Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 9: 18-22)
18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai? “19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.”20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.”21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
Suy Niệm: Tin mừng Lc 9: 18 – 22
Trong Tin Mừng mỗi khi trình bày việc Chúa Giêsu đi cầu nguyện một mình thì thường là sau đó, Chúa có những quyết định quan trọng cho sứ vụ cứu thế của Ngài. Trước khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ theo Ngài, Ngài cũng lên núi và cầu nguyện suốt đêm. Tin Mừng hôm nay, cũng trình bày việc Chúa Giêsu đi cầu nguyện một mình trước khi Ngài đặt câu hỏi cho các môn đệ về căn tính của Ngài : “Đám đông nói Thầy là ai ?” “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”
Đức Giêsu hỏi các môn đệ rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Dư luận dân chúng Do Thái chưa nhận rõ Đức Giêsu là Chúa. Thật đau lòng về con người thời đại ngày nay, con số những người chưa nhận biết Đức Giêsu dường như ngày càng gia tăng. Thật đau lòng, bởi nhiều người trong chúng ta, dù đã được rửa tội, là con cái Chúa và Hội Thánh, đọc kinh cầu nguyện, đi lễ, nghe Lời Chúa,…thế nhưng, qua cách sống của chúng ta, thì Đức Kitô vẫn chỉ là một khái niệm mông lung và mờ nhạt.
Chúa Giêsu không hỏi các môn đệ về giáo lý nhưng về chính mình, về chính thực thể Ngài là ai đối với họ. Và để trả lời được cho câu hỏi này thì cần phải trả lời hai điều: thứ nhất là biết Chúa và thứ hai là yêu mến Chúa. Ðây không phải là vấn đề biết Chúa một cách trí thức qua sách vở, nhưng là biết cảm nghiệm trực tiếp giữa người với người, giữa Chúa và đích thân mỗi người, biết Chúa như biết một người bạn; đây không phải là vấn đề giáo thuyết nhưng là vấn đề cụ thể con người, hoặc trực tiếp tiếp xúc với con người Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng hằng luôn luôn hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta. Do đó, cần phải có đức tin và tình yêu thương thì ta mới có thể trả lời đúng cho câu hỏi Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Một người không có đức tin hay ít đức tin, sống nguội lạnh thì quả thực là khó để trả lời cho câu hỏi của Chúa.
Chúa hỏi lại các môn đệ : “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Hôm nay Chúa cũng hỏi lại chúng ta câu hỏi đó : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Vì thế, việc nhận ra Đức Kitô vẫn còn là một thách đố đối với với con người thời nay, cách riêng từng người tín hữu Kitô.
Ta thấy Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin “Thầy là Ðấng Kitô” được như thế là nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần mạc khải cho ông.
Phêrô đã trả lời đúng, vì Chúa Giêsu quả là Đấng Kitô hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời. Đấng ấy được xức dầu để lên làm vua của dân tộc Israel. Nhưng có thể Phêrô ngộ nhận về khuôn mặt của Đấng Mêsia đó. Chúa Giêsu không phải là Đấng Mêsia sẽ giải phóng dân Israel khỏi ách đế quốc Rôma, cũng không phải là người muốn lên làm vua trần thế. Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại. Như thế, Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mang khuôn mặt của Người Tôi Trung đau khổ như được trình bày trong sách ngôn sứ Isaia đệ nhị.
Chính nhờ lời tuyên xưng về căn tính của Thầy mình như Phêrô, đủ để làm chứng rằng : những ai đi theo Đức Kitô và làm môn đệ của Ngài, mới có thể xác tín được niềm tin của mình một cách chắc chắn, rõ nét; Bởi, niềm tin đó xuất phát từ nội tâm; bắt nguồn từ một cuộc gặp gỡ và khám phá ra Đức Kitô là Chúa và là Thầy; xuất phát từ lòng yêu mến Chúa cách chân thành, sâu xa và hoàn toàn mang tính thánh thiêng tuyệt vời.
Phêrô tuyên xưng Người là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”, nghĩa là Người là vị Vua và Mục Tử duy nhất, tối hậu và vĩnh viễn của dân Israel. Người được Thiên Chúa cử đến để ban cho dân tộc này và toàn thể nhân loại có sự sống viên mãn. Người chính là Đấng Mesiah được liên kết mật thiết với chính quyền năng ban sự sống, với Thiên Chúa hằng sống.
Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, điều này không khó. Nhưng tiếp tục tuyên xưng Người như thế, khi chứng kiến Người phải vác thập giá, chịu xử tử và chịu chết, khi chính mình, nếu không đến nỗi phải đổ máu ra mà làm chứng, phải vác thập giá là các khó khăn của một ngày sống, điều này khó hơn nhiều. Nhưng đó là cái giá phải trả để được cùng sống lại với Đức Giêsu.
Có niềm tin mạnh, chắc chắn Phêrô và kể cả các môn đệ khác mới sẵn sàng đi theo Đức Giêsu cho đến cùng, noi gương bắt chước đời sống của Thầy, sẵn sàng cùng chết với Thầy và cùng sống lại với Ngài trong vinh quang.
Thật thế, trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng. Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình. Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó. Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn. Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia. Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ. Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha. Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do, và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ. Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất, xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.
Và ngay ngày hôm nay Chúa Giêsu, Đấng Mêsia đã sống lại từ cõi chết vẫn đang hỏi mỗi người chúng ta: “Còn con, con bảo Thầy là ai ?” Mỗi người chúng ta sẽ phải trả lời như thế nào trước câu hỏi của Chúa Giêsu mà Ngài vẫn đang hỏi chúng ta trong từng chặng của cuộc đời ? Tôi phải cần biết Ngài là ai đối với cuộc đời của tôi, bởi lẽ tôi sẽ không đi theo Đấng mà tôi không hề biết. Nhiều khi ta gần Chúa nhưng lòng ta xa Chúa lắm. Xin Chúa thêm ơn để cho chúng ta tuyên xưng thật bằng chính lối sống của chúng ta.
Huệ Minh