Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Ga 17: 11b-19)
12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
SUY NIỆM
Trước ngày bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã thấy trước được sự chia rẽ sẽ xảy ra nơi các môn đệ cũng như nơi con cái của chúa, cho nên Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “xin hãy gìn giữ trong danh của Cha những kẻ mà Cha đã ban cho con, để nhờ đó mà tất cả được nên một như chính chúng ta”.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các con cái của mình, tức là Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta được nên một như chính mẫu mực của sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha. Thế nhưng, làm sao chúng ta có được sự hiệp nhất đó?
Trước hết chúng ta cần phải xác định ngay rằng, hiệp nhất không phải chỉ có trong lời nói, mà nó phải được thể hiện trong những việc làm cụ thể. Mà việc làm cụ thể trước tiên đó là sự hòa thuận.
Trong bản kinh 8 Mối Phúc Thật chúng ta thường hay đọc, có một mối phúc nói lên điều này: “Phúc cho ai ăn ở thuận hoà, vì sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Mà thuận hoà chỉ có được, khi có yêu thương. Quả thật, hai tiếng yêu thương, có thể nói chúng ta nghe không biết bao nhiêu lần; và cũng có thể chúng ta chán nghe hai tiếng ấy lắm, như các môn đệ của Gioan ngày xưa vậy.
Nhưng cũng như Gioan, chúng ta không thể không nhắc lại hai tiếng ấy được, bởi vì nó cần thiết và quan trọng. Nó là chìa khoá để giải quyết mọi vấn đề. Ở đây, sự hòa thuận không phải chỉ có nghĩa là không gây gỗ, không tranh chấp, không lập bè lập phái chống đối nhau, mà còn có nghĩa là phải giúp nhau để xây dựng đời sống về tinh thần cũng như vật chất.
Điều thứ hai cần có, để có được sự hiệp nhất trong cộng đoàn, chúng ta nhất thiết phải có thái độ tôn trọng nhau trong lịch sự và tế nhị. Đây không phải là một thái độ giả hình hay đóng kịch đối với nhau. Nhưng thái độ này có nền tảng từ một tư tưởng trong Thánh Kinh là vì mỗi người chúng ta đều là hình ảnh của Chúa. Cho nên mỗi người cần được tôn trọng đúng với phẩm giá của mình.
Chính vì thế, không thể lấy lý do quen thuộc mà bỏ qua thái độ này đối với nhau, nhất là từ trong chính gia đình của mình. Và khi giữ được như thế, chắc chắn chúng ta sẽ có được sự hiệp nhất trong gia đình, cũng như trong cộng đoàn, trong xã hội mà mình đang sống.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tạo nên sự hiệp nhất ngay trong môi trường sống, để từ chính sự hiệp nhất của chúng con sẽ làm sáng lên khuôn mặt Chúa Giêsu trong cuộc sống của mỗi người. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường