Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 10: 17-22)
Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.
Suy niệm:
Tin Mừng Mt 10: 17-22
Thánh Stêphanô, vị thánh tử đạo tiên khởi của Giáo Hội, đã hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho tình yêu của Hài Nhi vừa chào đời này. Khi cử hành như thế, Giáo hội muốn chúng ta nhận ra rằng: Thập giá luôn gắn liền với Chúa Giêsu và những ai theo Người. Người môn đệ đích thực của Chúa sẽ được đồng phận với Ngài, chịu hiểu lầm, chịu bách hại vì đi ngược với thế gian. Khi nỗ lực đạt đến sự trọn lành, người ngay chính phải chịu nhiều đau khổ vì sự ngay chính của mình, bởi kẻ thù của Chúa gây nên. Chúa Giêsu đã tiên báo: “Vì Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ” (Mt 10, 22a); “nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước.” (Ga 15, 18).
Cuộc tử đạo của Stêphanô được diễn ra theo mô hình của cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: người ta cũng xách động dân chúng làm chứng gian chống lại ông; ông đối chất với Thượng tế có uy quyền trước mặt mọi người (Cv 6, 15). Ông nhìn thấy Con Người tức là Chúa Giêsu bên hữu Chúa Cha (7,55). Ông cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ giết ông (7, 60). Cuộc thương khó của thánh Stêphanô giống hệt cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Con người sống cũng cần sống đẹp, sống tốt. Càng sống cao thượng, giá trị con người càng gia tăng, càng được nhiều người thương mến. Một trong những yếu tố sống đẹp là lòng vị tha, là lòng yêu thương. Tình yêu thương không dừng lại nơi người thân mà còn ở kẻ xa lạ. Tình yêu thương không dừng lại nơi người yêu mình mà còn nơi kẻ thù ghét mình.
Thánh Stêphanô đã sống điều đó. Ngài đã yêu, đã sống và đã chết vỉ yêu. Ngài đã yêu Chúa một cách trọn vẹn khi dâng hiến tuổi xuân để phụng sự cho Chúa. Ngài cũng có một tình yêu thẳm sâu nơi tha nhân, cho dù họ có đốn mạt đến đâu, ngài vẫn yêu thương họ. Chính trong lúc bị người ta ném đá, Ngài vẫn cầu nguyện cho họ: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ”.
Giáo Hội khám phá ra niềm vui và hy vọng xuyên qua việc những người chính trực như Stêphanô hay các vị tử đạo vui chịu đổ máu. Tại sao lại thế? Câu trả lời là: lăng kính của Lòng Thương Xót đã đảo lộn triệt để mọi logic hành xử của con người. Dưới lăng kính ấy, người tín hữu nhìn thấy vinh quang trong đau khổ, tha thứ trong hận thù, yêu thương trong thù ghét, niềm hy vọng sự sống trong cái chết. Giữa một thế giới quá nhiều đau khổ, thấm đẫm nước mắt và máu của bao người vô tội, người môn đệ Chúa Kitô vẫn tiến bước bình an, không phải vì họ vô tâm nhưng vì chân trời của họ được rộng mở dưới ánh sáng của Lòng Thương Xót.
Thánh Stêphanô được nhắc đến lần đầu trong lịch sử như một trong bảy vị Phó tế các tông đồ đã tấn phong (Cv 6) để trợ giúp các Ngài trong việc quản trị. Sách Công Vụ Tông Đồ kể rằng: “… Thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần khí và khôn ngoan…Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa. Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn Ông Stêphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh thần, cùng với các Ông Philípphê, Pơrôkhơrô, Nicano, timôn, Pácmêna và ông Nicôla, một người ngoại quê Antiôkhia đã theo đạo Do Thái. Họ đưa các Ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các Ông” (Cv 6, 3- 6 ).
Đó là việc chọn lựa bảy phó tế tiên khởi giúp việc các Tông Đồ, trong đó có Stêphanô. Thánh Stêphanô là một người đầy Thánh Thần và khôn ngoan, đã không ngừng rao giảng về Đức Giêsu phục sinh. Thiên Chúa qua việc đặt tay của các Tông Đồ đã tuyển chọn Stêphanô làm phó tế, sách Công Vụ Tông Đồ viết tiếp: “Ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân” (Cv 6, 8 ).
Trong thực tế, lời tiên tri này không chỉ được ứng nghiệm ngay từ buổi đầu của Giáo Hội, mà còn tiếp tục trong thời đại hôm nay khi các Kitô hữu vẫn không ngừng chịu đau khổ vì sống và làm chứng cho Tin Mừng Chúa Kitô. Thánh Phaolô chia sẻ trải nghiệm này với môn đệ Timôthê khi nói: “Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Kitô Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ” (2 Tm 3,12).
Thập giá là phương thế Thiên Chúa chọn để cứu độ và đưa con người đến hoàn thiện. Nếu chúng ta muốn nên thánh, thì hiển nhiên chúng ta phải biết đón nhận thập giá trên bước đường theo Chúa. Là môn đệ Chúa Giêsu và được mời gọi nên hoàn thiện (Mt 5, 48), chúng ta có sẵn sàng đón nhận những hy sinh, thử thách, thua thiệt, bất công… vì sống theo giáo huấn và giá trị của Tin mừng không? Nếu chúng ta đón nhận thập giá với tất cả lòng mến, tuy phải chịu những thiệt thòi ở đời này, chúng ta sẽ được nên giống Chúa và vui mừng hân hoan lãnh phần thưởng trọng đại ở trên trời (Mt 5, 12).
Cuộc sống và cái chết anh dũng vì Đạo của Thánh Stêphanô đã ứng nghiệm mọi lời Đức Giêsu Kitô tiên báo trong bài Tin Mừng. Đồng thời cuộc sống và cái chết ấy cũng đã họa lại theo đúng từng chữ, từng chi tiết cuộc sống và cuộc tử nạn của Đức Kitô, Thầy Chí Thánh.
Hơn thế nữa, trước lúc lâm chung, Thánh Stêphanô đã noi gương Thầy mình, sẵn sàng tha thứ cho những kẻ ném đá mình. Bởi đâu Thánh nhân có được sức mạnh thần kỳ ấy? Phải chăng bởi sức riêng của Ngài ? Thưa không. Vậy bởi đâu ? Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay : “Chính Chúa Thánh Thần sẽ dạy chúng con mọi sự…” Vâng, chính Thánh Thần dạy ta mọi sự, không chỉ dạy phải nói cách nào mà hơn nữa dạy ta phải sống thế nào và phải chết ra sao để đúng với danh nghĩa là một Kitô hữu.
Mừng lễ thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội, Giáo Hội muốn chúng ta noi gương ngài. Ngài là một vị phó tế của cộng đoàn Giêrusalem (Cv 6,5) một người được mô tả là đầy Thánh Thần. Ngài được trao phó làm việc bác ái trong cộng đoàn, nhưng sách Công Vụ cho thấy là các phó tế vẫn tham dự vào việc giảng dạy và bênh vực đức tin. Trước khi chịu chết, Stêphanô đã giảng một bài thật dài và thật hùng hồn, tóm tắt lịch sử ơn cứu độ để minh chứng và qui trách nhiệm cái chết của Chúa Giêsu cho các Thượng tế, luật sĩ và Pharisiêu. Và cũng vì lời giảng dạy đó mà Stêphanô phải chịu ném đá chết.
Huệ Minh