Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 15: 29-37)
Đức Giêsu xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Galilê. Người lên núi và ngồi ở đó. Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ítraen. Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường”. Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” Đức Giêsu hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ”. Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. Ai nấy đều ăn và được no nê.
Suy Niệm: Lòng Chạnh Thương Tin mừng Mt 15: 29-37
Hình ảnh mà Tin Mừng khắc hoạ lại đó không chỉ mô tả một Đức Kitô hiền lành và nhân hậu đậm tính nhân văn. Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của họ và đem lại cho họ sự no thỏa vì Ngài là Đấng Emmanuel, là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Hành động xót thương của Ngôi Hai Thiên Chúa được thực thi bởi hai hàng động cụ thể, đó là: chữa mọi bệnh hoạt tật nguyền cho dân và cho dân chúng ăn uống no nê. Chúa Giê-su thi hành hai hành động này vì Ngài động lòng trắc ẩn trước nỗi lầm than của nhân sinh cũng như cho họ hưởng nếm vinh quang Nước Trời ngay tại trần thế này bằng chính những động thái cụ thể như “được nhìn thấy, được đụng chạm, được di chuyển, được nói lên điều mình cảm biết để rồi họ biết ca tụng, tôn vinh tình thương bất tận của Thiên Chúa” (Mt 15, 29-31).
Ta thấy không những Chúa Giêsu cho “những chúng sinh hữu hạn” này được khai thông về thần thái, tinh thần mà Ngài còn cho họ được đồng bàn, được no thỏa thể xác trong bữa tiệc Thánh Thể (Mt 15, 32-36) vì Ngài chính là Bánh Hằng Sống từ trời xuống để trở thành của ăn của uống nuôi sống muôn dân, ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ không phải chết nhưng sống đời đời (Ga 6, 53-58).
Quả vậy, không những Chúa Giêsu chữa lành chúng ta về thể lý hữu hạn mà Ngài còn dưỡng nuôi chúng ta bằng chính thân thể của Ngài trong mỗi cử hành Thánh Thể, nơi bàn tiệc Lời Chúa và trong các Thánh Lễ hàng ngày. Tất cả là vì xót thương chúng ta.
Sau ba ngày làm việc dù đã rất mệt mỏi, nhưng với tấm lòng mục tử chân chính, Đức Giêsu vẫn nhạy bén nhận ra sự khó khăn mà đám đông sẽ gặp phải nếu Người giải tán họ lúc này. Người biết mình sẽ phải làm gì để nâng đỡ họ. Trước khi thực hiện, Người lên tiếng khơi gợi với mong muốn nhận được sự đồng cảm, chung tay của các môn đệ. Thế nhưng, đổi lại Người chỉ nhận được nơi các ông câu trả lời với ý thoái thác, né tránh “chúng con lấy đâu ra ngần ấy bánh để cho họ ăn?”. Có thể sự mệt mỏi và bản tính ngại khó của phàm nhân đã làm cho các ông cảm thấy bất lực, và quên mất rằng Ai đang nói chuyện với mình, quên mất cảm giác quen thuộc đã từng xảy ra cùng với kết quả mỹ mãn mà Thầy mình đã làm.
Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: “Ta thương xót đám đông này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng”. Các môn đệ thưa Người: “Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các con có bao nhiêu chiếc bánh?” Họ thưa: “Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ”. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít. Sau khi giải tán dân chúng, Người bước lên thuyền và đến địa phận Magađan.
Hai lần hóa bánh ra nhiều đều do sự lo lắng của Chúa Giêsu: “Nếu để họ ra về e rằng có những người sẽ bị đói lả dọc đường”. Và riêng bữa tiệc cuối cùng, đó là bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã phải thực hiện một phép lạ vĩ đại để cho mọi người được đủ sức mạnh mà tiến bước trên con đường lữ hành trần gian. Nếu là một trong 5.000 người của đám dân chúng được Tin Mừng nói đến hôm nay, chắc chắn tâm trạng của chúng ta cũng chẳng khác gì tâm trạng của đám dân chúng lúc bấy giờ, là bụng đói lả sau ba ngày theo ngài nhưng lại không dám lên tiếng cứ giữ thái độ yên lặng.
Chúa Giêsu luôn luôn để lại cho con người của ăn ban sức lực. Ngài tụ họp người ta lại để cho họ ăn bánh hằng sống. Ngài luôn cho con người chính mình Ngài trước khi Ngài lên đường. Và Ngài vẫn còn đến với con người, ban cho con người bánh làm thỏa mãn vĩnh viễn sự đói khát của linh hồn và sức mạnh để chúng ta có thể đi trọn những ngày của đời sống.
Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống và làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Cuộc sống này đòi hỏi chúng ta nhiều khi phải can đảm đi ngược lại với những gì thế gian cho là đúng. Bước vào mùa Vọng, mùa của niềm hy vọng và chuẩn bị đón mừng Con Thiên Chúa Nhập Thể làm Người đem ơn cứu độ.
Lòng xót thương của Thiên Chúa vẫn ngày ngày tuôn trào, trải rộng trên con cái của Người và trong mọi môi trường của cuộc sống. Hình ảnh những nữ tu âm thầm giúp đỡ người phong cùi, việc làm của các bạn trẻ thiện nguyện nơi anh em đồng bào cho đến những hành động âm thầm nhưng đầy tình yêu của những người làm công tác “bảo vệ sự sống”… Tất cả tuy rất lặng lẽ nhưng lại nói lên sức mạnh, tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa luôn vượt thắng những yếu đuối, giới hạn và lầm lạc của con người, đồng thời thúc giục, mời gọi con cái của Người luôn xót thương lẫn nhau và cùng nhau tiến về nhà Cha là Đấng Giàu Lòng Thương Xót.
Ngày nay, còn có nhiều người nghèo, nhiều người đói khổ, vì có những chiếc bánh được giữ riêng cho cá nhân và không hề được bẻ ra chia sẻ. Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta, từng người một, khi nhận lãnh Bánh của Chúa, thì cũng biết chạnh lòng thương và chia sẻ cho người nghèo đói, để Chúa có thể nuôi sống mọi người trên thế giới.
Ước gì mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng biết sống cách xứng hợp để mang lại niềm vui và hy vọng cho những người chúng ta gặp gỡ, nhất là những người đang phải sống trong cảnh nghèo khó, đau thương và cô quạnh. Chắc chắn những nỗ lực sống tốt trong ơn thánh Chúa của chúng ta, cũng sẽ dễ dàng trở nên gương sáng cho những người đang sống trong sự vô cảm, lệch lạc lương tâm biết nhận ra đâu là ý nghĩa đích thực của“Tình Yêu”.
Huệ Minh