, Matthêu đã dứt khoát với quá khứ tội lỗi của mình và biết bao nhiêu con người tội lỗi khác cũng nhận được ơn thứ tha để hoán cải. Tất cả đều do tình yêu của Chúa Giêsu đối với các tội nhân. Chúa đi bước trước và đến tìm gặp con người trong vũng lầy tội lỗi. Chúa tạo nên cơ may để tội nhân làm lại cuộc đời. Phần của con người là đón nhận lời mời gọi của Chúa để làm mới lại cuộc sống mình.
Chúa kêu gọi Matthêu làm môn đệ khi Người đi ngang qua bàn thu thuế của ông. Matthêu đã chỗi dậy và đi theo Người. Sự đáp ứng của Matthêu rất mau mắn và quảng đại. Có lẽ ngài đã nhiều lần được gặp Thầy Chí Thánh, và chỉ chờ đợi cơ hội quan trọng này mà thôi. Ngài đã không chần chừ trong việc từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Chỉ một mình Thiên Chúa biết tại sao Người lại tuyển chọn Matthêu, và cũng chỉ một mình thánh nhân mới có thể cho chúng ta biết ngài đã nhận thấy điểm gì nơi Chúa Giêsu đến nỗi đã lập tức rời bàn thu thuế để đi theo Người. Thánh Gioan Kim Khẩu nói, Chúng ta thấy vì sự vâng phục mau mắn và trọn vẹn mà Matthêu đã tức khắc từ bỏ tất cả tài sản thế gian để đi theo Chúa khi được kêu mời đúng lúc.
Điều Thiên Chúa cần nơi con người là “lòng nhân” chứ không phải là “lễ tế”. Chính lòng mến chân thành làm nên giá trị con người trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng đánh giá cao người đàn bà góa nghèo dâng cúng chỉ có hai đồng tiền kẽm nhưng với tất cả tấm lòng chân thành (Mc 12, 41-44). Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chọn Matthêu, một người bị giới lãnh đạo Dothái giáo loại trừ và xem là hạng người tội lỗi, để làm môn đệ của Ngài. Vì Chúa thấu rõ con người ông hơn bất kỳ ai và ông cũng đã biết mau mắn, chân thành đáp lại lời mời gọi yêu thương của Ngài.
Nước Trời chỉ dành cho những ai biết sám hối ăn năn. Không ai trong chúng ta dám tự phụ cho rằng mình là người công chính không cần hối cải. Thiên Chúa luôn dủ lòng xót thương những con người tội lỗi. Ngài vẫn dang rộng đôi tay để đón chờ sự trở lại của mỗi người chúng ta. Tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta hãy chân thành nhìn nhận những tội lỗi của mình, can đảm xưng thú tội lỗi và sẵn lòng để Chúa đến biến đổi đời ta. Chính khi có Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ trở nên con người mới, nên con cái trong nhà Chúa.
Cuộc sống của người được mời gọi theo Chúa Kitô, như tất cả chúng ta đều thấy, không thể giống như cuộc sống của người anh trong dụ ngôn người con hoang đàng. Anh ta trung thành sống bên cha, làm việc chăm chỉ, và không phung phí tài sản của cha.
Tuy nhiên, anh ta thiếu niềm vui và đức ái đối với em trai mới sám hối trở về của anh. Anh ta là biểu tượng rõ nét của loại người công chính nhưng không hiểu được niềm vui được sống bên Chúa và tình thân với tha nhân. Phụng sự Chúa tự thân là một phần thưởng đúng nghĩa, bởi vì phụng sự Chúa là được cùng Người cai trị. Thiên Chúa muốn chúng ta phụng sự trong vui tươi, chứ không miễn cưỡng, bởi vì Thiên Chúa yêu thương người hiến dâng vui tươi. Lúc nào cũng có rất nhiều lý do để vui tươi, tạ ơn và hạnh phúc khi chúng ta được hiến thân cho Chúa và tích cực đáp lại tiếng gọi của Người.
Chúa Giêsu, Ngài muốn lòng nhân từ của chúng ta dành cho nhau hơn là những hy lễ thiếu tình yêu. Ngài muốn chúng ta có cái nhìn cảm thông với người tội lỗi hơn là cái nhìn khắc khe, kết án. Điều này, chính Chúa đã thực hiện cho ông Lêvi hôm nay. Chúa đã đi bước trước đề ngỏ lời cùng ông. Chúa đã mở ra cho ông một con đường trở về nẻo chính đường ngay. Chúa cũng mời gọi chúng ta hôm nay hãy lấy lòng nhân từ mà đối xử với nhau. Đừng kết án nhau. Đừng xua đuổi nhau, nhưng biết dùng tình yêu để cảm hoá anh em. Ai cũng có lầm lỗi. Ai cũng có thiếu sót. Đôi khi chỉ vì hoàn cảnh mà sa ngã, phạm tội. Hãy giúp nhau làm lại cuộc đời. Hãy tạo cho nhau điều kiện môi trường tốt để tránh xa dịp tội. Hãy dùng tình thương để góp ý xây dựng cho nhau thay vì kết án nặng lời với nhau.
Chúa Giêsu Kitô đến bên từng người chúng ta – cho dù chúng ta đang sống trong độ tuổi hoặc hoàn cảnh nào – và ánh nhìn của Chúa tiếp xúc với ánh mắt chúng ta một cách cá biệt. Người mời gọi chúng ta bước theo. Trong hầu hết các trường hợp, Chúa để chúng ta lại giữa trần gian, công việc, và gia đình. Hãy suy nghĩ về điều Chúa Thánh Thần đã phán, và hãy để ta biết sợ hãi và tri ân. Người đã tuyển chọn chúng ta trước khi tạo dựng thế gian để chúng ta nên thánh thiện trước mặt Người.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của mình để biết đến với Chúa với cả tấm lòng, để dành cho Chúa chỗ nhất trong cuộc đời mình. Chính Chúa phải vượt lên trên công việc của Chúa.
Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, tôi có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không ? hay tôi còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi của Chúa.
Chúa đã không chê trách người tội lỗi, nhưng Chúa đã cảm thông, tha thứ và còn kêu mời họ đi làm tông đồ cho Chúa. Xin cho chúng ta biết noi gương Chúa, biết tha thứ, quảng đại, bao dung với anh em chúng ta và xin Chúa ban cho chúng ta một tinh thần hăng say để đáp lại lời kêu mời của Chúa bằng một đời
Huệ Minh
THÂN THẾ CỦA THÁNH MATTHÊU
Mattheu được Maccô và Luca gọi bằng tên Do Thái là Lêvi. Maccô còn ghi thêm chi tiết rằng ông là “con của Anphê” (Mc 2,14)
Mattheu làm nghề thu thuế, một thứ nghề có nhiều danh nghĩa:
Xét về phương diện kinh tế, thì nghề thu thuế thời bấy giờ là nghề dễ giàu và có địa vị trong xã hội
Xét về phương diện tôn giáo thì nghề thu thuế là nghề bị luật Do Thái giáo cấm kị, đến nỗi ai làm nghề này thì bị dân chúng Do Thái khinh bỉ và gán ghét là phường tội lỗi
Vì Mattheu làm nghề thu thuế như vậy nên việc Ngài được Chúa Giêsu gọi làm tông đồ quả là một biến cố nghịch thường. Thái độ đáp ứng của Ngài cũng nghịch thường không kém
SỰ NGHIỆP CỦA THÁNH MATTHEU:
Từ một người thu thuế, Mattheu đã trở thành vị tông đồ của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mattheu đang ngồi ở đó. Người bảo ông:” Anh hãy theo tôi!”Ong đứng dậy đi theo Người”(Mt 9,9-10)
Sau khi được gọi, Mattheu chiêu đãi Chúa và những người tháp tùng một bữa tiệc, nơi đó Chúa Giêsu đã nói với những người biệt phái:”Tôi không đến để kêu gọi người tội lỗi”(Mt 9,13)có lẽ Mattheu đã cảm nghiệm được lời Chúa trên đây nên ngài đã đáp lại bằng cách thành tâm thiện chí và hăng say dấn thân theo Chúa
Thánh Mattheu là một trong những tông đồ được nghe biết nhiều nhất, vì ngài đã chép cuốn tin mừng thứ nhất. Như vậy thánh Mattheu đẽ chuyển nghề nghiệp cũ vào một việc phụng sự mới: từ người kế toán trong ngành thu thuế vụ, thành người viết tin mừng. Thật không ngạc nhiên gì khi một mình Ngài ghi lại lời này của Chúa “bởi vậy bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về nước trời thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ kho tang của mình cả cái mình lấy cái cũ (Mt 13,52)
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA:
1. Bài đọc 1:Ep 4,1-7.11-13
Qua đoạn thư gửi cho thành Ephêsô, thánh Phaolô trình bày về sự hiệp nhất trong Hội Thánh: vì hội thánh là thân thể duy nhất của Chúa Kitô và sống nhờ vào một Thánh Thần của Chúa Kitô, nên sự hiệp nhất là luật căn bản cuả Hội Thánh. Sự hiệp nhất này được thể hiện cách cụ thể khi người ta sẵn sàng để phục vụ và gánh vác nhau trong tình yêu (Ep 4,2); đồng thời sự hiệp nhất ấy cũng được thể hiện qua việc thống nhất giữa những đa dạng và liên kết giữa những gì khác biệt nơi mọi sinh hoạt của Hội Thánh.
Việc Thánh Mattheu, một người sống nghề thu thuế được ơn trở lại và được gọi làm tông đồ của Chúa trong việc xây dựng hôi thánh là một bằng chứng nói lên sự hiệp nhất của Hội Thánh. Vì Hội thánh gồm những phần tử cùng con một Chúa cùng một đức tin và cùng chung một phép rửa.
2. Bài tin mừng Mt 9,9-13
Bài tin mừng này ghi lại việc Chúa Giêsu gọi mattheu làm tông đồ cho c. Qua câu chuyện này chúng ta có những nhận thức sau đây:
3. Chúa Giêsu gọi Mattheu một người bất xứng vì ở trong hàng ngũ những người t65i lỗi. Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu đã không pân biệt đối xử , không thành kiến. Noi gương Chúa, chúng ta biết đối xử với nhau như vậy trong đời sống cộng đoàn, trong việc giao tiếp với tha nhân.
Chúa Giêsu đã dùng bữa ăn với nhiều người thu thuế và tội lỗi. Đặt sự việc này trong hoàn cảnh xã hội và Do Thái giáo bấy giờ, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã gạt bỏ mọi ngăn cách về địa vị, danh vọng, xã hội, tôn giáo, tình cảm, … để có thể tiếp xúc với mọi người trong tinh thần truyền giáo và tông đồ.
Chúa Giêsu tự ví mình như thầy thuốc với bệnh nhân. Chúng ta cũng phải măc cho mình những tâm tình và trách nhiệm như một lương y đối với người tội lỗi, phần tử xấu nết hay những kẻ mình không ưa, không thích không muốn trong xã hội hay nơi cộng đoàn
4. Nhìn vào thánh Mattheu
Mattheu là người sống nghề bất chính trong xã hội thời bấy giờ, nhưng ông đã được Chúa Giêsu gọi làm tông đồ cho Chúa. Chúng ta không tự mạc cảm về những yếu kém của mình, nhưng tin tưởng và thành tâm thiện chí trong những công tác tông đồ truyền giáo
Mattheu đã đứng dậy đi theo Chúa khi gọi ông. Noi gương Mattheu chúng ta mau mắn và quyết tâm bỏ mọi sự mà theo Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tử bỏ mọi ngăn trở, như: những thói xấu của bản thân, những ràng buộc trong đời sống gia đình, những lôi cuốn của thế gian, xác thịt và ma quỷ,… để sống cho Chúa và làm việc cho Chúa
Mattheu đã mời nhiều người thu thuế và tội lỗi đến nhà dùng bữa ăn với Chúa Giêsu. Với vai trò của người tông đồ, chúng ta cần sáng tạo những phương tiện thuận lợi để tạo điều kiện cho mọi hạng người nhất là những người khô khan nguội lạnh, tội lỗi …. Đến với Chúa
Mừng lễ thánh Mattheu tông đồ hôm nay chúng ta hướng về Ngài với tâm tình cảm phục, mến yêu và ngưỡng mộ để nhờ đó chúng ta biết nhiệt tình và trung thành với mọi công tác tông đồ và truyền giáo hơn.
Hành Trang Mục Vụ Khóa 10 – ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn