Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 13: 44-46)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời cũng giống như người buôn nọ, đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy”.
Suy niệm 1
“Nước Trời giống như kho báu giấu trong ruộng”
Nước Trời là chính Thiên Chúa, là thiên đàng, là sự sống đời đời, là ơn Chúa ban, là sự thánh thiện, v.v. được ví như là kho báu. Điều này đã khơi dậy trong chúng ta sự khao khát, ước mong và tha thiết làm mọi sự để được Chúa làm gia nghiệp, được sống đời đời, được nên thánh mỗi ngày một hơn.
Kho báu được giấu trong ruộng diễn tả rằng muốn được Chúa, được sự sống đời, được nên thánh thì phải tìm kiếm; nghĩa là phải nỗ lực, phải cố gắng qua cửa hẹp. Như vậy, Chúa nhắc nhở chúng ta, sống đạo không phải là sống cách hời hợt theo kiểu tài tử, chỉ dừng lại trên môi miệng, mà là chính con người với những thực hành trong đời sống vượt qua những khó khăn.
“Khi đã gặp được rồi thì chôn giấu lại”. Chúng ta phải hiểu theo nghĩa bóng với sự đòi hỏi của đời sống qua chọn lựa. Một khi đã hiểu, đã biết và đã tin vào Chúa, tin vào sự sống đời đời thì có lòng ao ước muốn chiếm lấy làm sở hữu cho mình. Vậy, muốn gặp gỡ Chúa, muốn nên thánh thì chúng ta phải có lòng ao ước, có ý muốn ngay lành.
Tâm tình vui mừng bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng. Nếu chúng ta muốn được Chúa làm gia nghiệp, muốn nên thánh, thì phải hy sinh, phải từ bỏ mọi sự, để, trước hết, là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và để yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và sức lực.
Như thánh Alphongsô đã từ bỏ nghề luật sư để làm linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm giám mục để loan báo tình yêu của Chúa Kitô. Ngài đi giảng không biết mỏi mệt những mong muốn đưa nhiều người về với tình yêu cứu độ của Chúa. Ngài coi đó như là kho tàng và người mong muốn chiếm đoạt cho bằng được.
Xin thánh Alphongsô bảo trợ để chúng ta biết noi gương người mà hăng hái sống Phúc âm, dấn thân phục vụ cho cánh đồng Nước Chúa, hầu gắt hái những thành quả tốt đẹp cho đời sống đức tin. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Lòng Yêu Mến Chúa Và Mẹ Của Thánh Anphongsô
Nói về cuộc đời của thánh Anphongsô là nói về cuộc đời của một con người ngoại hạng, một người vĩ đại của thế kỷ Ánh sáng với những tác phẩm để đời mà ảnh hưởng còn kéo dài cho đến hôm nay như bộ Thần Học Luân Lý, Vinh Quang Mẹ Maria, Nữ Tu Thánh Thiện, Chân Lý Đời Đời…một cuộc đời hoạt động không mỏi mệt vì các linh hồn, một trái tim đầy lòng thương xót đối với những con người bị bỏ rơi bên lề cuộc sống tâm linh, một đời sống bôn ba xuôi ngược để xây dựng một hội dòng lo đến phần rỗi linh hồn của những người nghèo khổ để rồi cuối cùng lại là người chết bên ngoài hội dòng, một người dám thề hứa với Chúa không bỏ phí một phút nào trong đời mình, một vị thánh của cầu nguyện với câu nói thời danh “ai cầu nguyện chắc chắn sẽ được cứu rỗi, ai không cầu nguyện sẽ phải hư mất”… Làm thế nào mà Anphongsô có thể làm được tất cả những điều cao cả ấy ? Đó là vì lòng yêu mến Chuá Giêsu, vì khi yêu người ta có thể làm được tất cả.
Thánh Anphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marinella gần Naples, nước Ý. Ngài là con trưởng trong một gia đình quý tộc có bảy anh em. Ngài có đầu óc rất thông minh và có trái tim hết sức nhạy cảm. Cha Ngài làm việc trong triều đình, còn mẹ ngài là người có lòng nhân đức và bác ái. Anphongsô ngay từ thửa bé đã học rất giỏi và có đầu óc sáng suốt. Bên cạnh đó ngài cũng có một tấm lòng quảng đại đối với tất cả mọi người.
Ta thấy Thánh Anphongsô đã chứng tỏ ngài là một sinh viên ưu tú và xuất sắc. Ngài đã được ban giám khảo miễn trừ cho 3 tuổi, do đó vào năm 16 tuổi, Anphongsô đã lấy bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật của Đại học Napôli. Sau một thời gian thì ngài lại bỏ nghề luật sư, và từ đó ngài đã dấn thân cho công cuộc bác ái. Kể từ đó ngài nhận ra được tiếng Chúa mời gọi ngài dấn thân trong cánh đồng phục vụ nước Chúa.
Năm 1726 ngài được thụ phong linh mục và ngài đã dồn mọi nỗ lực trong việc tổ chức tuần đại phúc ở các giáo xứ, cũng như nghe xưng tội và thành lập các đoàn thể Kitô giáo.
Vào tháng 11 năm 1732, ngài đã thành lập dòng Chúa Cứu Thế tại Scala. Đây là một hội dòng gồm các linh mục và tu sĩ sống chung với nhau, tận tụy thei gương Đức Kitô và hoạt động chính yếu là tổ chức tuần đại phúc cho nông dân ở thôn quê. Như một điềm báo cho điều sẽ xảy ra sau này, sau một thời gian hoạt động thì những người đồng hành với ngài từ lúc khởi đầu đã từ bỏ tu hội và chỉ còn lại có một thầy trợ sĩ. Nhưng sau bao nỗ lực, tu hội đã dần phát triển trở lại và được chập nhận vào 17 năm sau, dù rằng khó khăn vẫn chưa hết.
Sự canh tân mục vụ lớn lao của thánh Anphongsô là cách giảng thuyết và giải tội. ngài thay thế kiểu hùng biện khoa trương bằng sự giản dị dễ hiểu, và thay thế sự khắc nghiệt của thuyết Jansen bằng sự nhân từ.
“Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Thánh Anphongsô đã vạch ra cho nhân loại con đường theo Chúa : “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình,vác thập giá của mình mà theo Ta” (Lc 9, 23). Nên, thánh Anphongsô, hôm nay đã giơ tay cao, đã chỉ cho các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế của Ngài nhớ về cội nguồn của mình. Cội nguồn mà chính thánh Anphonsô đã lập ra một Dòng mang tên Chúa Cứu Thế vào năm 1732 với bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu khó khăn, thử thách. Thánh Anphongsô đã viết nên trang sử oai hùng cho đời mình, cho Dòng mình sáng lập.
Với 16 tuổi đời, hai bằng tiến sĩ luật đạo và đời đã hé mở tương lai rạng rỡ cho cuộc đời thăng tiến của Anphongsô. Vinh quang vẫn là thách đố lớn nhất đối với gia đình của Anphongsô. Cha của Người không đồng ý cho Anphongsô tận hiến cuộc đời cho Chúa. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, một vụ kiện, đáng lẽ Anphongsô phải thắng, nhưng vẫn là đường lối quan phòng kỳ diệu của Chúa, thánh Anphongsô đã từ bỏ pháp đình, từ bỏ tất cả. Với sự nhất quyết theo chân Chúa, Anphongsô đã thắng cả sự ngăn cản của người cha và Người đã quyết định dứt khoát đi vào con đường hẹp.
Thánh Anphongsô, sau khi học xong triết và thần học,đã lãnh nhận sứ vụ linh mục vào ngày 21 tháng 12 năm 1726. Người đã chuyên cần giảng dậy và khuyên bảo mọi người thay đổi, tiến bước trên con đường nên thánh. Vì chính Người, sau một cuộc thua kiện đã thay đổi tất cả, đổi mới tất cả. Thánh Anphongsô đã đặt chiếc gươm, biểu tượng của dòng quí tộc dưới chân Ðức Mẹ. Thánh Anphongsô đã biến giây phút đó, giây phút hiện tại mà Người đặt thanh bảo kiếm dưới chân Ðức trinh nữ Maria làm giây phút hồng phúc và cứu độ. Cái giây phút mà trong cuộc hành trình chịu chết, Chúa đã nhìn Phêrô khiến Phêrô ăn năn và quay trở về với Chúa. Ðó là giây phút cứu độ của Phêrô. Còn đối với Anphongsô, giờ cứu độ của Người ở ngay dưới chân Ðức Mẹ.
Trong tác phẩm được rất nhiều người biết đến “ Vinh quang Mẹ Maria” ngài đã viết trong lời tựa: Mẹ biết rồi đó, sau Chúa Giêsu thì mẹ là người con đặt tất cả niềm cậy trông sẽ được phần rỗi đời đời. Như vậy có nghĩa là lòng yêu mến Chúa Giêsu được đặt ở vị trí hàng đầu trong lòng mến của ngài. Yêu mến Chúa Giêsu là điều ngài luôn bận tâm trong suốt cuộc đời để rồi ngài đã có thể nói lên xác quyết cách mạnh mẽ : tất cả những sự trọn lành của chúng ta chỉ hệ tại ở việc yêu mến Chúa với trót cả tâm hồn (Thực hành Yêu Mến Chúa Giêsu). Có nhiều người đã tưởng rằng sự trọn lành hệ tại việc sống khổ hạnh, việc đọc nhiều kinh, việc siêng năng lãnh các bí tích, việc làm phúc bố thí… song họ đã lầm. Thánh Anphongsô đã quả quyết như thế. Có lẽ đây là kinh nghiệm của chính ngài. Thời trẻ ngài đã hi sinh, hãm mình phạt xác cách nhặt nhiệm, có cả việc đánh tội rất dữ dội nhưng rồi ngài đã khám phá ra điều cốt yếu lại chính là là lòng yêu mến Chúa Giêsu chứ không phải việc làm nào khác.
Anphongsô đã đáp lại tình yêu Chúa bằng một tình yêu trao hiến được biểu tỏ trong mọi hành vi của cuộc đời, là hiến thân hoàn toàn cho Chúa để phục vụ các linh hồn, dành thời gian cho việc rao giảng tin Mừng, viết sách vở giúp các linh mục và hàng giáo sĩ, tu sĩ và bề trên, giáo dân nhất là tầng lớp những con người bình dân, nghèo khổ, ít học thiếu thốn sự hướng dẫn thiêng liêng. Ngài đã cảm và đã hiểu được tác động và ý nghĩa của lòng yêu mến và đã đáp trả bằng cách hiến trọn cho tình yêu, nhất là lòng yêu mến Chúa Giêsu.
Trong việc giảng dạy, thánh Anphongsô đã căn dặn các tu sĩ rằng: “Tôi xác tín và tôi vẫn luôn luôn xác tín một cách mạnh mẽ rằng phương cách rao giảng của chúng tôi có một hình thái rất đặc biệt. Sự gần gũi của chúng tôi đối với dân chúng, lối giảng dạy bình dân, sự hiểu biết thần học và những chân lý căn bản, cộng với lòng nhân ái của chúng tôi nơi tòa giải tội – tất cả những nét đặc thù này đã lôi kéo đông đảo dân chúng đến với chúng tôi, và chúng tôi luôn sẵn sàng đáp ứng một cách hiệu quả”.
Năm 1762, Đức giáo hoàng Clementô XIV đặt Ngài làm giám mục cai quản địa phận Agata. Ngài đã nỗ lực thăng tiến lòng đạo đức trong địa phận, khởi sự từ viêc canh tân hàng giáo sĩ. Năm 1775, Ngài được đức giáo hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm để về sống trong dòng tại Nocera.
Những năm cuối đời, thánh Alphongsô đã trải qua rất nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Dầu trong “đêm tối của linh hồn”, ngài vẫn không nao núng và luôn kiên trì cầu nguyện. Ngài nói: “Ai cầu nguyện sẽ được cứu thoát, ai không cầu nguyện sẽ tự luận phạt”. Cuối cùng ngài tìm được bình an và qua đời năm 1787. Ngài được phong thánh năm 1831 và được tuyên xưng tiến sĩ Hội Thánh năm 1871.
Nhìn vào lòng yêu mến Chúa Giêsu của thánh Anphongsô, chúng ta hiểu được sự kỳ diệu của tình yêu khiến cho ngài trở nên một vị thánh vĩ đại với lòng yêu mến các linh hồn cách mãnh liệt, làm nhiều việc cao cả sinh ích cho Giáo hội, giúp chúng ta có được những hướng dẫn thiêng liêng thật quí giá để tiến tới trên con đường yêu mến Chúa Giêsu .
Chúng ta cùng cầu nguyện với thánh Anphongsô trong những lời này:
Lạy Chúa Giêsu là niếm cậy trông của con, là tình yêu ngọt ngào duy nhất của hồn con! Con thật chẳng xứng đáng được Chúa an ủi. Xin Chúa dành ơn ấy cho những người vô tội vốn hằng yêu mến Ngài. Phần con là kẻ tội lỗi. Con chẳng đáng được như vậy. Con chẳng dám xin ơn ấy. trọn cả ước muốn của con là: xin Chúa hãy làm cho con yêu mến Chúa, xin Chúa hãy làm cho con biết thực thi thánh ý Chúa trong mọi cảnh huốn cuộc đời con, và hãy thực hiện nơi con điều đẹp lòng Chúa. Amen.
Huệ Minh