Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 4: 18-22)
Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
Suy niệm: Tin mừng Mt 4: 18-22
Thánh Matthêu thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Trình thuật này gợi lên hai yếu tố căn bản của tất cả các ơn gọi.
Vào một buổi sáng đẹp trời, sau khi giảng cho đám đông dân chúng nghe về Hiến chương Nước Trời, từ trên núi xuống Đức Giêsu đi dọc theo biển hồ Galilê và thấy hai anh em ông Simôn Phêrô đang quăng chài xuống biển. Người liền cất tiếng gọi “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Đi được một quãng, Chúa Giêsu gọi thêm hai người con ông Dêbêdê là Giacôbê và Gioan đang vá lưới trong thuyền. Lập tức, các ông bỏ thuyền và người cha lại mà đi theo Chúa Giêsu.
Một đàng, việc Chúa cất tiếng gọi “Hãy theo Thầy” nói lên sự chủ động và ưu ái của Chúa đối với những người được gọi. Đàng khác, sự đáp trả lập tức của môn đệ Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan nói lên thái độ quảng đại và sự từ bỏ cần có nơi môn đệ của Chúa Giêsu. Họ cần từ bỏ tất cả để Chúa huấn luyện họ trở thành “kẻ chài lưới người” chuyên nghiệp cho Ngài. Khi nhận ra mình được Chúa Giêsu yêu thương và chọn gọi, các môn đệ đã đáp lại cách trọn vẹn, không phải một lần nhưng là trải dài suốt mọi biến cố trong cuộc đời. Đỉnh cao của lời đáp trả này là việc các ngài đã chọn cách chết như Thầy, chết cho người khác được sống đời đời.
Biển hồ Galilê có hình bầu dục dài 21km rộng 12km, còn được gọi là hồ Giênêzarét (Lc 5,1). Thánh kinh cựu ước gọi là biển Kinnerét (Ds 34,11; Gs 12,13) hay biển Tibêria (Ga 6,1). Tibêria hiện nay là một thành phố sầm uất ở Galilê cách Giêrusalem khoảng 100km. Biển hồ Galilê nhận nguồn nước từ sông Giorđan đổ vào trước khi chảy qua biển Chết.
Biển hồ Galilê là một địa danh rất quan trọng được Chúa Giêsu chọn để khởi đầu cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Tại đây Chúa Giêsu đã dẹp yên bão tố, đi trên mặt nước mà đến với các môn đệ; đã thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi 5.000 người. Từ rất lâu, trên biển hồ Galilê đã hình thành một làng chài đánh bắt cá rất thịnh vượng với khoảng 230 chiếc thuyền thường xuyên hoạt động trên hồ.
Trước một cảnh sống nhộn nhịp của những ngư dân, chỗ này người vá lưới, phân loại cá, chỗ kia người quăng chài, vậy mà Chúa Giêsu vẫn nhận ra được những ngư dân có tay nghề để chọn gọi và sẽ huấn luyện họ trở thành “những kẻ lưới người như lưới cá”. Điều này cho thấy Thiên Chúa yêu thương luôn dành cho chúng ta một dự phóng tương lai tốt đẹp và Chúa biết rõ khả năng “tay nghề” của mỗi người.
Vừa nghe Chúa Giêsu gọi, cả bốn môn đệ đều nhanh chóng ngừng mọi công việc, rời bỏ thuyền và người cha thân yêu để ra đi. Phải chăng các ông là những người nhẹ dạ dễ tin và có vẻ bất hiếu khi bỏ người cha lại trên thuyền? Hành vi của bốn môn đệ thể hiện thái độ dứt khoát, có lẽ trước đó các ông đã thoáng nghe và biết Chúa Giêsu nên khi được gọi các ông đã mau mắn đáp lời và đi theo. Khởi đi từ công việc sinh sống hàng ngày, Chúa Giêsu hướng các ông đến một sứ mạng thiêng liêng mà không phủ nhận trách nhiệm đối với gia đình. Từ đây các ông đã thực sự tham gia vào một công việc ý nghĩa và lớn lao hơn, đó là “lưới người như lưới cá”, các ông đã đặt kế hoạch của Thiên Chúa lên trên công việc và bổn phận của gia đình.
Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ trong hai gia đình, nghĩa là giữa họ có mối quan hệ huyết thống. Điều này cho thấy, Chúa Giêsu không xem nhẹ quan hệ gia đình ruột thịt nhưng đưa dẫn các môn đệ vào một tương quan lớn hơn là gia đình của Thiên Chúa. Đây là một quan hệ bền vững không một thế thực nào có thể phá hủy. Nhờ đó chúng ta càng thấy được ân huệ lớn lao khi được gia nhập vào trong cộng đoàn Hội Thánh có Chúa Giêsu làm chủ. Khi bước theo Chúa, chúng ta sẽ phải trải qua nhiều khó khăn vất vả nhưng trong Hội Thánh chúng ta luôn được bảo vệ và gìn giữ khỏi mọi sự dữ.
Trong bốn môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu chọn gọi có ông Anrê. Nếu theo Tin mừng Gioan, ta thấy lúc đầu Anrê là môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Ông đã gặp Chúa Giêsu lần đầu tiên khi còn đang ở với Gioan Tẩy Giả. Hôm ấy, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu về Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa” và ông Anrê đã đi theo Người. Sau đó Anrê giới thiệu Chúa Giêsu cho anh mình là Simôn cũng được gọi là Phêrô (Ga 1, 35-42).
Vì thế môn đệ Anrê mới có biệt danh là “người đầu tiên được gọi”. Sau thời gian sinh hoạt với phái Tẩy giả, Anrê quay trở lại với công việc, cùng với người anh là Simôn tiếp tục đánh bắt cá trên biển hồ Galilê và đã có duyên được Chúa Giêsu chọn gọi.
Từ đó Anrê bắt đầu cuộc phiêu lưu mới với Thầy Giêsu rong ruổi khắp nơi rao giảng Tin mừng. Ông hiện diện trong nhiều biến cố quan trọng của Thầy Giêsu. Chính ông đã phát hiện trong đám đông một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con con là chất liệu để Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no nê (Ga 6, 1-15).
Môn đệ Anrê cũng được Chúa Giêsu cho biết những điều quan trọng, biết về sự sụp đổ của đền thờ Giêrusalem và về cuộc thương khó sắp xảy đến. Chúa Giêsu cho biết Người sẽ chịu cực hình như hạt lúa chịu mục nát trong lòng đất để nảy sinh một mùa bội thu. Ông Anrê hiểu được sứ mạng của Thầy Giêsu và nhận đó là Tin mừng mà ông sẽ rao giảng. Sau khi Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh, môn đệ Anrê dành trọn cuộc đời còn lại để rao giảng Tin mừng ở Tiểu Á và Hy Lạp.
Truyền thống vẫn cho rằng thánh Anrê là vị tông đồ của người Hy Lạp. Để làm chứng cho Tin mừng, thánh Anrê xin được đóng đinh trên cây thập giá có hình chữ X, khác với thập giá của Chúa Giêsu. Thánh nhân qua đời ở Patát. Thi hài của ngài được bảo quản tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma và sau đó được di dời về Patát vào năm 1964.
Nếu xưa Chúa đã đi dọc theo biển hồ Galilê để kêu gọi các môn đệ thì nay Chúa cũng đang đi dọc theo biển đời để mời gọi con người tiếp nối việc rao giảng Tin Mừng. Xưa Chúa đã hiện diện cách thể lý và gọi đích danh người được chọn thì nay Chúa vẫn đang hiện diện nơi Giáo Hội qua các vị đại diện của Ngài và cất tiếng gọi đối với những người Chúa muốn.
Giữa một thế giới nhiều tiếng vẫy gọi như ngày hôm nay, tiếng Chúa gọi dường như xa lạ với nhiều người. Số bạn trẻ nghe và đáp lại tiếng Chúa đang ít dần. Chúa muốn mỗi người chúng ta đáp lại lời Ngài cách dứt khoát và trọn vẹn, không phải một ngày nhưng là mọi ngày trong đời ơn gọi của ta. Chúa muốn ta chu toàn ơn gọi của mình qua từng công việc và từng biến cố trong mỗi ngày sống. Nếu ta ví ơn gọi của ta như một đường thẳng thì những ngày sống vâng theo thánh ý Chúa nơi ta sẽ là những dấu chấm liên tục tạo nên đường thẳng đó. Dấu chấm đậm thì đường thẳng rõ, dấu chấm nhạt thì đường thẳng mờ. Khi có một đường thẳng rõ thì ta dễ dẫn mọi người đến với Chúa hơn.
Qua phép Thanh tẩy, tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành môn đệ vì chúng ta là chi thể trong một thân thể nhiệm mầu là Chúa Giêsu. Chính thánh Phaolô tông đồ đã xác tín về điều này khi nói: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể ấy tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Tất cả chúng ta dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12, 12-13).
Ở mọi hoàn cảnh sống với nhiều ngành nghề khác nhau, Thiên Chúa vẫn mời gọi chúng ta tham gia vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Thiên Chúa vẫn mời gọi từng phút giây khi mỗi người vẫn đang bận rộn với công việc của mình. Hãy để cho Chúa huấn luyện chúng ta trở thành người thợ lành nghề. Mỗi người hãy nên thánh trong bổn phận hàng ngày. Là bậc cha mẹ, chúng ta hãy chu toàn trách nhiệm với gia đình, giáo dục con cái sống theo Lời Chúa dạy. Là con cái, hãy sống hiếu thảo xứng phận làm con. Là những người lãnh đạo, hãy lưu ý đến lợi ích của cộng đồng, khuyến khích mọi người nỗ lực vun đắp xây dựng sự an bình trong xã hội.
Huệ Minh