“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
Qua trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ sứ mạng của Người đến không phải để phá hủy Lề Luật nhưng là để kiện toàn. Chúa Giêsu còn cho biết ý nghĩa của việc giữ Luật, đó là điều kiện tiên quyết để vào Nước Trời, người ấy được tôn trọng như người lớn trong Nước Trời. Ngược lại, ai khinh thường, chống đối thì là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.
Đức Giêsu không đến để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn ý muốn của Thiên Chúa được thể hiện trong Sách Thánh. Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn tất cả những gì Thiên Chúa đã hứa trong Sách Thánh.
Và Người quả quyết: dẫu “một chấm một phết” (dịch sát là “một chữ i hoặc một cái sừng”, tức là chữ yod, mẫu tự nhỏ nhất trong bảng chữ cái Hípri) cũng sẽ không mất hiệu lực. Nói cách khác, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất trong chương trình của Thiên Chúa được mạc khải trong Sách Thánh cũng sẽ vẫn giữ nguyên hiệu lực “cho đến khi mọi sự được hoàn thành”.
Thời Cựu ước, trên núi Sinai, Đức Chúa trao cho ông Môsê hai bia đá có khắc Mười điều luật để ông trao cho dân Ítraen như một giao ước thánh. Ông Môsê đã làm một cái hòm để đựng gọi là Hòm Bia Giao Ước hay Khám Giao Ước. Hòm Bia được đặt ở trong lều ở trung tâm trại của Israel được gọi là Lều Giao Ước. Ngày ấy, Thiên Chúa nhận dân Ítraen làm dân riêng và hứa sẽ che chở họ, còn dân thì hứa trung thành thờ phượng một mình Thiên Chúa và tuân giữ luật Người ban. Thế nhưng, lịch sử cho thấy, dân Ítraen đã phản bội Đức Chúa, họ chạy theo thờ cúng các thần của dân ngoại. Vì thế, Đức Chúa đã ký kết với dân giao ước mới bằng máu của Đức Giêsu.
Trước kia, luật Chúa ghi trên phiến đá, nay Đức Giêsu đến nội tâm hóa các điều luật và ghi vào tận sâu thẳm trái tim con người. Đó chính là luật yêu thương. Luật đó không ghi lại bằng chữ viết nhưng bằng hành động cụ thể. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, Người đã sống đến tận cùng của tình yêu, Người đã trao hiến chính bản thân mình trên thập giá để cứu độ nhân loại.
Đức Giêsu đem lại cho luật Môsê ý nghĩa đích thực. Luật Môsê chỉ có giá trị tạm thời. Vì Đức Kitô đến để kết thúc giai đoạn con người tìm cách nên công chính qua Lề Luật Môsê. Xác tín về sứ mệnh của Đức Giêsu, thánh Phaolô tông đồ đã khẳng định “Cứu cánh của Lề Luật là Đức Kitô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính” (Rm 10,4). Với Đức Giêsu, tất cả các điều luật của Chúa chỉ tóm gọn một điều, đó là luật yêu thương. Ai sống trọn chữ “Yêu”, người đó đã chu toàn Lề Luật (x. Rm 13,10b).
Con người ngày nay thích tìm sự dễ dãi, họ xem Luật Chúa như một gánh nặng cổ hũ. Đây chính là nguyên nhân gây ra biết bao hệ lụy đáng buồn. Trong Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh tỉnh mọi tín hữu đừng để các tiên tri giả mê hoặc, đừng để tình yêu trở nên nguội lạnh, hãy dấn thân sống trọn tinh thần mùa chay. “Vì sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người sẽ bị nguội lạnh” (Mt 24,12). Người ta xa lìa Thiên Chúa để chạy theo những tiên tri giả. Bao nhiêu người trẻ tìm phương được giả dối trong ma túy, trong những quan hệ “dùng rồi bỏ”, kiếm tiền dễ dàng một cách bất chính! Bao nhiêu người khác nữa bị vướng vào một cuộc sống hoàn toàn là ảo, trong đó những tương quan có vẻ đơn giản và mau lẹ hơn, nhưng rồi chúng vô nghĩa một cách bi thảm! […] Vì thế, mỗi người chúng ta được kêu gọi phân định trong tâm hồn và cứu xét xem mình có bị đe dọa vì những điều giả dối của các tiên tri giả ấy hay không. Cần học cách không dừng lại ở mức độ gần kề, hời hợt, nhưng nhận ra điều để lại trong chúng ta dấu vết tốt lành và lâu bền hơn, vì nó đến từ Thiên Chúa và thực sự có giá trị mưu ích cho chúng ta.
Chúa Giêsu không phải là người vô kỷ cương và luật pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Môsê truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh thần: nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân giữ lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ lề luật để kiện toàn nó, kiện toàn theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho lề luật một tinh thần mới, tức là tình mến.
Luật lệ vốn là lời loan báo của các tiên tri về Ðấng Cứu thế, do đó luật lệ có tính tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo Hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, một cách nào đó, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật, họ cũng loan báo chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên, họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Xét cho cùng, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.
Lề luật phải phục vụ con người đồng thời giúp con người tìm về thánh ý Thiên Chúa được gói ghém trong đó. Trong Cựu Ước, luật đã bị méo mó do cách giải thích quá tỉ mỉ và nặng hình thức của Pharisiêu và kinh sư. Lề Luật, thay vì diễn tả giao ước tình thương lại trở thành gánh nặng, thay vì phục vụ lại đè bẹp con người.
Luật không dựa vào mặt chữ bên ngoài, nhưng hệ tại tấm lòng bên trong – luật được nâng lên tầm cỡ Tin Mừng – con người có được vào Nước Trời hay không, tuỳ thuộc vào việc tuân giữ luật đó: luật Tình yêu.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta nghiêm túc giữ Luật Môsê đã được Ngài kiện toàn. Luật ấy là lời giáo huấn của Ngài. Nhưng giữ luật không phải là chuyện của nô lệ hay. Khi tránh được thói nệ luật, cứng nhắc, chúng ta có thể giữ luật bằng cách biểu lộ tình yêu với Chúa và tha nhân. Trung tín với những đòi hỏi nhỏ bé của các điều răn chỉ vì yêu, đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mai sau cho chúng ta.