Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 26: 14-25)
14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế15 mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu”. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc.16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? “18 Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: “Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy”.19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ.21 Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”.22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao? “23 Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn! “25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao? ” Người trả lời: “Chính anh nói đó! “
Suy niệm 1
“Cả người thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con”.
Thánh vịnh 40 là một trong những lý do mà các Kitô hữu tiên khởi đưa ra trong cố gắng tìm hiểu về biến cố Giuđa phản bội: “Khi ấy một trong nhóm mười hai tên là Giuđa Iscariot đi gặp các Thượng tế mà nói: ‘Các ngài cho tôi bao nhiêu, tôi sẽ nộp ông ấy cho các ngài’”.
Bối cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay là Lễ Vượt qua cuối cùng Chúa Giêsu cử hành với các môn đệ. Mỗi năm người Do Thái thời Chúa Giêsu long trọng mừng lễ vượt qua để tưởng niệm biến cố thiên thần Chúa vượt qua cửa nhà người Do Thái có bôi máu chiên để không giết con đầu lòng của họ, khởi đầu cho cuộc giải phóng họ khỏi ách nộ lệ và khai mào cuộc xuất hành tiến về Đất Hứa. Chúa Giêsu đã có ý định dùng môi trường và ý nghĩa của lễ vượt qua này để thiết lập Thánh Thể, nói lên ý nghĩa Người là Con Chiên mới sẽ hiến thân chịu chết và đổ máu trên thập giá để giải phòng và cứu rỗi không những Do Thái, mà cả nhân loại, nhưng soạn giả Matthêu không che dấu một biến cố khác xảy ra cùng lúc với ngày trọng đại này đó là Giuđa, một trong nhóm Mười hai mưu phản thầy.
Để hiểu trọn ý nghĩa đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta không thể dừng lại ở những lỗi lầm của Giuđa, nhưng cần phải hội tụ chú ý vào vai chính là Chúa Giêsu. Trước tiên, ngài cố gắng đến cùng để cảnh tỉnh và giải thoát Giuđa khỏi những ý nghĩ mù quáng và đen tối: Vì thế Người đã cảnh cáo y bằng một lời mạnh mẽ: “Con Người ra đi như đã viết về Ngài, nhưng khốn cho người đó, kẻ làm cho Con Người bị nộp. Thà rằng người ấy đừng sinh ra thì hơn”. Rồi Chúa Giêsu cũng gọi đích danh Giuđa là người sẽ nộp Người. Nhưng lời cảnh cáo và sự vạch mặt chỉ tên đó cũng không làm Giuđa tỉnh thức và cũng không ngăn cản y tự nhảy xuống vực thẳm tội lỗi. Tuy nhiên, mặc cho hành động phản bội của Giuđa, Chúa Giêsu vẫn tiến hành việc lập bí tích Thánh Thể, dấu chỉ của lòng yêu thương đến cùng, trước những phản bội khủng khiếp của con người.
Xin Chúa đánh động tâm hồn chúng ta, để chúng ta tiến vào ba ngày thánh tưởng niệm việc lập bí tích Thánh Thể, cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Chúa, chúng ta được biến đổi con tim và cuộc sống của chúng ta. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Suy niệm 2
Chúng ta đang sống trong những ngày cao điểm của năm Phụng vụ. Trong những ngày này, Hội Thánh long trọng cử hành cuộc khổ nạn và sự Phục sinh vinh hiển của Đức Kitô. Biến cố Đức Giêsu Kitô Phục sinh giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của tội lỗi, cho chúng ta sự sống đời đời và hy vọng vào một tương lai bất diệt.
Hôm nay, khi suy niệm về cuộc khổ nạn của Ngài, phụng vụ Lời Chúa gọi mời chúng ta suy nghĩ về ơn gọi của người Kitô hữu trong tương quan với Đấng chịu khổ hình. Trước hết là tương quan giữa ta với Chúa. Kế đến, tương quan của ta với tha nhân và sau cùng là tương quan với chính bản thân mỗi người.
Trang Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay thuộc về chương đầu trong phần “Thương khó và Phục Sinh” của Chúa Giêsu.
Các môn đệ chủ động đến hỏi Đức Giêsu về nơi chốn để mừng lễ Vượt Qua (c.17), khi đã trả lời cho họ địa điểm rồi, Ngài còn nhắn thêm với chủ nhà: “Thời của Thầy đã gần tới (c.18).
Đây như một lời tiên báo và cũng là ý thức của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn mà Ngài sắp Vượt Qua. Lúc này, các môn đệ không thắc mắc, không bàn hỏi như họ có linh tính sắp có chuyện gì đó xảy ra. Họ tuân lệnh Chúa và làm y theo lời Ngài dặn.
Trước khi bước vào cuộc Thương khó, có nhiều đám mây đen tối bao phủ trên Chúa Giêsu và nhóm 12- nhóm môn đệ thân tín của Ngài. Sự phản bội không đến từ những kẻ căm ghét, thù hằn nhưng lại xuất phát từ cõi lòng xấu xa, tội lỗi của đám bạn bè thân tín “cùng sống, cùng chết” trong sứ mệnh của Ngài. Chúng ta hãy cùng bước vào tâm tình của Chúa Giêsu, khi Ngài đứng trước những đau khổ ấy.
Thật vậy, Tin mừng ngày hôm nay cho chúng ta thấy ai là người cộng tác trực tiếp vào cái chết của Chúa Giêsu. Hẳn người ấy phải là Giuđa (Mt 26,15). Giuđa, người quản lý của nhóm, người kề vai sát cánh cùng Thầy, người được Chúa dạy dỗ, hướng dẫn… và ắt hẳn Chúa cũng mong muốn Giuđa trở thành người phụ tá đắc lực trong cánh đồng truyền giáo cũng như trung thành tuyệt đối với ơn gọi của mình. Nhưng không, hai thứ tội: tội tham tiền (Ga 12,6) và sự thất vọng không tin vào tình thương của Chúa (Mt 27, 3-5) đã đưa Giu-đa đến việc phản thầy, bội bạn.
Vào chiều hôm ấy, khi ngồi vào bàn tiệc và giữa bữa ăn Chúa Giêsu bộc lộ tâm tinh: “Thầy bảo thật, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (c.21). Một lời nói được cất lên giữa một bữa ăn quan trọng, thì điều đó là sự thật, mà là một sự thật đau lòng, đến nỗi “các ông buồn rầu quá sức và lần lượt hỏi: Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” (c.22). Một lời cảnh báo của Chúa Giêsu khiến các tông đồ xét lại lòng mình. Có lẽ ai cũng thấy lòng trung thành và yêu mến của mình quá mỏng manh và e rằng sẽ có nguy cơ phản bội, nên lần lượt từng người xưng thú tội lỗi “chẳng lẽ con sao?”.
Sự dữ len lõi vào tâm hồn con người, khiến mỗi người nghi ngờ chính mình và nghi ngờ bạn mình. Chúa Giêsu không trả lời theo niềm chua xót của Ngài “kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, là kẻ nộp Thầy” (c.23).
Đúng vậy, kẻ nộp Thầy không phải là người xa lạ, nhưng là một kẻ trong số những con người đã từng chia sẻ cuộc sống thân thiết với Đức Giêsu. Và ngay bây giờ, kẻ ấy vẫn đang ngồi chung bàn với Thầy: bề ngoài thì thông hiệp với Thầy, nên đồng bạn nhưng trong lòng lại nhen nhúm một âm mưu bội phản. Chúa Giêsu thấy rõ hậu quả của sự dối trá ấy, Ngài thở dài “khốn cho kẻ đó…thà đừng sinh ra thì hơn” (c.24).
Khốn ở đây nói lên hậu quả đời sống mai sau của Giuđa nhưng cũng là một nỗi đau đớn khôn cùng của Chúa Giêsu. Ngài không nguyền rủa, không lên án Giuđa, chỉ tiếc thay cho một cuộc đời không biết dừng lại, không cần ăn năn trở về. Ngay cả khi Giuđa cũng hỏi Thầy một câu tương tự như các anh em, Đức Giêsu đã cảnh báo “Chính anh nói đó!” (c,25), Giuđa vẫn không thức tỉnh, vẫn chai lỳ trong tội của mình mà không chạy đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Từ tội lỗi của Giuđa, mỗi người chúng ta cũng được gọi mời, xét mình, nhìn lại tương quan của ta với Chúa trong đời sống mỗi ngày. Chúng ta có yêu mến và chu toàn đúng bổn phận của người Kitô hữu không? Chúng ta đã chu toàn 10 điều răn của Chúa và 6 điều răn Hội thánh như thế nào? Chúng ta đã thực sự đủ mến Chúa yêu người? Chúng ta có thực hành đúng với những gì Hội thánh khuyên hạy? Hay chúng ta đã nhắm mắt, làm ngơ, đánh rơi ơn Chúa để chiều theo những sở thích cá nhân thấp hèn. Như thế, đó cũng là một cách ăn cắp ơn thánh và chiều theo mặc cảm cá nhân khi không mạnh dạn tín thác vào sự quan phòng của Con Ngôi Hai.
Trong tương quan với tha nhân, chúng ta đã sống đạo, thi hành Lời Chúa như thế nào với anh chị em của mình? Thay vì dùng các ơn Chúa ban như tài năng, đức độ, thông minh và lòng nhiệt thành để nâng đỡ, động viên những người kém may mắn để họ có một cuộc sống tốt lành hơn. Trái lại, chúng ta dùng quyền hành, dùng tiền bạc, dùng danh lợi mà Chúa đã ban để trù dập, để hù dọa và đẩy anh chị em đồng loại vào bước đường cùng. Như thế, đó cũng là một trong những hình thức đánh cắp ơn Chúa ban và kiêu ngạo khi không đủ trung thành với ân nghĩa Ngài.
Cuối cùng trong tương quan với chính bản thân, luật Chúa dạy chúng ta phải tôn kính và thờ phượng một mình Ngài mà thôi. Thế nhưng chúng ta nhiều lần phản bội Ngài khi xem tướng, chọn thầy, mê tín…
Chúng ta đã để cho sự yếu đuối bản thân lấn án sự tín trung nơi Chúa và Hội thánh. Thay vì cần mặc lấy tâm tình của Phêrô, mạnh dạn rũ bỏ quá khứ, cậy trông vào lòng xót thương của Chúa để được cứu, chúng ta lại giống như Giu-đa cứng đầu, ương ngạnh và chai lỳ trước tội lỗi. Như thế, đó cũng là một cách thức đánh cắp ơn Chúa để chiều theo những sở thích và yếu đuối cá nhân. Tệ hại hơn, chúng ta đã không trọn tín nghĩa với lời hứa trong ngày lãnh nhận Bí tính Thanh Tẩy.
Tam Nhật Thánh đã gần bên, Hội Thánh cho ta nghe lại đoạn Tin Mừng nói về việc Giuđa phản bội để muốn nói với mỗi người chúng ta rằng: trong cái chết đau thương của Chúa, cũng có bàn tay của chúng ta nhúng vào bằng tội lỗi của chính mình. Chúng ta có thể kết án Giuđa bán Chúa, kết án các Tông Đồ đã hèn nhát bỏ trốn, kết án dân Do Thái phản bội, kết án quân dữ quá dã man…nhưng người mà chúng ta cần kết án trước tiên đó là chính mình : bởi tôi và do tội lỗi của tôi mà Chúa đã phải chịu chết thê lương dường ấy.
Huệ Minh