Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 15: 21-28)
Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con vua Đavid, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm”. Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi”. Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel”. Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”. Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó”. Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.
Suy Niệm: Tin Mừng Mt 15: 21-28
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cao lòng tin của người đàn bà xứ Canaan, tức là một người ngoại giáo. Một trong những điều hẳn sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng, đó là trên Thiên đàng, chúng ta sẽ gặp gỡ những người chúng ta chưa từng quen biết, ngay cả những người chưa một lần mang danh hiệu Kitô hay đặt chân đến nhà thờ.
Thời Chúa Giêsu, có biết bao người ngoại giáo có lòng tin sâu sắc hơn cả những người Do thái. Trước hết, tiên tri Isaia đã từng khiển trách lòng giả dối của người Do thái: “Dân này thờ Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng họ thì xa Ta”. Thời Chúa Giêsu, có biết bao người bị loại ra khỏi xã hội, bị đặt bên lề Ðền thờ, và có lẽ cũng không hề thuộc toàn bộ lề luật của Môsê, nhưng lại có lòng sám hối và tin tưởng sâu xa hơn. Nói với những người chỉ giữ đạo một cách hình thức, Chúa Giêsu đã cảnh cáo: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời; nhưng là những kẻ thực thi ý Chúa”.
Trong não trạng của người Do thái, người Canaan bị xem là dân ngoại không đáng được hưởng lòng thương xót từ Thiên Chúa. Ban đầu Chúa Giêsu giả vờ từ khước sự kêu cầu của bà. Song bà vẫn mạnh dạn kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Kitô, đến mức mà các tông đồ phải kêu lên rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi” (15, 23-25); hơn nữa, bà đã rất khiêm tốn khi trả lời Chúa Giêsu rằng “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống” (15, 27). Trước thái độ khiêm tốn và đức tin mạnh mẽ của bà, Chúa Giêsu đã chữa lành cho con gái của bà. Lòng tin và sự khiêm tốn của người mẹ đã mang lại sự chữa lành cho đứa con.
Trong một xứ sở không tin thờ Thiên Chúa, lại xuất hiện một người phụ nữ tin vào Đức Kitô, có nghĩa là tin vào một Người có Tên là Giêsu, Người ấy là Đấng Cứu Thế, vì rõ ràng bà đã xác tín và kêu lên như vậy. “Lạy Ngài là con Vua Đavit, xin dủ lòng thương xót tôi!” (c 22 b). Như vậy, chúng ta biết yếu tố đức tin nằm ở đây.
Ngoài tất cả những thứ mà bà ta đã tin và đã làm theo cho con gái của mình, thì tất cả đều vô vọng. Trong địa hạt mà bà đang sinh sống có truyền thống không tìn vào Thiên Chúa. vậy, mà giờ đây bà đã nghe về Đức Kitô đã xuất hiện và tin vào Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến, là Con Vua Đavit, là cụm từ chỉ về “Đấng Cứu Thế”. Sự kêu cầu tha thiết, van xin hết lòng, bất chấp những lời đàm tiếu, những sự xua đuổi, nhưng bà vẫn đến gần Chúa Giêsu để van xin Người cứu chữa con gái bà. Chúa Giêsu không phải không biết, Người không vô tâm như những vị “lương y” tầm thường.
Lần thứ hai, bà lại đến gần và thưa : “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” (c 25), và Chúa dùng Lời để thứ thách bà. Người đáp : “Không nên lấy bánh của con cái trong nhà mà ném cho lũ chó con.” (c 26). Nhưng bà đáp lại : “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” (c. 27)
Người đàn bà Canaan có lẽ không hề biết đến lề luật Môsê, nhưng đã sống niềm tin của mình một cách mãnh liệt. Lòng tin đó được thể hiện qua việc phó thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa Giêsu. Trong tình thế hầu như tuyệt vọng, bà đã chạy đến với Chúa Giêsu; sự van nài của bà cho thấy sự kiên nhẫn và lòng tin sắt đá của bà. Sự khác biệt cơ bản giữa một người có niềm tin và một người không có niềm tin, không hệ tại ở danh hiệu Kitô hay những thực hành đạo đức, mà chính là lòng tin. Tin vào sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa trong cuộc sống, tin vào tình yêu vô biên của Ngài, tin vào ý nghĩa của cuộc sống, tin vào tình người, đó là sắc thái chủ yếu của người có niềm tin: chính trong niềm tin đó, con người gặp gỡ Chúa Giêsu.
Trong một hoàn cảnh mà cái nhìn của con người có thể cho là tuyệt vọng, người Kitô hữu hơn bao giờ hết được mời gọi để nêu cao niềm tin của mình. Ðây là thời điểm để họ chứng tỏ bản sắc đích thực của mình. Trong cuộc sống chỉ có nghi kỵ và hận thù, họ được mời gọi để đốt lên ngọn đuốc của yêu thương. Trong một xã hội bị gậm nhấm bởi chán nản tuyệt vọng, họ được mời gọi để mang lại niềm hy vọng. Chỉ khi nào giữ đúng vai trò đó, người Kitô hữu mới thực sự xứng đáng với danh hiệu của mình.
Việc chữa lành của Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa là dành cho tất cả mọi người, không phân biệt ai, dù là dân thánh – dân Ítraen được Thiên Chúa tuyển chọn – hay dân ngoại, dù là người công chính hay người tội lỗi. Tất cả đều được hưởng ơn cứu độ từ Thiên Chúa, miễn là chúng ta biết khiêm tốn chạy đến cùng Chúa và đặt trọn niềm tin vào Ngài, Ngài sẽ cứu chữa cho chúng ta thoát khỏi mọi cơn nguy khốn. Thêm vào đó, sự kiên trì nài nỉ của người đàn bà Canaan khuyến khích chúng ta trong đời sống cầu nguyện: nếu chúng ta kiên trì cầu xin những điều đẹp ý Chúa và cần thiết cho đời sống chúng ta, chắc chắn Chúa sẽ thương nhận lời.
Và rồi Lời Chúa hôm nay cũng cho chúng ta biết, phải thận trọng trong việc ban phát ân sủng siêu nhiên, làm bác ái, hay sinh hoạt tôn giáo, hoặc đối đáp với chính quyền đều phải thận trong khôn ngoan, nhất là việc truyền giáo, rửa tội cho tân tòng, cũng cần hết sức thận trọng và nhận ra đức tin chân thật của họ, chứ không phải lấy nước mà đổ ào ào.
Huệ Minh