Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Marcô, Mc 9, 37-39 (Hl 38-40)
Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán: “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con”.
Đó là lời Chúa.
Suy niệm: Thấy có kẻ không thuộc “phe” mình mà cả gan lấy danh Thầy trừ quỷ, ông Gio-an đã cố ngăn cản, và cũng xin Thầy ngăn chận việc vi phạm “tác quyền” này. Ông đinh ninh Thầy sẽ ủng hộ lập trường của mình. Thế nhưng, Đức Giê-su cho ông thấy người môn đệ Chúa phải có tinh thần bao dung, chấp nhận đồng lòng chung sức với những con người thiện chí – dù khác quan điểm, tôn giáo – để xây dựng thế giới. “Ai không chống lại là ủng hộ chúng ta” vì ủng hộ sự thiện, sự sống, các thiện ích của con người là cùng mục đích như ta. Ai đứng về phía chân lý để chống lại sự dữ, dù không biết Chúa, thì vẫn có tương quan với Ngài. Đức Giê-su mời gọi ta ra khỏi ranh giới hẹp hòi của phe nhóm, tôn giáo, địa phương, đoàn thể, hội dòng… để cùng nhau góp phần làm cho cuộc sống này nhân bản hơn, tốt đẹp hơn.
Suy Niệm 1: Cộng tác với nhau
Disney và Roy là hai anh em, mỗi người có một biệt tài và họ đã sớm nhận ra tài năng của nhau. Disney là họa sĩ, còn Roy là một doanh nhân. Họ phân công với nhau: Roy lo sản xuất và tiêu thụ. Disney thì tập trung vào sáng tác. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ này, hai anh em đã tạo được sự nghiệp lớn lao.
Nhận ra tài năng của người khác là việc ai cũng có thể làm, nhưng thành thật nhìn nhận tài năng và cùng cộng tác với người khác là điều không dễ thực hiện. Ðó cũng đã là tâm trạng của các môn đệ Chúa Giêsu. Họ khám phá có người nhân danh Chúa để trừ quỷ, nhưng người này lại không thuộc nhóm của họ, thế là họ ngăn cấm người ấy, Chúa Giêsu trả lời: “Ðừng ngăn cấm người ta… Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Qua suốt dòng lịch sử, đặc biệt từ Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội không ngừng đẩy mạnh sự hợp nhất giữa các Giáo Hội Kitô, hoặc trong chính nội bộ của mình. Nhu cầu của Giáo Hội thật đa diện, cần có sự đóng góp của nhiều người mới mong đáp ứng đầy đủ. Những khác biệt trong Giáo Hội là vẻ đẹp muôn mầu muôn sắc, nếu tất cả múc lấy nguồi suối từ Chúa Giêsu và sức mạnh từ Thánh Thần.
Ước gì lời Chúa hôm nay hun đúc chúng ta lòng mong muốn làm điều tốt cho người khác, tìm kiếm chân lý hơn là tìm cách thắng cuộc trong tranh luận. Xin Chúa Kitô là nguồn hiệp nhất trong Giáo Hội giúp chúng ta thành tâm hiệp nhất với nhau trong mọi việc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 2: Lại tranh luận nữa
Ông Gio-an nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” (Mc. 9, 38-39)
Có một lúc nào đó các tông đồ đã tranh luận với nhau để xem ai là người lớn nhất. Và đây lại một cuộc cãi cọ nữa, lần này với một người lạ mà Chúa đã lệnh cho thay vào chỗ Người. Chính Gioan là người đến kể lại cho Thầy về trường hợp người trừ quỷ lạ mặt đó. Ông Gioan này, một con người hiền dịu như thế, lại rất có thể nổi nóng, tàn bạo. Ta còn nhớ, một ngày nào đó, ông đã xin Chúa Giêsu cho lửa trời và sấm sét xuống tiêu diệt một làng của người Samari, vì họ đã không chịu tiếp rước các ngài. Ông không gớm cả những biện pháp mạnh. Ở đây, ông lại bực tức với một người ngoại nhập lấy danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ và được thành công. Thật là xì-căng-đan hết chỗ!
Vì “người ấy không theo chúng ta.” Người ấy không phải là người thuộc nhóm chúng ta và kìa anh ta tiếm quyền của chúng ta, dẫm chân lên những mảnh vườn của chúng ta. Đó là một sự lộn xộn mà anh ta xin Chúa Giêsu sửa sai. Vả lại các tông đồ cũng đã bắt đầu xen vào. Các ông đã ngăn cản anh lấy danh nghĩa Chúa mà hành đông và các ông đòi Chúa công nhận hành đông của các ông. Còn Gioan một phần nào như muốn nói: “Khỏi cần đi theo Thầy nữa, làm môn đệ Thầy mà làm chi, khi mà kẻ tới trước đều có thể hành động nhân danh Thầy.”
Đừng là ốc đảo
Phản ứng của Chúa Giêsu, đày lòng bao dung, đã phải làm cho các môn đệ thất vọng: Người lệnh cho các ông cứ để cho người lạ này trừ được bao nhiêu quỷ thì cứ làm, và công việc ấy biện minh cho con người anh: người mới gia nhập này tỏ cho thấy có nhiều dấu hiệu thiện chí, công việc anh làm đều hướng về Chúa Giêsu, và một khi ra đi rồi, chẳng lẽ anh lại đâm ra khinh rể và nhục mạ Người. Ở đây Chúa Giêsu xem ra lạc quan, sẵn sàng kết nạp mọi người ở ngoài, sẵn sàng tỏ thái độ dễ dàng để chiêu mộ những người theo. Thực tế mà nói, Chúa muốn cho các môn đệ thấy rằng thái độ của các ông là không có căn cứ, là hẹp hòi.
Chúa giải thích thêm bằng câu nói bất hủ: “Ai không chống lại tôi, là ủng hộ tôi.” Người truyền lệnh cho các ông phải vượt khỏi những cái nhìn hoàn toàn phàm trần và hẹp hòi của các ông, bỏ ra một bên tinh thần phe nhóm và cởi mở với tất cả mọi người thiện chí. Nhưng thái độ này của Chúa Kitô không phải là “ba phải” chút nào: khi phải chiến đấu chống sự ác, Người tỏ ra kiên quyết và Người sẽ tuyên bố: “Ai không cùng với chúng ta, là chống lại chúng ta.” Có nghĩa là trung lập khi phải đối phó với sự ác chính là đồng lõa với sự ác vậy.
Suy Niệm 3: AI LÀ NGƯỜI THUỘC NHÓM CHÚNG TA? (Mc, 9,38-40)
Người ta thường so sánh khả năng làm việc nhóm giữa người Việt Nam và người Nhật Bản, kết quả như sau:
Cùng một công việc, một người Việt và một người Nhật, người Việt hơn hẳn người Nhật.
Hai người Việt làm việc với nhau và hai người Nhật làm với nhau, kết quả bằng nhau.
Ba người Việt làm việc chung và ba người Nhật làm việc chung, thì ba người Nhật hơn hẳn về chất lượng cũng như tinh thần cộng tác.
Tại sao vậy? Thưa không phải người Việt không nhận ra khả năng của nhau! Cả người Việt và Nhật đều nhận ra khả năng của người đối diện. Tuy nhiên, về sự trân trọng tài năng và sử dụng chất xám trong khi làm việc chung thì người Nhật bỏ xa chúng ta!
Đây cũng chính là tâm trạng, thái độ của các môn đệ khi thấy người khác làm việc tốt hơn mình, nhưng chỉ vì họ không thuộc về nhóm của các ông, nên các ông tìm cách ngăn cấm họ.
Với Đức Giêsu thì khác. Khi thấy thái độ kỳ thị của các ông, Ngài đã dạy cho họ bài học về sự hiệp nhất trong đa dạng khi nói: “Đừng ngăn cấm người ta… Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Qua câu nói đó, Đức Giêsu muốn dạy các ông bài học về sự đa dạng trong Vương Quốc của Đức Giêsu. Đồng thời cũng mời gọi các ông biết đón nhận những sự khác biệt đó như là một cơ hội để học hỏi và cùng nhau chung tay xây dựng Nước Trời.
Ngày nay, trong đời sống thường nhật, có lẽ nhiều khi chúng ta mong muốn được nhiều người tôn trọng mình và coi thường người khác. Hay có khi chúng ta tìm cách thổi phổng uy tín dởm của mình và luôn tìm cách đạp đổ danh thơm tiếng tốt của đối phương. Hoặc có những lúc chúng ta không ưa ai thì cho dù người đó có tốt lành, gương mẫu thế nào đi nữa, trước mắt và trong lối suy nghĩ của ta, họ chỉ là “con ông nọ, con bà kia ý mà”!
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có được trái tim rộng mở như Chúa, để chúng con biết nhìn thấy điều tốt đẹp nơi anh chị em của mình, và cùng nhau cộng tác nhằm góp phần xây dựng sự hiệp nhất cho Vương Quốc của Chúa trên trần gian. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy niệm 4:
Sau khi Thầy Giêsu loan báo cuộc Khổ Nạn và Phục sinh lần hai,
các môn đệ đã cãi nhau ngay ngoài đường xem ai là người lớn nhất.
Như thế tham vọng cá nhân vẫn tồn tại
cả nơi những người đã bỏ mọi sự mà theo Thầy (Mc 9, 33-37).
Sau vụ tranh cãi có tính nội bộ trên,
bài Phúc Âm hôm nay kể lại chuyện tranh cãi với người ngoài nhóm.
Gioan, “con của Thiên Lôi”, là người khởi đầu câu chuyện.
Thực ra ông chỉ là người nói lên phản ứng chung của các anh em.
Họ bực bội vì có người “không theo chúng ta”, không ở trong nhóm,
mà lại dám lấy Danh Thầy Giêsu để trừ quỷ (c. 38).
Và thực sự người đó đã trừ được một cách thành công.
Danh Giêsu có sức mạnh trừ quỷ, đó là điều không thể chối cãi.
Nhưng đối với Gioan và các bạn của ông,
chỉ những người trong nhóm mới có quyền dùng Danh ấy.
Chính vì thế Gioan thú nhận, “chúng con đã cố ngăn cản…”
Họ muốn độc quyền sử dụng Danh Thầy,
nghĩa là muốn bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của nhóm.
Nếu ai cũng lấy Danh Giêsu mà trừ quỷ, thì còn thế giá gì cho các ông!
Chẳng rõ các môn đệ đã làm gì để ngăn cản người kia,
Chỉ biết Thầy Giêsu không chấp nhận thái độ cấm đoán ấy (c. 39).
Thầy bao dung và cởi mở hơn nhiều.
Thầy có cái nhìn lạc quan về người đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ.
Hẳn người ấy có niềm tin nào đó vào Thầy, vào quyền năng của Danh Thầy.
Như thế anh ấy đã có tương quan ít nhiều với Thầy,
dù không theo Thầy làm môn đệ chính thức trong nhóm.
“Ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c. 40).
Nguyên tắc này của Đức Giêsu khiến chúng ta có thêm nhiều bạn,
và bớt số người mà ta nghĩ là kẻ thù.
Nó khiến chúng ta ra khỏi sự lo sợ vì quyền lợi mình bị đe dọa,
và tránh được những tranh chấp không đáng có.
Thật ra thái độ khép kín và độc quyền thường bắt nguồn từ sự ích kỷ
chứ không từ lòng đạo đức thực sự.
Có thứ khép kín ích kỷ của một cá nhân,
nhưng cũng có sự khép kín ích kỷ của một tập thể,
một họ đạo, một dòng tu, một tôn giáo, một quốc gia.
Đức Giêsu mời chúng ta vượt ra khỏi ranh giới của nhóm mình,
để mở ra với thế giới, với các kitô hữu khác, với những người không tin.
Chúng ta cần thấy những điều chân thiện mỹ nơi họ như những tia nắng
đến từ Vừng Đông rực rỡ là Đức Giêsu,
và cảm được mối dây thầm kín kết nối họ với Thiên Chúa.
Cần tập nhận ra Đức Giêsu đang hiện diện và hoạt động
ở những nơi, những tổ chức và những người mà ta không ngờ.
Rao giảng Tin Mừng cho một người là nói với người ấy rằng
anh đã quen biết Giêsu và Giêsu đã ở trong anh từ lâu.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con trở nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
(Michel Quoist)