Suy niệm Thứ Tư tuần XIV thường niên B

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10: 1-7)

1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông;3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô;4 ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người.5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: 6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.

SUY NIỆM 1

Chúng ta được kêu gọi sống hiệp nhất. Một trong bốn dấu chỉ của đạo Công giáo cũng là hiệp nhất; và người tín hữu Kitô không ngừng được kêu gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Thế nhưng, thực tế trong đời sống đạo, thường xảy ra tình trạng chia rẽ, kéo bè lập phái, nhóm này nhóm kia; và cũng có nơi tình trạng đi đến chỗ tệ hại là loại trừ lẫn nhau. Một tình trạng chẳng những không thể chấp nhận mà còn cần phải được cải tổ một cách triệt để.

Cha mẹ loại trừ con cái. Con cái chống đối cha mẹ. Vợ chồng không thể nên một như khế ước hôn nhân chỉ vì không thể chấp nhận nhau. Bạn bè tẩy chay, hành tỏi nhau. Thầy trò như không còn có mối liên hệ nào. Tình trạng loại trừ, chia rẽ không chỉ xảy ra ở “đời thường” mà nó còn xảy ra ngay trong giới tu hành… tất cả như mách bảo chúng ta rằng: “Không có gì quí hơn độc lập tự do!

Về niềm tin: những người cùng tín ngưỡng nghi ngờ nhau, linh mục có những nghi ngờ trong hàng linh mục: thiếu cởi mở, thiếu thông cảm; tu sĩ có những nghi vấn trong cộng đoàn tu sĩ; giáo dân thì khỏi nói, ganh tỵ và đua nhau từng tý: “Trâu buộc ghét trâu ăn”… tất cả như những ung nhọt cần được giải phẫu tận căn! Rõ khổ! Nhưng chúng ta phải nhìn nhận những thực tế đó để mà suy nghĩ, cầu nguyện và ra sức xây dựng cho sự hiệp nhất theo ý nguyện của chính Đức Giêsu: “Xin cho chúng nên một như Cha và Con là một”.

Trong cánh đồng truyền giáo, đôi khi chúng ta cũng vướng vào việc loại trừ người này người kia; nguy hiểm hơn là chúng ta loại trừ những người không cùng tôn giáo với mình, trong khi đối tượng này mới thiết yếu cần được chúng ta quan tâm và giới thiệu Đức Giêsu cho họ. Chúng ta viện vào Lời Chúa và cho rằng: mình chỉ được sai đến với những chiên lạc của nhà Israel mà thôi! Nhưng chúng ta lại quên rằng, khi nói: “Các con đừng đi về phía dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn là hãy đến với các chiên lạc của nhà Israel”, Đức Giêsu chỉ nói đến tính cách tạm thời của việc truyền giáo, chứ chưa phải là lần sai đi có tính cách phổ quát sau khi Người phục sinh.

Tất cả đều qui hướng về Đức Kitô như thánh Biển Đức đã dạy: “Muôn dân biết phục tùng luật lệ và các ước nguyện của Đức Kitô”. Tinh thần qui hướng về Đức Kitô vốn là một thứ nhân bản đích thực đã dung hòa tính siêu việt của lời cầu nguyện với việc làm của con người, vì như thánh Grêgôriô viết: “Thánh Biển Đức, nhờ biết cân nhắc mọi sự cách chín chắn, đã nắm được đầy đủ tinh thần tất cả những người ngay lành”. Và cũng chính vì thế mà thánh Biển Đức được đặt làm bổn mạng Châu Âu, vì thánh nhân đã nêu cao tinh thần hiệp nhất và cầu xin cho sự bình an nơi tâm hồn các tín hữu.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã thiết lập Giáo Hội để tiệp tục sứ mệnh của Chúa trong dòng lịch sử. Nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của thánh Biển Đức, xin Chúa thánh hóa và làm cho chúng con nên hiệp nhất trong tình yêu Chúa và tha nhân, để chúng con ngày càng trở nên xứng đáng hơn với sứ mệnh mà chúng con đã lãnh nhận. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy Niệm 2

Truyền Giáo là bản chất của Giáo Hội. Nếu không truyền giáo, chúng ta đánh mất bản chất của mình. Vì thế, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định “Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo trong tương lai, bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội” (Thông điệp Tertio Millennio Adveniente, số 57). Bởi vì Giáo Hội coi: “Truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi xứng hợp, và là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 14).

Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ chia sẻ sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Sứ mạng ấy là: hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi hầu cho “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Cùng một sứ mạng, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta, những Kitô hữu, mỗi người một cách, hãy loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi băng nhiều cách thế khác nhau để cho muôn dân được nhận biết Đức Giêsu và ơn cứu độ của Ngài mang lại.

Mong sao, lệnh truyền của Đức Giêsu “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), và thái độ, ý thức về truyền giáo của thánh Phaolô cũng là của chính chúng ta: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9, 16).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ lực cho các nhà thừa sai trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, để các ngài chu toàn bổn phận đã được trao phó, đồng thời, xin cho chúng con được trở nên môn đệ và được tiếp bước với Chúa trên cánh đồng mênh mông bao la hiện nay. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Suy Niệm 3

Thánh Bênêđictô sinh tại Norcia năm 480 trong một gia đình giàu sang quý tộc.

Khi nhỏ, cha mẹ cho ngài được ăn học ở địa phương, để gần gũi với gia đình, dễ bề đào tạo tính tình đức hạnh.

Năm 14 tuổi, thánh nhân được gởi đến học ở Rôma. Học ở Rôma được một thời gian, ngài thấy Rôma không phù hợp với mình vì cuộc sống ở Rôma lúc đó rất suy đồi trụy lạc. Để giữ gìn linh hồn mình được luôn trong sạch. Ngài đã trốn khỏi kinh thành, muốn tìm đến một nơi thanh vắng, sống đời ẩn tu tịch mạc. Ý muốn của Ngài đã được Chúa ưng thuận. Miền hoang địa cách Rôma 40 dặm là nơi Ngài đã dừng chân để được sống cuộc đời tịch liêu thân mật với Chúa.

Trong khi còn đi lang thang tìm một hang trú ẩn, Bênêđictô gặp được thầy Rômanô, một tu sĩ cùng chí hướng với mình. Tình yêu và lý tưởng đã kết hợp hai người thành đôi bạn chí thiết. Rômanô chỉ cho Bênêđictô một hang rất kín chưa hề có một vết chân người lui tới. Bênêđictô sống ở đó ba năm. Hằng ngày thầy Rômanô mang bánh cho Ngài. Sau thời gian vắn vỏi sống đời ẩn dật hoàn toàn, Chúa muốn đặt ngọn đèn thánh thiện của Bênêđictô lên nơi cao để soi dẫn cho nhiều người.

Ma quỷ thấy nhân đức của ngài thì luôn tìm đủ cách quấy phá. Đứng trước những cám dỗ của ma quỷ, Ngài luôn làm dấu Thánh giá xua đuổi chúng. Còn những người muốn sống đời nhân đức trọn lành tìm đến, thì Ngài luôn sẵn sàng hướng dẫn giúp đỡ, dạy bảo. Nhờ đó mà danh thơm thánh thiện của ngài lan rộng khắp nơi. Cả những người quý phái ở Rôma cũng đến xin làm môn đệ ngài. Ngài thành lập 12 tu viện nhỏ, để tiếp nhận họ và giúp họ tập rèn nhân đức.

Số người muốn tu luyện theo đường lối thánh nhân mỗi ngày một đông, nên năm 520, ngài phải dời về Montô Cátsinô, thành lập tu viện. Đây là tu viện đầu tiên của thánh Bênêđictô. Chính Ngài soạn tu luật cho tu viện. Sau này tu luật mang tên người được phổ biến khắp châu Âu, nên người được mệnh danh là “Tổ phụ của nếp sống đan tu ở phương Tây”.

Ngày nay hầu như tất cả các nước trên thế giới đã có sự hiện diện của các đan viện sống theo lý tưởng của Ngài. Các tu sĩ của Ngài đã hết lòng yêu mến và tuân giữ ba đặc điểm như ba cột  trụ chi phối và nâng đỡ đời sống của mình. Ba cột trụ đó là cầu nguyện, học hành và lao động. Người tu sĩ hằng ngày chuyên cần cầu nguyện, siêng năng học hỏi Lời Chúa và làm việc chân tay để tự nuôi sống.

Bênêdictô qua đời ngày 21 tháng 3 năm 547. Từ cuối thế kỷ VIII, Ngài đã được kính nhớ vào ngày 11 tháng 7. Ngày 24 tháng 10 năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ra tông thư “Sứ giả hoà bình” (Pacis nuntius), đặt người làm bổn mạng toàn châu Âu.

Thánh Bênêđictô nhắc nhớ chúng ta rằng có một nhu cầu sâu xa nhất của con người là trải nghiệm những giờ cầu nguyện bên Thiên Chúa. Nhưng chúng ta không phải đi vào một hang động, mà có thể lưu lại ngay bên nhà thờ và viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng ta cũng có thể tạo một góc cầu nguyện trong căn phòng của chúng ta. Chúng ta sẽ sống mật thiết hơn với Thiên Chúa nhờ những lời cầu nguyện hàng ngày với Chúa Giêsu.

Và rồi hôm nay Tin mừng kể về việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ.

Chúa Giêsu chọn Nhóm 12 tông đồ. Đây là một biến cố rất quan trọng trong lịch sử cứu độ và trong việc thành lập Dân Thiên Chúa của Giao ước mới. Nhóm Mười hai là đại diện của Dân Israel mới. Mỗi vị được chọn bằng tên gọi riêng để làm thành một cộng đoàn các tông đồ gọi là Nhóm Mười hai trong Tân ước.

Họ không có của cải, không có học thức cao, không có địa vị trong xã hội. Họ được chọn từ trong dân gian, những người chỉ làm việc thường, không được giáo dục đặc biệt, không có lợi thế xã hội. Người ta nói Chúa Giêsu không tìm kiếm những người phi thường, Ngài tìm những người tầm thường để làm việc một cách rất phi thường.

Chúa Giêsu không chọn những người tài cao và học rộng, giàu sang và quí phái, chức vụ và uy quyền trong xã hội, nhưng Ngài đã chọn người có tấm lòng và thiện chí. Chỉ cần hai điều này thôi, còn mọi điều khác Chúa sẽ lo liệu.

Có một tác giả đã tưởng tượng ra việc Chúa chọn các tông đồ như sau: sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào, Ngài đành quăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện Ngài không chọn được một ai.

Các tông đồ được chọn không phải vì các ngài có tấm lòng và thiện chí như tiêu chuẩn của Chúa, nhưng vì Thiên Chúa yêu thương họ trước cả khi họ biết Chúa. Các tông đồ được Chúa chọn cũng không phải vì các ông có quả tim tinh tuyền như Chúa đòi hỏi, nhưng vì lòng nhân từ của Ngài mà Ngài hy vọng sẽ hướng dẫn, dạy dỗ họ, để họ đổi mới mà thành những chứng nhân tông đồ cho muôn dân.

Sứ điệp của việc chọn gọi ở chỗ Chúa Giêsu nhìn mỗi người, không phải chỉ để thấy họ thế nào, nhưng để thấy Ngài có thể khiến họ trở nên như thế nào. Không ai nên nghĩ rằng mình không có gì để dâng cho Chúa. Chúa Giêsu có thể lấy điều một con người tầm thường hơn hết dâng lên để sử dụng trong việc trọng đại.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.

Mười hai tông đồ là mười hai công việc khác nhau, theo những khả năng được phú bẩm cho các ông, nhưng lại cùng chung một sứ vụ là thăng tiến niềm tin, hướng đến việc hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, quy tụ muôn người về một mối. Các ông mang trong mình lời dặn dò và hình ảnh chân thực của Thầy mình hơn nữa, các ông được mời gọi loan truyền tình thương và lòng thương xót cho thế giới. Chữa lành thể lý để đưa người ta đến sự thật niềm tin vào Thiên Chúa. Làm sao điều cốt yếu được thực hiện và thấm nhuần cách chính xác: “Nước Trời đã gần đến”. Nước Trời ở đây được hiện thực hoá nơi chính việc các ông làm cho người khác có khả năng đón nhận niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất.

Chúa biết mỗi người chúng ta là những phận hèn sức yếu. Vì thế, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải ra đi loan báo tin mừng ở những nơi xa xôi. Nhưng Chúa muốn chúng con biết tích cực gieo vãi yêu thương và bình an cho những người gần gũi chúng ta. Xin cho chúng con ý thức và tích cực thực thi lời Chúa dạy.

Huệ Minh