Suy Niệm: Tin Mừng Mt 10: 1-7
Tin mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ. Họ không có của cải, không có học thức cao, không có địa vị trong xã hội. Họ được chọn từ trong dân gian, những người chỉ làm việc thường, không được giáo dục đặc biệt, không có lợi thế xã hội. Người ta nói Chúa Giêsu không tìm kiếm những người phi thường, Ngài tìm những người tầm thường để làm việc một cách rất phi thường. Sứ điệp của việc chọn gọi ở chỗ. Chúa Giêsu nhìn mỗi người, không phải chỉ để thấy họ thế nào, nhưng để thấy Ngài có thể khiến họ trở nên như thế nào. Không ai nên nghĩ rằng mình không có gì để dâng cho Chúa. Chúa Giêsu có thể lấy điều một con người tầm thường hơn hết dâng lên để sử dụng trong việc trọng đại.
Trước khi gọi và chọn ai, chắc chắn Thiên Chúa đã biết rõ con người đó như thế nào vì “Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc” (Gr 11, 20). Chính Ngài thấu tỏ tận căn nơi mỗi con người nên Ngài gọi và chọn đích danh từng người một. Quan sát trong bản văn Kinh Thánh hôm nay, Đức Giêsu gọi tên từng người, nghĩa là Ngài không gọi một cách chung chung mà gọi đích danh chính anh chứ không ai khác. Ngài muốn người được gọi có một xác quyết rõ ràng và dứt khoát và Ngài cũng muốn lắng nghe tiếng đáp trả trực tiếp của chính người đó mà bước đi theo Ngài chứ không phải đi theo một Đấng nào khác.
Ngài gọi các Tông Đồ không phải vì họ khôn ngoan, đạo đức, tài giỏi, thông thái hơn người. Lược lại tiểu sử các Tông Đồ, có lẽ chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì tất cả các ngài không phải là những người xuất thân từ những gia đình giàu có, học thức và tài giỏi mà hầu hết xuất thân từ những gia đình vùng quê nghèo, vô danh, tiểu tốt. Nói đúng hơn, các ngài xuất thân từ làng chài lưới, ít học và chân chất. Đức Giêsu biết họ là những người như thế nhưng Ngài vẫn gọi và chọn họ vì họ có sự thành tâm thiện chí, lòng nhiệt huyết và dám dấn thân cho sứ vụ. Ngài đã gọi và chọn ai, dù họ bất toàn thế nào thì Ngài cũng bổ khuyết và làm cho nên hoàn hảo nhờ quyền năng và ân sủng của Ngài.
Chúa Giêsu kêu gọi và tuyển chọn nhóm Mười Hai. Họ là những người lao động bình thường, là những ngư phủ hay thậm chí là người thu thuế. Nhưng, vượt lên trên tất cả gốc gác, địa vị, học vấn, hoàn cảnh, họ đều đi theo Đức Giêsu trong lý tưởng chung của người tông đồ. Lòng cảm mến và tình yêu dành cho Đấng Mêsia, sức hút và nguồn lực bên trong con người các ông đã thôi thúc, hun nóng và làm bừng cháy nhiệt huyết tông đồ.
Và từ đó, gạt đi những tính toán của con người, phá tan những ràng buộc từ gia đình và xã hội, bỏ ngoài lề những vinh hoa, hưởng thụ, khoái lạc, các ông đã lên đường và gieo rắc Tin Mừng yêu thương trên toàn địa cầu này. Như vậy, sứ mạng tông đồ bắt nguồn từ Thiên Chúa, Ngài kêu gọi và tuyển chọn những người Ngài muốn, nhưng đó cũng là lời đáp trả của người được gọi với niềm xác tín mạnh mẽ vào Đấng gọi mình. Giả như các ông phớt lờ tiếng gọi của Chúa, giả như các ông bàng quan với Ngài thì các ông sẽ không quả cảm chấp nhận những đau thương, khổ nhục trong việc dậy men Tin Mừng. Do đó, cần lắm thái độ vâng phục của người tông đồ để ý định của Thiên Chúa được thực thi.
Các tông đồ được chọn không phải vì các ngài có tấm lòng và thiện chí như tiêu chuẩn của Chúa, nhưng vì Thiên Chúa yêu thương họ trước cả khi họ biết Chúa. Các tông đồ được Chúa chọn cũng không phải vì các ông có quả tim tinh tuyền như Chúa đòi hỏi, nhưng vì lòng nhân từ của Ngài mà Ngài hy vọng sẽ hướng dẫn, dạy dỗ họ, để họ đổi mới mà thành những chứng nhân tông đồ cho muôn dân.
Với thánh sử Máccô và Luca chỉ nêu danh sách 12 tông đồ khi Chúa gọi các ngài; còn Matthêu thì nhắc đến nhóm 12, khi Chúa sai các ông đi rao giảng. Như vậy, Matthêu đã nhấn mạnh đến sứ mạng của nhóm 12 hơn là việc kêu gọi các ngài, và đề cao mối liên lạc mật thiết giữa tông đồ đoàn và sứ mạng truyền giáo. Họ là những chứng nhân tiêu biểu, đã được Chúa Giêsu huấn luyện, trao quyền hành và nhiệm vụ truyền giáo, như chính Người đã được Chúa Cha sai đi.
Sự chọn gọi các môn đệ của Chúa Giêsu là có chủ đích: Đó là để sai đi, công bố Tin Mừng Nước Trời, cùng với sứ mạng, các môn đệ được trao cho quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đây là dấu chỉ của thời đại Nước Trời đã đến, Tin Mừng thắng được sự dữ, Tin Mừng đến để phục vụ, để cứu chữa. Lệnh sai đi của Chúa Giêsu năm xưa vẫn còn hiệu lực cho Giáo Hội hôm nay, người kitô hữu có bổn phận đến với muôn dân, mang Tin Mừng của Chúa đến bằng sự phục vụ, yêu thương và cứu chữa. Như trong bài đọc một. Giuse nhận ra kẻ thù là anh em, sẵn sàng chia sẻ khi anh em gặp khốn khó, cấp dưỡng khi anh em bị bỏ rơi.
Các Tông đồ được Đức Giêsu mời gọi làm thành một nhóm gọi là nhóm Mười Hai. Các ông khác biệt nhau về tính tình, học thức, nghề nghiệp… Tuy vậy, Đức Giêsu vẫn trao cho các ông cùng một sứ vụ rao giảng Tin Mừng và ban cho các ông quyền trên cá thần ô uế, để các ông có thể thi hành sứ vụ Ngươi trao một cách xứng hợp, hiệu quả, và đem lại cho dân chúng niềm vui, vì được giải thoát khỏi những gánh nặng của bệnh tật, khổ đau.
Mười Hai tông đồ ngày xưa đã đi khắp mảnh đất Palestin, và đã đặt chân đến những vùng đất mới. Thế giới hôm nay rộng hơn và phẳng hơn xưa. Chúng ta được Đấng Phục sinh sai đến mọi dân tộc (Mt 28, 20). Các phương tiện truyền thông ngày nay giúp ta dễ dàng làm chuyện đó. Nhưng chúng ta vẫn không được quên, trên quê hương Việt Nam gần 80 triệu ngườio chưa đón nhận Tin Mừng.
Chúa sai các môn đệ lên đường như những cánh tay nối dài để các ông chia sẻ sứ mạng với Chúa. Đồng thời khi sai các môn đệ lên đường, Chúa cũng trao cho các ông thần lực của Người là quyền trên các thần ô uế và có khả năng chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền. Nhờ thế mà đi đến đâu, các tông đồ có thể công bố: Nước Trời đã đến gần.
Sứ điệp của việc chọn gọi ở chỗ Chúa Giêsu nhìn mỗi người, không phải chỉ để thấy họ thế nào, nhưng để thấy Ngài có thể khiến họ trở nên như thế nào. Không ai nên nghĩ rằng mình không có gì để dâng cho Chúa. Chúa Giêsu có thể lấy điều một con người tầm thường hơn hết dâng lên để sử dụng trong việc trọng đại.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.
Huệ Minh