Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 16: 12-15)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi thần chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật. Vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi thầy mà truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: “Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.
Khi Đức Giêsu nói những lời trên với các môn đệ, Ngài biết rằng họ đang lo lắng về tương lai của họ; bởi vì Người đã nói với họ rằng Người sẽ ra đi, mà không phải là đi lên vinh quang, nhưng là đi để chịu khổ nhục, chịu bắt bớ, lên án và bị giết chết – còn nỗi buồn phiền nào hơn! Tuy nhiên điều tệ hơn nữa, Người còn loan báo cho họ biết rằng sau khi Người ra đi, chính họ sẽ phải trải nghiệm nhiều sự chống đối và bách hại…. Tất cả những gì họ học được từ Chúa Giê-su trong ba năm theo Người, và những kinh nghiệm từ chính bản thân họ dường như không đủ để họ đối mặt với viễn cảnh của một cuộc sống mà không có Người. Vì vậy, những lời của Đức Giêsu ở đây có tác dụng động viên khích lệ các môn đệ để các ông vững tin vào người.
Đức Kitô khi đến trong trần gian đã đem lại cho nhân loại sự thật về Thiên Chúa tình yêu. Ngài rao giảng sứ điệp đó không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả một cuộc đời hiến tế, để có thể nói lên tiếng nói yêu thương cho đến cùng, cho đến chết trên thánh giá. Tuy nhiên, con đường đó lại là “điên rồ đối với người Hy lạp”, “vấp phạm đối với người Do thái”, và cũng là “nghịch lý” đối với người thời nay. Vì thế, đó cũng là con đường không mấy ai hiểu, không mấy ai theo; hoặc không muốn hiểu, không muốn theo: “Bây giờ, anh em không có sức chịu nổi”. Sự thật toàn vẹn đó chỉ có thể hiểu nổi, theo nổi nhờ Thần Khí.
Thánh Thần được ban cho các môn đệ khi Đức Giêsu ra đi về cùng Cha. Nói cách khác, Đức Giêsu, Đấng Được Xức Dầu đến và hành động theo thánh ý Chúa Cha là do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Nay công cuộc cứu độ đã hoàn tất, Ngài lại ban Thánh Thần cho nhân loại để tiếp tục hoàn thành ơn cứu độ ấy nơi lòng của từng người và của thế giới. Như thế vai trò của Chúa Thánh Thần hôm nay trong Hội Thánh là đưa dẫn Hội Thánh tới của ơn cứu độ trọn vẹn. Để thực hiện vai trò này, Chúa Thánh Thần không làm điều gì khác. Ngài chỉ nhắc cho Hội Thánh nhớ lại những gì Đức Kitô, và khi Hội Thánh đã nhớ, Ngài giúp cho Hội Thánh thấu hiểu. Chúa Thánh Thần chính là “trí nhớ của Hội Thánh”.
Ðón nhận hiểu biết từ Thánh Thần đối với các môn đệ là một khám phá lại về Đức Giêsu, vì Thánh Thần loan truyền những gì đã lãnh nhận từ Ngài. Ðây chẳng phải là một vòng luẩn quẩn hay dư thừa, vì dù cho đã sống ba năm hay hơn nữa, các môn đệ vẫn chưa hiểu về Thầy, nếu không được Thánh Thần hướng dẫn.
Biến cố hiện xuống của Chúa Thánh Thần là lật lại trang sử cuộc đời của Đức Giêsu. Nếu trước đây các tông đồ đã sống trong những trang sử ấy và đã không hiểu gì thì bây giờ nhờ sự trợ giúp của Thánh Thần, các ông sẽ đọc được ý nghĩa của các dấu chỉ. Bây giờ Phêrô sẽ không còn khó chịu khi thấy hai bàn tay đã làm nhiều phép lạ lại sẵn sàng đưa ra cho người ta bắt trói. Ông cũng sẽ không còn trốn chạy trước khổ hình Thập Giá. Nhờ Thánh Thần, Phêrô và các tông đồ đã thực sự hiểu biết. Sự hiểu biết đã mang lại cho các ông sức mạnh, vì hiểu biết giúp các ông sáp nhập vào Ðức Kitô. Họ sống nhưng không còn là họ sống nữa mà là chính Ðức Kitô sống trong họ.
Và cũng chẳng có một sự thật, một con đường và một sự sống nào khác ngoài Chúa Kitô, nên người tín hữu hôm nay cũng được mời gọi hướng về Ngài. Như các tông đồ xưa, họ đã chẳng khám phá ra Ðức Kitô, nếu không được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thiếu vắng Thánh Thần, cái nhìn của tín hữu chỉ là cái nhìn chủ quan, hiểu biết cũng hạn hẹp, mù lòa. Chính khi đã khám phá ra sự thật, họ mới vững niềm tin và mạnh dạn bước theo tiếng gọi của Ngài.
Những điều Thiên Chúa muốn nói qua Người Con đã được ghi lại trong bộ Thánh Kinh, còn Chúa Thánh Thần dần dần vén màn cho chúng ta thấu hiểu được sự thật toàn vẹn. Chính vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy các tông đồ phải đợi đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống mới hiểu được những lời Chúa Giê-su đã nói. Và cũng không lạ khi những lời đã được viết ra cả hằng ngàn năm nay, mỗi khi được tuyên đọc, vẫn khơi dậy trong chúng ta những tâm tình những hiểu biết và những sứ vụ luôn luôn mới.
Nhờ sự hướng dẫn của Thần Khí giúp ta quyết định đúng đắn hay khi ta phải xem xét một tình huống khó khăn, hoặc có một cuộc trò chuyện căng thẳng, mà có một câu hát, dòng nhạc từ bài thánh ca nào đó làm sáng lòng bạn, soi dẫn những tâm tư suy nghĩ của bạn, thì đó cũng có thể là do Thần Khí. Hoặc có một câu Kinh thánh tác động đến bạn như một phương thế để bạn có thể giúp một trong những đứa con của bạn, hoặc những đứa trẻ mà bạn có trách nhiệm; đó cũng là nhờ bởi Thần Khí. Hay khi có một người bạn trao tặng một lời khuyên làm xuyên thấu tâm tư, rung động trái tim của bạn – một lần nữa, đó có thể là nhờ Chúa Thánh Thần…
Như vậy, trong cuộc sống của chúng ta luôn có Chúa Thánh Thần làm bạn đồng hành mà chúng ta có thể cậy dựa, cầu xin bất cứ lúc nào như lời Ðức Giêsu đã hứa “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.” (c. 13b) – Chúa Thánh Thần là “Đấng Đa Năng” tuyệt vời!
Thánh Thần chỉ có sứ mạng là đưa con người đến với Cha và Con là Ðức Giêsu. Ngài chẳng tìm vinh quang cho mình, nhưng chỉ tìm tôn vinh và làm chứng cho Ðức Giêsu. Cha cũng chẳng tim mình. Cha chẳng giữ gì làm của riêng. “Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (c.15) Cha là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con. Con là Con vì đón nhận tất cả từ Cha. Tình yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần, Khi chiêm ngắm thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta thấy đó là một cộng đoàn lý tưởng. Mỗi ngôi vị đều sống cho hai ngôi vị kia. Yêu thương và hiệp thông với nhau đòi từ bỏ Nhưng từ bỏ lại làm cho mỗi ngôi vị trọn vẹn là mình, và sống trong hạnh phúc viên mãn.
Đức Chúa Giêsu đã muốn dạy dỗ và đào tạo các môn đệ, về mọi phương diện để các ông có thể trở nên nhân chứng có uy tín về Đấng Thiên Chúa sai đến giải thoát nhân loại. Nhưng vì các môn đệ Chúa chưa được vững dức tin lại nhát gan và khả năng tiếp thu chưa được phát triển. Điều này cũng cần phải có thời gian, cần thử thách. Nên khi về cùng Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu sẽ xin Thiên Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến để khơi dậy những điều Chúa Giêsu đã dậy các ông. Đồng thời Chúa Thánh Thần cũng cho các ông nhớ lại gương sáng của Đức Giêsu.
Các môn đệ cũng vì cảm thấy mình còn thiếu thốn về hiểu biết, về ngôn ngữ để trình bày chân lý nên cũng sợ, cũng lo. Vậy Chúa Giêsu đã nói với các ông: Thày có nhiều điều phải nói nhưng vì anh em không có sức tiếp thu cả một lúc, nhưng khi Thần khí được Cha sai đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ nói cho anh em những điều Thày đã nói với anh em, Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em những điều sẽ còn xảy đến.
Huệ Minh