Suy Niệm Thứ Tư tuần II thường niên C

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (Mc 3:1-6)

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay.2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.3 Đức Giê-su bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!”4 Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? ” Nhưng họ làm thinh.5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

Suy niệm:     Tin mừng Mc 3:1-6

Chúa Giêsu và các người Biệt phái đã nhiều lần đối đầu với nhau về vấn đề giải thích Luật. Chúa Giêsu có một cách tiếp cận Luật một cách khá thông thoáng, còn những người Biệt phái chủ trương một sự giải thích chặt chẽ khít khao. Thực ra mỗi bên đều theo đuổi những nguyên tắc và quan điểm riêng, nên không thống nhất được một thang giá trị về công lý. Một bên thì cọi trọng những luật lệ và thực hành cũ kỹ của quá khứ, bên kia lại sẵn sàng thích ứng với hiện tại.

Các kinh sư, luật sĩ, và nhóm Pharisêu đã nhiều lần xúc phạm đến cá nhân Chúa Giêsu, nhưng có vẻ như Ngài không quan tâm. Tuy nhiên, khi họ xúc phạm đến quyền tối thượng của Thiên Chúa và thiện ích của những kẻ bé mọn, thì Ngài thẳng thắn, mạnh mẽ lên án. Thánh sử Máccô không chỉ thuật lại những lời Chúa Giêsu quở trách họ, mà còn diễn tả cả nét mặt của Ngài: một bộ mặt giận dữ pha lẫn nỗi u buồn, thất vọng, vì họ cứ khư khư nại vào luật Môsê để từ chối việc bác ái lẽ ra cần phải được làm ngay. Một Thiên Chúa làm người “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” lắm khi phải bày tỏ sự giận dữ, buồn bực trước sự cứng lòng của con người, cho thấy Ngài đã phải chịu đựng họ như thế nào, cũng như cái giá mà sự tự do phải trả vì Thiên Chúa tôn trọng tự do ấy của con người.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu có một phản ứng trước sự mù quáng của những người Biệt phái. Chúng ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần được một bàn tay săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm chế. Thánh sử Marcô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng như thế, khi viết: “Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai đá của họ”. Chúa Giêsu vốn là Ðấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, các bệnh nhân, các tội nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.

Chúa Giêsu tỏ ra cảm thông tha thứ đối với mọi tội lỗi của con người, duy chỉ có một thái độ Ngài không bao giờ chấp nhận và tha thứ, đó là thói giả hình và mù quáng. Do yếu đuối, con người sa ngã là chuyện bình thường, nhưng nhắm mắt khép kín tâm hồn để không nhận ra mình yếu đuối cũng như nhân danh đạo lý và pháp luật để khước từ yêu thương, để loại trừ người khác, Chúa Giêsu gọi đó là tội chống lại Thánh Thần, tội không thể tha thứ được.

Thật thế, khi con người không còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu đuối của mình, khi con người khước từ yêu thương, thì mọi tương quan với Thiên Chúa cũng hoàn toàn bị cắt đứt. Chúa Giêsu không ngừng lên án thái độ giả hình và mù quáng của những người Biệt phái; Ngài cũng luông kêu gọi các môn đệ đề cao cảnh giác trước men Biệt phái.

Ai trong chúng ta đọc qua đoạn Tin Mừng trên cũng hiểu Chúa Giêsu đả phá lối suy nghĩ, lối sống của những người luật sĩ, biệt  phái, của hàng tư tế – lối sống “giữ luật hình thức”. Họ chẳng những giữ luật hình thức mà còn sẵn sàng nhân danh Luật Chúa để buột những người khác phải theo họ. Thánh Marcô mô tả “Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá” Sống phải có con tim, phải có đồng cảm với những người chung quanh. Lề luật Chúa đặt ra nhằm giúp con người sống được hạnh phúc hơn. để con người sống tốt hơn. Phải nhìn nhau bằng ánh mắt chia sẻ, yêu thương. Luật nào cũng được giải gỡ bằng một tình yêu đích thực.

Xã hội ngày hôm nay có lắm điều mâu thuẫn: nào là bảo vệ mầm sống con người nhưng lại cho phép phá thai; nào là cổ võ cho hoà bình thế giới, nhưng lại gây chiến tranh chết chóc, khủng bố đó đây; nào là nâng cao phẩm giá con người nhưng nhân phẩm của biết bao người đã bị chà đạp qua những tệ nạn xã hội như sì ke, ma tuý, thuốc lắc… Lời Chúa Giê-su thúc bách chúng ta phải suy nghĩ và trả lời chứ không được nín lặng: “Ngày Sabát được phép làm điều lành hay điều dữ; cứu mạng người hay giết đi?”

Luật lệ được lập ra là để phục vụ cho con người hay ngược lại? Đây là một câu hỏi không chỉ được đặt ra từ bối cảnh thời đại hôm nay, mà đã xuất hiện từ hơn 2000 năm trước, được chính Đức Giêsu khơi gợi lên. Là người Do Thái, Đức Giêsu chắc hẳn hiểu rất rõ về ý nghĩa của ngày sabát: đó là ngày dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa. Phải có những luật lệ căn bản trong ngày này là điều không có gì phải bàn cãi.

Thế nhưng rồi ta thấy một khi việc thờ phượng Thiên Chúa trong ngày sabát đánh mất đi chiều kích nội tâm, và chỉ còn lại dáng vẻ bề ngoài, tức là chỉ còn biết tuân giữ luật lệ cách khắt khe, tỉ mỉ, bất chấp cả sự sống con người, thì cần phải đặt lại vấn đề. Chính Đức Giêsu đã làm thế khi đặt ra câu hỏi: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết chết?” Ngài chỉ cho thấy một sự thật, đó là việc thờ phượng Thiên Chúa không loại trừ nhưng làm cho cuộc sống của con người được sung mãn trọn vẹn.

Ta thấy Chúa Giêsu  tỏ ra buồn bực và mạnh mẽ lên án cách nặng nề những người đang đứng đó với Ngài bởi vì lòng họ hóa ra trai đá, cứng cỏi, nên không thể có một cái nhìn tích cực về những việc làm tốt đẹp và như một điều tất yếu, họ khó có thể đón nhận được hồng ân cứu độ vì sự kiêu ngạo đã phủ lấp tâm hồn họ.

Trang Tin Mừng hôm nay chất vấn lương tâm mỗi chúng ta. Liệu có khi nào vì ích kỷ, ghen tương và vụ luật mà chúng ta không thể có một cái nhìn tích cực hay nhìn đúng sự việc tốt lành của anh chị em mình? Hay là chúng ta chỉ tìm cơ hội để thọc gạy bánh xe, làm cho người anh chị em chúng ta khó lòng thi hành điều tốt đẹp mà họ được thúc đẩy để làm?

Tinh thần căn bản của Luật Chúa, Luật Giáo Hội là để thăng tiến con người. Ta xin Chúa giúp ta ý thức được nghĩa tích cực của Luật. Chỉ khi nào ta biết giữ Luật vì yêu mến, ta mới cảm nhận được sự êm ái, ta mới đạt được sự tự do hạnh phúc trong tinh thần làm con Thiên Chúa.

Huệ Minh