15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ”.19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
Suy niệm 1
Lời mời gọi của Đức Giêsu có lẽ đã không còn xa lạ đối với mỗi người chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Tuy thế, muốn trở nên những nhân chứng Nước Trời thực không hề dễ dàng chút nào.
Dân số thế giới với 7,49 tỷ người, nhưng người tin vào Thiên Chúa chỉ mới là 1,28 tỷ người, chiếm 17,72 % dân số trên toàn thế giới. Đặt ra những con số không phải là muốn tính toán, nhưng trên hết vẫn là lời mời gọi của Đức Giêsu, để chúng ta tiếp tục ý thức sứ mạng truyền giáo của mình, hầu mong góp phần vào công cuộc loan báo Nước Trời cho muôn dân.
Chúng ta có thể truyền giáo bằng nhiều cách, cách đơn giản nhất là qua chính đời sống. Một đời sống nhân chứng thực tiễn không chỉ bao quát trong đời sống dâng hiến hay phục vụ cách riêng, mà là qua chính cuộc sống thường ngày của chúng ta. Từng cử chỉ, lời nói và việc làm tốt lành của chúng ta, cũng đủ để làm gương cho những người xung quanh, nơi đó họ nhận ra Đức Giêsu đang hiện diện trong chính chúng ta.
Nhìn về tương lai để chúng ta nuôi một niềm hy vọng lớn lao nhờ vào sự đồng hành của Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta.
Nguyện xin thánh Máccô mà chúng ta mừng lễ hôm nay, chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta biết làm chứng và loan báo lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày của mình. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Marcô là ai? Chắc chắn ngài không phải là một trong 12 tông đồ. Nhưng một người tên Marcô đã được các cộng đoàn Kitô giáo sơ khai biết đến, nhiều như là người bạn đồng hành của thánh Phaolô và như người bạn thân ái của thánh Phêrô ở Rôma (Cl 4,10; 1Pr 5,13; 2Tm 4,11). Sách Công vụ ba lần nói tới một “Gioan cũng gọi là Marcô” (Cv 12,12; 25,15.17) là bạn thiết của thánh Barnaba.
Các học giả thường đồng ý rằng : Marcô đã được nói tới trong các thánh thư, Gioan tên Marcô trong sách công vụ và tác giả Phúc âm thứ II đều chỉ là một người. Đồng ý với sự đồng hóa trên, chúng ta có thể phác họa hình ảnh của thánh sử như sau:
Ngài là con của Maria. Một góa phụ giàu có ở Giêrusalem có một người giúp việc và căn nhà rộng rãi làm nơi tụ họp các tín hữu.
Năm 43, sau khi thoát khỏi ngục tù, thánh Phêrô đã chọn nhà này làm nơi trú ngụ (Cv 12,12-17). Như thế, Marcô sớm quen thuộc với những ghi nhận của thánh Phêrô. Hai năm sau, tức là năm 45, chúng ta thấy Marcô và thánh Barnaba cùng đi trong cuộc hành trình thứ nhất của Phaolô. Nhưng khi đoàn truyền giáo đi về hướng bắc, Marcô đã từ giã để trở về Giêrusalem (Cv 13,13). Phaolô bất bình và không muốn nhận cho Marcô đi theo trong cuộc hành trình thứ hai. Năm 50, như Barnaba đề nghị, Barnaba về phe với Marcô, và đáp tàu về Cyprus là quê hương của Barnaba (Cv 15,36-39).
Marcô là người bạn đồng hành với Thánh Phaolô trong công cuộc truyền giáo. Nhưng, trong hành trình truyền giáo từ Paphô vượt biển đến Pecghê miền Pamphylia, Marcô đã bỏ Phaolô và các bạn đồng hành mà về Giêrusalem (x. Cv 13,13). Ở Giêrusalem, Marcô vẫn tiếp tục phục vụ cộng đoàn. Ngài còn đi truyền giáo với Banaba tại đảo Sýp (x. Cv 15,39). Mặc dầu, Phaolô bất bình với Marcô khi ông bỏ Ngài và các bạn đồng hành để về Giêrusalem, nhưng chúng ta thấy Phaolô vẫn nói tốt về Marcô.
Điều này cho thấy sự bất hoà xưa đã được hàn gắn và Marcô tiếp tục nhập đoàn với Phaolô. Trong thư Côlôsê, Thánh Phaolô đã giới thiệu Marcô với cộng đoàn rằng: “Anh Marcô, em họ ông Banaba, cũng gửi lời chào anh em; anh em đã nhận được những chỉ thị về anh ấy; nếu anh ấy đến với anh em, thì hãy tiếp đón anh ấy” (Cl 4, 10). Ngài còn xác nhận với Timôthê rằng, Marcô là một người có ích cho Ngài: “Anh hãy đem anh Marcô đi với anh, vì anh ấy rất hữu ích cho công việc phục vụ của tôi” (2Tm 4,11).
Marcô không những là người thông ngôn cho Phêrô (x. 1Pr 5,13), mà Phêrô còn coi Marcô như là người thân thiết, Ngài gọi Marcô là con (x. 1Pr 5,13). Nhờ làm trợ tá cho Phêrô mà Marcô có cơ hội để hoàn thành cuốn Tin mừng mang danh Ngài, Tin mừng theo Thánh Marcô. Cuốn Chronicon-Pascale cho rằng, Marcô đã làm giám mục ở Alexandrie và bị thiêu sống dưới thời Trajanô (năm 98 – 117). Còn theo Thánh Jerome, Marcô qua đời vào năm thứ tám của triều đại Nêrô (62-63).
Điểm qua một vài nét quan trọng trong cuộc đời của Thánh Marcô chúng ta thấy, chính Ngài đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 15,15).
Mỗi Kitô hữu đều nhận được một phần trong nhiệm vụ này là làm sứ giả của Tin Mừng và là đại sứ cho Chúa Giêsu Kitô, vị cứu tinh duy nhất của thế giới. Chúng ta đã không bị bỏ rơi đơn côi, một mình trong nhiệm vụ này, Vì chính Chúa Phục Sinh hoạt động trong và qua chúng ta bởi sức mạnh của Thánh Thần. Hôm nay chúng ta chứng kiến một Lễ Hiện Xuống mới như Chúa tuôn đổ Thánh Thần của Người xuống nơi con người chúng ta là dân riêng Ngài để đổi mới và tăng cường Thân thể của Chúa Kitô là Hội Thánh và để trang bị cho Hội Thánh ơn mục vụ và sứ mệnh trên toàn thế giới có hiệu quả hơn.
Ngày Chúa Giêsu Kitô được vinh thăng ngự bên hữu Chúa Cha, cũng chính là ngày các Tông đồ lên đường tiếp nối sứ mạng của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), và làm phép Rửa cho những ai có lòng tin. Những người lãnh nhận phép Rửa thì cũng lãnh nhận ơn tái sinh bởi Thần Khí và nước. Họ chết đi cho tội lỗi và sống lại cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô (Rm 6,11). Để cho Đức Kitô sống trong mình, người chịu phép Thánh Tẩy đón nhận đời sống mới, đời sống không còn nô lệ cho tội lỗi nữa, nhưng được tự do trong Thần Khí.
Mỗi Kitô hữu chỉ lãnh nhận bí tích Rửa Tội một lần, nhưng đức tin không chỉ lãnh nhận xong là thôi. Đức tin đó cần được tăng trưởng sau bí tích Rửa Tội. Nó cần được nuôi dưỡng bằng lời Chúa và các cử hành phụng vụ của Hội Thánh. Nó cần được lớn lên bằng quyết tâm từ bỏ tật xấu và theo đuổi con đường đức hạnh. Thánh Marcô là một mẫu gương cho chúng ta.
Tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dành cho một số người, hoặc cho một quốc gia, nhưng được dành cho cả thế giới; cho tất cả những ai chấp nhận Chúa Kitô là đấng Cứu Thế. Tin Mừng là sức mạnh của Thiên Chúa, là sức mạnh của sự thứ tha tội lỗi, để chữa lành, để tránh khỏi mọi sự dữ và áp bức, và để khôi phục lại cuộc sống mới vĩnh cữu trong Thiên Chúa.
Tác giả của sách Tin Mừng thứ hai đã có lúc yếu đuối, nhưng khi đã xác tín mạnh mẽ vào Đức Kitô phục sinh, thánh nhân không ngại ngần ra đi truyền giáo, khi thì với Barnaba và Phaolô (Cv 12,25), khi thì với một mình Barnaba (Cv 15,39). Để rồi, với đức tin mạnh mẽ, Marcô đã dõng dạc tuyên xưng đức Giêsu Kitô trong lời mở đầu của quyển Phúc Âm ngài viết: “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Ước mong mỗi người chúng ta cũng hăng say sống đức tin như vậy.
Huệ Minh