Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20: 24-29)
Bấy giờ trong mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không ở cùng với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy những vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy, hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Tôma đã không tin lời chứng của các môn đệ rằng Chúa Giêsu đã sống lại qua việc Ngài hiện ra với họ. Đức tin của cộng đoàn các môn đệ, những người bạn thân thiết đã cùng ông theo Chúa nhiều năm tháng, không giúp ông tin vào sự sống lại của Chúa. Ông khẳng định mình chỉ có thể tin nếu chính ông được gặp Chúa hiện ra, để xác nhận rằng đó chính là Chúa Giêsu thật qua các vết thương của Ngài. Tuy nhiên, khi Chúa hiện ra với ông, Tôma đã không cần thực hiện việc ‘xác nhận’ đó nhưng vẫn tin Chúa đã thực sự sống lại.
Và rồi có thể thông cảm cho Tôma, vì vào thời bấy giờ, những khái niệm như: Kẻ chết sống lại, Phục Sinh… là một điều quá xa lạ đối với người đương thời. Chúng ta đừng đòi hỏi Tôma phải có một đức tin chắc chắn về việc thân xác sống lại như chúng ta ngày hôm nay. Chính các Tông Đồ cũng chỉ có thể hiểu được màu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu sau khi Ngài sống lại và Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Điểm tiếp theo, nếu chúng ta chỉ gán Tôma với danh hiệu “Vị Tông Đồ cứng tin” thì e rằng hơi oan uổng cho ngài. Chúng ta biết rằng, chính vì việc không tin của Tôma mà Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết một điều quan trọng, một mối phúc mới, đó là: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Hơn thế nữa, chúng ta nhận thấy ở đây có sự tiến triển vượt bậc về cách nhận biết Đức Giêsu của ông Tôma. Từ chỗ không tin Đức Giêsu đã sống lại thật, ông đã đi đến chỗ tin nhận Đức Giêsu là “Chúa” và là “Thiên Chúa” – một cách hiểu hoàn toàn mới mẻ đối với ngay cả các Tông Đồ. Đến như Phêrô cũng chỉ tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, trong khi Tôma lại tuyên xưng Đức Giêsu là “Chúa” và là “Thiên Chúa”.
“Sự hồ nghi của Tôma” là điều mà không ít Kitô hữu ngày nay đang gặp phải, đặc biệt là các bạn trẻ phải rời xa gia đình, xa cộng đoàn giáo xứ thân quen để bước vào môi trường học tập, làm việc mới, nơi có những chủ trương, lối sống, học thuyết dễ khiến đức tin của họ bị chao đảo. Khi đó, họ cũng có cùng tâm trạng với thánh Tôma khi xưa, đó là cảm thấy đức tin của cộng đoàn mà mình đã và đang sống chung không giúp gì cho họ trong việc tìm lại niềm xác tín vào Chúa.
Khi chiêm ngắm đời sống và gương sáng của thánh nhân, chúng ta có dịp nhìn lại đức tin của chúng ta. Kể từ khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được gọi là người Kitô hữu (người có Chúa Kitô), hay người tín hữu (người tin vào Chúa Kitô), đáng lý ra, chúng ta là những người được hưởng lời chúc phúc của Chúa Giêsu như lời Ngài nói trong Bài Tin Mừng hôm nay: “phúc cho những ai không thấy mà tin”. Thế nhưng thử hỏi, chúng ta đã và đang thực hành niềm tin đó ra sao?
Chúng ta hạnh phúc hơn Tôma, bởi vì mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta không chỉ được đụng, được chạm, mà còn được đón Chúa ngự vào trong tâm hồn chúng ta, nhưng, mấy người cảm nghiệm được sự hiện diện đích thực của Chúa?
Có thể họ vẫn đi lễ, vẫn tham dự các cử hành phụng vụ cùng với cộng đoàn, nhưng lại cảm thấy lạc lõng giữa những người đang sốt sắng cầu nguyện, ca ngợi Chúa. Cái họ cần là một cảm nghiệm cá vị với Chúa. Khi xưa, Chúa đã đáp ứng “yêu cầu” chính đáng này của thánh Tôma, nhưng Ngài không hiện ra với một mình ông, nhưng là với cộng đoàn các môn đệ có Tôma ở đó. Điều này có nghĩa là hành trình tìm kiếm niềm xác tín cá nhân không thể tách rời khỏi cộng đoàn, nhưng phải được thực hiện trong cộng đoàn và nhờ sự trợ giúp của cộng đoàn.
Niềm tin cần phải được kiểm chứng, đó cũng là thái độ của con người ngày hôm nay. Có lẽ do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, nên người ta đòi mọi sự đều phải được kiểm chứng, phải được cân đong đo đếm. Thế nhưng, họ không biết được rằng, trong cuộc sống, không phải bất cứ thứ gì cũng có thể chứng minh một cách rạch ròi, đó là chưa kể đến những lãnh vực nhạy cảm như: tình cảm, tình yêu, sự hy sinh, lòng vị tha, sự quảng đại…
Niềm tin vào Chúa phục Sinh đã giúp ông biến đổi cuộc đời. Từ việc ông đòi hỏi phải được nhìn thấy bằng mắt, phải sờ được bằng đôi tay, thì giờ đây, bằng đôi mắt của đức tin và sự cảm nghiệm thiêng liêng, ông đã trở nên một Tông Đồ nhiệt thành cho Chúa. Tương truyền rằng, ngài đã đi sang tận miền Ấn Độ xa xôi để truyền giảng Tin Mừng ơn cứu độ và chịu tử đạo ở đó.
Ngày nay, có lẽ Chúa sẽ không hiện ra cách tỏ tường với mỗi cá nhân để đáp lại mọi yêu cầu phải nhìn thấy Chúa thì mới tin vào Ngài, nhưng Chúa chắc chắn cho ta gặp được Ngài qua những gương sáng sống đức tin ngay trong chính cộng đoàn: đó có thể là một cụ già ít học, lọm khọm chống gậy đến nhà thờ mỗi ngày dù trời mưa gió; hay đó cũng có thể là một người đồng trang lứa, sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức để làm việc bác ái.
Trong ngày mừng kính Thánh Tôma hôm nay, với sự trân trọng và yêu mến, hẳn là những gương sáng, những nhân đức hay con đường linh đạo của ngài, sẽ được phơi bầy ra cho cộng đoàn học hỏi chứ không phải là những khuyết điểm của vị thánh. Trong lập luận đó, chúng ta nhìn vào bài Tin mừng hôm nay. Lần hiện ra lần thứ nhất không có Tôma, điều này cho phép chúng ta hiểu, ngài đã đi vào nơi thanh vắng để khám phá lại những gì đã xẩy ra cho Thầy của mình. Nếu như hai môn đệ trên đường Emmau phải được Chúa Giêsu Phục Sinh cắt nghĩa kinh thánh, mới hiểu được mọi điều đã được loan báo về Đức Giêsu, thì có thể chính Tôma, đã tự mình khám phá ra điều đó.
Vì thế khi thánh Tôma nói: “Nếu tôi không thấy dấu đanh nơi bàn tay Ngài, và không xỏ ngón tay vào các lỗ đinh, và không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không tin” (Ga 20,25), hẳn là thánh Tôma đã khám phá ra một điều quan trọng. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói rằng: “Tôma cho rằng, các dấu hiệu hùng hồn nhất về căn cước của Chúa Giêsu từ nay chính là các vết thương, đó là dấu tích tỏ lộ Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Về điều này thánh nhân không sai lầm, Cứu Chuộc không thập giá thì không phải cứu chuộc, môn đệ chối từ thập giá không phải là môn đệ. Vì thế 8 ngày sau, khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra, thánh nhân đã tuyên xưng một cách hùng hồn nhất trong toàn thể Tân Ước: “Lạy Chúa của con, lạy thiên Chúa của con”.
Huệ Minh