Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 10: 13-16)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Corozai, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục. Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Đấng đã sai Thầy”.
Suy niệm:
Đức Giêsu có kinh nghiệm về thất bại trong việc tông đồ. Ngài cũng nhắc các môn đệ về chuyện đó (Lc 10, 10-12). Không được tiếp đón, bị từ khước, không được người ta nghe (c.16), thậm chí có khi bị bách hại, bị vu khống, bị giết chết. Đó là những điều người môn đệ tín trung vẫn thường gặp, vì Thầy của họ đã trải qua và vượt qua.
Những người thành Corozain và Betsaiđa thuộc Galilêa, là nơi Chúa đã gọi các môn đệ đầu tiên là Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê và Tôma. Họ cố chấp trước những việc Chúa làm. Họ từ chối Chúa, không đón nhận Chúa và trở về với Ngài với lòng sám hối ăn năn. Họ không giống như các người dân ngoại thành Tirô và Siđon trong thời Cựu Ước, đã biết sám hối và thay đổi đời sống. Hậu quả : “trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được khoan dung hơn các ngươi”.
Chúa cũng nêu rõ tên thành Capharnaum, là trung tâm truyền giáo của Chúa, là nơi Chúa đi lại rao giảng Tin Mừng và làm nhiều phép lạ. Thế nhưng dân chúng Capharnaum đã không đi theo Chúa, chỉ vì họ chạy theo cuộc sống sa đọa, sống hưởng thụ…Hậu quả thật tai hại: “Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục”.
Sự chai lỳ, cứng cỏi, cố chấp của dân các thành kể trên đã khiến họ không biết mở lòng ra đón nhận ơn Chúa, tình thương cứu độ của Chúa.
Thiên Chúa luôn khoan dung nhân từ, sẵn sàng kêu gọi con người trở về với Ngài, nhưng còn tùy thuộc rất nhiều nơi thái độ đáp trả của con người. Đúng như lời Thánh Augustinô đã nói : “Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng để cứu độ con, lại cần đến con”
Bởi vì thiếu khiêm tốn nên mỗi người chúng ta hay bất cứ ai đều có thể là Corozain hoặc Betsaida, vì đã không nhận ra được những dấu chỉ, những điều kỳ diệu Chúa làm quanh chúng ta mỗi ngày.
Hơn nữa căn bệnh dửng dưng có thể nói là căn bệnh của thời đại ngày nay; người ta dửng dưng với tất cả những gì có liên quan đến cuộc sống tâm linh, nói đúng ra họ chủ trương vô thần thực hành; nghĩa là người ta chỉ quan tâm đến lợi nhuận và vật chất, đến tiêu thụ và hưởng thụ.
Đặc biệt người Kitô hữu hôm nay cũng thế, sống đạo chỉ như một áo khoác ngoài bằng việc đến nhà thờ ngày chủ nhật, hoặc làm vài việc đạo đức nào đó và thế là họ cảm thấy đầy đủ và an tâm. Ăn ăn, sám hối là một cụm từ “xa xỉ” đối với họ, và bởi vì thiếu khiêm tốn nên họ chẳng cảm thấy mình có tội lỗi gì để mà sám hối, canh tân.
Đức Giêsu là người vùng Galilê, hẳn Ngài yêu vùng đất này. Ngài thường lui tới những thành phố quanh Hồ Galilê. Corozain, Bếtsaiđa, Caphácnaum nằm trong số đó. Ngài đã rao giảng nhiều về sám hối (7, 36-50; 13, 1-5; 19, 1-10), và Ngài cũng làm bao phép lạ kèm theo để gọi mời hoán cải. Có thể nhiều người bị đánh động khi nghe lời Ngài giảng và bị thu hút bởi các phép lạ Ngài làm. Nhưng đối với Đức Giêsu, như thế vẫn chưa đủ. Tất cả vẫn chỉ là hời hợt của cảm xúc bên ngoài. Điều Ngài đòi hỏi là biến đổi tận căn bên trong cuộc sống.
“Khốn cho ngươi, hỡi Corozain! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa! Đức Giêsu đau đớn thốt lên như thế khi phải so sánh hai thành phố trên với hai thành phố dân ngoại tội lỗi là Tia và Xiđôn (Is 23; Ed 26-28). Hai thành phố ở Galilê chẳng đổi gì mấy dù đã biết Ngài từ lâu. Dân ở đây sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn trong cuộc phán xét. Thành phố Caphácnaum cũng chẳng khá hơn, dù đây là nơi Đức Giêsu hay lui tới để phục vụ (Lc 4, 23. 31-37 ; 7,10). Ngài đặt thẳng câu hỏi với thành phố này về tương lai của nó (c. 15). Đừng mong được nâng đến tận trời, nhưng sẽ bị xuống tận âm phủ!
Những kẻ bị chúc dữ trong đoạn Tin Mừng hôm nay là những người sống ở các thành phố. Nếp sống văn minh thành phố dễ đẩy người ta xa Chúa : do cám dỗ của vật chất, do tâm hồn quá ồn ào, do ý nghĩ mình thông giỏi… Sự văn minh khiến họ lo đến nhu cầu vật chất hơn là tâm linh. Cùng với sự kiêu hãnh khiến tâm hồn họ chai cứng không thể lắng nghe tiếng nói của lương tâm con người.
Dù muốn dù không càng ngày chúng ta càng dấn sâu vào văn minh thành phố. Cuộc sống văn minh càng cao nhu cầu hưởng thụ càng nhiều khiến chúng ta cứ quay cuồng trong danh lợi thú trần gian. Đôi khi đánh mất định hướng cuộc đời.
Xin Chúa giúp chúng ta làm thế nào để vẫn giữ được tâm hồn thanh thản bình an, luôn hướng về siêu nhiên hơn tự nhiên, hướng nội hơn hướng ngoại, trọng tình yêu hơn hưởng thụ, sử dụng tiện nghi vật chất trong tình thần làm chủ hơn là tinh thần nô lệ…
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta có một thái độ sống tích cực hơn, biết khiêm tốn mở lòng mình để nhận ra và đón nhận những mạc khải Thiên Chúa tỏ cho chúng ta qua biết bao điều kỳ diệu trong cuộc sống và cách đặc biệt qua Lời của Người. Xin Chúa chữa căn bệnh dửng dưng và lối sống kiêu căng ích kỷ của chúng ta và ban cho chúng ta ơn sám hối ăn năn đích thực.
Nếu hôm nay Ngài đến với thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì? Ngài có chỗ không ở mọi nơi người Kitô hữu đang sống, đang làm việc, đang học hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện? Sám hối là trả lại chỗ cho Ngài trong mỗi góc phố vắng, là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất. Ước gì chúng ta biết xây dựng quanh ta những khoảng không gian tràn ngập sự hiện diện của Giêsu.
Huệ Minh